Phượng Hoàng cổ trấn

Có lẽ rất nhiều người Việt thích du lịch đã nghe và đã được đặt chân tới Phượng Hoàng cổ trấn, vì giá tour đi đến nơi này không quá mắc (khoảng 7 triệu/ người đi đường bộ hoặc 12 triệu/ người đi máy bay từ Hà Nội). Tôi chỉ muốn chia sẻ cảm nhận của mình với mọi người thôi.

Những ngôi nhà Điếu Cước lâu của Phượng Hoàng cổ trấn nằm dọc bên bờ sông Đà Giang

Phượng Hoàng cổ trấn cách Hà Nội khoảng gần 1.200 km. Bay từ Hà Nội (khoảng 2 giờ) và TP.HCM (khoảng 3 giờ 10 phút) là đến thành phố Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam), từ sân bay đi khoảng 3 giờ rưỡi nữa là đến Phượng Hoàng cổ trấn. Chúng tôi đi đường bộ qua Hữu Nghị Quan, nên lên tàu từ thành phố Nam Ninh sau bữa trưa và khoảng 4 giờ rưỡi chiều tới nơi. Tàu cao tốc Trung Quốc chạy rất nhanh, êm và sạch sẽ.

Trong khoang tàu cao tốc Nam Ninh – Phượng Hoàng cổ Trấn

Ga tàu cũng rất rộng, đông đúc nhưng không lộn xộn và đặc biệt sạch sẽ, không hề có rác. Tất cả người Trung Quốc đều đi qua cửa soát vé tự động, quẹt ID nên rất nhanh. Đoàn khách Việt thì phải scan hộ chiếu, nên đi lâu hơn. Tốc độ của tàu nhanh nhất tôi thấy là đến 230km/h, không biết có đoạn nào cao hơn nữa không.

Nhà ga tàu cao tốc tại Phượng Hoàng cổ trấn

Khách sạn chúng tôi ở ngay trong cổ trấn, từ ban công phòng ở có thể ngắm được một góc của cổ trấn này. Tuy là một trấn nhỏ khoảng 10km2, khu phố cổ tập trung chính ở hai bên bờ sông Đà Giang, nhưng vì cổ trấn nằm trong khu vực có núi nên việc đi lại tham quan từ khách sạn vẫn phải dùng xe ô tô.

Từ ban công phòng khách sạn nhìn xuống sông Đà Giang
Từ ban công phòng khách sạn nhìn về trung tâm Phương Hoàng cổ trấn, có thể thấy Phong Vũ Hồng kiều phía xa

Chúng tôi tận dụng chút ánh sáng còn lại vào buổi chiều để đi tham quan một phần cổ trấn trước khi trời tối, mặc dù chúng tôi còn cả buổi sáng hôm sau, nhưng mỗi thời điểm lại mang đến một sắc thái khác.

Những cây cầu đá nối hai bờ sông Đà Giang, phía sau là cầu Tuyết

Nằm ở phía tây tỉnh Hồ Nam, bên cạnh dòng Đà Giang (một nhánh của sông Trường Giang), Phượng Hoàng (FengHuang zhen) là cổ trấn có lịch sử khoảng 1.300 năm. Bắc ngang qua sông Đà Giang đoạn qua cổ trấn có 2 cây cầu cổ là Phong Vũ Hồng kiều và Tuyết Kiều, 1 cây cầu hiện đại rất lớn và cao, dành cho các loại xe cộ qua lại là Nan Hoa Đại kiều, ngoài ra còn có rất nhiều cầu đá và cầu đá nhảy bắc qua sông.

Phong Vũ Hồng kiều nằm bên tay trái.

Là một điểm du lịch đông khách, nhưng Phượng Hoàng cổ trấn rất sạch sẽ, an toàn. Khách du lịch tận hưởng bầu không khí chậm rãi, êm đềm của một trấn nhỏ, hiền hòa, cổ kính nhưng lại rất văn minh! Văn minh ở cách cư sử có văn hóa của người dân, văn minh ở các bảng chỉ dẫn, văn minh ở nhà vệ sinh công cộng, văn minh khi trả tiền bằng quẹt thẻ….

Tuy nơi ít chịu ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh, vẫn còn giữ được nhiều phong tục tập quán và kiến trúc của một trấn cổ, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả đó là tất cả những gì hiện tại chúng tôi nhìn thấy đều được xây dựng lại sau khi Trung Quốc thành lập nước CHDC và phần lớn xây dựng thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX.

Một cổng vào bên trong thành Phượng Hoàng cổ trấn

Bạn hướng dẫn nói rằng, chỉ còn vài ngôi nhà trên 100 năm. Những ngôi nhà xuống cấp được phép trùng tu hoặc xây lại nhưng phải đảm bảo theo kiến trúc cũ hoặc kiến trúc chung của cả cổ trấn. Đây là điều mà Trung Quốc đã làm được – khôi phục lại để bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển kinh tế.

Dãy nhà bên trong dọc sông Đà Giang
Bức tường thành cũ dọc sông bảo vệ trung tâm của cổ trấn

Phượng Hoàng cổ trấn đặc biệt với kiến trúc Điếu Cước Lâu – các ngôi nhà được xây dựng tựa lưng vào núi, nhiều nơi có độ dốc khá lớn. Nhìn những ngôi nhà chông chênh trên những cột trụ khá nhỏ, cảm giác hơi e ngại. Nhưng kiến trúc này rất vững chắc và an toàn, đã trả qua nhiều năm tháng. Các ngôi nhà được xây dựng 2 – 3 tầng, có ban công mở ra phía trước.

Những ngôi nhà nằm chênh vênh trên những cột trụ nhỏ dọc bờ sông

Đây là nền văn hóa đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ của các dân tộc thiểu số sinh sống gần sông Trường Giang. Những ngôi nhà ở Phượng Hoàng cổ trấn là sự giao thoa kiến trúc truyền thống của các dân tộc thiểu số (Miêu, Thổ Gia…) và dân tộc Hán.

Nhìn từ trên cao, 2 bên dòng sông Đà Giang là 2 dãy núi giống như cánh chim phượng hoàng còn dòng sông giống như thân mình của con chim, có lẽ vì vậy mà trấn được đặt tên là Phượng Hoàng. Nhưng cũng có người nói rằng, tên của trấn bắt nguồn từ một huyền thoại, rằng xưa kia có một đôi phượng hoàng – loài chim thần, đã từng bay qua cổ trấn này, vì cảnh vật quá nên chúng lưu luyến mãi nơi đây. Từ đó, người dân ở đây đã đặt tên cho thị trấn là Phượng Hoàng.

Nhà hàng ăn tối nằm trong cổ trấn trang trí khá hấp dẫn. Chúng tôi tranh thủ ăn nhanh để còn dạo chơi cổ trấn vào ban đêm. 6h tối, tất cả các nhà hàng, cửa hàng, khách sạn hay nhà dân cùng nhau bật đèn. Họ làm du lịch rất chuyên nghiệp!

Nhà hàng ăn tối tại trung tâm Phượng Hoàng cổ trấn

Dưới ánh đèn Phương Hoàng cổ trấn đã hoàn toàn thay đổi trở nên sầm uất, náo nhiệt, khác hẳn với cảnh vật ban ngày, trầm mặc.

Phương Hoàng thật rực rỡ!
Ảnh chụp từ trên cầu Nam Hoa Đại Kiều xuống hai bên bờ sông Đà Giang
Ảnh chụp từ Phong Vũ Hồng kiều

Nam Hoa Đại Kiều là cây cầu lớn dành cho các loại xe cộ và người đi bộ, được xây trên cao. Đứng từ trên cầu ngắm cảnh thị trấn rực rỡ ánh đèn bên dưới thất tuyệt vời.

Đây là cảnh một phía khác của thị trấn chụp từ trên Nam Hoa đại kiều
Đây là Nam Hoa Đại Kiều nhìn từ dưới lên

Tất cả các ngôi nhà nằm ở hai dãy phố dọc bờ sông và cả dãy phố bên trong song song nữa, đều là các cửa hàng.

Tất cả các ngôi nhà mặt tiền bên bờ sông đều mở cửa hàng, nhà hàng…

Rất nhiều cửa hàng bán đồ ăn vặt cho khách dạo chơi đêm. Có nhiều loại xiên nướng, đặc biệt là cua và tôm từ sông Đà Giang, các loại bánh và món đậu hũ thối – đặc sản địa phương. Giá các loại xiên nướng thường là 10 tệ.

Nhà hàng có nhiều loại đồ nướng khác nhau, bao gồm cả gà nướng đất sét
Quán này bán các loại trà từ hoa khô như hoa hồng, hoa nhài…
Nơi này bạn có thể mua rất nhiều loại gia vị khác nhau, đặc biệt là ớt và hạt tiêu
Đồ xiên nướng ăn vặt giá 10 tệ
Đặc sản tôm và cua từ sông Đà Giang
Các loại bánh ngọt

Cho thuê váy và quần áo dân tộc truyền thống và trang điểm cùng với dịch vụ chup hình cho khách du lịch là một nghề kinh doanh đắt khách ở đây.

Một khách du lịch đang thuê váy dân tộc truyền thống

Cầu Hồng Kiều, tương truyền cây cầu này là một trong những tích phong thủy nổi tiếng của Lưu Bá Ôn. Rất nhiều bạn trẻ trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Miêu muốn có một bức hình trước cầu Hồng Kiều rực rỡ.

Chụp ảnh phía trước Cầu Tuyết
Cầu Tuyết lộng lẫy trong ánh đèn

Từ trung tâm cổ trấn về khách sạn, nếu không đi cùng đoàn, muốn đi taxi, mọi người phải lên Nam Hoa đại kiều, phía bên tay phải cầu (nếu nhìn về Hồng kiều) có bến xe taxi, giá khoảng 10-15 tệ một chiều, đi taxi không thấy ai bị chặt chém. Về đến khách sạn, chúng tôi còn được xem một màn trình diễn đèn và bán pháo hoa ở sân khấu ngoài trời, từ ban công phòng.

Một sân khấu ngoài trời rất lớn đang biểu diễn ca nhạc và đèn chiếu, phía xa là Phong vũ Hồng Kiều

Đà Giang trải dài 96,9km, dòng sông là huyết mạch của cổ trấn. Một trong những điểm nhấn nổi tiếng của Phượng Hoàng là những cây cầu nối hai bên bờ sông – cầu đá nhảy.

Cầu Đá nhảy. Khi bước qua những phiến đá nếu nhìn xuống nước sẽ dễ có cảm giác sợ, nhưng thật sự rất an toàn

Sáng sớm đã có rất nhiều người tranh thủ chụp ảnh nơi này, vì muộn chút đông khách du lịch sẽ khó có được bức ảnh đẹp của riêng mình.

Buổi sáng bên sông Đà Giang, nhiều người tranh thủ chụp ảnh trên những cây cầu gỗ và cầu đá nhảy

Sông Đà Giang có tầm quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây, đặc biệt là thói quen giặt quần áo bằng cách dùng chày đập bên bờ sông và những con thuyền nhỏ đánh cá. Bạn có thể thuê thuyền ngắm cảnh Phượng Hoàng cổ trấn từ trên sông.

Phần lớn dân số ở Phượng Hoàng cổ trấn đều là người dân tộc Miêu và Thổ Gia, người Miêu gốc ở Phượng Hoàng Cổ Trấn thuộc nhóm người Dã Miêu, là tộc người có ý thức bảo tồn và thể hiện văn hóa dân tộc mạnh mẽ (Người Miêu là nhóm dân tộc thiểu số đông dân thứ 5 tại Trung Quốc).

Tháp Đông Môn trên tường thành cũ

Trên các đường nhỏ trong trấn bạn có thể bắt gặp những cô gái trong trang phục truyền thống rực rỡ được thêu rất tỉ mỉ của người Miêu hay người Thổ gia, bạn có thể phân biệt được là người địa phương hay khách du lịch khi nhìn vào loại vải và hoa văn thêu. Người địa phương sẽ mặc váy vải thô, nhuộm với những gam màu rực rỡ, thường được thêu các hoa văn truyền thống, còn khách du lịch thuê váy áo của người Miêu, người Thổ (giá 100 tệ có trang điểm), thường là vải nilon đính nhiều hạt thủy tinh lấp lánh và trang sức kêu leng keng.

Người Miêu có mũ đội đầu truyền thống với trang sức được làm bằng bạc vô cùng tinh xảo, cùng khuyên tai, vòng tay, vòng cổ bằng bạc.

Một ngày trọn vẹn, chúng tôi được ngắm Phượng Hoàng cổ trấn buổi chiều hôm trước và buổi tối, còn giờ sau một buổi sáng dạo chơi và được nghe kể về một câu chuyện tình lãng mạn ở đây, chúng tôi chia tay với Phượng Hoàng cổ trấn để tiếp tục đi Phù Dung trấn.

Tấm bia ghi tên làng người Miêu cũ

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *