Lhasa, Tây Tạng ngày nay

Có lẽ rất ít thành phố hay địa danh mà tôi đã đọc nhiều như Lhasa nói riêng và Tây Tạng nói chung. Không giống như những thành phố cổ kính châu Âu đầy hấp dẫn, thôi thúc tôi phải lên đường để được chiêm ngưỡng những tinh hoa của nhân loại, Tây Tạng trầm lặng, không hối thúc nhưng luôn trong tâm trí tôi, luôn chờ đợi tôi…Và tôi vô cùng phấn khích khi cuối cùng đã được đặt chân tới Tây Tạng.

Những dãy núi trùng điệp trải dài như vô tận phía dưới những đám mây trắng dần hiện ra khiến tôi vô cùng xúc động. Sự hùng vĩ và rộng lớn của Tây Tạng khiến cho mọi người nhìn thấy đều cảm thấy mình thật bé nhỏ, thật yếu đuối, mỏng manh…

Và khi đặt chân xuống mảnh đất đầy huyền bí Tây Tạng, tôi cảm thấy sung sướng ngắm nhìn những dãy núi quanh sân bay, rồi hít những hơi thở sâu của bầu không khí trong lành, khi bước đi từ máy bay vào nhà chờ ở sân bay. Niềm mơ ước của tôi đã thành hiện thực, tôi đã đến Tây Tạng, gần nhất có thể tới ngọn núi thiêng Cailat, tới những hồ nước thánh trên cao nguyên, tới những di sản của một tôn giáo đã từng rực rỡ…

Nhưng bước chân ra khỏi sân bay, tôi vô cùng ngỡ ngàng. Lhasa hiện đại thế này ư? Ngoài bãi có cả trăm chiếc xe ô tô đang đỗ, những con đường hiện đại từ sân bay và thị trấn không còn màu sắc của “quá khứ”.

Suốt chặng đường khoảng hơn một giờ, từ sân bay về Lhasa, hai bên đường là những dãy núi trơ trọi, cằn cỗi nhưng hiên ngang giữa trời, dưới chân núi là những cánh đồng lúa mỳ hay lúa mạch một màu xanh mướt, thỉnh thoảng xen lẫn những mảnh ruộng hoa cải vàng rực rỡ.

Người Hán đã thành công khi chinh phục Tây Tạng. Công sức của họ rất lớn, từ việc cải tạo những mảnh đất khô cằn, chỉ có cát mà những con suối mang về từ những dãy núi, họ đã trồng cỏ, rồi trồng những cây dương, cây liễu, cây linh san để đất màu mỡ dần và giờ đây trên con đường đến Lhasa đã có thể nhìn thấy màu xanh gần như bất tận. Đó là cả một sự cố gắng khổng lồ, mà có lẽ người Tạng có phần nào đó kính nể.

Những trạm điện năng lượng mặt trời và hệ thống dây điện qua cả những đỉnh núi cao, cung cấp điện một cách khá đầy đủ cho mọi nơi ở Lhasa và có thể ở những vùng lân cận, cũng là một kỳ tích. Dọc đường đi tôi nhìn thấy những con đường hầm qua núi, những con đường uốn lượn quanh những dãy núi, cứ cao mãi…để khách du lịch như chúng tôi có thể đi ô tô đến tận những nơi trên 5.000 mét. Đó cũng là một thành quả lớn.

Khi chúng tôi vào gần thành phố, có một trạm kiểm soát. Tất cả các xe đều phải dừng lại để kiểm tra giấy tờ, những người ngoại quốc như chúng tôi phải kiểm tra cả visa vào Tây Tạng.

Chỉ có điều, những ngôi nhà cao tầng hiện đại nằm trên những con phố rộng rãi, cũng rất hiện đại (đường chia làn có giải phân cách trồng cây xanh, có đầy đủ các bảng chỉ dẫn, tín hiệu giao thông…) khiến tôi mất đi cảm giác mình đang ở trên cao nguyên Tây Tạng. Trong trung tâm thành phố, rất ít khi nhìn thấy những người dân mặc trang phục truyền thống người Tạng. Thỉnh thoảng có một vài người phục nữ lớn tuổi. Có lẽ nhìn những tòa nhà này, ít người nghĩ rằng đây là Tây Tạng!

Những con phố đầy xe ô tô các loại.

Những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại và cả sân vận động lớn…

Đây là khách sạn nơi chúng tôi ở. Khách sạn 3 sao khá hiện đại, có thang máy và trang thiết bị không khác gì ở Thượng Hải hay Thâm Quyến.

Những cửa hàng trên phố nhỏ.

Những chuyến xe chở dưa chạy dọc ngang các phố. Theo tôi hiểu thì hiện tại Tây Tạng mới chỉ trồng được lúa mỳ, lúa mạch và một số loại rau. Có lẽ trái cây chủ yếu là mang từ dưới đồng bằng lên, nhưng giá không đắt lắm. Dưa hấu trên phố bán khoảng 35 nghìn VNĐ/ kg còn đào trong siêu thị có giá 70 nghìn VNĐ/ kg, táo các loại từ 80 nghìn đến 100 nghìn VNĐ/ kg.

Chỉ có ở những nơi gần tu viện, chùa Phật hay thánh địa Potala, tôi mới gặp nhiều người Tạng và nhìn thấy những ngôi nhà thấp 1-2 tầng theo kiến trúc truyền thống Tây Tạng, mặc dù được xây bằng vật liệu mới và trên các khu phố có quy hoạch rõ ràng.

Những chiếc xe buýt hiện đại, chạy liên tục, khá thuận tiện cho người dân ở Lhasa.

Những đứa trẻ đi học mặc đồng phục và có xe ô tô School bus màu vàng đưa đón. Thỉnh thoảng tôi thấy một người phục nữ trong trang phục người Tạng, dắt tay những đứa trẻ mặc hoàn toàn trang phục phổ thông (như tất cả các nước châu Á khác), có lẽ họ cũng muốn con cháu họ hòa đồng với cuộc sống hiện đại.

Nhà hàng ăn mà đoàn chúng tôi đã có ba bữa dùng tại đây, nằm đối diện với một ngân hàng lớn. Nhà hàng rất “Trung Quốc”, khá sang trọng, với những phòng ăn nhỏ, riêng cho từng nhóm khách.

Lhasa hiện đại và đặc biệt là rất sạch sẽ. Chúng tôi thấy những người lao công đi trên những chiếc xe nhỏ, cần mẫn quét và dọn rác suốt cả ngày và những con phố sạch bong!

Những cửa hàng, công ty, khách sạn ở trung tâm thành phố đều ghi bằng chữ Hán rất to, bên trên hoặc bên cạnh có dòng chữ Tạng nhỏ. Chỉ một số cửa hàng, công ty ở gần tu việc Sera tôi thấy để chữ Tạng lớn hơn chữ Hán.

Những ngôi nhà người Tạng hoặc người Tạng – Hán mới xây dựng vẫn cố giữ một số nét đặc trưng của văn hóa Tạng, như mái nhà phẳng, có riềm và thường sơn màu đỏ nâu, các cửa sổ đều có rèm vải và trang trí hoa văn của người Tạng.

Chúng tôi muốn dừng lại ở một trong những làng người Tạng nằm trên đường khi chúng tôi đi lên hồ Namtso, nhưng hướng dẫn Tây Tạng trả lời rằng không được phép. Sau đó, họ đưa chúng tôi đến thăm một làng người Tạng nằm ở rìa Lhasa, cách trung tâm vài cây số.

Đây có lẽ là cổng vào nhà văn hóa làng.

Đến làng, chúng tôi được một cô gái rất xinh ra đón, tặng khăn trắng truyền thống người Tạng và mời về nhà cô thăm. Đây là ngôi nhà hai tầng, khá hiện đại.

Trong nhà được trang trí theo phong cách người Tạng, nhưng chắc chắn đã có sự pha trộn rất nhiều.

Có ảnh 5 vị chủ tịch đáng kính của Trung Hoa.

Theo cô gái giới thiệu, cha cô là người Hán, mẹ cô là người Tạng… đúng như chính sách của TQ, đồng hóa Tây Tạng. Cô mời chúng tôi uống trà sữa của người Tạng, nhưng được rót ra từ một phích nước. Trà sữa có vị mặn, rất ngậy và tôi không thể uống được, nhưng nhiều người trong đoàn nói rằng trà sữa rất tốt cho sức khỏe, nhất là khi mình đến Tây Tạng, nên họ cố gắng uống vài chén.

Cô gái giới thiệu cho chúng tôi về những trang sức của cô gái Tạng theo truyền thống, mỗi cô con gái sẽ được mẹ tặng cho một chiếc vòng bạc và sau này lúc lấy chồng được chồng tặng thêm một cái nữa. Cô gái nào cũng có một thắt lưng bằng bạc…và những chiếc cốc, bát bằng bạc để trừ độc. Cô gái cũng dùng chén bạc để đánh gió cho mấy thành viên trong đoàn…ai cũng khen.

Sau khi tham quan nhà cô gái xong, chúng tôi đi vào làng, nhưng đa phần những ngôi nhà đều mới xây dựng, tuy vẫn giữ được một vài nét cổ truyền, nhưng rất khang trang. Có lẽ như vậy tốt hơn cho người dân.

Đây là một ngôi nhà đúng theo truyền thống còn giữ được, xây dựng bằng gạch là đất đóng khuôn, trát bùn ra ngoài và quét vôi trắng. Trên cổng nhà có đặt một cái đầu bò Tạng.

Tôi tò mò không biết cô gái dẫn chúng tôi đi đâu, vì nhìn quanh chỉ thấy những ngôi nhà mới. Hóa ra cô gái dẫn chúng tôi đến một cửa hàng bán đồ bạc. Vậy là những giới thiệu về thắt lưng bạc, vòng tay hay cốc bát lúc trước là để “tiếp thị” cho cửa hàng này. Ở đây, người ta cho chúng tôi thấy bạc thật trắng sáng lên khi đèn khò thổi lửa vào…Có một điều lạ là ở đây chỉ thấy ghi bằng tiếng Hán, không thấy có tiếng Tạng, có lẽ chỉ để cho khách du lịch TQ từ đồng bằng lên!

Vì giá đồ bạc ở đây quá cao, nên tôi không dám nán lại lâu, ra sân chụp ảnh. Có vẻ như đây giống sân chùa hơn là lối vào một cửa hàng đồ bạc.

Lhasa nằm bên bờ một con sông lớn, sông Lhasa. Con sông này do nhiều dòng suối đổ từ những dãy núi hợp thành. Hai bên bờ sông có nhiều khu nhà cao tầng đã và đang được xây dựng rất nhiều.

Có mấy cây cầu bắc qua sông rất hiện đại.

Có một cây cầu khá đặc biệt, bắc qua sông. Trên cây cầu là những cửa hàng, nhà hàng ăn, được xây dựng theo truyền thống Tây Tạng. Ảnh dưới là cây cầu nhìn từ xa, sau đó là hai cột đầu cầu và những cửa hàng dọc hai bên thành cầu.

Từ bờ này sông Lhasa, tôi nhìn thấy Thánh địa Potala… không có được vẻ uy nghi vì đã bị những tòa nhà cao tầng che mất gần hết, mặc dù chính quyền TQ chỉ cho phép xây nhà thấp ở khu vực xung quanh Potala.

Và ngay cả khi chúng tôi đến gần chân tòa Thánh địa Potala, tôi vẫn cảm thấy một nỗi buồn khó tả, bởi vì sự hiện diện của con đường hiện đại và xe cộ đi lại tấp nập nơi đây đã không giữ được sự tôn kính cần có đối với Thánh địa Potala.

Bữa tối cuối cùng, chúng tôi đóng góp thêm mỗi người 300 tệ để có một bữa ăn “thật Tạng” trong nhà hàng người Tạng, được nghe những bài hát Tạng và ăn những món ăn ngon nhất của người Tạng. Và đây đúng là một nhà hàng Tây Tạng sang trọng.

Với những món ăn Tây Tạng như thịt bò Tây Tạng để cả tảng, tào phớ nhị hoa huệ tây…

Và những bài hát Tây Tạng.

You Might Also Like

One Reply to “Lhasa, Tây Tạng ngày nay”

  1. Viết hay thế, mình ko đc đi cũng cảm nhận đc về tp nơi bạn đến qua câu chuyện của bạn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *