Phố Ông Đồ ngày Tết ở Hà Nội

Trước năm 2011, ngay cạnh bức tường bao quanh Văn Miếu, Hà Nội vào những ngày trước và sau Tết đã lẻ tẻ có vài người ngồi viết sớ chữ Nho, hoặc viết chữ để bán, nhưng từ 2011 phố Văn Miếu đã trở thành phố Ông Đồ ở Hà Nội.

Không biết mọi người thế nào chứ tôi rất thích cái phố đặc biệt, một năm chỉ có một lần này. Có một cái gì đó hoài niệm, có một cái gì đó cảm giác Việt Nam, không biết có phải là “ngộ nhận” hay không.

Cái tên phố Ông Đồ không biết có ai đặt ra không, thỉnh thoảng tôi thấy ai đó nhắc đến trên mạng và tôi thấy cái tên đó phù hợp và hay. Các “ông Đồ” ngồi đây mỗi người có một nghề riêng, giống nhau là cùng thích viết chữ Nho, viết thư pháp… nên ra đây ngồi với nhau.

Đến phố Ông Đồ bạn có thể “xin” được chữ bạn thích hay một câu thơ ý đẹp, nhưng cũng có người lại muốn có chữ mà họ cần (nghĩa là họ còn thiếu!), như chữ Lộc, chữ Phúc được nhiều người “xin” về treo ở nhà. Nhiều người còn mua cả những câu đối treo Tết hay treo bên bàn thờ gia tiên.

Không chỉ có thầy đồ già, mà còn có cả thầy đồ “nhí!” Cậu bé độ 12-13 tuổi cũng có vẻ rất “thần thái” nho sĩ, ngoài chuyện biết được chữ Nho (chữ Hán…tôi không phân biệt được!), các nét bút của cậu bé cũng rất chững chạc.

Tôi không biết chữ Nho, nên thấy một cậu bé đang viết thư pháp chữ Việt, tôi liền nhờ cậu viết cho tôi chữ Nhẫn (đó là cái tôi đang thiếu và luôn phải nhắc nhở mình!) bằng tiếng Việt và tôi vẫn giữ đến hôm nay (giờ vẫn cần, vì vẫn chữa học được chữ Nhẫn!)

Cái cách cậu bé cầm tờ giấy trên tay, tay kia đưa bút vẽ… rất đặc biệt.

Ở đây có cả các họa sĩ, có người vẽ chân dung hiện đại, có họa sĩ vẽ tranh thủy mạc truyền thống…

Khách du lịch nước ngoài cũng có vẻ thích thú với trải nghiệm này.

Mấy năm gần đây, có thể những hoạt động của phố Ông Đồ nằm ngoài phố khó quản lý, nên khuôn viên của hồ Văn Chương đối diện Quốc Tử Giám đã trở thành “Làng Ông Đồ” Hà Nội. Và tôi thấy sự sắp xếp này rất hay và có tính chất nghiêm túc, đồng thời cũng khuyến khích mọi người quan tâm đến những truyền thống cũ.

Vậy là trước Tết năm nào tôi cũng đến đây để đi dạo. Những ngày giáp Tết nhà nào cũng bận, ai ai cũng lo sắm Tết, chỉ có tôi là thong dong, nên đi chơi lúc này với tôi là thích nhất vì khá vắng vẻ, có thể chụp ảnh hay xem xét mà không bị phiền.

Ở đây các gian hàng có mái che, các ông Đồ không phải ngồi dưới đất mà có bàn ghế đàng hoàng. Các gian hàng cũng được bài trí rất đẹp.

Nhìn hai thế hệ già – trẻ cùng chăm chú vào những nét chữ hiện dần lên trang giấy, có cái gì đó cay cay trong mũi… truyền thống có thể bắt đầu từ nét mực này! Tình yêu quê hương hay cao hơn là đất nước có thể cũng bắt đầu từ những nét chữ này!

Hai thế hệ cùng mê thư pháp, hy vọng sẽ còn nhiều thế hệ sau này theo đuổi nghệ thuật này.

Vẫn có nhà thư pháp ngồi sáng tác dưới chiếu, xung quanh là những người hâm mộ đang chăm chú dõi theo.

Một người nước ngoài cũng đang hồi hộp chờ đợi những chữ mình đặt viết.

Các ông Đồ ngồi bàn luận chuyện chữ nghĩa, đàm đạo văn thơ… có cái gì đó giống như trong chuyện tôi đã từng được đọc.

Làng Ông Đồ Hà Nội đã trở thành nét đẹp ngày Tết, khiến cho tôi thấy có gì đó rất vui, có gì đó như thuộc về mình.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *