Malacca thành phố cổ kính nhất của Malaysia

Malacca

Sau gần 4 giờ ngồi ôtô từ biên giới với Singapore, vượt qua  khoảng 200 km đường cao tốc, chúng tôi đã đến Malacca. Đây là thành phố có bề dày lịch sử trên 600 năm, mang kiến trúc kết hợp giữa phương đông với những ngôi nhà mái cong Trung Hoa, đền thờ mái vòm Hồi giáo và phương tây với các nhà thờ Thiên Chúa giáo, những toà nhà của người Anh và Hà Lan. Malacca còn là cửa khẩu biển  quan trọng ở phía tây đảo Peninsular, nằm trên con  đường chính nối thủ đô với Singapore, cách Kuala Lumpur 147 km.

Người hướng dẫn kể lại rằng: “Năm 1400 hoàng tử Parameswara từ Sumatra Hindu trong cuộc chiến tranh tranh giành đất đai đã thất trận, bị truy nã ông đã rời bỏ tổ quốc sang vùng đất này để trú tạm. Trong một lần đi săn ông đã được chứng kiến một sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của ông. Một con chó săn đuổi theo một con chồn và dồn nó tới bờ sông, cùng đường nếu nhảy xuống nước, con chồn sẽ chết, nó bất ngờ quay ngược lại xù lông tấn công con chó săn. Bị tấn công bất ngờ con chó hoảng sợ bỏ chạy. Ngồi dưới gốc cây tận mắt chứng kiến cảnh tượng vừa rồi vị hoàng tử đã cảm thấy sự tương đồng số phận và quyết định phải vươn lên, ông đã thành lập một vương triều mới và định cư tại đây. Tên của cái cây mà hoàng tử ngồi dưới gốc được lấy để đặt tên cho thành phố này, Malacca.

Giữa thế kỷ 15 một vị tướng Trung Hoa ngài Chinh Hô đã lãnh đạo những chiến thuyền vượt biển Đông đưa những người Hoa đầu tiên đến đất Malacca. Các chiến binh người Hoa đã xây dựng ở đây những thành quách, nhà cửa. Nhiều người đã định cư ở đây, lấy vợ và sinh ra các thế hệ người Hoa trên mảnh đất này. Những khu phố người Hoa được xây dựng và trở thành một trong những khu đầu tiên của thành phố. Đồi Chinh Hô và một nghĩa trang của người Hoa, nơi đã chôn cất khoảng 12 nghìn người dân đã được chính phủ Malaysia quyết định gìn giữ như một di sản của thành phố. “

Chúng tôi tới thăm ngôi đền thờ ngài Chinh Hô, nằm trên một ngọn đồi. Bức tượng ngài bằng đá nhỏ đặt ngoài sân. Người ta bảo rằng, ai xoa bụng ngài thì sẽ được no đủ, ai xoa đầu ngài sẽ được thông minh, còn người muốn có quyền lực thì xoa vào thanh kiếm của ngài. Trong đền còn có một giếng nước lớn là nơi cung cấp nước cho các chiến binh. Nay ai uống nước giếng này thì lời cầu xin của họ sẽ trở thành sự thật. Tôi cũng cố uống được một ngụm, nhưng lại quá hồi hộp nên đã quên không cầu xin gì cả.

“Đầu thế kỷ 16 những người thương nhân Bồ Đào Nha đến đây buôn bán, nhưng họ đã không được dân bản sứ tiếp đón tử tế, điều này đã kiến nhà vua Bồ Đào Nha phẫn nộ. Năm 1511 ông đã gửi những chiến binh đầu tiên tới Malacca, cuộc chiến tranh với người Bồ Đào Nha kết thúc với 130 năm làm thuộc địa. Năm 1641 người Hà Lan đã mở những cuộc chiến tranh với người Bồ Đào Nha và đã chiếm được Malacca, biến mảnh đất này thành thuộc địa của mình trong 180 năm. Năm 1826 Người Anh đến Malacca không phải bằng những trận đánh mà bằng hiệp ước đổi đất, Anh nhượng lại cho Hà Lan một vùng đất ở Inđônesia, đổi lại Hà Lan cho Anh Malacca như một vùng thuộc địa và ở đây 130 năm. Năm 1942 người Nhật đã xâm chiếm Malacca và ở đây 3 năm 8 tháng. Sau chiến tranh thế giới thứ II người Anh thay mặt quân đồng minh quay lại Malaysia để giải giáp quân Nhật. Malacca một lần nữa lại trở thành thuộc địa của Anh cho tới năm 1957 Malaysia mới giành được độc lập.”

Trở lại trung tâm thành phố, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Phố Hà Lan, nhà thờ Thiên chúa giáo…khiến tôi có cảm giác được thực sự đặt chân tới châu Âu. Mọi người thi nhau chụp ảnh, tôi cũng phải nhờ người khác bấm vội một kiểu và dành thời gian đi xem xét xung quanh. Những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 18, thậm trí có cái từ thế kỷ 17 được giữ gìn cẩn thận, sau những lần tu sửa vẫn giữ nguyên những nét đẹp ban đầu. Một trong những toà nhà cổ là bảo tàng lịch sử và dân tộc học Stadthuys được xây dựng vào năm 1630 mang kiến trúc châu Âu,  trước kia là trụ sở và nhà riêng của toàn quyền Hà Lan. Toàn bộ kiến trúc và trang trí nội thất đều được giữ tới ngày nay.

Phố Tàu còn mang nặng màu sắc Trung Hoa cổ xưa co khi còn hơn cả tại chính quốc. Những dãy nhà một tầng nhỏ, nằm dọc hai bên phố hẹp, yên tĩnh, giản dị mà quyến rũ vô cùng.

Trời tối, chúng tôi chỉ kịp đi qua các khu phố cổ khác, lướt nhìn con thuyền buồm lớn nằm phía trước bảo tàng hàng hải và nghe kể về mảnh đất này. “Người Inđônêxia vẫn thường vượt biển sang đây tìm việc làm và cư trú bất hợp pháp. Vì vậy mà chính quyền ở đây cũng khá khắt khe đối với dân nước ngoài, mặc dù mỗi ngày có tới hàng ngàn khách du lịch.” Đó là lời người hướng dẫn nhắc nhở trước. Tuy nhiên chúng tôi không hề gặp bất cứ một khó chịu nào trong thời gian ở đây.

Ăn tối xong chúng tôi tranh thủ dạo chơi quanh khách sạn. Phố xá không nhộn nhịp và rực rỡ ánh đèn, vẫn mang màu sắc của một thành phố tỉnh lẻ. Rẽ vào một cửa hàng, hy vọng có thể mua được chút đặc sản nào đó, nhưng không có gì hấp dẫn cả, nên tôi trở về khách sạn sớm hơn mọi ngày.

Buổi sáng tôi được đưa đi thăm pháo đài Famosa do người Bồ Đào Nha xây dựng năm 1511, nhưng cấu trúc đã bị quân Hà Lan phá hủy trong thời gian chiếm đóng. Pháo đài ngày nay được xây dựng lại năm 1808 do Stanford Raffles. Trên đỉnh đồi còn lại một góc pháo đài và một ngôi mộ tập thể chôn cất những đứa trẻ da trắng bị chết yểu trong thời kỳ thuộc địa. Dưới chân đồi bên ngoài cổng thành còn sót lại 4 khẩu thần công. Người ta đồn rằng nếu ai muốn đẻ con trai thì cưỡi lên khẩu pháo lớn sẽ được toại nguyện. Tôi thì đã “hết tiêu chuẩn” rồi nên chỉ từ xa đứng ngắm nhìn thôi.

Dưới chân pháo đài bên tay phải có một tòa nhà có kiến trúc của Anh, trước kia là viện nghiên cứu cao su. Bên tay trái trước đây là câu lạc bộ và nhà hàng dùng làm nơi vui chơi giải trí cho nhân viên của viên nghiên cứu cao su. Khu nhà này sau đã từng được dùng làm bảo tàng trưng bày hiện vật của cuộc chiến tranh chống Cộng sản tại Malaysia. Hiện nay đang đóng cửa để trùng tu. Có thể sau này nó sẽ được dùng làm viện bảo tàng khác.

Đối diện là nhà hát âm thanh. Du khách tới đây sẽ được nghe những âm thanh tái hiện lại cuộc sống từ những ngày khởi đầu trên mảnh đất này và những cuộc chiến tranh đẫm máu diễn ra nơi đây.

 Cung điện gỗ Malacca nằm ở chân đồi Thánh Paul là cung điện gỗ duy nhất còn lại trong quá khứ huy hoàng của Malacca. Ngày nay nó được dùng làm Bảo tàng Văn hóa thành phố.  Nhà thờ Thánh Paul được xây dựng năm 1553 do thuyền trưởng người Bồ đào Nha tên là Duarte Coello lúc đầu đặt tên là “Những Qúy bà trên cao nguyên”. Sau đó người Hà Lan đã dùng làm nơi an táng giới qúy tộc và đổi tên là nhà thờ Thánh Paul. Bảo tàng thanh niên Malaysia là nơi trưng bày những thành tựu kinh tế, khoa học mà thanh niên đã đạt được trong công cuộc xây dựng đất nước.  Nhà thờ Thánh Francis Xavier xây dựng năm 1849 do người Pháp tên là Reverend Farve, để tưởng nhớ việc truyền giáo sang Đông nam á thế kỷ 16.  Nghĩa trang Craveyard nơi yên nghỉ của các sĩ quan và quân lính của quân đội Anh trong trận Naning (1831-1832).  Đền Cheng Hoon Teng là đền Trung Quốc cổ nhất, xây dựng năm 1646 với mọi vật liệu được chuyển từ Trung Quốc sang…Tất cả những nơi này làm nên một Malacca cổ kính, đa dạng và vô cùng hấp dẫn.

Quế Nga – Malacca, tháng 11/ 2000

 

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *