Thăm Đại Nội – Tử Cấm Thành Huế

Tôi không có ý định thay hướng dẫn viên Huế, những người có hiểu biết sâu sắc và một tình yêu đậm đà với xứ Huế, người sẽ mang đến cho bạn ấn tượng tuyệt vời tại mọi điểm tham quan ở Huế. Tôi chỉ chia sẻ cảm xúc của tôi khi đến Đại Nội Huế.

Tôi đến Huế lần đầu vào năm 1990, khi đó ấn tượng của tôi thật “mãnh liệt”, mặc dù ngày đó Tử Cấm Thành chưa được sửa sang đẹp như bây giờ, thì với tôi lúc đó cũng đã rất rất tự hào rồi. Lần đầu tiên ấy, tôi đã được nghe hướng dẫn viên giới thiệu: “Trước đây trên bãi cỏ này đã từng có cung điện lớn, nơi…” tôi lắng nghe từng lời kể chuyện và tưởng tượng ra khung cảnh cung điện nguy nga, tráng lệ…

Sau này đi thăm Bắc Kinh và nhiều thành phố khác của Trung Quốc, tôi đã tận mắt nhìn thấy cung điện thật, ngai vàng thật, những bộ trang phục của các vị Vua, chúa, hoàng hậu, cung tần Trung Hoa… Trở lại Huế tôi đã ít nhiều có sự so sánh, mặc dù vẫn biết không bao giờ nên làm như vậy. Đại Nội Huế vẫn có vẻ đẹp riêng của nó.

Đi bên ngoài, nhìn Tử Cấm Thành không có gì là “cấm kỵ” lắm, bởi màu xanh và bức tường thấp có lẽ gây thiện cảm cho người bên ngoài thành.

Hoàng Thành Huế cũng đẹp và lớn, và gây ấn tượng tốt cho khách du lịch. Với lịch sử gần 150 năm, nó cũng khiến người trong và ngoài nước ngưỡng mộ. Hoàng Thành được xây dựng trước đó gần 30 năm, nhưng đến đời vua Minh Mạng năm 1833 Đại Nội mới được hoàn chỉnh. Ảnh dưới là Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng Thành Huế.

Cũng như tất cả các thành bảo vệ hoàng cung khác, xung quanh Đại Nội Huế là hệ thống hào nước ngăn cách.

Được đi dạo trên con đường mà chỉ có Vua quan triều Nguyễn được đi trước đây, há chẳng tự hào lắm sao?

Cổng tam quan và con đường giữa hai bên hồ sen dẫn vào Điện Thái Hòa trong Đại Nội Huế là nơi khách du lịch rất thích chụp ảnh. Nét đẹp trang nhã mà vẫn giữ được vẻ uy nghi, khác hẳn với màu đỏ rực trung Tử Cấm Thành Bắc Kinh.

Điện Thái Hòa là nơi đăng quang của 13 đời vua triều Nguyễn. Đây là nơi diễn ra các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi trong Hoàng thành Huế.

Câu chuyện mà hướng dẫn viên Huế kể cho khách nghe rất nhiều, cũng rất hay…nhưng những gì mình có thể nhìn thấy không còn lại nhiều. Chiến tranh, nhất là sau sự kiện Mậu Thân năm 1968 đã phá hủy nhiều công trình trong Đại Nội Huế, nên giờ hơi khó để tưởng tượng ra cảnh cuộc sống “giàu sang phú quý” của hoàng gia triều Nguyễn với một vài di tích còn sót lại giữa thảm cỏ mênh mông.

Một vài dãy hành lang được không phục lại cho tôi hình dung phần nào về Duyệt Thị Đường.

Duyệt thị Đường là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần và là nơi biểu diễn các vở tuồng dành cho quan khách, sứ thần thưởng thức. Tuồng biểu diễn trong Duyệt Thị Đường là các vở tuồng cung đình. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam.

Bạn cũng có thể hình dung ra cung điện lớn với dãy hành lang dài này.

Nền điện Cần Chánh, nơi đã từng được vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triều Nguyễn.

Tả Vu và Hữu Vu là hai công trình phối thuộc của Điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành của Kinh thành Huế. Tả Vu là toà nhà dành cho các quan văn, còn Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ; đây là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của cơ mật viện, nơi tổ chức thi đình và yến tiệc. Tả Vu và Hữu Vu đều được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX.

Hồ sen này có thể đem lại bức tranh của những công chúa, cung phi kiều diễm thướt tha đi dạo trong hoàng cung.

Dấu vết về một tường thành kiên cố.

Và bức tường cũ ngăn cách các khu vực của Hoàng cung Huế.

Một cổng nhỏ trong Tử cấm Thành Huế.

Một ngôi miếu cổ trong Hoàng thành Huế.

Ra về sau chuyến tham quan đầy ấn tượng về triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đầy thăng trầm và cả nước mắt, tôi muốn cám ơn các di tích đã giúp tôi hiểu hơn về lịch sử nước mình.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *