Quế Lâm

Chúng tôi tới Quế Lâm vào 7 giờ tối sau hai chặng bay vòng vèo qua Hồng Kông. Đang quen với không khí ồn ào nhộn nhịp của Hồng Kông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cái vắng vẻ quá đỗi của một sân bay quốc tế. Có lẽ đã tối nên các chuyến bay có phần thưa thớt. Công an cửa khẩu không biết quy định về hộ chiếu AB (được miễn thị thực vào Trung Quốc) nên cứ loay hoay trước quyển hộ chiếu của tôi và một người nữa trong đoàn, mặc dù đã được giải thích và ngay trong hộ chiếu tôi đã từng có 3 lần đi theo kiểu này rồi, nhưng cũng có thể do trình độ Anh văn quá khiêm tốn hay họ là những người quá nguyên tắc, nên quyển hộ chiếu của tôi được đi “du lịch” trước cả tôi. Một dòng người xếp hàng dài trước máy soi hành lý, cái điều dường như không gặp ở các sân bay quốc tế trong vùng. Chúng tôi sang nước bạn lần này theo lời mời của Tổng cục Du lịch Trung Quốc, nên có mang theo ít quà, là những đĩa CD giới thiệu về du lịch Việt Nam. Mặc dù giám đốc sở du lịch Quế Lâm ra đón tận nơi, nhưng hải quan không hề nương nhẹ tay chút nào, họ khám xét khá kỹ, bắt mở va ly và mang những chiếc đĩa CD đi kiểm tra. Chúng tôi làm xong thủ tục thì sân bay đã vắng tanh, không bóng người.

Bước chân ra ngoài trời, mắt tôi hoa lên trước màu sắc sặc sỡ của đèn màu trang trí khắp nơi, một hàng dừa nhựa chăng đèn rực rỡ trông thật…quê. Tôi quay lại ngắm nhìn sân bay Quế Lâm một lần nữa để xoá đi sự thất vọng, nhưng không được. Sân bay thiết kế theo kiểu bậc thềm nhà nên phải đi bộ khá xa mới ra tới nơi xe ôtô đỗ.

Con đường về thành phố tối om, tôi cố gắng nhìn hai bên đường dưới ánh sáng hắt ra từ đèn ôtô, nhưng không thấy gì ngoài những tấm lưới rào chạy dài theo con đường, như bên ngoài một trại giam lớn, còn đằng sau đó có lẽ là núi, hay rừng, ánh sáng không đủ để tôi xác định rõ. Tôi thầm nhủ sẽ phải quan sát kỹ khi trở lại sân bay này để đi Thượng Hải.

Đi mãi mà khung cảnh không mấy cải thiện khiến tôi ngao ngán. Lác đác bên đường những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ hay trạm chữa xe bẩn thỉu, hiu hắt trong ánh đèn vàng mờ. Phải vào tới trung tâm thành phố chúng tôi mới “tỉnh ngủ”. Có một sự khác biệt quá xa giữa các vùng trong một thành phố. Mỗi phố trong trung tâm lại có một loại đèn đường trang trí khá độc đáo. Chúng tôi được đưa tới một trong số ít nhà hàng “xịn” nhất Quế Lâm, ngự trên sườn núi. Phong cảnh nơi đây thật đẹp, thực ảo trong ánh đèn mầu hắt lên từ dưới thảm cỏ xanh và dọc theo sườn núi, lung linh soi xuống mặt hồ. Quế Lâm hiện đang thực thi dự án “hai sông và bốn hồ“, tạo nên phong cảnh rất đẹp vừa thiên nhiên vừa nhân tạo, biến Quế Lâm trở thành một điểm du lịch độc đáo của Trung Quốc.

Người ta đã chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đón tiếp chúng tôi trước khi đưa về khách sạn. Toàn các món ăn đặc sản dân tộc như tôm sông Ly (nhỏ như tép) tẩm bột rang ròn, ốc sông Ly (như ốc đá) hấp ớt, cơm nếp nấu sườn (nát nhoét)…rất khó ăn. Bữa ăn kết thúc khi phần lớn thức ăn hầu như không được động đến, phần vì mệt, phần vì đặc sản của một dân tộc nên dân tộc khác thấy khó cảm nhận.

Con đường về khách sạn đi qua khu trung tâm với con đường đi bộ sầm uất và rực rỡ ánh đèn. Tối thứ bảy nên trên phố có nhiều trò biểu diễn vui nhộn và các ca sỹ “nhân dân” đang nhiệt tình thể hiện trước đám đông khán giả “tay xách nách mang” tai nghe hát mà mắt vẫn dán vào các tủ kính trưng bày hàng hoá. Chúng tôi cũng muốn được tham gia vào không khí nhộn nhịp đó, nhưng cảm thấy bất tiện nên đành cầm lòng im lặng đi qua.

Khách sạn “Con voi vàng” nằm ở trung tâm thành phố, đã quá muộn nên tôi không kịp ngắm kỹ, vớ lấy chìa khoá rồi lên phòng ngay. Vì trong đoàn nhiều người chưa có tiền NDT nên chúng tôi quyết định sẽ tự xách va li từ phòng của trưởng đoàn sau khi đưa tiền tip chung cho người khuân vác. Không có gì nhiều để làm trước khi đi ngủ, ngoài việc tắm gội, vì ngày hôm sau chúng tôi phải rời khách sạn sớm với tất cả hành trang.

Quelam

Vừa thức dậy, tôi vội kéo rèm, muốn tranh thủ thời gian ngắm nhìn thành phố qua khung cửa sổ. Núi Vòi voi sừng sững trước mặt khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Phía dưới là một con phố nhỏ nằm giữa hàng cây xanh và những bồn hoa. Có lẽ còn quá sớm nên trên phố thưa thớt xe qua lại, chỉ thấy những người già đang hăng say luyện tập và dòng người đang kiên nhẫn trèo lên núi Vòi voi. Ăn sáng thật nhanh, cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn (vả lại chúng tôi cũng biết có rất nhiều bữa ăn thịnh soạn đang chờ đón phía trước), chạy ra phố hít thở bầu không khí trong lành của buổi sáng và hoà mình vào “tình yêu cuộc sống” của những người ở đây.

8 giờ xe khởi hành, chúng tôi có gần một giờ để ngắm cảnh Quế Lâm trong ánh sáng ban ngày rực rỡ. Có lẽ Quế Lâm được thiên nhiên ưu đãi, nên dưới những tia nắng ấm áp của mặt trời, khung cảnh xung quanh có vẻ hấp dẫn hơn. Thành phố Quế Lâm hiện đại lùi rất nhanh phía sau, chỉ để lại hai bên những dãy núi xanh và những cánh đồng lúa chín đã lâu, khiến người ta dễ lầm tưởng là người dân nơi đây có thói quen phơi lúa ngay trên đồng. Chúng tôi có cảm giác như đang đi trên đường làng quê mình vậy, rất gần gũi, thân quen.

Bến thuyền sông Ly đông đúc quá. Hình như tất cả khách du lịch đang nối đuôi nhau lên những chiếc thuyền kia đều không mang quốc tịch Trung Quốc thì phải. Một vài nhóm người nói tiếng Trung, nhưng lại là người Đài Loan hay Hồng Kông gì đó. Chúng tôi được đón tiếp trên một chiếc thuyền lớn, 2 tầng khá lịch sự và bàn của chúng tôi được đặt riêng trên tầng 2 ngay mũi thuyền, khách VIP mà lại!

Quelam5

Thuyền khởi hành đúng giờ, rất thứ tự, từng cái một,  làm sao để không chiếc thuyền nào làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của những thuyền khác. Một Hạ Long trên cạn hiện ra trước mắt du khách. Một vài du khách châu Âu, Mỹ lên chỗ chúng tôi đứng xem “nhờ”. Tôi thấy họ thực sự phấn trấn, trong khi chúng tôi không thấy ai tỏ ra mặn mà cả, cảnh nơi đây giống như ở Ninh Bình, cũng núi, cũng sông và những làng quê thanh bình bên luỹ tre xanh, những con trâu ngâm mình trong dòng nước, ngơ ngác nhìn con “vịt” khổng lồ bơi với chút tò mò. Được một lúc, nhiều người trong chúng tôi đã không còn hứng thú, lui về chỗ ngồi lơ mơ ngủ. Tôi làm quen với một người khách Mỹ đến từ San Francisco có vẻ hay chuyện. Chúng tôi giết thời gian bằng đủ thứ chuyện trên đời và không nhận thấy tàu đã cập bến. Chúng tôi có 2 giờ để thăm động “Tảng đá lớn” hay gọi theo tiếng Anh là Động Vương miện (Crow cave).

Thật khó để mô tả kỹ những gì nhìn thấy trong động, chỉ có thể nói là đẹp và rất sinh động. Sau khoảng nửa giờ leo lên tụt xuống, len lỏi qua những khe núi, ngắm nhìn những thạch nhũ đủ mọi kiểu dáng dưới ánh đèn mầu huyền ảo, người ta xếp chúng tôi ngồi lên một con tàu, như tham gia trò chơi vậy. Chuyến tàu đưa đoàn vào một hẻm núi, vách núi và nhũ tạo nên những vòm mái như trong nhà thờ Thiên Chúa giáo. Con đường dài 500 mét đem đến cho du khách một cảm giác khác lạ. Lại trèo lên, rồi lại tụt xuống, thỉnh thoảng chúng tôi chợt thấy một điệu múa của các dân tộc vùng Quảng Tây, ẩn hiện trong các vách núi hay nghe thấy tiếng trống âm vang xa gần. Tất cả tạo nên một không khí hấp dẫn giữa cảnh đẹp của thiên nhiên. Rồi chúng tôi đến một bến đò lúc nào không hay. Khi vừa ngồi yên trên ghế thì những chiếc đèn pin cạnh mình bỗng bật sáng, sẵn sàng giúp chúng tôi khám phá một thế giới khác. Tiếng nước róc rách dưới mái chèo, không gian tĩnh lặng chìm trong bóng tối, đó đây trong ánh đèn pin mờ ảo, những nhủ đá rủ xuống như thuỷ cung, sóng vỗ nhẹ vào vách đá và nhiều người có trí tưởng tượng phong phú cảm thấy như đang ở chốn nào. Bỗng nhiên chúng tôi nghe có tiếng hát trong trẻo vang lên rất gần mà cũng rất xa vì vang đập vào vách hang núi. Tất cả mọi người đều hướng đèn về hướng tiếng hát và nhìn thấy một đôi trai gái mặc quần áo dân tộc (?) đang ngồi hát đối nhau trên chiếc thuyền ngỗi nhỏ, thật lãng mạn, nên thơ. Con thuyền vẫn tiếp tục trôi, tiếng mái chèo khua nước át dần tiếng hát, để lại trong lòng du khách một sự luyến tiếc. Bước chân lên bờ rất nhiều người dừng lại mua vài con cá trong chậu từ người phụ nữ luống tuổi để “phóng sinh” cầu an.

Giờ chúng tôi đang ở dưới đáy hang, “chắc sẽ mệt đây khi phải trèo lên”, tôi thầm nghĩ. Nhưng không, giữa thiên nhiên tưởng như hoang sơ này, khách du lịch lại được phục vụ bằng một chiếc thang máy hiện đại khá rộng và đi với tốc độ khá nhanh, để không bắt đám du khách đông đúc phải chờ đợi.

Đỉnh núi cũng là đường ra khỏi động. Ánh sáng và nắng ấm mở ra trước mắt chúng tôi cảnh núi rừng bạt ngàn, xanh thắm. Chặng cuối cùng rất ấn tượng, cũng là để “nắn gân” du khách. Chúng tôi, cứ hai người ngồi lên một cái khay, người ngồi sau hai tay kéo hai cần phanh, còn người ngồi trước tay nắm cần lái, tất cả cùng trượt trên đường ray, lao nhanh xuống chân núi, băng qua những cánh đồng hoa cỏ vào mùa xuân chắc rất đẹp. Chuyến đi thăm động Đá lớn kết thúc bằng một chuyến phà bằng mảng tre, nối với bậc lên xuống của thuyền. Một chuyến tham quan rất ấn tượng.

Tiếp tục khoảng 2 giờ nữa trên thuyền dọc sông Ly, vẫn khung cảnh ấy, nhưng có một bữa cơm xen giữa nên không cảm thấy quãng đường đi quá dài. Trên một dãy núi ở khúc ngoặt có một “bức tranh” chín chú ngựa mà Chu Ân Lai khi đi qua đây đã tưởng tượng ra. Và từ đó người ta thường đo mức độ thông minh của một người dựa trên khả năng “nhìn” ra được bao nhiêu con ngựa. Người bình thường thì chỉ thấy 4 con, còn thấy trên số đó là có thể tự đắc cho là mình hơn thiên hạ được rồi. Cả đoàn nhao ra nhìn, ai cũng cố vắt óc ra để chứng minh mình không phải là hạng bình thường. Riêng tôi nhìn đi nhìn lại chỉ thấy có độc có mỗi cái đuôi của một con ngựa có lẽ đã chạy mất tầm nhìn và cạnh đó là hình một con chó sói. Có lẽ con vật hung dữ kia đã ăn thịt mất đàn ngựa của tôi rồi, chỉ còn may mắn một con thoát chết! Hay trí thông minh của tôi không thể xếp hạng được?

Khoảng 3 giờ chiều khi mọi người đang lơ mơ thì tàu cập bến. Vì đứng ở mũi tàu nên tôi đã đoán ra khi còn ở xa. Giữa khung cảnh làng quê mộc mạc bỗng xuất hiện một bến đò sầm uất, với đường phố cổ kính nhưng đầy tính thương mại, hàng lưu niệm bán xuống tận mép nước. Bên sườn núi thấp thoáng mái cong của ngôi chùa nào đó. Ngay cầu tàu, một người đàn ông mặc bộ quần áo nông dân, đầu mang mũ lá, trên vai là chiếc đòn gánh trên có hai chú “chim câu cá”, đang đứng chờ du khách qua chụp ảnh, kiếm tiền.

Quelam3

Trên dòng sông Ly, những người ngư dân có một cách bắt cá rất đặc biệt. Người ta nuôi những con chim bồ nông, nhưng lại giống lũ vịt trời màu đen, buộc dây vào chân chúng và để chúng đứng trên mảng tre. Gió thổi hây hây, mảng trôi lững lờ, những người câu cá giả đò thiu thiu ngủ, còn các chú chim theo bản năng thỉnh thoảng lại nhanh như chớp, lao ngay xuống nước khi có chú cá xấu số nào lởn vởn bơi quanh chiếc mảng cũ này. Đớp con cá vào trong chiếc mỏ to chú chim quay trở lại mảng, ngửa cổ lên để nuốt miếng mồi thì ôi thôi, cái cổ đã bị dây buộc chặt, chỉ có những con cá rất nhỏ mới may mắn chui lọt để tiến vào dạ dày, số còn lại được người đàn ông lười biếng, chỉ việc nhấc cái mỏ ra, thò tay vào bắt cá thả vào rỏ. Việc “cướp miếng ăn giữa ban ngày” như thế này đã truyền từ đời này qua đời khác. Không biết từ bao lâu rồi, trên dòng sông Ly trong xanh và đầy thơ mộng này, cảnh cướp công ấy cứ diễn đi, diễn lại.

Chúng tôi bước vào một dãy phố, rất khó nói nó giống địa phương nào trên thế giới. Những quán ăn, quán rượu như ở châu Âu thế kỷ 19, nằm xen giữa một vài khách sạn người ta vẫn bắt gặp trong những bộ phim cao bồi miền tây, còn hàng hóa thì được bày bán như ở Thượng Hải trước cách mạng. Người ta chỉ thấy phần lớn là người Âu dạo chơi trên phố hay đang nhâm nhi tách cà phê bên cạnh đường, lơ đãng nhìn người qua lại. Tôi chưa từng được đến một nơi nào như vậy nên cảm thấy thích thú. Và dường như mọi người ở đây đều có cùng tâm trạng với tôi vậy.

Khách sạn lớn nhất Yua Shou (Dương Sóc – tên của thị trấn xinh đẹp này) nằm ở cuối đường, rất xứng đáng với tên gọi “Thiên đường”, được trang trí bằng cơ man những bức hình chụp các nguyên thủ quốc gia đã từng viếng thăm nơi đây và đi thuyền trên sông Ly, ít nhất cũng có tới 2 tổng thống Hoa Kỳ đã tươi cười hạnh phúc khi ngắm cảnh non xanh nước biếc nơi này. Một bức ảnh gây ấn tượng nhất, không chỉ với du khách Việt Nam mà chắc chắn là đối với tất cả nhuững ai nhìn kỹ, đó là bức ảnh chụp cụ Hồ, một tay vén quần, đang lúi húi lội nước, hình như trong một hang động gì đó, được đặt giữa những bức ảnh các vị thủ lĩnh khác đứng trên mũi thuyền tay giờ cao như muốn chào cả thế giới.

Tôi lấy chìa khoá lên phòng và nhanh chóng hoàn thành mọi thủ tục cần thiết,  mặt nhanh nhất có thể, cùng mọi người khám phá thị trấn nhỏ này. Ngay cổng khách sạn đã có rất nhiều xe dạng xiclô có mái, (người đạp ngồi bên cạnh chứ không phải đằng sau như nhà mình), đứng mời chào rất nhiệt tình. Những người châu Âu có vẻ khoái phương tiện đó nên lũ lượt leo lên để rồi bị chở tuốt đi đâu mất tăm. Chúng tôi chỉ muốn lang thang trên phố đi bộ nên không quan tâm đến thứ đó. Hàng hoá ở đây chỉ có đồ lưu niệm Trung Hoa, nhiều vô kể. Chúng tôi coi chuyện đi chơi là chính nên chỉ sà vào hỏi giá cho vui, chứ không thấy có mấy ai “móc túi” ra cả. Có điều giá ở đây nói “thách” cao quá mức, gấp 4, 5 lần giá bán nên ai mua cũng đều bị “hố” cả.

Quelam3

Chúng tôi lại lao ra phố ngay sau bữa ăn tối, không khí lúc này thật vui. Những quán ăn xếp bàn ghế ra lòng đường để khách vừa thưởng thức đặc sản địa phương trong ánh nến, vừa hoà vào dòng người ngược xuôi. Cái cách ăn đặc biệt này cũng làm không ít du khách bị cán dỗ, không cầm lòng được phải ghé vào một góc bàn nào đó, trước khi quyết định sẽ dạo chơi tới đêm khuya.

Chúng tôi có một đêm ngủ ngon lành trong “Thiên đường” vì ngày hôm sau có “quyền” dậy muộn hơn, 9 giờ chúng tôi mới phải lên xe, trở về Quế Lâm.

Bữa trưa được sắp xếp ở một nhà hàng có kiến trúc rất Trung Quốc, khá hiện đại trên một vùng quê không lấy gì làm trù phú lắm. Sau bữa ăn, thấy giám đốc Hồng thông báo sẽ đi thăm “Vườn Đào”, tôi tỏ ý luyến tiếc với mấy người bạn đồng hành về mùa đào đã qua, không hy vọng còn “mót” được quả nào nữa. Nhưng trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, “Vườn đào” lại là một làng văn hoá dân tộc, nằm hai bên bờ hồ Yến Tử dài 3 km. Đây quả là một mô hình rất đặc biệt, được xây dựng xen kẽ giữa 3 làng cổ nằm trên bờ hồ. Du khách ngôi trên chiếc thuyền gồ có gắn máy, đôi khi lại dùng mái chèo, len lỏi qua khe núi, hang ngầm, đi qua những ngôi nhà xây theo kiến trúc của từng dân tộc khác nhau ở Quảng Tây. Xen giữa những điệu múa lời ca của các diễn viên lại là cảnh múc nước tưới rau, giặt quần áo hay cắt cỏ của những người dân sống trong 3 ngôi làng cổ này. Dân làng ở đây sống rất thọ, có người hiện đã 109 tuổi, còn tuổi thọ trung bình lên tới 89. Sống giữ thiên nhiên tươi đẹp, được hưởng bầu không khí trong lành và nhất là tránh xa cuộc sống gấp gáp bon chen nơi đô thành, thọ cao là điều dễ hiểu. Tôi chợt thấy đằng xa một màu hồng nổi lên giữa màu xanh ngút ngàn của rừng núi, không tin vào mắt mình, chả lẽ hoa đào nở cuối thu sao? Nhưng đó là sự thật, hoa đào nơi đây nở cả 4 mùa, vì vậy mà người ta mới gọi là “Vườn đào”. Thế mà lại có người tâm hồn ăn uống, chỉ mơ tưởng đến những trái đào má đỏ nên suýt “vỡ mộng”.

Chuyến du thuyền chừng một giờ kết thúc bởi những chén rượu trắng rất thơm của người H’mon, những quả Còn được ném xuống từ tầng hai của ngôi nhà sàn dân tộc Đồng, từ các cô gái muốn kén chồng và những tấm vải thổ cẩm được dệt và vẽ bằng tay của các cô gái dân tộc Dao, H’Mon…một điểm tham quan hấp dẫn.

Sau bữa tối chúng tôi được thưởng thức một chương trình biểu diễn balê, múa hiện đại kết hợp với xiếc cổ truyền Trung Hoa khá đặc biệt. Rất tiếc là người ta không cho chụp ảnh nên tôi chỉ còn giữ được hình ảnh của những diễn viên trẻ đầy tài năng ấy ở bên ngoài rạp, sau buổi biểu diễn họ ra sân để chào khán giả.

Về tới khách sạn “Con voi vàng” thì đã quá muộn, chúng tôi không còn đủ sức đi chơi thêm nữa.

Ngày tiếp theo không mấy thích thú khi phải dạo chơi mấy công viên, để hít thở không khí và rèn luyện đôi chân. Công viên “Thất Tinh” nằm giữa những ngọn núi xếp thành hình 7 ngôi sao làm chúng tôi “thất vọng” nhất. Sau hơn nửa giờ lê chân giữa cảnh non xanh nước biếc, chúng tôi tới bên một chuồng hổ. Cửa chồng mở để đón quý khách vào chụp ảnh với con hổ béo như …lợn, nằm đờ đẫn, không thèm mở mắt ngay cả khi bị quất mấy roi để ngóc cái đầu nặng trịch lên cho người ta chụp ảnh. Nhưng không sao, vì mục đích chính của chúng tôi tới đây là để nhìn gấu trúc cơ mà. Kia rồi, tận cùng trong góc vườn là một căn nhà thấp tối om, xung quanh có bức tường bao, căng mắt ra mà tôi không nhìn thấy gì cả. Mọi người còn đang ngơ ngác thì bỗng có ai đó kêu lên (như khi Colombo tìm ra châu Mỹ vậy!), “nó kia rồi”, chúng tôi đưa mắt theo hướng tay chỉ thì thấy trên sàn nhà một đống gì đó đen đen trắng trắng, hoá ra là một “cụ” gấu trúc đang nằm ngủ, hơi thở nặng nề, hình như sắp quy tiên. Thế mà cả lũ lại cứ tìm trên lưới quanh nhà, tưởng thấy chúng leo trèo nghịch ngợm, ai biết đâu chỉ có một cụ gấu trên 80 tuổi, đang cống hiến cho nhân loại những giờ phút cuối cùng của mình.

Phần cuối cùng của khu công viên là một phòng trưng bày bộ sưu tầm các loại đá khá độc đáo, nhưng có lẽ số người thích không phải là nhiều, nhất là người Việt.

Chương trình tiếp nối là hai hang động nổi tiếng khác của Quế Lâm, có tên là động Bạc và động Tiếng Sáo. Cả hai động đều rất đẹp, nhưng vì trong mấy ngày qua chúng tôi được chiêm ngưỡng quá nhiều vẻ đẹp nên mọi thứ dường như đã bão hoà, không còn cảm nhận được gì hơn nữa, thậm trí có một thành viên trong đoàn còn thốt ra rằng nếu đi xem động nữa thì chắc sẽ “động kinh” mất.

Chúng tôi mau chóng kết thúc bữa ăn tối để tranh thủ có mặt trên phố đi bộ ở trung tâm thành phố. Chợ đêm rất sầm uất, chủ yếu là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ dành cho khách du lịch Âu, Mỹ, còn mấy du khách Việt Nam thì chui xuống chợ “Tiểu Hồng Kông” nằm dưới đất để tìm mua quần áo. Tôi đi theo mọi người nhưng cảm thấy không hợp “gu” lắm. Rồi cuối cùng khi ngoi lên để tìm đường về khách sạn thì tôi mới vớ được mấy món quà nhỏ cho tụi trẻ. Còn độ 400 mét nữa thì tới khách sạn nhưng có lẽ đã quá mệt nên đành chui vào taxi, 7 tệ vậy (nhưng mà những 5 người đi chung cơ đấy).

Ngày cuối cùng ở Quế Lâm “vất vả” không kém. Buổi sáng chúng tôi ngồi cáp treo lên đỉnh núi Meo, cao nhất vùng này để ngắm cảnh và …mua quà lưu niệm. Về tới khách sạn đã quá 12 giờ nên khoá từ đã mất tác dụng thành ra không mở được cửa. Phải giải thích mãi người ta mới cho phép chúng tôi vào để khuân đồ ra. Nguyên tắc bao giờ cũng là nguyên tắc, cho dù bạn có là “thượng khách” đi chăng nữa.

Chặng cuối cùng chúng tôi dừng chân là Vườn gấu và hổ. Nơi đây thực sự là khu nuôi dưỡng và bảo tồn những động vật thuộc loại hiếm này, có tới gần 300 con gấu, 200 con hổ và 100 con sử tử thuộc mọi lứa tuổi được nuôi ở đây. Mỗi con hổ một năm ăn hết 10 tấn thịt, nghe mà rùng mình, chi phí để chăm sóc đàn thú này quả là khủng khiếp.

Chúng tôi không nhìn thấy nhiều du khách lắm, hay vì đã chiều muộn? Một buổi biểu diễn xiếc thú được tổ chức rất vui nhộn, trẻ con chắc thích lắm. Sau đó người ta cho chúng tôi chứng kiến cảnh con hổ vồ mồi khi thả một con trâu hiền lành vào khu vườn nuôi hổ. Quy luật sống còn của tự nhiên là vậy, nhưng thực tâm tôi không hề muốn chứng kiến cảnh tượng này.

Bữa cơm chia tay được tổ chức ngay trong vườn thú, do giám đốc vườn và sở du lịch Quế Lâm tổ chức. Cũng bịn rịn, xúc động như bất cứ cuộc chia tay nào. Chúng tôi chỉ có mấy đĩa CD về cảnh đẹp của Việt Nam để tặng bạn làm kỷ niệm.

Trở lại sân bay Quế Lâm thì trời đã tối nên tôi vẫn không có dịp ngắm kỹ lại con đường và chắc sẽ khó có cơ hội khác, vì từ Việt nam chưa biết bao giờ mới có chuyến bay tới Quế Lâm.

Thôi đành vậy, tôi sẽ cố xoá đi những hình ảnh chưa rõ ràng ấy, mà chỉ giữ lại ký ức vô cùng tốt đẹp của những người bạn mến khách Quế Lâm và cảnh non xanh nước biếc đẹp vô cùng và rất… giống ở nhà mình vậy.

Quế Nga, Quế Lâm, tháng 11/ 2002

You Might Also Like

One Reply to “Quế Lâm”

  1. Thực ra ở Quế Lâm chị thích động Tiếng sáo nhất đấy. Còn ấn tượng nhất thì lại là các con đường thơm ngát mùi hoa quế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *