Bữa ăn tối đầu tiên tại Bắc Kinh thật ấn tượng. Là trưởng đoàn khách du lịch từ Việt nam sang, tôi được xếp ngồi cùng bàn với hướng dẫn và lái xe Trung Quốc. Ngay lập tức người ta mang ra cho chúng tôi 4 tô mỳ, món ăn thông dụng của dân Bắc Kinh. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy những cái bát to như thế. Được làm bằng sứ dầy, sâu và nặng, trông chúng như cái âu sành dùng để muối dưa ở quê. Đặc sản đựng trong đó là món mỳ nấu của phương bắc với những sợi mỳ màu nâu sẫm trông như những sợi bánh phở thái ẩu bị trần quá tay, nước dùng không thể xác định nổi thành phần, duy có màu vàng đỏ có thể đoán là do cà chua, còn thịt thì chắc là vì băm quá kỹ nên chẳng nhận biết được là có hay không nữa. Người ta mang đến thêm một bát ớt khô chưng có một lớp váng mỡ phủ đầy bên trên.
Tôi còn đang băn khoăn không biết đây là món khai vị hay là thực phẩm chính và làm thế nào để sử lý được, thì đã thấy người lái xe và cậu hướng dẫn Bắc Kinh “vục mặt” vào bát vừa húp vừa đẩy những mảng mỳ qua “cửa khẩu”. Cậu hướng dẫn người Quảng Tây cũng như tôi nhìn tô mỳ mà kinh hãi. Tôi đề nghị cô bé phục vụ mang cho một chiếc bát nhỏ để sẻ ra ăn thử và thầm nhủ “phải để dành bụng còn ăn món khác”. Vì thời gian trôi quá nhanh hay vì tôi đã lãng phí những giây phút quý báu thưởng thức đặc sản phương bắc này, mà khi người lái xe đã kết thúc bát mỳ thứ hai tôi vẫn còn loay hoay với mấy sợi mỳ nát không sao gắp lên được. Hy vọng vào những món ăn sau nên tôi rất yên tâm, tế nhị đẩy nhẹ bát mỳ ra xa, lấy giấy lịch sự… lau mồm. Và bữa ăn kết thúc trong sự ngạc nhiên và có phần nối tiếc.
Thế là bữa tối đầu tiên của tôi ở Bắc Kinh được đánh dấu với cái bụng trống rỗng và nỗi “kinh hoàng” trước món mỳ đặc sản. Cậu hướng dẫn Quảng Tây dường như đã quen với việc này nên đã kịp húp vội tý nước dùng và uể oải đứng dậy. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng cho những ngày tiếp theo ở Bắc Kinh. Nhưng đây là kinh nghiệm quý giá và đương nhiên tôi sẽ không để bụng rỗng ra về trong những bữa ăn sau.
Quế Nga – Bắc Kinh, tháng 8 năm 2002