Trong chuyến đi 6 ngày đến tỉnh Hồ Nam lần này, thành phố Trương Gia Giới chỉ là điểm dừng chân “chớp nhoáng”, ngắm nhìn 72 Kỳ Lầu vào ban ngày (ban đêm cảnh sắc hoàn toàn khác, rất tiếc là chúng tôi không được trải nghiệm tuyệt vời này), để dành toàn bộ thời gian một ngày trọn vẹn cho Thất Tinh Sơn và ghé quan Thiên Môn Sơn chụp hình phía dưới.
Trương Gia Giới trước đây là huyện Đại Dung, được nâng cấp lên thành phố năm 1988 và đổi tên vào năm 1994. Đây là vùng đất của người dân tộc Thổ gia (chiếm đến hơn 60%) và một ít người dân tộc Miêu, hiện nay có dân số khoảng gần 2 triệu người.
Vì chỉ được chiêm ngưỡng 72 Kỳ Lầu vào ban ngày và ở ngay “dưới chân” nên chúng tôi chỉ có thể ngửa cổ lên ngắm nhìn một vài “góc nhỏ” của công trình đồ sộ này.
72 Kỳ Lầu được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng nhà của người Miêu và Thổ Gia – Điếu Cước Lâu – nhà được dựng trên những trụ cột, lưng dựa vào núi, giống như ở Phượng Hoàng cổ trấn và Phù Dung trấn mà chúng tôi vừa đi qua. 72 Kỳ Lầu được nổi tiếng của vùng đất Vũ Lăng Sơn với câu chuyện về một tòa nhà đồ sộ có tới “9 cung, 18 làng và 72 tầng kỳ lạ”. Có dện tích xây dựng là 110.000 mét vuông, cánh cửa rộng tại trung tâm cao tới 38 mét, rộng 28 mét và sâu 21 mét, 72 Kỳ Lầu đã để lại ấn tượng về sự độc đáo, duy nhất, mà tất cả mọi người đều phải thốt lên khi ngắm nhìn công trình này.
Tại đây có tới khoảng 162 cửa hàng và 1.001 phòng với sự trang trí độc đáo. Có rất nhiều dịch vụ khác nhau được cung cấp tại đây như karaoke, trò chơi thách thức hấp dẫn, quán bar, nhà hàng, khu mua sắm sầm uất. Và tất nhiên, điều này phải trải nghiệm về đêm mới thấy được hết sự hấp dẫn của nó, còn chúng tôi lại tới nơi này vào ban ngày, khi mà tất cả các dịch vụ còn đang “ngủ” sau một đêm phục vụ mệt mỏi.
Chúng tôi có khoảng 2 giờ đi bộ ở khu vực xung quanh nhà hàng, trước và sau bữa trưa. Tuy không đi được nhiều, nhưng những con phố chúng tôi đi qua đều mang nét kiến trúc rất độc đáo của khu vực này. Mặc dù thành phố khá hiện đại, nhưng những con phố và ngôi nhà vẫn mang nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thổ Gia.
Hầu như tất cả các chương trình tham quan Trương Gia Giới đều đi thăm Thiên Môn Sơn, nơi nổi tiếng với cổng Trời tự nhiên, và để lên được đó, rất ít người có đủ sức leo qua những bậc thang, vì vậy đa phần sẽ đi… thang máy trong núi. Từ trên núi Thiên Môn Sơn có thể nhìn thấy 99 vòng cua là con đường trước đây đã được hình thành để mọi người có cơ hội lên núi. Giờ lên đỉnh núi sẽ đi cáp treo. Có một cầu kính nhỏ, hẹp men theo vách núi, làm tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Chúng tôi chọn Thất Tinh Sơn, là khu du lịch mới mở cửa năm 2022, nằm cách Thiên Môn Sơn 2km. Đây là ngọn núi cao nhất trong khu Vĩnh Định của Trương Gia Giới – 1528 m so với mực nước biển (đỉnh Thất Tinh Sơn cao hơn Thiên Môn Sơn 10m). Vì độ cao như vậy và trước đây không có đường cao tốc đi qua nên chỉ có những người ưa thích khám phá, đi bộ đường dài mới ghé tới đây.
Trong vài năm gần đây, nơi đây đã được quy hoạch, xây dựng cáp treo, khu nghỉ dưỡng và nhiều hạng mục vui chơi khác, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạng mục đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện. Chúng tôi nhìn thấy cầu kính men theo vách núi giống Thiên Môn Sơn cũng đang xây dựng.
Nghe nói, trước khi trên núi có ngôi làng nằm ở độ cao 1200m. Nhưng ở độ cao này lại không có điện và đường đi rất khó khăn nên người dân đã chuyển xuống sống tại thị trấn Đại Bình dưới chân núi. Hiện này, những người dân này vẫn thường xuyên lên núi hái thuốc, hái rau rừng nên nơi này vẫn giữ được nét hoang sơ, nguyên bản.
Từ chân núi, chúng tôi không cần phải xếp hàng vì ít khách (không giống như Thiên Môn Sơn, phải chờ rất lâu mới lên được cáp) đi cáp treo với tổng chiều dài 2003m trong vòng 8 phút là tới ga cáp treo trên đỉnh núi.
Thất Tinh Sơn, chắc chắn là nói tới 7 ngọn núi ứng với 7 ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu, nhưng khi lên đình núi, xung quanh có rất nhiều đỉnh núi khác, tôi không biết 7 ngọn là những ngọn nào.
Sau khi lên đến định núi bằng cáp treo, chúng tôi dùng xe điện để di chuyển đến điểm leo núi. Chúng tôi vừa leo núi vừa ngắm cảnh và tham quan một số điểm, rồi đích cuối cùng là đài ngắm cảnh 1520 (cao 1520 mét so với mực nước biển) bằng kính trên đỉnh núi. Nhìn thì có vẻ không cao lắm, nhưng đến nơi cũng thấy đây là một công trình không nhỏ.
Con đường đi quanh các định núi cũng rất đẹp. Đường được xây dựng rất thuận tiện để đi bộ và có những góc nhìn phong cảnh đẹp, nên mặc dù quãng đường khoảng 3km, nhưng không thấy ai mỏi chân cả.
Đài quan sát hình tròn, được ghép bằng kính cường lực, có thể nhìn trong suốt đến đáy vực sâu. Đối với những người sợ độ cao như tôi, cầu kính là một thử thách “vượt lên trên chính mình”. Tôi chỉ dám bước chân lên những chỗ nào nhìn thấy khung sắt bên dưới và sau đó ngồi vào giữa vòng tròn (vì bên dưới là đĩa sắt!). Nhưng tôi thấy mình vẫn hơn “khối” người, kể cả một số bạn trẻ, còn không dám lên. Lúc tôi đang cố gắng, lấy hết sự dũng cảm để chụp ảnh thì có một bạn trẻ Trung Quốc, phải trên 1 tạ đang trêu bạn gái mình bằng cách nhảy như điên trên sàn kính. Đúng là thịt nhiều teo não!
Từ trên đài quan sát này, mọi người có thể nhìn thấy đỉnh Thiên Môn Sơn ở phía xa xa. Còn tôi thì không có nhiều can đảm dành thời gian ngắm nhìn xung quanh lâu, chỉ nhìn qua loa xung quanh một lúc…
Đường sắt cao tốc trượt núi là đường trượt mới được xây dựng, trên đường trượt rãnh thép không gỉ với chiều dài là 1km, trợt hết khoảng 3 phút. Nhưng tôi không tham gia, vì đã từng có trải nghiệm rồi nên cũng không thấy hấp dẫn nữa. Đường xuống và đường lên đều có những trạm dừng chân cho du khách ngồi nghỉ và một số điểm check in.
Dưới chân núi là một khu nghĩ dưỡng sinh thái khá êm đềm. Nhưng chúng tôi chỉ có thời gian ngồi nghỉ, uống nước, chứ không đủ thời gian để nghỉ dưỡng ở nơi này.
Một ngày tham quan Thất Tinh Sơn hơi ngắn, nhất là sau này các công trình như cầu kính men theo vách núi được hoàn thành, những khu nhà hàng và dịch vụ được đưa vào hoạt động, thì cần nhiều thời gian hơn cho điểm du lịch này. Chia tay với Thất Tinh Sơn – Trương Gia Giới, chúng tôi lên tàu cao tốc về Nam Ninh để trở về nhà.