Kinh ngạc trước hàng nghìn cánh cổng Torii tại đền thờ Fushimi Inari, Kyoto

Trên con đường đi thăm nước Nhật, tôi đã nhìn thấy những cánh cổng Torii màu đỏ hoặc không sơn màu, giữ nguyên màu gỗ hoặc đá ở trước các ngôi chùa, ngôi đền hoặc những nơi linh thiêng với các kích thước khác nhau. Cổng Torii được cho là sự phân chia giữa thế giới vật chất và tinh thần, người Nhật sẽ cúi đầu khấn trước cổng Torri và lúc ra họ sẽ đi lùi và khấn lần nữa khi ra khỏi cổng. Chính vì vậy mà tôi rất háo hức với chuyến thăm ngôi đền Fushimi Inari nổi tiếng với hàng nghìn, có khi là chục nghìn cánh cổng Torii như vậy. Thật khó có thể tưởng tượng được!

Những cánh cổng Torii tạo thành một con đường vàng cam rực rỡ

Ở Nhật Bản người dân thờ phụng vị thần Inari, người phù hộ cho mùa màng bội thu và kinh doanh phát đạt, do vậy, có trên 30.000 đền thờ thần Inari trên đất nước Nhật Bản. Có 5 vị thần, hay còn gọi là kami, được thờ phụng tại đền Fushimi Inari Taisha. Fushimi Inari Taisha là ngôi đền lớn nhất và cổ nhất trong tất cả các ngôi đền thờ Inari ở Nhật Bản.

Sau một quãng thời gian đi bộ qua một vài khu phố nhỏ, chúng tôi đã bước vào cánh cổng Torii đầu tiên của đền Fushimi Inari có chiều cao 30 mét và tôi đã nhìn thấy cánh cổng thứ hai nhỏ hơn phía trước.

Cổng Torii lớn nhất, đầu tiên khi bước vào đền Fushimi Inari, cao 30 mét

Ngôi đền Fushimi Inari được xây dựng vào năm 711 trước khi Kyoto trở thành thủ đô của Nhật Bản. Gia đình Hata bắt đầu xây dựng đền thờ Fushimi Inari – một ngôi đền dành riêng để thờ phụng thần Inari tức vị thần gạo và rượu sake. Trong nhiều thế kỷ, khi Nhật Bản dần dần biến mình từ một quốc gia nông nghiệp sang một nền công nghiệp, ngôi đền trở nên quan trọng để mang lại sự may mắn trong kinh doanh khi hàng ngàn doanh nghiệp và thương nhân Nhật Bản đến đây hàng năm để cầu nguyện.

Khu vực trung tâm với các gian điện thờ. Bên tay trái là nơi rửa tay

Sở dĩ đền Fushimi Inari có nhiều cánh cổng Torri như vậy là do các doanh nghiệp và doanh nhân từ khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đã cung tiến cánh cổng torii cho ngôi đền Fushimi Inari như một bảo vật linh thiêng để cầu cho việc kinh doanh được phát đạt. Con đường lên đền Okunoin được gọi là Senbon Torii (một nghìn cổng torii). Thực tế con số cổng Torii có thể lên tới khoảng 10.000 trên khắp ngọn núi. Một số cổng torii có từ thời Edo (1603 – 1867).

Cổng Torii thứ hai trước đền Fushimi Inari

Cũng giống như tất cả các ngôi đền và chùa khác ở Nhật Bản, trước khi bước vào gian điện thờ cúng, mọi người thường rửa tay sạch sẽ tại sân phía trước.

Mọi người rửa tay trước khi vào đền Fushimi Inari
Khu vực rửa tay trước khi vào đền Fushimi Inari

Gian điện thờ đầu tiên là nơi để lúa gạo và các cây lương thực trong ngày lễ cúng thần Inari. Gian điện này có mái được lợp từ rất nhiều tấm gỗ lát mỏng, đây là một loại mái dùng để lợp cho các nơi sang trọng, tôn kính theo truyền thống của Nhật Bản. Nhà dân trước đây thì lợp bằng rơm hoặc lá.

Đây là gian điện để lúa gạo và các loại lương thực trong lễ cúng thần Inari
Gian điện để lúa gạo và các loại lương thực trong lễ cúng thần Inari nhìn từ chính điện
Một góc khác của gian điện để lúa gạo và các loại lương thực trong lễ cúng thần Inari

Khu vực trung tâm có chính điện và mấy gian xung quanh. Khi chúng tôi đến, trong chính điện đang làm lễ riêng cho một nhóm người, nên khách du lịch không được vào, chúng tôi nhìn vào bên trong qua tấm lưới mắt cáo.

Chính điện đang làm lễ do vậy không cho du khách vào
Đây là phần trên của chính điện nơi đặt các bức tượng và nhà sư tụng kinh
Đây là bên hông của gian chính điện phần sau, nơi những người cầu khấn ngồi
Một gian điện bên cạnh phía tay phải (khi đi từ ngoài vào) chính điện

Cổng Torrii thứ ba bắt đầu con đường dẫn lên núi. Còn có một số gian điện thờ nhỏ hơn ở đây và là nơi bán những vật để lễ và những thẻ cầu xin.

Những cửa hàng bán sớ và những miếng gỗ ghi lời cầu nguyện
Cổng Torii nhở làm quà lưu niệm được bán với giá 1.000 Yên
Những lời cầu nguyện được ghi trên thẻ gỗ treo ở một số nơi trong đền Fushimi Inari
Còn đây là những lời cầu nguyện ghi trên những mẩu giấy nhỏ

Mọi người có thể hình dung về quy mô của đền Fushimi Inari lớn như thế nào khi nhìn sơ đồ của đền. Con đường dài gần 4 km được hình thành bởi hàng chục nghìn những cổng Torri, tạo nên một kỳ quan độc nhất vô nhị.

Sơ đồ đền Fushimi Inari với những gian điện thờ và con đường dài bằng cổng Torii dẫn lên đền thờ trên đỉnh núi

Trên con đường dài dẫn lên núi Inari cao 233 mét này được đặt nhiều bàn thờ bằng đá (otsuka) và trên đỉnh núi còn có một ngôi đền cổ nữa, nhưng chúng tôi không thể đi đến được, chỉ dám lượng sức đi 1/3 quãng đường rồi quay lại. Thời gian đi tham quan theo đoàn hạn chế, nếu đi chơi tự do thì chắc chắn tôi sẽ đi đến tận đền thờ trên đỉnh núi, hơi tiếc!

Mỗi đoạn đường cổng Torii có độ cao khác nhau. Đoạn đường này cổng Torii rất cao, có lẽ phải đến chục mét
Đoạn đường này có hai dãy cổng Torii, nhưng khá thấp và nhỏ
Đường vào chỉ nhìn thấy cổng Torii là những cột gỗ trơn
Nhưng khi quay trở ra sẽ nhìn thấy những lời cầu nguyện được ghi trên các cây cột
Cổng Torii đoạn này khá cao
Những cây cột Torii với những lời cầu nguyện của người cúng dường hoặc là lời cầu phúc cho khách vãng lai
Những ngôi đền nhỏ nằm trên đường
Những ngôi đền nhỏ nằm trên đường

Fushimi Inari Taisha là một ngôi đền vừa thuộc người dân vừa thuộc Hoàng triều, chính vì vậy mà các vị thiên hoàng thường quyên góp cúng dường nơi đây từ thời xa xưa.

Cổng Torii dẫn đến con đường lên núi

Đến đền Fushimi Inari, chúng tôi nhìn thấy nhiều bức tượng con Cáo. Hướng dẫn viên nói rằng, nhiều người lầm tưởng là đền thờ Fushimi Inari thờ Cáo. Theo truyền thuyết, người Nhật tin rằng loài cáo chính là những sứ giả thần thánh của các vị thần Inari. Trong thần thoại Nhật Bản, loài cáo thích ăn aburaage – món đậu phụ chiên ngập dầu. Do đó, có rất nhiều quán trà dẫn lên đền thờ có bán inari sushi (aburaage cuộn cơm) và kitsune udon (mì kiều mạch nấu với nước dùng phủ thêm aburaage bên trên).

Những con cáo đứng ở hai bên cổng Torii
Con cáo này ngậm trong miệng mấy cành lúa

Chuyến thăm đền Fushimi Inari để lại ấn tượng thật đặc biệt. Ấn tượng về cảnh đẹp, nhưng hơn tất cả là ấn tượng về tín ngưỡng, lòng tin của người Nhật đối với các vị thần linh thật sâu sắc.

Con đường trở ra, chúng tôi không đi giật lùi như người Nhật, nhưng còn lưu luyến và tiệc nuối vì phải chia tay. Giá như thời gian có nhiều hơn một chút…

Nếu muốn xem thêm thông tin bạn có thể dành thời gian cho youtube này nhé.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *