Phù Dung Trấn

Rời Phượng Hoàng cổ trấn, chúng tôi tiếp tục chuyến đi khoảng 150km để đến Phù Dung trấn, cũng nằm ở tỉnh Hồ Nam. Cổ trấn nằm ở khu vực núi nên đường đi khá dốc. Tới khách sạn nhận phòng xong là chúng tôi tranh thủ đi tham quan luôn trước khi trời tối.

Một góc của Phù Dung trấn nhìn từ cầu Thổ Vương

Phù Dung trấn được xây dựng dưới thời Tây Hán, cách đây hơn 2000 năm, khi đó là một châu tự trị của dân tộc Thổ Miêu với tên gọi là Vương Thôn – nơi sinh sống của Đại vương tộc Thổ gia. Trải qua năm tháng thời gian và các cuộc chiến tranh, những công trình kiến trúc hơn 2000 tuổi đã được thay thế bằng những công trình sau đó, nhưng vẫn giữ được phong cách cổ truyền và hơi thở của lịch sử qua hàng trăm thế hệ.

Kiến trúc truyền thống được bảo tồn qua nhiều thế hệ, kể cả việc trùng tu hay xây mới

Đứng trước vẻ đẹp cổ kính hài hòa với thiên nhiên hùng vỹ, chúng tôi thấy chụp ảnh kiểu gì cũng không thể lột tả được hết vẻ đẹp của cổ trấn này.

Vào thăm Vương Thôn phải mua vé, tấm vé này cho phép khách du lịch ra vào trong ngày, vì buổi tối tại sân khấu ngoài trời ngay cổng sẽ có buổi biểu diễn văn nghệ dân tộc Thổ Gia và Miêu.

Sân khấu ngoài trời gần cổng vào Vương Thôn

Bộ phim “Thị trấn Phù Dung” được quay tại Vương Thôn đã đạt giải Vàng là phim Trung Quốc hay nhất năm 1987, vì thế Vương Thôn đã đổi tên thành Phù Dung trấn. Nhưng ngay ở cổng vẫn giữ tấm bia ghi tên Vương Thôn.

Bên cạnh cổng vào, nơi soát vé là ngọn giả sơn ghi tên Vương Thôn

Qua cổng soát vé, sẽ đi ngang qua một khu sân khấu ngoài trời rộng, rẽ trái hai bên sẽ nhìn thấy một số bức tượng đồng, minh họa cho một thời kỳ ký kết hòa ước giữa Thổ vương và triều đình nhà Hán, công nhận sự tự trị của vùng đất Thổ vương này. Ở đây buổi tối cũng có diễn văn nghệ và chiếu đèn.

Bức tượng về hòa ước của Thổ Vương với triều đình nhà Hán

Phù Dung trấn có địa thế độc đáo, lưng tựa vào dãy núi Sùng Sơn trải dài với diện tích lên đến 42km2, nên nhìn từ xa, Phù Dung trấn giống như treo giữa thác nước. Nơi cao nhất trấn Phù Dung nằm ở độ cao 927m so với mực nước biển. Thác nước Phù Dung nằm ở phía tây của trấn cổ với độ cao 60m, rộng khoảng 40m, gồm 2 tầng thác bên sườn núi, đổ xuống dòng sông Dậu Thủy, một nhánh của sông Nguyên Giang, là thác nước lớn nhất nằm ở phía Tây của tỉnh Hồ Nam.

Những ngôi nhà cheo leo bên sườn núi, nhìn từ chân thác

Những ngôi nhà tại Phù Dung trấn được xây dựng theo lối kiến trúc Điếu Cước Lâu (nhà dựng trên những cây cột, lưng tựa vào núi), tương đối giống như Phượng Hoàng cổ trấn. Đây cũng là kiến trúc đặc trưng của nhà cổ của các dân tộc thiểu số, sống ở vùng núi miền nam Trung Quốc. Nhà Điếu Cước Lâu được thiết kế dựa theo độ dốc của núi. Toàn bộ ngôi nhà dựng trên những cây cột gỗ lớn và chắc chắn, gọi là Điếu Cước. Nửa trước ngôi nhà được đỡ bằng những Điếu Cước chống vào sườn núi, nửa sau sẽ nằm trên bề mặt núi.

Đây là con đường đi xuống chân thác và cảnh Phù Dung trấn ở bên trên

Nét đặc trưng và là duy nhất của Phù Dung trấn chính là những ngôi nhà gỗ nằm hai bên thác nước và những ngôi nhà cổ nằm hai bên con đường Ngũ Lý Thạch Bản được lát bằng những phiến đá xanh nối Phù Dung Trấn đến bến tàu sông Dậu Thủy.

Đường Ngũ Lý Thạch Bảo là con đường chính chạy dài xuyên qua Phù Dung trấn

Cầu Thổ Vương cũng là một công trình kiến trúc Thổ Gia tiêu biểu, được xây dựng thành lối đi dẫn đến cung điện Tusi và là nơi để các Thổ Ty dạo bước thưởng ngoạn phong cảnh, nghỉ chân dạo mát, đàm luận thơ văn, ca hát. Lối kiến trúc mái cao, góc cạnh của Cầu Thổ Vương thể hiện cho sự uy nghi của gia tộc cũng như mang ý nghĩa phong thủy để xua đuổi tà ma.

Bên trong cầu Thổ Vương

Đây cũng là nơi có thể ngắm cảnh Phù Dung trấn từ trên lưng chừng núi.

Cầu Thổ Vương nhìn từ bên ngoài

Cũng như những trấn cổ khác, tất cả các ngôi nhà hai bên con đường chính đều là cửa hàng bán đồ ăn vặt, các loại đặc sản địa phương và không thiếu cửa hàng cho thuê váy áo dân tộc.

Đường Ngũ Lý Thạch Bản và các cửa hàng hai bên đường

Vì không có nhiều thời gian, nên mọi người đều tranh thủ đi xuống phía dưới chân thác nước để ngắm cảnh ngược lên trên cao và còn phải dành sức để leo ngược trở lại.

Hai tầng thác đổ xuống sông Dậu Thủy
Một góc Phù Dung trấn phía trên thác nước

Buổi biểu diễn ca nhạc dân tộc khá vui, tuy rằng trời chợt đổ mưa, nên chương trình phải cắt ngắn, nhưng rất nhiều khán giả đã lên sân khấu cùng nhảy múa với các diễn viên dân tộc.

Khán giá nhiệt tình tham gia giao lưu với diễn viên trên sân khấu

Buổi tối ngắm thác nước và Phù Dung trấn lung linh ánh đèn thật đẹp, nhưng vì trời mưa nên chúng tôi quyết định về khách sạn sớm, vì đường về khách sạn không xa nhưng lại lên dốc xuống đèo, nên không thể về quá muộn được.

Phù Dung trấn về đêm

Đối với Phù Dung trấn, bạn có thể dành thời gian một ngày, thong thả dạo chơi và ngắm nhìn phong cảnh, đặc biệt là buổi tối, tôi nghĩ là tạm đủ. Chúng tôi phải tiếp tục hành trình đi Trương Gia Giới nên tạm biệt Phù Dung trấn ở đây, có thể một ngày nào đó tôi sẽ quay lại.

Đường đi dốc trong Phù Dung trấn, từ khách sạn vào Vương Thôn

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *