Lăng vua Khải Định, Huế

Khác với các lăng mộ của hoàng đế Trung Hoa thường được giấu kín dưới lòng đất, gồm những hệ thống đường vào bí mật và cung lăng tẩm rộng lớn bên trong, sâu trong lòng đất, lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn tại Huế được xây cất trên đồi, núi và an táng ngay trên mặt đất, không cần che giấu.

Trong các khu lăng mộ có tiếng của nhà Nguyễn ở Huế, có lẽ lăng Khải Định có kiến trúc đặc biệt nhất, không theo bất kỳ một dòng kiến trúc điển hình nào. Nó là sự pha trộn giữa kiến trúc tháp của Ấn Độ ở trụ cột hình tháp, với những biểu trụ theo hình dáng Stupa của đạo Phật, cửa vòm kiểu La Mã và mái cong đình chùa Việt…

Tôi đến lăng Khải Định, Huế mấy lần đều vào ngày nắng, nên nhìn 127 bậc thang leo lên đã thấy ngại.

Đến những bức tượng đá đứng giữa sân cũng cảm thấy bị say dưới cái nắng hè, thì làm sao khách du lịch dám đứng cạnh chụp ảnh.

Khách du lịch nước ngoài tránh nắng ngồi lỳ trong gác chuông mát mẻ ở tiền sân, sau khi leo 127 bậc …chắc chờ đến “tắt nắng” mới dám đi tiếp.

Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng mà khu lăng mộ của vị vua thứ 12 triều Nguyễn, một vị vua xây dựng nhiều cung điện và lo lắng chuẩn bị cho lăng mộ của mình một cách kỹ lưỡng.

Ông đã tham khảo nhiều thầy địa lý để chọn cho mình một khu lăng mộ phía trước có quả đồi thấp được coi làm tiền án; với hai ngọn núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua còn đổi tên núi Châu Chữ – vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng – thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.

Việc xây lăng kéo dài hơn 11 năm bằng tiền tăng thuế điền của dân, khiến lòng người oán trách. Để có được khu di tích hôm nay tại Huế cho khách tham quan, đã biết bao nhiều tiền của công sức đổ vào, vì sắt thép vua cho mua từ Pháp, sành sứ để trang trí được nhập bằng thuyền từ Trung Quốc và Nhật Bản.

Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là công trình chính của lăng với những đường nét trang trí công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đây là án thờ và chân dung vua Khải Định.

Pho tượng đồng của vua Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920.

Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng nhà vua ngự trên ngai vàng. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua. Tất cả đều rực rỡ trong màu vàng chói lọi.

Có lẽ tất cả du khách đến thăm lăng Khải Định, Huế đều ấn tượng về một vị vua luôn chăm lo đến bản thân mình.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *