Chúng tôi thuê khách sạn ở ngay gần quảng trường Hòa Bình, Praha nên vừa “ngoi lên” mặt đất từ bến tàu điện ngầm, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là lưng của nhà thờ Thánh Ludmila. Mặc dù lúc đó còn phải mang vác vali, nhưng tôi cũng cố chụp tấm ảnh đầu tiên ở Praha trong chuyến đi này, đó là phía sau của nhà thờ.
Và mỗi lần đi đâu, chúng tôi ra bến metro hay tàu điện đều đi qua nhà thờ, lúc phía sau (metro) khi thì đi quan trước mặt. Đây là lần thứ hai tôi đến Praha, vào mùa đông nên vườn hoa xung quanh nhà thờ đã tàn và cây cũng ngả lá vàng và rụng nhiều. Nhưng lần trước tôi đi vào đầu mùa thu nên đã có một bức ảnh rất đẹp của nhà thờ.
Mỗi nhà thờ Kito giáo thường dành riêng cho một vị Thánh, không giống như chùa đạo Phật, tất cả đều thờ phụng Đức Phật Thích Ca giống nhau. Chính vì vậy mà tôi muốn biết vị Thánh Ludmila là ai, và vì sao được thờ riêng một nhà thờ. Ludmila đã kết hôn với Borivoj I – Công tước Kitô giáo đầu tiên của Bohemia, vào năm 873 và được trở thành tín đồ Cơ đốc giáo nhờ sự truyền giáo của Thánh Methodius. Hai vợ chồng bà đã nỗ lực để chuyển đổi Bohemia sang Cơ đốc giáo, nhưng ban đầu không được đón nhận, thậm chí họ đã bị những người ngoại giáo đuổi khỏi đất nước trong một thời gian. Cuối cùng, hai vợ chồng trở lại và cai trị trong vài năm trước truyền ngôi cho con trai là Vratislav và chuyển về sống ở Tetin.
Khi vua Vratislav qua đời vào năm 921, con trai của ông – Wenceslas (Vaslát) trở thành người cai trị tiếp theo của Bohemia và Ludmila là bà của nhà vua, cũng là người đã nuôi dạy cháu trai và đóng vai trò nhiếp chính cho vua.
Mẹ của vua Wenceslaus là Drahomira ghen tị với ảnh hưởng của bà Ludmila (mẹ chồng) đối với vua Wenceslaus, nên đã giết hại mẹ chồng mình bằng cách siết cổ. Thánh Ludmila đã được phong Thánh ngay sau khi bà qua đời và năm 925, vua Wenceslaus đã chuyển hài cốt của bà đến Nhà thờ Thánh George, Praha. Bà được tôn sùng như một người bảo trợ của Bohemia.
Nhà thờ Thánh Ludmila Praha có phong cách La Mã tân cổ điển được xây dựng năm 1888 và trở thành trung tâm tôn giáo của quận Vinohrady năm 1893. Chính Hoàng đế Franz Josef I đã đến thăm nhà thờ khi còn đang trong quá trình xây dựng. Năm 1929 nhà thờ được nâng lên thành tòa thánh.
Mặt trước nhà thờ có hai tòa tháp chuông cao 60m và được trang trí bằng những bức tượng và hoa văn.
Chúng tôi đến nhà thờ một lần vào ban ngày, lúc đó hầu như không có du khách, nên đã chụp được một vài bức ảnh nội thất bên trong của nhà thờ.
Các bức tranh và tác phẩm điêu khắc bên trong nhà thờ là của các nghệ sĩ quốc gia Josef Vaclav Myslbek, Josef Apek và Frantisek Enisek.
Và một lần vào buổi tối khi nhà thờ đang tổ chức lễ nên không dám chụp ảnh nhiều.
Tuy có thể không phải là nhà thờ đặc sắc nhất, với “bộ sưu tập” những bức họa và tác phẩm điêu khắc độc đáo, nhưng nhà thờ Thánh Ludmila Praha chắc chắn sẽ thu hút bạn khi đi qua, vì kiến trúc cổ kính nằm giữa một vườn cây tươi đẹp.
Chào cô!
Cháu xin giải thích thêm một vài điều để cô có thể hiểu hơn về đạo Công Giáo ạ. Tất cả các nhà thờ Công Giáo chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa và chỉ mình Ngài mà thôi. Khi các nhà thờ được xây dựng lên, các giáo dân hay đấng bản quyền nơi đó sẽ chọn một vị Thánh bổn mạng ( gọi là bổn mạng vì muốn thông qua vị Thánh đó để cầu nguyện lên với Chúa), các vị Thánh đó có thể là gắn liền với mảnh đất đó hay có các điển tích liên quan đến vùng đó, hoặc cũng có thể là các giáo dân muốn theo các gương sáng của họ đã làm mà nhận làm bổn mạng cho nhà thờ đó, nhờ các vị đó để cầu nguyện lên với Chúa. Đạo Công Giáo chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa, còn Đức Mẹ và các Thánh thì là kính nhớ đến các Ngài ạ, chứ không phải là tôn thờ ạ.
Chúc cô có thêm sức khỏe, thêm những bài viết hay và ý nghĩa hơn nữa ạ. Cháu quê hương ở nhà thờ Phú Nhai mà cô post lên đợt đầu năm ạ.
Cám ơn Joseph Tan rất nhiều.