Chùa Trăm Gian nằm trong cụm chùa ở ngoại thành Hà Nội, cùng với chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trầm, là những ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời và có nhiều tượng quý. Năm 2012 chùa đã có một đợt trung tu hơn 100 ngày, nghe nói một số công trình cổ lẽ ra phải trùng tu và khôi phục thì người ta lại phá bỏ hoàn toàn để xây mới, như nhà thờ Tổ và gác khánh. Còn các công trình khác đã tu sửa thay thế bằng vật liệu mới như sơn công nghiệp, xi măng, gạc ốp lát…làm mất đi giá trị lịch sử lâu đời của ngôi chùa.
Chúng tôi đến chùa vào một ngày mùa đông ấm áp. Không có khách vãng lai, không có Phật tử tới lễ bái, chỉ có hai chúng tôi và thiên nhiên thoáng đãng của chùa. Chúng tôi đặt chân khẽ khàng lên những bậc thang dẫn lên ngôi chùa trên quả đồi cao khoảng 50 mét, không dám phá đi bầu không khí tĩnh lặng nơi này.
Vì đến chùa vào chính giữa trưa, sau khi đi thăm chùa Thầy và chùa Tây Phương về, nên chúng tôi ngồi nghỉ ở ghế đá cạnh gác Trống cổ đã được xây dựng từ năm 1693, có hai tầng tám mái và các kèo mái được trạm khắc rất tinh xảo.
Từ đây có thể nhìn thấy một gian đền nhỏ gần sát hồ nước (có lẽ giờ bỏ hoang), nơi trước đây là chỗ đặt kiệu cho vua xem múa rối nước. Phía gần đường lên là sân chơi “Cờ người” trong các dịp lễ hội.
Chùa Trăm Gian được xây dựng đầu tiên từ thế kỷ XII và trải qua rất nhiều lần trùng tu, sửa chữa và lần gần đây nhất là 2012. Ngày trước khi chưa đến chùa, tôi rất háo hức xem ngôi chùa có tới 100 gian thì lớn đến mức nào. Gọi là chùa Trăm gian bởi cứ 4 cây cột tạo ra một “gian”, nên chùa có cả thảy 104 gian.
Cửa chùa chính rất ít khi mở, chỉ trong các dịp lễ, Tết, nên ngày thường phải đi cửa bên cạnh để vào chùa, và như vậy là đi ngược, có nghĩa là sẽ vào gian thờ Phật Tổ và Mẫu trước, rồi qua gác khánh, hành lang đặt tượng La Hán mới vào được gian chính điện.
Trong gian chính điện khá tối, chỉ nhờ ánh sáng tự nhiên chiếu vào. Không có ai ngoài hai vị khách không mời là chúng tôi ở trong chùa, do vậy không nên thắp đèn hay nến lãng phí. Đấy là điều tôi rất buồn, vì những bức ảnh của tôi không đẹp.
Ban thờ Tam Bảo cũng được sắp xếp theo truyền thống Phật bắc tông, phía trên cùng là Tam Thế tượng. Hàng thứ hai là Di Đà Tam tôn, ở giữa là Đức Phật A Di Đà, bên tay phải là Đức Đại Thế Chí Bồ Tát, bên tay trái là Đức Phật Quan Âm Bồ Tát.
Hàng thứ ba có bức tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn và phía trước là tượng Đức Phật Thích Ca cửa trùng. Chùa Trăm Gian có bức tượng Phật Tuyết Sơn và bức tượng Phật Quan Thế Âm là hai bức tượng cổ. Các bức tượng khác đều mới sơn son thiếp vàng lại, nên không nhận ra bức nào là tượng cổ.
Bức tượng thần Hộ Pháp to lớn hai bên bàn thờ Tam Bảo.
Dãy hành lang trong gian điện có đặt bàn thờ này, tôi không biết là ai, có thể là những đạo sĩ hay tượng hòa thượng Đức Minh trụ trì chùa (?).
Bàn thờ Đức Quan Âm Tống Tử, phía trước có hai người chầu, tôi cũng không rõ lịch sử.
Một bàn thờ có rất nhiều các bức tượng nhỏ rất đặc biệt.
Dãy hành lang dài hai bên dẫn từ gian điện chính tới nhà thờ Tổ phía sau.
Ở đây không có tượng mà chỉ có các bức tranh trạm khắc nổi các vị La Hán.
Nhà Thờ Tổ và gác khánh và trống mới được xây dựng lại từ năm 2012.
Tôi thấy những ngôi chùa cổ miền Bắc đúng là nơi thanh tịnh, cách xa chốn đô thị ồn ào, phức tạp. Các chùa đều có sân, vườn rộng rãi và thường nằm gần rừng hay trên núi, nên đến chùa dù không phải để lễ bái, tôi vẫn cảm thấy thật nhẹ nhàng, thanh thản.
Chùa Trăm gian có một bảo tháp lưu giữ hài cốt của Thánh Bối – hòa thượng Đức Minh, người đã dựng chùa, tu hành và viên tịch tại đây. Người ta kể rằng, khi hòa thượng 95 tuổi, người đã ngồi vào một cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi siêu thoát. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa khám, kim quang của hòa thượng bay mùi thơm nức, ngào ngạt gần xa.
Hòa thượng Đức Minh là con của một người phụ nữ làng Bối Khê, Hà Nội nằm mộng thấy đức Phật giáng sinh, rồi có mang và sinh ra ông. Khi lên 9 tuổi, bố mẹ mất, ông vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Năm 15 tuổi, ông đến thôn Tiên Lữ, thấy cảnh đẹp, xin theo học vị trưởng lão tu tại ngôi chùa trên núi. Sau mười năm học đạo, ông đã hiểu thấu mọi phép linh thông và được vua Trần sắc phong là Hòa Thượng, đặt hiệu là Đức Minh.