Sau khi núi lửa phun trào từ khoảng 100.000 năm trước và lần gần đây nhất là vào năm 1707 kéo dài trong 16 ngày và tro bụi núi lửa đã lan đến tận Tokyo, một ngọn núi được hình thành sừng sững ở độ cao 3.776 mét, vậy mà vẻ đẹp của nó lại làm cho tôi cảm thấy như vẻ đẹp của một cô gái, có buồn cười không? Núi Phú Sĩ đối với tôi là như vậy.
Tôi đến Phú Sĩ lần đầu vào năm 2010, vào mùa đông và được ngắm từ rất xa, trong một chút thời gian ngắn ngủi, nên không có nhiều ấn tượng. Nhưng lần này tôi đã có rất nhiều cơ hội để ngắm núi Phú Sĩ từ nhiều góc và thật sự phải thốt lên “quá đẹp”!
Núi Phú Sĩ hiện lên thật bất ngờ! Khi hướng dẫn viên giới thiệu điểm dừng chân là hồ Kawaguchico, hồ lớn nhất dưới chân núi Phú Sĩ, tôi chỉ chăm chăm nhìn hồ nước này, xem nó có gì đặc biệt và thật sững sờ khi chụp vườn oải hương trên bờ hồ, tôi bỗng nhìn thấy núi Phú Sĩ ở phía xa.
Những đám mây trắng như từ đỉnh núi bay lên. Màu xanh của vườn oải hương, màu xanh của nước hồ và màu xanh của núi như hòa quyện với nhau, nhưng lại tôn nhau lên với những vẻ đẹp riêng biệt.
Quanh quẩn bên bờ hồ Kawaguchico khá lâu, bị quyến rũ bởi những vườn hoa muôn màu, nhất là nhưng bông hồng vừa to vừa đầy màu sắc, nhiều người có lẽ không để ý đến Phú Sĩ nữa, nhưng với tôi thì Phú Sĩ vẫn hấp dẫn hơn những đóa hồng.
Sau đó chúng tôi đi ô tô lên trạm thứ 5 trên núi Phú Sĩ để có thể chiêm ngưỡng được gần hơn. Việc lên trạm 5 phụ thuộc vào thời tiết, không phải ai đến cũng có thể lên được. Chúng tôi là những người may mắn!
Nhưng buổi chiều mây nhiều nên chúng tôi phải “rình” cả giờ đồng hồ để “chộp” lấy khoảnh khắc mây tan ra và ngắm nhìn những mảng tuyết đang tan chảy, vẫn còn màu trắng để lại những vết loang trên đỉnh núi.
Thật sự là đứng ở lưng chừng núi mà ngắm đỉnh núi thì không dễ!
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dậy rất sớm và thời tiết đã không phụ lòng người. Chúng tôi đi bộ trên bờ hồ Yamanaka, hồ lớn thứ hai trong ngũ hồ ở chân núi Phú Sĩ. Núi Phú sĩ hiện ra trước mắt chúng tôi thay đổi sau mỗi góc cua.
Tôi mải mê chụp Phú Sĩ và vẫn không thấy hài lòng bởi những bức ảnh không thể lột tả được hết vẻ đẹp của Phú Sĩ. Đỉnh núi vẫn còn những mảng tuyết trắng chưa tan hết, chảy dọc theo sườn núi. Phía trên đỉnh dưới lớp tuyết là màu nâu của nhan thạch từ núi lửa, xen lẫn chút màu xanh của cỏ bắt đầu mọc lên. Chân núi thì xanh rì…
Khi những tía nắng chiếu lên sườn núi, vẻ đẹp của Phú Sĩ thay đổi, lúc xanh mướt, lúc ánh tím, ánh vàng, lúc lại mờ đi như đang che mạng.
Đối với người Nhật, Núi Phú Sĩ từ lâu đã là một địa điểm tâm linh rất quan trọng và là nguồn cảm hứng nghệ thuật. Trong nhiều thế kỷ, người Nhật đã tạo nên một mối liên kết tâm linh với ngọn núi này. Truyền thuyết kể rằng nhà tu khổ hạnh nổi danh Hasegawa Kakugyo (1541–1646) đã leo lên đỉnh núi hơn 100 lần và dẫn đến sự hình thành Fuji-ko, một nhóm những người tôn thờ Núi Phú Sĩ. Giáo phái này đã xây dựng nhiều đền thờ, tượng đài đá và nhịn ăn để thể hiện sự tôn thờ của họ đối với núi Phú Sĩ. Lòng trung thành đến mức cuồng tín của họ, đã khiến Mạc phủ Tokugawa lo lắng đến tầm ảnh hưởng và đã ra lệnh cấm tín ngưỡng này. Dù vậy, truyền thống thờ phụng ngọn núi lâu đời này của Nhật Bản tiếp tục tồn tại đến ngày nay, khiến ngọn núi Phú Sĩ được sùng bái và tôn kính như một địa điểm tâm linh quan trọng.
Hôm sau chúng tôi đi thăm ngôi làng Osino Hakkai, một trong những ngôi làng cổ còn giữ lại được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Nhật. Tôi đã chụp được rất nhiều bức ảnh núi Phú Sĩ từ ngôi làng này. Còn về ngôi làng, tôi sẽ chia sẻ trong bài khác.
Người Nhật đã đề nghị Unesco công nhận núi Phú Sĩ như một di sản thiên thiên thế giới, nhưng không được Unesco đồng ý. Tuy nhiên, quần thể văn hóa truyền thống được lưu giữ từ các vùng dân cư xung quanh chân núi Phú Sĩ lại là một tài sản văn hóa vô giá. Chính vì vậy mà quần thể núi Phú Sĩ, bao gồm các khu dân cư bản địa đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Hàng năm có khoảng từ 200.000 đến 300.000 người leo lên đỉnh núi Phú Sĩ vào mỗi mùa hè từ tháng 7-8. Thời gian khác, đường lên đỉnh núi sẽ đóng, vì có thể nguy hiểm khi leo lên. Từ trạm 5 là trạm cuối cùng xe ô tô có thể đưa khách lên, sau đó mọi người sẽ phải leo bộ. Những người leo lên đỉnh núi thường vào lúc bình minh để được ngắm mặt trời nhô lên khỏi đường chân trời. Do vậy, họ bắt đầu leo từ ngày hôm trước và nghỉ qua đêm tại khu vực nghỉ ngơi trên núi, trước khi khởi hành sớm vào sáng hôm sau.
Ngày xưa, leo núi Phú Sĩ là một cách khổ luyện cho các shugenja, những người hành trì Shugendo – một tín ngưỡng thờ núi cổ xưa và ngay cả các tầng lớp thấp hơn cũng đã thực hiện việc hành hương đến núi Phú Sĩ. Hiện tại, việc leo núi đã dễ dàng hơn rất nhiều. Và nhiều người trong số những người trèo lên đỉnh Phú Sĩ không phải vì tín ngưỡng, mà đơn giản vì vẻ đẹp của núi Phú Sĩ hay vì chinh phục chính bản thân họ. Có rất nhiều ngôi đền thờ dưới chân núi là một minh chứng cho ý nghĩa lịch sử và tâm linh của Núi Phú Sĩ.
Đến được với Phú Sĩ là có duyên và tôi thấy may mắn là mình đã đến đây lần thứ hai, để có cơ hội nhìn thấy vẻ đẹp thật sự của Phú Sĩ!