Bagan – những điều ngạc nhiên bất tận…

Chưa có nơi nào mang đến cho tôi có nhiều điều ngạc nhiên đến thế như Bagan.

Tôi kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy quá nhiều chùa, tháp cổ còn khá nguyên vẹn (phần lớn từ thế kỷ 11 đến TK 13), sững sờ vì chúng quá lớn, được xây dựng quá kiên cố, vô cùng kỳ công, tốn kém và tài nghệ (những điều này tôi sẽ kể chi tiết sau), ngạc nhiên vì có một nền “văn minh tôn giáo” huy hoàng đã tồn tại cả ngàn năm, ngay “bên nhà hàng xóm” mà giờ mình mới biết!

Tôi ngạc nhiên cả với điều nhỏ nhặt nhất, như việc phải bỏ dép khi bước vào một hành lang trống không, bên cạnh một chùa tháp vô danh – có lẽ bỏ hoang lâu ngày. Tôi vẫn biết là vào chùa ở Myanmar thì phải bỏ giầy dép, nhưng khi xe chạy qua một hành lang dài, thấy hay hay nên tôi muốn vào chụp ảnh. Khu vực này có một số tháp cổ, nằm rải rác giữa vùng đất cát và cỏ dại, nên tôi không để ý tới việc phải bỏ dép, cứ thế bước vào đầu hành lang dài và lớn, cố chụp thật nhanh bức ảnh một nhà sư đang dần đi khuất ở cuối hành lang.

Bỗng tôi giật mình khi thấy người dân đi qua đó nhắc, bỏ dép ở bên ngoài. Tôi quay trở ra để bỏ dép ngoài thềm và thắc mắc khi đặt chân lên sàn đầy đất cát. Sau này đi nhiều tôi mới hiểu, không phải họ yêu cầu bỏ giầy dép vì sàn nhà được lau chùi cẩn thận, mà để thể hiện sự tôn kính khi bước vào đền chùa, mảnh đất thiêng liêng của tôn giáo. Nhiều người bỏ giầy dép ngay tại chỗ dựng xe máy (không sợ mất, vì chẳng ai lấy!) và đi đất vào chùa, kể cả trong khu sân vườn…

Điều ngạc nhiên tiếp theo là hầu hết các chùa tháp cổ ở Bagan đều không có sư trụ trì, không có người nào canh giữ hay bảo vệ cả. Mọi người đều tự giác bỏ giầy dép bên ngoài, người Myanmar bỏ tiền công đức vào các thùng trong chùa, không đốt hương, chỉ mang vào chùa một bó hoa nhỏ hoặc cành lá, không mang bất cứ đồ cúng lễ nào, thành tâm lễ Phật, nên trong chùa rất sạch sẽ.

Gần như tất cả phụ nữ và trẻ em, đôi khi có cả nam giới, đều bôi Thanakha (một loại bột được nghiền ra từ thân cây Thanakha) lên mặt để dưỡng da, chống nắng . Lúc đầu, tôi nghĩ, Bagan là xứ “quê mùa” nên mọi người làm thế, nhưng không phải vậy, tại Mandalay – thành phố lớn thứ hai và Yagon – thành phố lớn nhất Myanmar, tôi vẫn thấy phần lớn phụ nữ, thậm trí cả các cô gái trẻ (làm việc văn phòng), thay bằng bôi phấn son, họ vẫn dùng Thanakha, chỉ khác là bôi cẩn thận hơn, đôi khi là hình hai chiếc lá trên hai má. Ảnh dưới là quầy bán những khúc gỗ Thanakha ở bên cổng chùa.

Điều ngạc nhiên nữa là trong rất nhiều chùa tháp cổ, vì không có ai sống tại đó, và người dân đến lễ không thắp hương, nên bên trong chùa tháp là nơi cư trú của vô vàn gia đình chim, nhiều nhất là chim bồ câu, chim sẻ, sáo đen… Khi đi trong các hành lang nhỏ của chùa tháp, sự tĩnh lặng bị phá vỡ bởi tiếng chim cãi cọ nhau.

Tôi cảm thấy thương những bức tượng Phật từ bi, khi lũ chim được thể đứng lên đầu, làm tổ trên vành tai của những pho tượng đầy lòng khoan dung này (đấy là chưa kể chúng còn tùy tiện vệ sinh cá nhân ở mọi nơi chúng muốn nữa!)

Thêm một điều ngạc nhiên nữa đối với tôi là sự an toàn. Tôi không thể nói an toàn ở mức độ nào, nhưng chúng tôi đã chạy xe máy trở về khách sạn khi trời tối, hai bên đường là rừng và những ngọn tháp cổ giờ không còn nhìn thấy, đang theo dõi chúng tôi từ bóng tối. Xe máy điện với đèn chiếu khá yếu ớt giữa bóng tối của thiên nhiên, lại ở một nơi rất xa lạ, vậy mà chúng tôi cảm thấy yên tâm chạy hơn chục cây số. Tôi nghĩ không chỉ có chúng tôi, mà còn nhiều du khách nước ngoài ngồi ngắm hoàng hôn, chắc chắn sẽ về khách sạn trong bóng tối như chúng tôi. Ở VN có lẽ chúng tôi không dám đi như vậy.

Và tôi còn ngạc nhiên ở một điểm là mặc dù đường rất bụi (vì chủ yếu là đường cát, chỉ cần xe máy chạy qua cũng cuốn theo cả một cơn lốc cát!) nhưng không thấy ai đeo khẩu trang cả!

Những “trạm” cung cấp nước uống miễn phí cho khách dọc đường cũng khiến tôi ngạc nhiên. Tôi không biết người dân ở đây mang nước ra những nơi này như thế nào, chỉ biết những âu nước này luôn đầy. Đi du lịch ở Bagan nói riêng và ở Myanmar nói chung, bạn không lo khát nước, vì dọc đường bạn dễ dàng tìm được những âu nước uống như thế này. Trong tất cả các chùa lớn nhỏ đều có nhiều nới để những âu nước miễn phí.

Những người phụ nữ Myanmar đội mọi thứ trên đầu rất tài nghệ. Họ có một chiếc khăn quấn trên đầu, tạo thành cái đai để giữ mâm, làn và thậm trí cả một chồng gạch (rất tiếc là tôi đã không kịp chụp bức ảnh đó!). Ảnh dưới là một người bán hàng rong ở bến xe, nơi chúng tôi dừng vài phút. Bà ấy rất vui vẻ khi tôi đề nghị chụp hình.

Không chỉ Bagan, mà trên đất nước Myanmar có vô vàn những điều khiến tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Tôi sẽ chia sẻ dần dần với mọi người.

You Might Also Like

One Reply to “Bagan – những điều ngạc nhiên bất tận…”

  1. I don’t speak Vietnamese so I use Google Translate to understand your blog. I really love the way you take us along the journey. Even if it means showing us your mistakes and explain what you’ve learnt. The photos are vibrant and lively. I look forward to reading more blogs about this trip!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *