Nhà thờ Bùi Chu, Nam Định

Sau khi đọc những ý kiến khác nhau về việc xây dựng lại nhà thờ Bùi Chu, tôi đã lên kế hoạch đi thăm lại nhà thờ lần nữa, trước khi có gì đó thay đổi và may mắn trong dịp đi công tác Nam Định lần này, tôi đã đến được nhà thờ và còn hơn thế nữa, tôi được biết nhiều hơn về cả quần thể nhà thờ Bùi Chu.

Trước hết, về nhà thờ cổ, là người không có kiến thức về kiến trúc và xây dựng, tôi không dám bình luận gì về việc giữ lại bảo tồn hay dỡ đi xây dựng lại. Đã có rất nhiều người hiểu biết chuyên ngành, những người có quyền (giáo dân, các vị chức sắc tôn giáo…) đưa ra ý kiến rồi, tôi chỉ đưa ra các bức ảnh tôi chụp (11/5/2019) để chia sẻ cùng mọi người mà thôi.

Nhà thờ Bùi Chu được giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) người Tây Ban Nha xây dựng dưới thời thuộc địa Pháp, theo phong cách kiến trúc Baroque (theo tiếng Tây Ban Nhan có nghĩa là những viên ngọc cách điệu, diễn tả lối kiến trúc phóng khoáng, uốn lượn, những tia nắng chiếu qua cửa sổ kính màu tạo nên sự sinh động…).

Nhà thờ được xây dựng bằng vật liệu địa phương (nghe người dân nói vữa tường được trộn với mật ong), được quét vôi gam màu thổ hoàng bên ngoài, từ sau lần trùng tu gần nhất năm 2000, giờ nhiều chỗ đã bị rêu bám đen.

Trần nhà làm bằng vôi trộn rơm nên nhẹ, mát và có độ bền cao vì phù hợp với khí hậu miền bắc, bên dưới có một lớp gỗ. Cả tường và trần nhà bên trong gian điện hiện đã bị ố xanh, đen nhiều chỗ.

Bên trong nhà thờ có hàng cột gỗ lim vững chắc, nằm trên các trụ đá được trạm trổ tinh xảo, có lẽ là những gì còn lại tốt nhất của nhà thờ. Mặc dù nhà thờ đã đóng cửa không phục vụ lễ, nhưng giáo dân vẫn cử người tới quét dọn hàng ngày.

Nhà thờ có kiến trúc giao thoa đông – tây với các hình ô van là chủ đạo của kiến trúc Baroque, đòi hỏi sự cẩn thận, tỷ mỉ, như mái vòm ô van ba nấc, vừa là kiến trúc baroque điển hình, vừa gợi nét đẹp của “tam quan” cổ kính. Nhà thờ có chiều dài 78m, bề rộng 22m, mái cao 15m, hai tháp chuông cao 35m.

Phía trước nhà thờ có rất nhiều bức họa, ghi lại hình ảnh nhà thờ cổ và một số các chuyên gia đang đo đạc… Nếu theo quyết định cũ, thì hai ngày nữa (13/5/2019) nhà thờ sẽ được dỡ bỏ để xây dựng lại, nhưng thời điểm tôi đến thăm, quyết định tạm dừng đã có hiệu lực.

Bức tượng Chúa Jesu trên đỉnh mái mặt tiền của nhà thờ.

Nhà thờ Bùi Chu là nhà thờ Chính tòa, là nơi tổ chức các nghi lễ trọng đại như lễ phong chức, nhận chức, chuyển chức linh mục… Thông thường ở các nhà thờ Chính tòa, ở cuối gian cung thánh có ghế ngồi của vị giám mục cai quản giáo hội, phía sau là ban thờ thường được đặt trên mộ của một vị thánh tử vì đạo. Tại nhà thờ Bùi Chu, phía cuối gian cung thánh, trên phần nền có mộ phần của 7 vị giám mục đã từng coi sóc giáo phận Bùi Chu an nghỉ. Có một bàn thờ bằng đồng đúc là vật cung tiến của giáo dân. Nhà thờ đã được trùng tu hai lần vào năm 1974 và 2000.

Bức tượng Thánh Đa Minh (Santo Domingo thế kỷ XI – là người sáng lập ra Dòng Anh Em Giảng Thuyết hay còn gọi là Dòng Đa Minh, Ông là vị thánh quan thầy của các nhà thiên văn học), được xây dựng năm 1964. Phía sau là nhà thiên thần – cô nhi viện.

Nguyện Đường nằm đối diện với mặt tiền của nhà thờ Chính tòa.

Tháp đồng hồ hiệu Farnier của Pháp có từ năm 1848.

Bùi Chu là mảnh đất đón nhận “hạt giống Tin Mừng” đầu tiên tại Việt Nam, khi nhà truyền đạo đặt chân tới năm 1553 (theo Khâm Định Việt Sử thì đó là “người Tây Dương tên là Inêxu lén lút truyền đạo”). Năm 1659, khi Toà Thánh chính thức thành lập 2 giáo phận đầu tiên tại Việt Nam, thì giáo phận Bùi Chu đã có đông giáo hữu thuộc giáo phận Đàng Ngoài, do các thừa sai dòng Tên, rồi đến các cha dòng Đa Minh phục vụ.

Năm 1668-1671 cha Gioan Huệ được cử về phục vụ ở giáo phận Bùi Chu. Năm 1763, khi toà giám mục tạm thời chuyển về làng Bùi Chu, giáo xứ Bùi Chu chính thức được thành lập lấy tên làng Bùi Chu. Nằm bên bờ sông Ninh Cơ thuận tiện cho việc giao thương bằng đường thủy, nên mảnh đất Bùi Chu đã trở thành trung tâm Công giáo.

Chúng tôi may mắn được một Sơ dẫn đi tham quan và giới thiệu. Từ phía cổng sau của nhà thờ Bùi Chu cổ, bên tay trái là Tòa Giám Mục và nơi ở của các vị Giám mục, Linh mục; tay phải là trung tâm hành hương Ave Maria, và tiếp đến là Đại chủng viện Bùi Chu và Phục Sinh Đường. Nằm trên đất cây cảnh, nên trong khuôn viên của nhà thờ Bùi Chu cũng có rất nhiều cây bonsai đẹp và cổ.

Sơ đưa chúng tôi đến thăm Phục Sinh Đường trước, đó là nơi nói đến cái Chết, sự Phán xử, Thiên Đàng và Hỏa ngục. Đài Phán xử ở bên cạnh Phục Sinh Đường và bên đối diện là cái cân tội nặng hay nhẹ. Thiên Chúa công minh xét xử mọi người căn cứ trên những gì họ đã làm trong cuộc đời và được đưa lên cân để đo nghiệp và phúc. Nếu một người ăn ở tốt lành tạo được phúc nhiều thì được đưa sang tháp Thăng Thiên để lên Thiên đường, tượng trưng bằng 11 cánh hạc đang bay lên. Còn kẻ ác tạo nghiệp lớn, thì bị đẩy xuống hỏa ngục.

Mặt trước Phục Sinh Đường có tượng thiên thần thổi loa: Vào ngày tận thế các Thiên thần thổi loa để báo cho người chết sống lại và nghe phán xử. Dưới chân Thiên thần là một chiếc đồng hồ chạy ngược, bởi vì khi chết người ta hết thời gian để lập công, và Thiên Chúa chỉ xét xử những gì xảy ra trong qua khứ.

Trên nóc nhà có 12 tượng các thánh Tông Đồ ngồi trên 12 ngai tòa xét xử. Phía trên cao còn có 4 pho tượng các Thánh Sử là các tác giả 4 sách Phúc Âm: Matthew, Mark, Luke và John.

Tôi được nghe Sơ giới thiệu là tầng dưới tòa nhà cất giữ 23 bộ xương các anh hùng tử vì đạo của Bùi Chu, nhưng tôi không thấy và cũng không dám hỏi. Có thể là dưới tầng hầm chăng? Thật sự thì tôi cũng không dám nhìn những bộ xương của các vị Thánh. Ở đây, tôi thấy có tấm bản đồ phía sau Đức Cha (tôi nghĩ vậy) có chỉ rõ các địa danh được truyền giáo tại Nam Định.

Trong gian tầng một này, tôi thấy có 6 vị Cha trong trang phục có lẽ gần với Á Đông, tôi chưa xem tên và rất nhiều các kỷ vật của các nhà thờ trong vùng, như các bình gốm, sứ, lọ hoa…

Tầng hai, Sơ giới thiệu là nơi cử hành nghi lễ. Tôi thấy có một kiệu lớn ở giữa gian.

Một lớp học sinh đang học về Công giáo được thầy dẫn đi tham quan, vừa đi vừa học. Hành lang xung quanh gian chính được dùng để trưng bày các kỷ vật, như những bộ trang phục của các Cha Xứ.

Hoặc các bức tượng, tranh và các đồ gốm, sứ, tượng đồng…

Trên gần trần nhà là chân dung của các vị Giám mục, có 7 vị Giám mục người nước ngoài và tiếp theo là các vị người Việt.

Sau khi thăm xong Phục Sinh Đường, chúng tôi quay trở lại và đi qua Đại Chủng viện, được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Thánh Cả Giuse và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đại chủng viện Bùi Chu đã trở lại hoạt động từ năm 2008 sau gần 50 năm bị đóng cửa, cơ sở của chủng viện được xây mới bên cạnh Tòa giám mục. Hiện nay có hơn 120 chủng sinh tham gia các khóa học. Đại Chủng có hai tòa nhà lớn, nằm cách xa nhau. Tòa nhà phía sau là khoa Triết học.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy các linh mục tương lai. Khi chúng tôi đến, họ đang đá bóng. Đó là những thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú (tôi không nói là đẹp trai!). Những nam thanh niên này đã nguyện hiến dâng cả cuộc đời để phục vụ đức tin nơi Đức Chúa. Họ phải tốt nghiệp trường dòng sau 4/ 5 năm ở đại học, sau đó họ đến  Đại chủng viện thực tập 2 năm và ôn thi để vào khóa tiếp theo học về triết học (4 năm và năm nào cũng có thi), rồi lại theo học tiếp 4 năm nữa về thần học cao cấp. Cũng sẽ có người không thể theo hết được con đường học tập kéo dài như vậy… và những vị linh mục đã tốt nghiệp Đại chủng viện quả thật là những người có trí tuệ và học vấn hơn người!

Chúng tôi không dám dừng lại, đứng xem (dù chỉ là coi họ đá bóng!) vì sợ như vậy không tôn trọng họ. Một đài kỷ niệm lớn dành cho ba người là Alexandre De Rhodes, người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ, cha truyền đạo đầu tiên đến Nam Định và vị giám mục đầu tiên của Bùi Chu (tôi nghe Sơ nói khá nhanh, có thể không chính xác!)… Sau đó Sơ đưa chúng tôi đi thăm vườn Kinh Ave Maria. Đây là một khu vườn cây với nhiều bức tượng đặc biệt. Một chiếc chuông nặng 900kg, độc đáo nhất thế giới, mang hình người phụ nữ – đó là Nữ Nhân Chung.  Xung quanh khu vườn có một bức tường cao, trên đó gắn những bản kinh Ave Maria, tức là bản kinh “Kính Mừng Maria” bằng các thứ tiếng trên khắp thế giới. Tổng số bản kinh là 150, làm bằng đá cẩm thạch, mỗi bản kinh có kích thước 2,20 m x 1,2 m, có bản kinh tiếng Việt viết năm 1865.   

Trong vườn này có cỗ tràng hạt rất lớn với tượng Đức Mẹ bằng cẩm thạch. Cỗ Tràng Hạt nặng 2,2 tấn, mỗi hạt kinh nặng 25kg. Trên cao có tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch nặng hơn 2 tấn, ngay sau lưng tượng Đức Mẹ là cây nến 7 ngọn cao 10m (vì cây mọc rậm che khuất, nên nếu không nghe Sơ giới thiệu, tôi không thể nhìn ra được 7 cây nến này). Sơ kể rằng đây là nơi mà tương truyền Đức Mẹ đã làm phép lạ chữa khỏi mắt cho một phụ nữ bị mù.

Đây là bức tượng Đức Mẹ cao 5m với những em nhỏ dâng hoa lên Đức Mẹ.

Trong vườn còn có tượng “Người mẹ Bùi Chu”, hình ảnh của một người mẹ tại Giáo phận Bùi Chu xưa kia trong bộ váy cổ truyền đang trên đường đi chợ, tay dắt đứa con nhỏ đến trường, đầu mẹ đội cái thúng, bên trong có nải chuối và con gà, tay kia cầm tràng hạt, vừa đi vừa lần tràng hạt.

Trong Vườn Ave Maria còn có một số tượng lớn như tượng Thánh Phanxico với con chó sói, tượng Thánh Don Bosco và Thánh Savio… 

Đây là chiếc kèn đồng to nhất Việt Nam, do nghệ nhân Đinh Văn Mạnh chế tạo, có chiều dài tới 5,5m và nặng 300 kg. (Tôi thật sự ngạc nhiên khi đi thăm một gia đình nghệ nhân là kèn đồng thủ công có tới 4 thế hệ làm kèn và nghe giới thiệu là một một giáo xứ có tới 5.000 người biết thổi kèn đồng, có gia đình cả bố, me, con đều biết thổi kèn!).

Người bạn đồng nghiệp đi cùng đang cố gắng thổi chiếc kèn đồng, nhưng âm thanh thoát ra chỉ là tiếng bè bè… Để thổi được chiếc kèn này phải là người vô địch về sức khỏe!

Đối diện phía bên kia là chiếc đàn Lira (hay còn gọi là đàn vua Đavit) được đặt trên mặt trống đồng đường kính 1,80m. Người bạn đồng nghiệp cùng tôi là người Irelan, tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy cây đàn thân quen của dân tộc anh ấy. Sơ mỉm cười nói: “Đức Chúa là của cả thế giới mà!”.

Ngoài ra trong vườn còn có bộ cồng chiêng lớn nhất Đông Dương, nặng chừng 300kg.  

Cuối cùng, Sơ đưa chúng tôi đi thăm nhà hầm các thánh tử vì đạo, ở bên dưới Tòa Giám Mục.

Mặc dù tôi được nghe giới thiệu trước về những bức tượng của các vị Thánh, bên trong có đặt một phần xương của từng vị, nhưng khi bước chân vào nhà hầm, tôi vẫn cảm thấy rất run, dường như đây là hầm mộ thật sự.

Trong nhà hầm có tượng của 33 Thánh quan Tử Đạo Bùi Chu; trong đó có 6 vị Thánh Giám mục ngoại quốc, 9 Thánh Linh mục, 2 Thánh Thầy giảng, 16 Thánh giáo dân. Không khí trong hầm mộ thật trang nghiêm.

Sơ kể cho chúng tôi nghe về sự hy sinh của các vị tử vì đạo (tôi không thể nhớ hết được), phần lớn trong số họ được giáo dân bí mật chôn cất và đánh dấu để sau này có thể tìm được. Mấy chục năm sau, khi khai quật mộ của các vị để đem về chôn cất, các bộ xương vẫn rỉ máu, giáo dân đã hứng những giọt máu đó vào các bình để cất giữ và thờ.

Ở đây có hai bàn thờ đặt xương thánh để khách hành hương chiêm ngắm và hôn kính.    

Tượng Đức Mẹ Maria trong trang phục áo dài tím bế Đức Chúa Hài Đồng khiến cho giáo dân cảm thấy Đức Mẹ thật gần gũi.

Chuyến đi thăm nhà thờ Bùi Chu lần này đối với tôi vô cùng quý giá, vì tôi không chỉ được chiêm ngưỡng nhà thờ cổ (dù sẽ được trùng tu bảo tồn hay dỡ ra xây lại) mà tôi còn được đi thăm và nghe kể về nhiều điều mà một người ngoại đạo như tôi chưa từng được biết. Xin cám ơn Sơ (tôi đã sơ xuất không hỏi tên) đã dành thời gian đưa chúng tôi đi thăm và giới thiệu.

You Might Also Like

One Reply to “Nhà thờ Bùi Chu, Nam Định”

  1. Very interesting architecture. But the statues and the mausoleum look a bit creepy. Great photos!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *