Hội Lim Quan họ Bắc Ninh

Mang tiếng là “con gái Bắc Ninh” nhưng tôi rất xấu hổ thú nhận rằng, mình không hề biết hát một câu quan Họ, và rằng ngay cả Hội Lim tôi cũng chỉ mới đến một lần, mà lại là ngày sau hội, nghĩa là 14 tháng Giêng, vì chính hội ngày 13 không thể “chen chân” được.

Cũng bởi vậy nên tôi chưa từng chứng kiến lễ rước thần về lăng Hồng Vân và màn tế lễ hậu thần với nghi thức hát quan họ thờ thần ở lăng Hồng Vân. Tôi chỉ được xem một vài bài hát trên thuyền ở các làng lân cận (nơi không quá đông người), có tính chất “biểu diễn” hơn là “quan Họ truyền thống – liền anh liền chị).

Phải đến tận nơi tổ chức Hội Lim, bạn mới được chứng kiến quan Họ truyền thống và hiểu được sự khác nhau giữa “quan Họ truyền thống” và “quan Họ biểu diễn”.

Quan Họ truyền thống là sinh hoạt văn hóa dân gian của người Kinh Bắc, có những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn và tuân theo luật lệ. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị ở các làng quê: đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ…Có cả nghìn bài hát có sẵn, nhưng đôi khi liền anh liền chị tự sáng tác khi đối đáp nhau, sao cho phù hợp và hấp dẫn đối phương, nên các buổi giao lưu rất vui và sáng tạo. Và điều khác biệt là mọi người đều tham gia và không có “khán giả”, những người hát trao nhau tình cảm qua câu hát.

Còn quan Họ biểu diễn hiện nay có nhạc đệm và hát cho khán giả nghe người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả, chứ không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau, giống như tất cả các loại hình ca nhạc khác.

Đến với hội Lim bạn sẽ thấy có nhiều thế hệ cùng tham gia. Những người lớn tuổi vẫn duy trì được quan Họ truyền thống.

Còn lớp trẻ hiện nay phần lớn được “đào tạo” chứ không hẳn “truyền nghề” nên có xu hướng quan Họ biểu diễn nhiều hơn.

Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the. Liền anh mặc quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp.

Liền chị thường mặc “áo mớ ba mớ bảy”, nghĩa là có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy): trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm, ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà, ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân. Cách phối màu các lần áo cũng tương tự như ở bộ trang phục nam, nhưng màu sắc tươi hơn, bằng lụa hoặc the. Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng.

Còn nguồn gốc từ đâu có từ “quan Họ” thì đến người già cũng không biết, chỉ biết rằng quan Họ là một hình thức sinh hoạt, một loại “nghi thức” các phường kết Họ, khiến cho “anh hai, chị hai” suốt đời chỉ là bạn, không thể kết thành duyên vợ chồng.

 Hiện nay cả tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn hơn 60 làng giữ được truyền thống hát quan Họ (rất tiếc là làng quê tôi thì không có!). Các làng đều có chủ trương dạy cho các em nhỏ những bài quan Họ truyền thống. Đó là điều rất đáng tôn trọng.

Hội Lim được tổ chức ở thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 35km đi theo đường quốc lộ 1 cũ. Chính hội là ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, nhưng thường một hai ngày trước hội các làng quan Họ đã tổ chức các hoạt động giao lưu trong làng hoặc giữa các làng. Đi vào ngày đó thì không đông lắm. Nhưng muốn xem lễ rước thần về lăng Hồng Vân và màn tế lễ hậu thần thì phải đi vào đúng hội và đi từ rất sớm!

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *