Chuyến đi khảo sát của những “thủ lĩnh” du lịch chắc chắn sẽ không thể bình thường như những chuyến đi khác được và không thể không ghi chép lại những gì xảy ra…
22h15 tối ngày 12 tháng 1, khách sạn Cây Xoài mọi ngày vẫn nhộn nhịp khách ra vào (bởi đây là lối đi tắt để vào ga tàu, chứ khách sạn chắc không có nhiều khách như vậy!) giờ có vẻ đông đúc hơn (chú ý đường đi không rộng lắm!) vì có một nhóm “thủ lĩnh” xuất quân.
Là khách VIP nên thay bằng đứng vất vưởng trên vỉa hè chờ nhau, chúng tôi được mời vào một phòng nhỏ. Phần lớn mọi người đã quen biết nhau từ trước nên câu chuyện đã có phần rôm rả ngay từ phút đầu. Chủ nhiệm TTC* mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng cũng bớt chút thời gian vàng ngọc để đi tiễn đoàn (trách nhiệm một phần nhưng có lẽ cũng vì “thèm” đi quá, tiễn một quãng để hưởng một chút cái không khí hừng hực cho đỡ thèm thôi!) Trục trặc liên lạc nên một hai thành viên trong đoàn chưa kịp ôm hôn vợ con đã phải khoác ba lô lên đường…mà vẫn đến muộn. May thay, tàu Lào Cai vẫn thường thương khách, ngậm ngùi không nỡ chia tay nên bao giờ cũng phải delay mấy chục phút. Các nhiếp ảnh gia liên tục ghi lại những giây phút cảm động này, nhất là sự “dùng dằng” ‘người ơi người ở đừng về!’ của chủ nhiệm TTC. Ai đó còn chớp được cả “cái ôm” đầy tình cảm của chủ nhiệm với các nữ đồng nghiệp…
Thế rồi cũng phải ra đi! Tàu vừa chuyển bánh đã thấy có người đi truy tìm mỳ ăn liền. Thì ra là không có ‘thực” (thực phẩm ấy mà) thì tình cảm cũng chỉ là…hình thức. Trong vòng 10 phút trong các khoang đã thấy vận chuyển cho nhau nào là bimbim, thịt bò khô, xúc xích…(những thứ mà trẻ con ăn trước khi đi ngủ, nếu bị các bậc phụ huynh nhìn thấy là thế nào cũng được xơi kèm với …roi!). Rồi tiếp đến là các sòng bạc lớn nhỏ đua nhau mọc lên như nấm sau mưa, cùng với khói thuốc lá là những khuôn mặt căng thẳng… hệt như trong phim Macao vậy. Tiếng còi tàu trong đêm, tiếng bánh xe rít trên đường ray kin kít…át hết những tiếng ngáy của những người vô tư, tiếng dở mình trằn trọc của ai đó nhớ nhà hay nhớ ai!!!
5hsáng ngày 13, trời còn tối om, tàu đã đến ga Lào Cai được vài phút mà nhiều người vẫn còn mơ màng. Phải dậy rồi ư, sao nhanh thế? Đêm trên tàu vừa dài lại vừa ngắn…
Sếp Tuyên DL Lào Cai thật chu đáo, cho quân ra tận chân …bậc lên xuống tàu để đón đoàn. Những đám valy cồng kềnh dùng để xuất ngoại được kéo lê trên đường đất nội trông thật đáng thương. Những chiếc valy cứ nhảy lên chồm chồm, lúc nghênh trái, khi lệch phải, nhiều cái phải cố gồng lên để khỏi bị chồng kềnh… Ga tàu chứ có phải sân bay đâu mà đòi nhẵn nhụi? Thôi cố lên, nhà hàng Hoa Việt ngay đối diện ga kia rồi. Nhanh chóng thu xếp việc cá nhân, quẳng hành lý vào đống và lên nhà để nạp nhiên liệu. Cái tội thích của lạ làm gần nửa đoàn bị đói. Số là Lào Cai có món đặc sản là cuốn sủi (?) giống hủ tiếu, nhưng lại rất khó ăn. Nghe tên kêu nên nhiều người ham, tranh nhau gọi để rồi sau đó lặng lẽ gọi thêm món khác hay đành bóp bụng chờ bữa trưa.
Xe miễn phí của DL Lào Cai đưa ra tận cửa khẩu, chỉ tội nghiệp mấy người hiểu biết Lào Cai và DL lào Cai ít quá nên ra tới cửa khẩu lại thuê xe điện chở ngược lại trụ sở DL Lào Cai ở …ngay bên đường đối diện. Vì phải chờ để làm thêm thủ tục XNC cho một thành viên hơi vô tư trong đoàn (đến lúc khởi hành mới biết hộ chiếu đã hết hạn!) nên mấy người muốn tăng thêm hiểu biết về Lào Cai đã thuê xe điện đi một vòng thị xã. Nhờ có chuyên gia sinh học Điểu cầm Lâm nên mọi người cũng thu nhận được ít nhiều kiến thức trong chuyến đi 20 phút – Lao Cai city tour.
Thủ tục XNC không có gì đặc biệt. Đặt chân lên đất Hà Khẩu là cả đoàn đã được chào đón bằng nụ cười rộng mở rất thân thiện của A Trinh (hay gọi là em Thanh), hướng dẫn viên của đoàn, người đã đóng góp một phần rất lớn cho sự thành công của chuyến đi.
Chào Tổ quốc, chúng tôi lên đường! Hình như không có ai bùi ngùi xúc động khi phải chia tay với đất nước mình, bởi có quá nhiều điều hấp dẫn đang chờ phía trước.
Chặng đường đầu tiên trên đất bạn làm cả đoàn thất vọng. Chất lượng đường quá xấu (đang sửa chữa nên nhiều ổ voi trên đường) và hẹp lại vòng vèo quanh núi, nên xe gần như chỉ nhích dần chứ không phải chạy. Có lẽ phải đến thị trấn Nam Khê (cách Hà Khẩu 19km) đường xá mới khá hơn. Dù mới vượt được một quãng ngắn, nhưng cũng phải mất hơn 1 giờ nên đến trạm kiểm tra nhập cảnh Nam Khê, chúng tôi xuống xe để “hái hoa” và thể dục. Hướng dẫn luôn mồm nhắc không được chụp ảnh, lúc đầu mọi người rất ngạc nhiên vì phong cảnh ở đây đâu có gì đáng ghi lại, nhưng khi nhìn mấy cậu biên phòng cặm cụi chép lại danh sách đoàn vào sổ một cách thủ công thì mọi người mới hiểu ra, điều đặc biệt mà có người muốn ghi lại chính là đây.
Con đường đi đến Bình Biên không có nhiều ấn tượng, chỉ có những vườn chuối bạt ngàn nằm bên sườn núi, những con ngựa thồ trên lưng hai chiếc sọt tre đựng đầy những buồng chuối xanh lầm lũi đi dọc bên đường. Tôi quên không hỏi hướng dẫn xem chuối ở đây được chuyển tới đâu vì quá nhiều, chắc chắn tiêu thụ hết chỗ chuối này thì dân địa phương sẽ bị thủng dạ dày mất. Càng lên cao, mây mù càng dầy đặc, có những đoạn đường tầm nhìn chỉ còn vài mét không rõ nét dưới ánh đèn vàng của ôtô. Bên ngoài thì u ám, nhưng trong xe không khí lại rôm rả, nóng bừng. Sau những lời giới thiệu về Vân Nam, về Bình Biên…thấy trình độ tiếng Việt của A Thanh khá tốt, mấy anh bắt đầu thử. Và chủ đề có vẻ khá hấp dẫn là “phở” và “cơm” của các anh đưa ra bị A Thanh trả lời bằng bài hát “Ai trong đời chẳng có vợ, vợ được gọi là cơm…” làm các anh chưng hửng. Hoá ra cô gái người Hán này còn giỏi tiếng Việt hơn…nhiều chị em VN đấy.
Chương trình được tiếp nối bằng những bài hát, những câu chuyện cười…nhưng bầu không khí thật sự bốc lên khi yếu tố kinh tế được đưa vào trò chơi. Khởi đầu là tác phẩm của Tường Lân với câu nói nhanh bắt đầu bằng các chữ L (Lâm lên lầu lấy lưỡi liềm…). Yêu cầu là nói nhanh, nói đúng, ai nói sai phải nộp phạt 5NDT, ai không nói phạt 10NDT. Cái điều khoản phạt nghe chừng có tác dụng nên không thấy ai í éo gì, lần lượt hết tròn rồi lại méo mồm, đưa lưõi ra rụt lưỡi vào sao cho nhanh nhất để không bị vấp khi nói và nhất là không được nói ‘nghịu’. Một, hai, ba… người thành công, sung sướng nhảy cẫng lên, làm tim của những người còn lại bị đập loạn nhịp. Chẳng nhẽ mình lại kém hơn nó? Không, chính xác là chẳng nhẽ mình lại để bị mất tiền? Nhưng rồi tài năng cũng không phải ai ông trời cũng ban cho như thế. Với lại nếu tất cả đều thành công thì làm gì có nguồn thu cho ngân sách của đoàn (đang ngày một cạn kiệt!). Lần lượt các chiến sĩ ngã xuống trước sự …hân hoan của đồng đội (ngân sách tăng lên vùn vụt mà!). Đến lượt tôi, vừa là dân vùng sâu vùng xa (tôi ngồi cuối xe mà) lại vừa thuộc hàng bô lão, không có được sự nhanh nhẹn của tuổi trẻ, sợ rằng nhỡ mồm không nói chuẩn thì… dại, nên giơ cờ trắng đầu hàng ngay khi vừa bị dí súng và ngoan ngoãn móc ví trả luôn 10NDT. Kết thúc trò chơi, thủ quỹ kiểm tra lại khoản thu khiến cho không ít người trở nên phấn trấn và những kẻ khác thì lên kế hoạch sẽ phải làm gì để mình có lợi nhiều nhất khi sử dụng khoản ngân sách đó…
Trò chơi tiếp theo có vẻ văn hoá hơn, xe được chia làm 2 đội và sẽ thi xem ai hát được nhiều bài về mưa nhất. Bên nào thua sẽ phải nộp 5 NDT. Không hiểu sao chả thấy ai có ý kiến gì về khoản phạt, nó quá …thấp, có 5 NDT cho cả 10 người. Chắc là vì không có ai đủ tự tin mình sẽ thắng, nên chẳng nhẽ mình lại tự ký “án tử hình” cho mình? Ban đầu vốn còn nhiều nên thủng thẳng hai bên đối đáp như ‘liền anh, liền chị’ quan họ đối nhau vậy. Nhưng rồi nguồn cũng cạn kiệt dần, tôi phải rời cố hương tiến lên hàng ghế trên để trợ thủ cho đồng đội. Những giây phút căng thẳng, trí nhớ được phái ra khắp nơi để tìm kiếm, những mẩu bài hát ‘gián nhấm’ được tung ra vào những giây phút cuối cùng gỡ cho các đội bàn thua. Rồi những lần đếm ngược, cảm giác chỉ còn được sống thêm vài giây thật khủng khiếp, dây thần kinh căng lên, mắt như có những vì sao bay lượn…để rồi khi chốt hạ vang lên, nửa xe như muốn vỡ tung, mọi người reo hò vì đã chiến thắng…5NDT. Sau khi nhiệt độ trong xe đã xuống gần mức chấp nhận được, có ai đó bên chiến thắng bỗng thở hắt ra: “Đúng là mình bị điên chỉ vì 5NDT mà để đầu suýt nổ tung!” Mọi người cùng ồ lên hưởng ứng, quả đúng vậy, chỉ vì 5 NDT cho 10 người mà đầu ai cũng bị ong ong. Nhưng nói đúng ra là cả bên mất 5 NDT cũng đau đầu đấy chứ, hơn nữa sự thất bại còn hành hạ họ khốn khổ hơn. La Tuyết (Exotismo) lấy tiền ra ứng trước cho đội thua. Các thành viên khác vỗ tay hoan hô cử chỉ nghĩa hiệp của La Tuyết và nghiễm nhiên coi đó là tiền La Tuyết “bao” cả đội! Thôi mà, La Tuyết định nói gì đó…nhưng không ai để cho nói. Chỉ mất có 5NDT mà được coi là vì đồng đội thì cũng đáng lắm!
Bữa trưa tại Bình Biên làm gián đoạn cuộc vui, vì sau đó ‘căng da bụng nên trùng da mắt’, ăn xong lên xe chẳng ai còn hứng thú chơi gì nữa, chỉ ngủ thôi.
Chặng đường tiếp theo tuy dài hơn nhưng chất lương tốt hơn, nên cũng dễ ngủ hơn (xe đỡ sóc mà).
Thành phố Di Lạc cách Hà Khẩu 340km, tuy chỉ là một thành phố nhỏ nhưng được quy hoạch tốt, đường phố rộng, sạch sẽ, hệ thống thoát nước chắc chắn hơn Hà Nội và đặc biệt có những khu nhà, khách sạn khá lớn. Khách sạn chúng tôi ở 3sao, nằm trên một đường phố lớn, đối diện là khu nhà hàng xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa cổ truyền.
Nhận phòng khách sạn …. , vận chuyển đồ đạc, thay quần áo và lại tiếp tục chương trình. Vội như thế mà vừa đặt chân vào loby đã thấy A Bằng đứng đó nhe răng cười rất tươi và nói: “Chị muộn 3 phút nhé”. Ôi chao, sao lại có người chi li thế? Lúc này tôi mới để ý, thì ra tay hắn đã lăm lăm cây bút và mảnh giấy để ghi tên những người đến muộn. Không biết vì trưởng đoàn “lí nhí” khi thông báo về việc nộp phạt nếu tập trung muộn hay tai mọi người có vẫn đề, nhưng rõ ràng là chưa ai biết được luật 30-50 (nghĩa là chậm dưới 5phút phạt 30NDT, trên 5 phút phạt 50NDT), vì vậy cái danh sách dài mà A Bằng ghi được lần đầu tiên không được chấp nhận.
Bữa tối khá thịnh soạn được Cục du lịch Di Lạc chiêu đãi. Chúng tôi ngồi vào ba bàn lớn, cái ở giữa dành cho sếp của đoàn ngồi cùng với đại diện DL Di Lạc với cô cục phó 30 tuổi mà trông như sinh viên. Bữa cơm vui vẻ, lần đầu tiên được uống rượu nho Hồng Hà (vì người Pháp bắt đầu xây dựng đường sắt từ châu Hồng Hà nên đã mang theo cả giống nho Pháp đến), cũng thấy hay hay. Nhưng vì thời gian không có nhiều nên đành ngậm ngùi hẹn khi khác thưởng thức tiếp.
Mặc dù đã 9 giờ tối, nhưng vì là thứ bảy nên khu DL sinh thái Hồng Quán vẫn vô cùng đông đúc. Mọi người đều tiếc là không được ngắm nơi này vào ban ngày, nhưng buổi tối cũng có cái đẹp của nó. Những bể tắm nước khoáng nóng ngoài trời giữa nhiệt độ 5 độ C sôi động với đủ các lứa tuổi. Chúng tôi ai cũng so đầu rụt cổ trong những chiếc áo đông ấm áp còn những người khách ở đây thì trên mình chỉ có mỗi chiếc khăn bông. Chúng tôi đi tham quan các bồn tắm nhỏ nằm ẩn hiện dưới những tán cây xanh. Thật là một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi thư giãn. Cả khu có gần 20 bồn tắm nhỏ và 2 khu tắm bể lớn đáy lát những hòn sỏi to. Rất tiếc là chúng tôi không được thông báo trước, vả lại cũng không có nhiều thời gian…Giá như…Ôi, giá như được ngâm mình ở đây 1 giờ thì…thật đã.
Trên đường về chúng tôi ghé thăm khách sạn 5 sao Hồng Quán, mà lúc đầu tưởng nhầm là 2 sao, nên ngay lập tức quả quyết sẽ cho khách của mình ở tại đây. Mọi người cứ ngỡ ngàng, khách sạn 2 sao mà có sảnh lớn thế, nhất là có mấy cây cột rất to! (La Tuyết là người ngỡ ngàng nhất khi nhìn thấy cây cột). Giữa loby rộng lớn có đặt một lẵng hoa ly vô cùng to, chỉ đi qua cũng đã ngửi thấy ngào ngạt hương, thế mà vẫn có nhiều người băn khoăn không biết hoa thật hay hoa giả???
Khách sạn 2 sao mà chúng tôi đến thăm sau đó thì đúng là 2 sao thật, không có gì phải bàn nữa, chắc khách cũng không mấy hài lòng khi xếp họ vào nghỉ ở đó.
Về đến khách sạn cũng đã 11 giờ đêm rồi. Chúng tôi không có thời gian tán gẫu vì phải tranh thủ ngủ ngay, ngày mai còn dậy sớm và luật phạt tiền đi muộn đã chính thức được áp dụng trên toàn lãnh thổ rồi, không coi thường được!
Ngày 14 tháng 01
6h30 (giờ TQ nghĩa là mới 5h30 VN thôi) morning call! Bật dậy khỏi giường và thật nhanh mọi việc để kịp kéo hành lý xuống xe, ăn sáng và lên xe đúng giờ…như bộ đội! Ngày đầu tiên áp dụng luật 30-50, không ai vi phạm (cũng phải cám ơn trưởng đoàn vì đã double call giúp cho những người chậm chạp khỏi mất tiền).
Chúng tôi gặp lại đoàn tiếp đón của Cục DL Di Lạc tại chân núi Di Lạc. Hôm nay là chủ nhật, mới sớm thế mà trông họ đã rất tươi tỉnh, sẵn sàng làm việc rồi, vậy mà chúng tôi thì vẫn còn… ngái ngủ.
Núi Di Lạc, mới nghe giới thiệu đã thấy nản rồi, phải leo những 1.999 bậc! Bộ đội chắc cũng không luyện tập gian khổ thế này, họ chủ yếu tập trườn, bò trên mặt đất chứ đâu phải leo? Ai cũng tâm niệm rằng cố leo lên để nhìn thấy tượng Phật rồi vái vọng và xuống chứ không dám hạ quyết tâm lên đến đỉnh núi. Thế nhưng Phật đâu có dễ để cho những kẻ lười biếng được gặp, cả đoàn cứ lầm lũi leo lên theo hình chữ chi (kinh nghiệm học được từ người dân địa phương)…và đất Phật cũng không phụ lòng những kẻ sẵn sàng tử vì đạo. Khi mắt nhìn thấy tượng Phật cũng là lúc tôi đặt chân lên đỉnh núi. Ôi, hạnh phúc biết bao khi mình đã vượt lên được chính mình! Tôi hít một hơi dài, không khí trên đỉnh núi thật trong lành, nhìn ra xa những cánh rừng xanh phủ kín núi đồi mờ mờ trong sương sớm và con đường phía dưới trông như một con rắn đang uốn mình…
Tôi mua ba cây hương rất to (tinh vi!) cứ tưởng hương to lắm lộc, ai dè đốt mãi chẳng cháy. Đúng là “tham thì thâm”, các cụ nói cấm có sai bao giờ! Thành công nhất trong chuyến leo núi này là một bức ảnh tập thể hoành tráng dưới chân Đức Phật Di Lạc – Đức Phật mà chỉ có niềm vui bất tận, không giận không buồn…Hy vọng chuyến đi sẽ được Ngài phù hộ, sẽ chỉ toàn niềm vui và những chuỗi cười…
Tại nhà khách bên cạnh chùa chính, giám đốc khu DL núi Di Lạc vui vẻ đón đoàn và giới thiệu cho chúng tôi nghe về khu núi Di Lạc. Bản thân quả núi cũng có hình tượng Phật đang ngồi. Trong những thông tin được cung cấp, có một chi tiết mà tôi thấy rất hay, Đức Phật Di Lạc không chỉ từ bi xỉ hả, rộng lượng khoan dung mà còn là người biết vận dụng tốt cơ hội và quản lý rất tốt (vì Đức Phật phải quản lý những ba cõi cơ mà!) Vậy là Ngài có một tính cách rất phù hợp với thời buổi “kinh tế thị trường” và có lẽ những “thủ lĩnh” của ta nên mang sách đến để nghe Ngài dạy bảo.
Rời Di Lạc, chiếc xe của Cục DL Di Lạc còn tiễn chúng tôi một quãng khá xa cho đến hết địa phận của huyện. Chia tay ngay trên đường quốc lộ, chúng tôi thật xúc động trước lòng nhiệt tình, hiếu khách và cả thái độ nghiêm túc trong công việc của bạn. Giá như mình cũng có những người tâm huyết như thế lãnh đạo, chắc chắn VN sẽ trở thành … gì đó hơn bây giờ rất nhiều rồi.
Chỉ còn khoảng 40km là tới A Lư. Quả thật chúng tôi không thể ngờ được mình lại được đón tiếp nhiệt tình, chu đáo đến như vậy, không chỉ ở Di Lạc, A Lư mà sau này tại tất cả những nơi chúng tôi đặt chân tới Đại Lý, Lệ Giang, Côn Minh, châu Hồng Hà. Phải nói chính xác là những đồng nghiệp Trung Quốc đã giang tay đón chúng tôi như những người bạn. Cám ơn chị Yến, cám ơn DL Panda và tất cả mọi người đã dành cho đoàn của chúng tôi những tình cảm nồng hậu trong chuyến đi này.
Trước cửa khách sạn A Lư là một tấm băng rôl dài chào đón chúng tôi bằng tiếng Việt và một tấm băng như thế được căng dọc bức tường phòng hội nghị. Chúng tôi dành hơn nửa giờ để nghe những bài phát biểu khá trịnh trọng (đã được chuẩn bị và dịch sẵn ra tiếng Việt) của Cục phó DL huyện Lô Tây và Giám đốc khu DL A Lư. Để đáp lại trưởng đoàn chúng tôi có vài lời phát biểu “tay bo” ngắn gọn (chúng tôi đâu có chuẩn bị tinh thần làm việc nghiêm túc đến vậy!) về TTC, những thành viên sáng giá của TTC (chỉ nghe đến toàn giám đốc, phó giám đốc các CTY lữ hành Hà Nội là phía bạn lấy làm vinh hạnh được tiếp đón rồi!!!).
Cùng với các tài liệu và đĩa VCD về khu DL A Lư, mỗi người còn được Cục DL tặng một chiếc túi thổ cẩm dân tộc, đeo vào trông cũng ngồ ngộ. Trước bữa ăn, vì còn hơi sớm nên cả đoàn tranh thủ chụp hình với các cô gái người Di trong trang phục dân tộc. “Trúng” nhất là trưởng đoàn, được mặc một chiếc áo dân tộc đứng giữa một bầy tiên nữ, miệng nở nụ cười mãn nguyện…Ai đó thầm nuối tiếc cho chủ nhiệm CLB, không biết có còn giữ được trái tim thoi thóp không khi xem những bức ảnh này…Thiệt thòi quá, thiệt thòi quá!
Bữa cơm chiêu đãi của Cục DL Lô Tây không bao giờ có thể quên được. Rượu được đựng trong từng chén có nắp, cung cấp vô hạn cho mọi người. Sau những vòng chúc rượu thông thường là đến màn chúc rượu đặc sắc ALư. Một đoàn tiên nữ dân tộc Di nâng trên tay ly rượu ùa vào phòng. Ai cũng được các cô chăm sóc cho đến khi ly rượu cạn sạch mới thôi. Bắt đầu từ mâm của trưởng đoàn. Mọi người lo lắng cho trưởng đoàn vì sau bữa cơm còn có bài phát biểu trên truyền hình của huyện, nhỡ rượu nói hộ thì gay. Nhìn sếp Tuyên bị các tiên nữ “đè cổ, bóp mũi, bành miệng” ra để đổ rượu vào mới thấy “rượu mừng không uống, lại muốn uống rượu phạt” thì tiên nữ cũng giống quỷ sa tăng!
Rồi đám tiên nữ, giờ đã chuyển thành quỷ nữ lần lượt đi các bàn. Tội nghiệp Hà (Emeraude) sợ quá trốn sang bàn bên cạnh, mà cũng không thoát. Bị lôi về và giữ chặt giữa những cánh tay có vẻ mảnh mai mà chắc như cùm, Hà ta giãy giụa, nhưng làm sao thoát được…Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một khuôn mặt đau khổ đến vậy. Có lẽ sau này có phải xuống địa ngục thì khuôn mặt của Hà cũng sẽ không đến nỗi nhăn nhúm khổ sở như lúc này và chén rượu vẫn phải cạn cho dù có những giọt vung vãi ra ngoài. Để tránh tình trạng bị động vừa rồi, quân ta quyết định tung mỹ nhân ra phản công. Lan Anh, La Tuyết lao đến chuốc rượu cho thủ lĩnh đội bạn…và kết thúc bữa tiệc là màn hưng phấn đến cao độ của Cục phó. Không cần giữ nghi lễ, ông nhảy lên ghế, kéo chiếc áo len cộc tay đến ngang bụng và không quên kiểm tra lại… phecmôtuya quần (vẫn còn tỉnh táo!) vung tay đọc một bài thơ. Giọng hùng hồn được “kích” lên bởi men rượu khiến mọi người cũng cảm nhận được chút ít, tuy không hiểu ông nói gì…
Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, chúng tôi lên đường tham quan ALư cổ động sau phút chia tay bồi hồi có cả ông Chủ tịch huyện Lô Tây. Chụp vội tấm hình trước “đồng hồ thời gian” của người Di (một năm chỉ có 10 tháng 36 ngày, còn lại là Tết) chúng tôi phải nhanh chân vì thời gian cho bữa trưa đã bị over nhiều quá. Trước khi vào động, đài truyền hình còn muốn nghe một vài cảm nghĩ của trưởng đoàn. Mọi người nín thở…và thốt nhiên cùng ồ ra “vẫn chưa bị líu lưỡi”. Chứng tỏ tửu lượng của trưởng đoàn cũng thuộc loại cao thủ!
Cửa động Alư có mây hồng nghênh tiếp và bức tượng Phật Bà đã từng phát ánh hào quang trong nhiều ngày liên tục. Phần còn lại cũng đẹp nhưng không phải là quá “sửng sốt”. Chuyến đò dưới lòng hang đón chúng tôi bằng những tràng pháo tay, thật đặc biệt! Giữa tiếng mái chèo khua nước ì ọp, cô hướng dẫn viên cất giọng hát làm không khí trở nên thư thái lạ thường. Trong cái tĩnh lặng của hang động, giọng hát nhẹ nhàng được truyền đạt bằng tiếng Hoa dễ đi vào lòng người quá. Tất cả như bừng tỉnh khi tiếng hát kết thúc, một phút im lặng rồi mọi người cùng ào lên “phải hát gì đáp lại đi chứ”! Ca sĩ Kiếm Tiệp bắt nhịp bài VN quê hương tôi, nhưng có vẻ không thành công lắm (thật là bí khi cần “mang chuông đi đấm nước người”!). Người đàn ông chèo thuyền chúng tôi hát bài Tây Du ký khá hay…chúng tôi lala theo anh ta. Chuyến đò tuy ngắn nhưng cũng để lại ấn tượng khó quên.
Để đến được động thứ tư chúng tôi di chuyển bằng hệ thống cáp treo “open”, nghĩa là nếu lơ đễnh là có thể đánh rơi… cái gì đó, mà không nhặt lại được. Một xóm làng nhà cửa san sát hiện ra dưới chân chúng tôi, cổ kính và mang đậm truyền thống dân tộc. Chỉ tiếc là màu xanh hơi ít, không thấy nhà nào có vườn cả, chỉ thấy màu vàng của những bức tường nổi lên dưới màu xám của mái ngói.
Thông thường thì trong động có biểu diễn ca múa nhạc và tái hiện một số phong tục tập quán của dân tộc Di, nhưng vì hôm nay quá vắng khách nên tạm nghỉ. Không có nhiều ấn tượng, ngoại trừ “quần tiên tiễn khách” ở cửa ra của hang.
Tạm biệt Alư với những kỷ niệm đẹp về lòng hiếu khách và cảnh đẹp thiên nhiên trời phú cho nơi đây, chúng tôi tiếp tục chặng đường hơn 100km đến Côn Minh.
Không có ấn tượng gì đặc biệt trong hành trình này, phần vì cũng mệt sau bữa cơm rượu quá chén, lại được tham quan 2 điểm cũng hoành tráng từ sáng tới giờ, nên đa phần chìm ngay vào giấc ngủ. Chỉ có 2 kẻ còn thức, rình mò để “săn” được những bức ảnh “đắt giá” của những kẻ đang thả hồn vào trong mộng. Thấy được nguy cơ có thể vào danh sách người bị hại, tôi lôi ngay kính đen ra đeo (trời đã về chiều, những tia nắng đông thưa thớt, yếu ớt!) và thư thái nhắm mắt…
Chùa Kim Đồng Điện là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn khi tới Côn Minh. Ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn đồi trong khuôn viên rất rộng và đẹp. Bản thân ngôi chùa đồng thì lại rất khiêm tốn, bên trong có bức tượng quan Trấn Vũ nhưng khuôn mặt lại giống Ngô Tam Quế. Toàn bộ mái chùa đều bằng đồng, phía trước có một lá cờ hình tam giác cũng bằng đồng.
Thật ra đây chính là khu nghỉ ngơi của Ngô Tam Quế với mỹ nhân Trần Nguyên Viên, mà lịch sử Trung Hoa đã dành không ít trang viết về họ. Giữa một hồ nước nhỏ trong khuôn viên, chúng tôi “sững” người trước bức tượng Trần Nguyên Viên, người đẹp mà một viên tướng tài giỏi như Ngô Tam Quế đã phải “phụ quốc gia, không phụ mỹ nhân” làm thay đổi cả vận mệnh đại vương quốc Trung Hoa.
Cảnh vật nơi đây thật thanh bình. Mặc dù đang giữa mùa đông nhưng cây cối trong vườn vẫn xanh tươi, chỉ không có hoa đua nở thôi. Mùa xuân và hè ở đây chắc sẽ rất đẹp.
Ân tượng khó quên tại Kim Đồng điện bên cạnh những dấu ấn của lịch sử, những kỷ niệm về một mối tình giữa anh hùng và mỹ nhân…chúng tôi còn có một kỷ niệm về bức chân dung… trẻ đẹp hơn tuổi của A Bằng. Luôn tự hào trước dung nhan trời phú, A Bằng không tiếc 55 NDT (5 NDT cho họa sĩ vẽ tranh và 50NDT tiền phạt muộn giờ) để danh họa “vỉa hè” của Kim Đồng Tự ghi lại tuổi trẻ của mình…Sự kiện này còn chưa có hồi kết thúc, thành viên TTC vẫn tiếp tục chờ đợi…
Bữa tối chúng tôi được thưởng thức món đặc sản lẩu nấm Côn Minh với gần 20 loại nấm khác nhau. Thức ăn ngon, nhưng ấn tượng nhất vẫn là màn múc lẩu của cô bé phục vụ. Sau mỗi đợt “chia chác” thức ăn, mặt bàn lại “be bét” nước canh, trông như là …gì ấy! Nửa căn phòng bên đang có một đám cưới nên thỉnh thoảng tiếng lai, lai, lai (bài hát mời rượu của các quỷ nữ dân tộc Di) lại vang lên, khiến một vài người lại thấy thèm (rượu), còn kẻ khác lại thấy sờ sợ… Bữa này A Bằng hơi xui, nên mặc dù luôn xếp bát trước mà bao giờ cũng phải ăn “cơm thừa canh cặn”, không biết có phải “Ông Trời có mắt không?”.
Sau bữa ăn tối, mặc dù đã muộn chúng tôi đi mát xa chân theo nghị quyết của đoàn. Vì phải cấp tốc phục vụ đoàn khách khá đông vào đêm khuya khoắt, nên nhà hàng phải chiêu mộ người làm thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp có thể được. Tôi suýt phì cười khi nhìn thấy đội quân đó xuất hiện sau cánh cửa. Nếu tuyển diễn viên hề thì về ngoại hình của đội là OK, chỉ cần cho vào lò luyện tập.
Số tôi và đại ca Lâm hơi đen nên phần ngâm, tẩm bị cắt đi vài phút. Chị em có vẻ hài lòng hơn, nhất là Chi Mai và La Tuyết. Tôi cũng chớp được bức ảnh Lan Anh Nguyễn đang “phê”. Với đội ngũ mát xa này thì chắc anh em không có ai thoả mãn cả. Cảm nhận bằng mắt chứ đâu phải bằng tay???
Khách sạn King World 3 sao chất lượng tốt, nhất là bồn tắm đứng. Nhưng chúng tôi không có nhiều thời gian để sử dụng. Nhanh chóng lên giường, chuẩn bị sức để mai còn “đạp cửa (toa lét) xông vào, không nhường bạn như chẳng có…) để kịp… giờ tập trung.
Ngày 15 tháng 1.
Bữa sáng tại khách sạn 3 sao có khác, khá thịnh soạn. Lại khuân đồ ra xe và tiếp tục hành trình. Ngày hôm nay chúng tôi có một chặng đường dài đến Đại Lý (400km) và lại lên cao nên sẽ mất nhiều thời gian đây. Chiếc xe của chúng tôi phải hóp bụng cồng lên cho đỡ sóc suốt hơn 1 giờ với gần 20km đường khi rời Côn Minh. Đường mới làm nhưng bị xe tải quần dữ quá nên hỏng nặng. Nghĩ đến chặng đường mấy trăm cây số mà hoảng. May thay, xe đã ra tới đường cao tốc, chúng tôi đã có thể yên tâm, bắt đầu… mở nhà hàng. Đấy, đấy phải nói có đầu đuôi không mọi người lại thấy khó hiểu. Chuyện là thế này, bếp trưởng Kiếm Tiệp cùng 2 quản lý nhà hàng là La Tuyết và A Vân quyết định mở quán “đặc sản DÊ” nên có mời cả đoàn mỗi người một món. Vậy là lần lượt từ đầu tới cuối xe, đến lượt ai, xin các bác cứ tự nhiên gọi một món nấu từ các thành phần con DÊ có, bác nào bí quá không chọn nổi cho mình một món thì chỉ xin nộp vào công quỹ 5NDT, còn bác nào ăn chay, không dám tham gia thì nộp 15NDT…Lúc đầu mọi việc có vẻ xuôn sẻ, môn giải phẫu cơ thể …người, được đưa vào ứng dụng trong việc trọn món. Thôi thì ta có gì thì ta sẽ ăn… cái đó của dê! Một số người “bao thầu trọn gói” luôn một bộ phận, kiên quyết không nhường cho ai, ví như A Bằng ăn toàn bộ các món thuộc về lông (từ lông mi, lông mũi đến lông …kín, lông hở…) hay như sếp Tuyên có bộ “nhá” tốt (hay là quá kém nên muốn ăn gì bổ nấy!) chọn tất cả hàm trên, hàm dưới… ninh nhừ! Thời gian trôi đi, sự phong phú của các món ăn tưởng như vô tận, vậy mà cũng đến hồi…gay cấn. Xuất hiện các thực khách “cao thủ” ăn toàn các món đặc sản như A Hưng độc chiêu các loại ký sinh trùng như giun sán, chấy, rận…hay đại ca Trang sài toàn các loại dịch như nước mũi, gỉ mắt, nước bọt…và nhiều thứ nữa không thể nhắc lại được. Rồi người ta bắt đầu ăn đến những gì con dê thải ra… những khối u, mần bệnh…quả thật đến lúc này chúng tôi mới thấy sức mạnh của 5NDT lớn đến mức nào! Nhưng “lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt” cuối cùng thì cũng có rất nhiều kẻ ăn không nuốt trôi nên phải …cho ra 5NDT, rồi lại 5NDT nữa…3 chiến sĩ đã gục ngã vì không thể nhồi thêm những món ăn kinh dị được nữa, nâng ngân quỹ lên… 45NDT. Cuộc chiến không phân thắng bại đã được giải cứu bằng cuộc viếng thăm Washington City… điển hình theo chuẩn mực Trung Quốc.
Mải đấu tranh sinh tồn quên cả ngắm cảnh hai bên đường. Chúng tôi đang đi lên cao nên hai bên là đồi núi. Những làng xóm nằm quây quần dưới chân núi vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống với những bức tường nơi thì bằng đất, nơi để gạch trần không trát, mái ngói màu xám…trước nhà treo lủng lẳng những dây ngô vàng ươm. Tất cả các xóm làng đều giống nhau ở một điểm là rất ít cây xanh và nhà rất chật hẹp. Tôi nghĩ sẽ thú vị nếu có thể dừng chân khoảng 1 giờ để ghé thăm một trong những ngôi làng cổ truyền đó.
Chúng tôi đến Đại Lý đã quá bữa trưa và cũng phải nạp nhiên liệu cấp tốc để còn kịp xem show diễn tại trường quay Thiên Long Bát Bộ lúc 3h chiều. Trên đường đi, A Thanh tranh thủ giới thiệu về Kim Dung và những tác phẩm lừng danh của ông. Trước cổng Thiên Long Bát Bộ có 14 chữ, đó là các chữ đầu của 14 bộ “trưởng” của ông. Trường quay được xây dựng để đóng phim Thiên Long Bát Bộ, nên chữ “Thiên” được đặt ở đầu. Khung cảnh chủ yếu dựng lại cuộc sống dưới triều nhà Tống. Chúng tôi có khoảng 1 giờ để tham gia các hoạt động ở đây và kỷ niệm đầy ấn tượng là sự đào hoa may mắn của A Bằng khi cướp được tú cầu từ tay… đồng môn để được làm chàng rể câm điếc” trong mấy phút (chi tiết chuyện này xin vui lòng viếng thăm “Vân Nam ký sự của diễn đàn TTC) Sau khi chứng kiến những giây phút chầu chực, rồi tranh giành tú cầu của mỹ nữ… tôi hiểu ra rằng, không chỉ Ngô Tam Quế, mà bất cứ người đàn ông nào cũng sẽ sẵn sàng “phụ quốc gia” thậm trí “phụ cả thiên đường” (nếu có!), chứ nhất định không thể “phụ mỹ nhân”. Tự nhiên tôi lại thấy “chạnh lòng”, “anh hùng không qua được ải mỹ nhân” vậy mà chưa thấy anh hùng nào “rớt” lại ở “ải” của mình cả!!!
Tam Tháp quả là một công trình kiến trúc vĩ đại của người xưa và người nay. Ba tòa tháp với gần nghìn năm lịch sử, sừng sững hiên ngang đứng giữa trời, thách thức cả thời gian và không gian. Còn quần thể các gian điện thờ được xây dựng trên một trục dài 4km mới được khánh thành năm 2005 thì rộng lớn và quy mô không kém gì Tử Cấm Thành. Đặc biệt hệ thống điện thờ được xây dựng trên sườn núi nên nhìn từ xa giống như những nấc thanh bắc lên Thượng giới vậy. Những bức tượng trong các gian điện thờ đều được làm bằng đồng mạ vàng rất tinh xảo. Đến cả trăm bức tượng Phật và các vị chư thiên Bồ Tát, La Hán có các kích cỡ khác nhau, nhưng nét mặt không pho nào giống pho nào và vô cùng biểu cảm. Có thể nói Tam Tháp có một bộ sưu tập các pho tượng Phật khổng lồ và vô cùng giá trị.
Vì thời gian có hạn nên chúng tôi phải ngồi xe điện đi từ cổng lên tới Đại Hùng Bảo Điện thôi chứ không đi hết được toàn bộ khuôn viên của Tam Tháp, sau đó đi bộ xuống tới thư viện rồi lại lên xe điện đi xuống. Có lẽ để đi lễ chùa và vãn cảnh thì phải mất cả ngày may ra mới đi hết được Tam Tháp.
Chúng tôi phải quay về vì có buổi làm việc với Cục DL Đại Lý vào lúc 16h30, tại khách sạn 5 sao… Cũng như tại Di Lạc và Lô Tây, Cục DL Đại lý đón tiếp chúng tôi rất long trọng, với sự tham gia của rất nhiều nhân vật quan trọng như Cục phó Dl Đại Lý, Giám đốc Cty TNHH lữ hành (Đại Lý có 24 công ty du lịch trong đó có 4 công ty lữ hành quốc tế hợp nhau lại dưới danh một công ty TNHH để có cùng một chính sách giá cả và định hướng phát triển chung); giám đốc Cty quản lý điểm tham quan (quản lý chung 5 điểm tham quan lớn nhất Đại Lý: Thiên Long Bát Bộ, Tam Tháp, du thuyền hồ Nhĩ Hải, Thành cổ, Mộng hồ điệp); Giám đốc khu resort và khách sạn 5 sao và một số thành viên khác…Sau những bài phát biểu ngắn gọn của cả hai bên, trưởng đoàn chúng tôi không kịp chờ sự thống nhất của các thành viên đã không khách khí nhận ngay lời mời đi xem Mộng Hồ Điệp vào buổi tối. May mắn quá! Không ngờ lại có cơ hội xem một chương trình đặc sắc của Đại Lý …dễ như vậy (giá vé 180NDT và phải đặt trước) Chúng tôi đi xem một vòng khu khách sạn 5 sao (nơi duy nhất có những nhân viên nói được tiếng Anh). Phải nói là khách sạn đẹp và xây dựng theo kiến trúc truyền thống để có thể hòa với Cổ thành Đại Lý.
Mộng Hồ Điệp thật tuyệt vời, chỉ tiếc rằng không được phép chụp ảnh quay phim trong rạp và đáng tiếc hơn là chúng tôi đã không kịp mua đĩa DVD vì lúc ra quá đông khách. Những phong tục của dân tộc Bạch, những câu chuyện truyền thuyết về tình yêu lứa đôi…được thể hiện qua các điệu múa trong trang phục dân tộc truyền thống đầy màu sắc.
Khách sạn chúng tôi ở nằm ngay trong Cổ thành, nhưng vì quá mệt nên tôi đã bỏ lỡ đêm rượu Cổ thành Đại lý, một trong những đêm đầy ấn tượng của chuyến đi. Ai ơi đã tham gia đêm này thì cho tôi biết với, để cho tôi…thèm!
Ngày 16 tháng 1
Buổi sáng, trời có vẻ u ám. Đã 8h rồi mà bầu không khí ảm đạm quá, nhưng chúng tôi cũng phải xuất phát thôi vì quỹ thời gian quá chật hẹp. Thả bộ trên phố nhỏ trong cổ thành vào sáng sớm hơi se lạnh, khi các cửa hàng còn chưa mở cửa cũng có cái hay riêng. Chúng tôi đi về cổng thành phía nam, cố gắng gồng mình để tránh xa sự quyến rũ của những cửa hàng hai bên đường. Một ban nhạc dân tộc đang say xưa chơi những khúc nhạc cổ trong một ngôi lầu bên cổng thành. Cả đoàn chụp chung một kiểu tại cổng nam dưới hàng chữ “Đại lý”. Từ đây có thể nhìn thấy Tam tháp uy nghi trên nền núi xanh thẫm. Chương trình tự do chỉ có chừng 45 phút, vừa để quay trở về khách sạn, vừa chụp ảnh, vừa chọn hàng và quan trọng hơn là mặc cả. Thoắt cái đã chẳng nhìn thấy ai trong đoàn nữa. Phải nói là các thành viên trong đoàn đều có biệt tài “đánh nhanh, rút gọn, truy tìm mục tiêu chính xác”…nên sau khoảng thời gian ít ỏi, hàng hóa đã chất nửa xe. Tôi phát ghen với sếp Tuyên và Lý Long vì không kịp mua bức tranh đá, kỷ niệm đặc sắc của Đại Lý (những phiến đá tự nhiên có những vân đen, nâu, vàng…trông như những bức tranh thủy mặc).
Vừa nhìn đồng hồ vừa rảo bước, trong lòng luôn vang lên lời nhắn nhủ…50NDT đấy! Lời cảnh báo đó quả có sức nặng nên đã ngăn tôi khỏi những gian hàng. Về đến khách sạn đã thấy A Bằng ngồi thu lu dưới gốc cây, tay lăm lăm bút, mắt vừa liếc đồng hồ vừa chăm chú hướng về phía cổng, nên tôi vội vàng báo cáo “có”, xong mới giám đi “hái hoa”. Đúng 10h, những người đã có mặt chợt tươi tỉnh hẳn, kể từ đây họ đã có cơ hội được chứng kiến đồng đội bị “bắn gục”. Những tràng vỗ tay như tiếng súng, mỗi khi có đồng đội xuất hiện. Từng người, từng người một thi nhau ngã xuống. Có người trước khi “chết” vẫn còn hô “tôi không sai!”, muốn chứng tỏ khí phách ngoan cường giống cha ông ngày xưa…Ngân quỹ đoàn tăng lên nhanh chóng, thành tích này có công rất lớn của A Bằng. Đề nghị cả đoàn tặng cho A Bằng “mề đay – Mặt dầy”! nhé.
Bàn ngang một chút, luật 30-50 đưa ra đem lại những kết quả tích cực đáng kể, hầu như không có hiện tượng đi muộn và ngân khố được bổ sung không ngừng, nhưng tôi cũng nghe không ít lời tâm sự. Sếp Tuyên sáng ra vừa đi vừa lầu bầu: “Mày về nhà thì chết với ông!” Hỏi sao giận dữ thế, thì sếp thều thào nói: “Đệ tử của anh sáng ra quên cả tình sư đệ, bỏ mặc thân già, cuống quýt ra đi, chỉ vì… 50NDT”! Tôi an ủi sếp rằng như thế còn là may, chứ một vài cặp sau morning call cả hai cùng bật dậy, lao nhanh vào toalet…khiến xung đột bùng phát. Có gì lạ khi chiến tranh cứ xảy ra nơi này nơi khác trên hành tinh, nếu luật nâng lên không phải là 30-50 mà là 30-50 tỷ??? Đó là chưa kể đến sáng kiến của Lân Laptop về phần “hoa hồng” trích lại khi làm chậm mấy đồng đội của mình!
Chặng đường Đại Lý – Lệ Giang gần 250km, lúc đi thì phải leo lên cao nên cũng mất hơn 4 giờ. Đường tương đối tốt. Hồ Nhĩ Hải tiễn chúng tôi một quãng khá xa (chiều dài tới 42km), những làng xóm thanh bình trải dài theo sườn núi, hay trong những thung lũng lướt nhanh qua ô cửa kính xe. Tôi muốn ghi lại những hình ảnh này nhưng thật khó. Vì đang giữa mùa đông nên rất lâu tôi mới nhìn thấy cánh đồng hoa cải vàng nổi bật trên nền đất nâu và những vạt cỏ đã héo úa. Mùa hè nơi này chắc đẹp lắm.
Có vẻ như bữa ăn đặc sản Dê hôm trước còn quá… đầy, nên không thấy ai hào hứng chơi trò trên xe nữa. Nhiều người tranh thủ ngủ để làm mồi cho những tay “săn ảnh”. Một vài câu chuyện cười của nhà Điểu cầm học Lâm được A Bằng “cù” thêm làm ai đó cười khúc khích…
Một cô gái có dáng người cao cao, khuôn mặt không xinh nhưng rất tươi, thay mặt Lệ Giang đón chúng tôi ngay khi bước vào thành phố. Con gái Lệ Giang ai cũng là Kim Mai, lấy dải vải trắng thắt trước ngực thay cho lời tự giới thiệu. Cô gái nào hai dải trắng chưa bện vào nhau thì có nghĩa là “các anh cứ vô tư đi”. Vừa nghe hướng dẫn viên giới thiệu tôi đã mừng thầm, vậy là trên đời này vẫn có mảnh đất chấp nhận “sắc đẹp” của mình. Chuyện là thế này, ở Lệ Giang các cô Kim Mai muốn có nhiều người theo phải có eo hình quả bí (3 số như nhau!), eo ai nhỏ thì mất tiền mua bông độn vào, còn nước da thì tha hồi phơi nắng không cần “dọ mõm” giống như ở nhà mình, ra đường chẳng biết ai là ai…Cả đoàn nín thở khi bỗng nhiên thấy cô gái chỉ vào A Bằng. Thì ra ở Lệ Giang, người đẹp trai như A bằng thì phải mất …10 con lừa mới đổi được. (người ta vẫn bảo “ngu như lừa” nên phải 10 cái đầu lừa mới bằng một cái đầu của A Bằng!)
Cơm ăn chóng vánh (bộ đội mà, ăn là phụ) vì hướng dẫn bỗng quyết định đưa đoàn đi thăm núi tuyết Ngọc Long trong buổi chiều vì thời tiết đang đẹp (không phải lúc nào cũng gặp may như vậy đâu). Lái xe gò lưng lên để chở cho thật nhanh, đỗ xe xuống là hô xung phong cho kịp bắt chuyến cáp treo cuối cùng. Nhưng Ông Trời không phụ công khó nhọc! Núi Ngọc Long đón chúng tôi bằng những bông tuyết nhỏ mà bầu trời vẫn sáng sủa. Bản thân cô hướng dẫn cũng lấy làm lạ vì bình thường khi tuyết rơi, bầu trời sẽ mù không thể lên núi được nữa.
Chúng tôi thuê vội những chiếc áo ấm và mấy bình ôxi, vì lên cao không khí loãng dễ bị “hiệu ứng cao nguyên” (với một số người có thể bị đau đầu, khó thở, thậm trí ngất). Rồi bốn người một cabin, chúng tôi “cất cánh” lên đỉnh núi Ngọc Long. Phong cảnh thật hùng vĩ, những cánh rừng thông trải rộng bên dưới không còn giữ được màu xanh tươi tắn, chỉ còn cố gắng gượng thể hiện sự sống qua những cành cây gầy guộc với những tán lá xanh sẫm, nổi lên trên nền tuyết trắng. Các nhiếp ảnh gia thi nhau ghi lại những hình ảnh đáng nhớ qua tấm kính của cáp treo. Tuyết rơi nhiều hơn. Dòng sông uốn lượn qua khe núi giờ chỉ còn là dải băng trắng. Càng lên cao tuyết trắng càng dầy hơn, những tảng băng không biết đã ngự trị nơi này bao nhiêu năm rồi không còn giữ màu trắng nữa mà chuyển sang màu phớt xanh ngọc. Bước ra khỏi cáp treo, mọi người đều phấn trấn lạ thường khi nhìn thấy những lớp tuyết dầy phủ bên ngoài cao hơn nửa cửa sổ của trạm cáp treo. Lạnh quá! Mặc dù đã chuẩn bị cẩn thận nhưng cảm giác cái lạnh vẫn len lỏi qua từng lớp áo. Nhưng không thể để cái lạnh ngăn cản, chúng tôi ào ra ngoài trời tuyết, bốc từng nắm tuyết to…có nhiều người còn lăn ra tuyết để thưởng thức cái đệm “êm ái và giá lạnh”. Tuyết rơi và gió thổi mạnh đập vào mặt (chỗ duy nhất được cọ sát với tuyết)…Các máy ảnh làm việc hết công suất. Đâu có nhiều cơ hội để tận hưởng những giây phút tuyệt vời như thế này. Mải chụp ảnh, tôi nghe thấy “uỵch” một tiếng, quay ra đã thấy trưởng đoàn đang giờ “bốn vó” lên trời, đường trơn quá! Nhưng rồi cũng phải chia tay với băng tuyết thôi. Đẹp nhưng lạnh giá thì không thể “gần gũi” lâu được. Một số người bắt đầu cảm thấy đau đầu, mặc dù đã nạp sôcôla liên tục và hít ôxi rồi đấy, xuống chân núi thôi. Chặng quay về lại cho chúng tôi một hình ảnh khác của những sườn núi tuyết phủ và những cây thông đứng run rẩy trong giá lạnh. Ai cũng muốn ghi lại thật nhiều hình ảnh để chia sẻ với những người ở nhà, nhưng những bức dù được chụp rất công phu cũng không đem đến cho người xem được cái cảm giác trước sự hùng vĩ của núi tuyết…
Xuống chân núi được một lúc rồi mà chân tôi vẫn chưa “tan đá”, vì đế giầy thể thao còn dắt đầy tuyết…Bạch Thủy Hà mùa này ít nước và trời cũng đã về chiều nên không gây được ấn tượng mạnh, nhất là chúng tôi lại vừa rời núi tuyết.
Trong khu du lịch Ngọc Long còn có vườn bia Đông Ba (nơi lưu giữ bia của các vị Đông Ba tên tuổi) và Thung lũng các dân tộc, nhưng vì không có nhiều thời gian nên đành hẹn lần sau.
Mặc dù mỗi bữa ăn đều có những món đặc biệt và ấn tượng, nhưng là những người “quên ăn vì sự nghiệp” nên mặc dù bữa nào tôi cũng ghi lại rất đầy đủ các món, nhưng xin miễn viết ra đây sợ mọi người lại …thèm.
Lệ Thủy Kim Sa cũng rất ấn tượng và chúng tôi ghi lại được khá nhiều màn biểu diễn đặc sắc. Có lẽ không nên mô tả thêm vì những hình ảnh có sức thuyết phục hơn nhiều.
Tối duy nhất ở Lệ Giang không thể không thăm cổ thành, một khoảng khắc đáng nhớ. Vẻ đẹp của Lệ Giang ban đêm thật không có gì để so sánh. Lệ Giang không phải là bảo tàng mà là một quá khứ sống lại. Bước chân trên những phiến đá bên dòng suối nhỏ và nghe những tiếng hát đối qua lại từ các quán rượu, cảm giác không còn có thời gian….Chúng tôi vào một quán để được tận hưởng các cảm giác … thực thực hư hư.
Mỗi người một ấn tượng…tôi không thể đại diện “lột” tả hết được. Chỉ muốn nói rằng những ai chưa đi, hãy đến và cảm nhận!
Ngày 17 tháng 1,
Reng reng…Morning call, bật dậy như những chiến binh, tất cả chúng tôi đều chỉnh tề, có mặt không sai một giây. “Mật vụ” A Bằng không có cơ hội ghi điểm.
Chúng tôi trở lại cổ thành Lệ Giang khi những tia nắng yếu ớt của mùa đông đã ra khỏi lớp chăn dầy đặc mây mù. Sự huyền ảo, thật thật hư hư của cổ thành Lệ Giang trong đêm đã biến mất, thay vào đó là cuộc sống đầy màu sắc…Đứng trên đường đá giữa cổ thành và ngắm nhìn núi tuyết Ngọc Long, cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên và khả năng phi thường của con người…Dưới dòng suối trong chảy dọc theo những con đường của cổ thành, nước lạnh mà những đàn cá vàng vẫn ngược dòng bơi lội. Bên dòng suối, hàng liễu rủ không còn có màu xanh tha thiết nhưng vẫn không mất đi vẻ kiều diễm mang lại sự duyên dáng cho cổ thành…
Trời se lạnh nhưng trong xanh, những tia nắng cố len lỏi theo chúng tôi qua những con đường hẹp của cổ thành và chợt bừng sáng khi bước vào Mục phủ. Vẻ đẹp cổ kính của những tòa nhà nằm giữa những sắc hoa mai, hoa đào nở sớm khó có ngòi bút nào lột tả hết được. Xin được nhường lời cho những bức hình mà các nhiếp ảnh ra đã không tiếc công sức ghi chép lại…
Có một điều lạ là tại cổ thành Lệ Giang lại xuất hiện rất nhiều cao bồi! Có lẽ từ Lệ Giang để đến được quê hương của mình, những chàng cao bồi phải vượt hàng ngàn, hàng ngàn dặm…không có mối liên hệ nào giữa Lệ Giang và cao bồi vậy mà…đoàn chúng tôi cũng có tới hơn một nửa (đó là chưa kể tới số người… mượn mấy phút để ghi hình!)
Rời Lệ Giang sau khi tham quan một khách sạn 2 sao và 3 sao, ai cũng có cảm giác luyến tiếc. Thời gian ở đây hơn ngắn, giá có thể dừng chân lâu hơn nữa…Nhưng hành trình của chúng tôi còn rất dài, chúng tôi sẽ ăn trưa tại Đại Lý và ngủ đêm tại Côn Minh.
Trở về Đại Lý trên con đường xuống dốc nên tôi không nghĩ lại nhanh đến thế. Trên đường đi tôi chợp nhìn thấy những kiến trúc rất lạ, trông như những ụ mối khổng lồ, màu gạch đỏ, nằm trên sườn núi. Rất tiếc là không ai kịp ghi lại những hình ảnh đó. Sau này tôi mới được A Thanh giới thiệu là khu làng của người Thổ.
Hồ Nhĩ Hải hiện ra khiến tôi ngỡ ngàng, cứ hình dung con đường còn dài mà không ngờ Đại Lý đã ở ngay trước mắt. Chuyến trở về của chúng tôi có lẽ hơi mệt nên mọi người đều tranh thủ nghỉ ngơi, chỉ có mấy tay “săn ảnh” vẫn miệt mài làm việc. Nhà Điểu cầm học thỉnh thoảng lại động viên chúng tôi bằng mấy câu chuyện vui, mà về đến nhà mới thấy buồn…cười (ấy ấy nói vậy nhưng cũng phải cám ơn đại ca nhiều nhiều, có chê là chê mấy đứa hay ngủ ấy chứ, chẳng chịu cười gì cả!!!)
Chúng tôi dừng chân ăn cơm ở Sở Hồng. Một vòng chạy quanh bên ngoài thành phố không đem lại cho chúng tôi nhiều thông tin về Sở Hồng, bởi những gì chúng tôi nhìn thấy là một thành phố đi ngủ quá sớm (mới 7h tối mà thành phố đã vắng lặng…). Chúng tôi lướt qua một khu phố có treo đèn lồng đỏ, có dáng dấp cổ kính. Nghe nói Sở Hồng cũng đang muốn khai thác để phát triển du lịch, vì không có di sản như Đại Lý, Lệ Giang nên người dân ở đây sẽ xây dựng mới những di tích… cổ. Bữa cơm “bụi” giữa đường tại nhà hàng “tềnh toàng” lại có vẻ hợp khẩu vị (hay là vì chờ lâu …đói quá!) mà thấy ai ăn trông cũng ngon lành. Trước đây khi con đường Đại Lý – Côn Minh còn chạy qua đây thì nhà hàng này cũng sầm uất lắm vì các đoàn đều cho khách ăn tại đây, còn giờ đường cao tốc chạy hướng khác rồi, số phận cửa hàng cũng thay đổi.
Tới Côn Minh, nhận phòng xong đã 10h, vậy mà hơn nửa đoàn lập tức lao ngay ra quán “net”, cảm giác như gặp được ốc đảo trong chuyến vượt sa mạc vậy. Đúng là Trung Quốc cái gì cũng khác, cả quán “net” cũng vậy. May mà có người bập bẹ tiếng Trung làm thông ngôn, nếu không thì có khi đi tàu về đến VN để nói chuyện với người thân còn nhanh hơn dùng Internet.
Ngày 18 tháng 1
Buổi sáng không trong quân ngũ! ấy vậy mà ai cũng dậy sớm cả. Lý do rất đơn giản vì đây là lúc duy nhất chúng tôi có chút thời gian để “lượn chợ”.
Bữa sáng tại khách sạn Kim Thuý mặc dù đã được cảnh báo trước về sự “đạm bạc” vẫn làm chúng tôi ngỡ ngàng. Thức ăn ít thì không đáng nói, nhưng cách phục vụ thì đầy ấn tượng. Sau khi nộp phiếu ăn sáng xong, chúng tôi được phát một khay nhôm (hay bằng sắt gì đó, tôi hơi kém về môn kim loại học!), trên có một quả trứng luộc thuốc bắc (tôi đoán vậy) và những dụng cụ cần thiết để chuyển thức ăn vào miệng. Trông cảnh xếp hàng để nhận khay ăn tôi lại liên cảm thấy hình ảnh tại trại…giam vẫn thường thấy trên phim, còn thức ăn thì “lèo tèo” đặt trong những cái khay nằm ngổn ngang trên chiếc bàn chơ vơ cuối phòng… Phần lớn chiến sĩ ta liếc qua bữa sáng và hài lòng bước ra đường vì động cơ phía trước vẫy gọi.
Đặt chân ra cửa khách sạn tôi hiểu ngay tại sao Kim Thuý lại tổ chức bữa sáng như vậy. Rất đơn giản là họ muốn tạo cho “quý” khách cơ hội được thưởng thức các đặc sản địa phương được bày bán ngay hai bên cửa khách sạn, nóng hổi và vô cùng hấp dẫn.
Mặc dù 11h mới phải tập trung nhưng vì cửa hàng mở muộn nên chúng tôi cũng phải rất tranh thủ. Các giác quan và các cơ quan phục vụ được “tổng động viên”: mắt phải nhìn thật nhanh để xác định mục tiêu phù hợp, tai phải dỏng lên nghe xem giá cả thế nào, khứu giác và vị giác tuy không trực tiếp tham gia nhưng cũng “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình…” còn chân, tay, vai…thì khỏi nói rồi, chân lo chạy thật nhanh, tay đếm tiền chính xác, vai cố vác được nhiều…
Thời gian trôi nhanh như…đi mua hàng, nhưng cũng mang lại cho mỗi người một niềm vui nho nhỏ. Lên xe mọi người ríu rít trao đổi kinh nghiệm (nhưng thực ra là khoe khéo chiến lợi phẩm cho người khác… thèm!). Thì ra khách VN mình thế mà…dại, cứ thi nhau làm giầu cho nền kinh tế nước bạn!
Ăn nhanh, tham quan chớp nhoáng là những gì chúng tôi phải tuân thủ để có mặt đúng 5giờ chiều tại trụ sở của Cục du lịch TP Côn Minh. Chưa từng có đoàn nào leo Long Môn Tây Sơn (bao gồm cả chụp hình, ngắm cảnh, tìm hiểu công trình mà bậc tiền bối đã phải mất 72 năm lao khổ mới hoàn thành…) trong 20 phút, một kỷ lục suýt được ghi vào… “sổ vàng” của Long Môn.
Chúng tôi thật may mắn khi lên Long Môn thì trời hơi mưa, nhưng đến chùa Hoa Đình Tự thì lại hoàn toàn khô ráo (thành ra mấy cái ô mua vội chẳng phát huy được tác dụng gì cả). Để thay cho văn tả cảnh chùa Hoa Đình, hãy ngắm bức ảnh chùa bên cây mai nở trắng của nhiếp ảnh gia Kiếm Tiệp.
Vì phát huy quá cao tinh thần kỷ luật nên chúng tôi đã phải “lượn” thêm một vòng qua Làng văn hoá dân tộc (chụp một bức ảnh ngược nắng) vì đến cuộc hẹn… quá sớm.
Cục du lịch Côn Minh đón tiếp chúng tôi khá long trọng với đầy đủ ban bệ: Cục phó Bàng Bác Hà, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đào Viễn, một số chuyên viên phụ trách của Cục, Giám đốc Triệu công ty du lịch Expo…Sau những bài diễn văn ngắn gọn và những phút trao đổi khá …ngoại giao, chúng tôi tiếp tục làm việc… bên bàn tiệc. Thôi về những bữa tiệc có lẽ không nên mô tả chi tiết, cũng nên tế nhị một chút vì sợ những người ở nhà… tủi thân!
Tối cuối cùng tại Côn Minh chúng tôi lại ra “Net” để “giải quyết” nỗi nhớ nhà hay nhớ ai!!! Cảm thấy sảng khoái sau khi trút được “trách nhiệm” với quê nhà, những chiến sĩ khám phá không mệt mỏi đã dành những giờ phút đêm quý giá để làm vơi kép bia và thể thao trên sàn nhảy. Tôi thuộc thế hệ “ốm tha già thải” biết không cố được nên đành trở về với chiếc giường êm ấm và thầm nhủ, tiếc cũng chả được, giá như mình trẻ hơn …nhiều tuổi!
Đóng gói hành trang để chuẩn bị cho ngày mai lên đường.
Ngày 19 tháng1,
Trước khi rời Côn Minh, chúng tôi còn có buổi làm việc với Tổng cục du lịch tỉnh Vân Nam. Quả thật quá nhiều buổi làm việc khiến chúng tôi đã bắt đầu “chai” không còn nhiều nhiệt tình khi tham gia nữa. Tổng cục du lịch Vân Nam đón tiếp chúng tôi không long trọng như những nơi khác, chỉ có phó phòng thị trường Fang tiếp chúng tôi bằng đĩa CD Vân Nam khá đặc sắc.
Chúng tôi tranh thủ ghé qua chợ hoa Gia Nghĩa. Cứ nói là mấy phút cho có khái niệm, nhưng gần một giờ lựa chọn hoa khô, hoa tươi, tinh dầu hoa…mà vẫn còn thấy thiếu! Riêng sếp Tuyên còn “ôm” cả 2 cây xương rồng to “vật vã”. Người ta cứ nói ai cũng thích sự êm ái, không hiểu sếp Tuyên tìm được cảm giác gì trong đống gai góc đó???
Điểm dừng chân cuối cùng trước khi chia tay Côn Minh là nhà thuốc dân tộc. Chị Yến cố gắng thu xếp để mấy người có nhu cầu nâng cao thể lực được thoả mãn (nói nhỏ, tôi có mua mấy con “Đông trùng hạ thảo” cho người hàng xóm mà mấy anh trong đoàn cứ….nhấp nhổm. Chả là mọi người muốn “mút” thử xem mùi vị của nó thế nào mà…đắt thế??? Vì lũ đông trùng này là của hàng xóm, chứ nếu của tôi thì chắc chắn tôi sẽ để cho mỗi người không chỉ “mút” mà “ngậm” thử ít nhất một lần cho biết!)
Ăn cơm rồi lại lên xe. Vượt qua quãng đường 80km không mấy ấn tượng, chúng tôi đã đến Thạch Lâm. Phải chờ một lúc lâu mới có người ra đón. Thạch Lâm là đất của người Di Đen, họ có cách sống riêng của họ và không dễ dãi đối với du khách (đó là tôi nghe hướng dẫn nói vậy). Tôi đã đi Thạch Lâm rồi nên không có nhiều cảm hứng với nơi này để chia sẻ cùng mọi người, xin thứ lỗi.
Tối cuối cùng trên đất Vân Nam chúng tôi định sẽ …không ngủ. Ngay sau bữa tối, chúng tôi đến phòng hát, nhưng rất tiếc là không có nhiều bài tiếng Việt nên chúng tôi phải chuyển sang phòng hát tiếng Anh. Và tất cả bắt đầu. Ca sĩ Kiếm Tiệp, Lân Laptop, Lan Anh…thể hiện hết tài năng cống hiến cho đồng nghiệp những giây phút tuyệt vời. Uống bia, ca hát và nhảy disco…cứ như thế đến rất khuya. Thời gian sàng lọc các chiến sĩ “trung kiên” để ghi vào bảng vàng của TTC. Tôi cũng đảo ngũ giữa đường…muốn cố mà “lực bất tòng tâm” (mong mọi người châm chước, tuổi già mà!)
Trước khi đi ngủ chúng tôi phải sắp xếp lại hành trang vì hành trình cuối cùng là trên tàu, không thể lôi thôi được.
Rời Thạch Lâm khi màn đêm còn ngự trị. Trong mấy phút chờ khởi hành tôi đã tự buộc dây vào mình bằng việc làm ngốc nghếch là hỏi mua đồ lưu niệm của một bà cụ (vì lòng thương cụ già phải bán hàng lúc tờ mờ sáng, mà cũng vì chưa đủ quà cho bạn bè ở nhà). Bà cụ người Di này nói tiếng phổ thông không sõi, lại nghễnh ngãng nên tôi đã mất quá nhiều thời gian giải thích để rồi phải kết thúc bằng cách mua hết số tiền đã chót đưa cho cụ.
Để chị Yến đỡ buồn, tôi, Mai và Thảo lên xe chị Yến đi Mông Tự. Trời chưa sáng rõ nên quãng đường chúng tôi đi chỉ quanh quẩn cùng những câu chuyện giữa mấy chị em thôi. Đến ngã ba đi Mông Tự và Khai Viễn, vì cẩn thận chúng tôi hỏi một người đi đường xem rẽ bên nào thì được hướng dẫn rẽ…sai đường. Và mất gần 10 cây số chúng tôi mới nhận ra vì đường càng đi càng xấu và vắng vẻ.
Chúng tôi đến Mông Tự đúng vào giờ ăn trưa, vừa hay Cục du lịch Hồng Hà cũng tổ chức làm việc với đoàn trên… bàn tiệc. Đó là một trong những bữa tiệc đáng nhớ, bởi vì người của châu Hồng Hà ép cả phụ nữ uống rượu. Chúng tôi đã vận dụng tất cả kinh nghiệm “trốn” như uống rượu ngậm không nuốt rồi cho ra chén trà hay khăn mùi xoa, chuyển rượu nọ thành rượu kia…mà vẫn không thoát. La Tuyết đã “ôm ly rượu to lao thẳng vào đội bạn”, dũng cảm hy sinh thân mình để đỡ cho tôi, khiến tôi vô cùng cảm động. Dù đã tìm mọi cách cuối cùng trong 36 sách, tôi đành chọn thượng sách là… “chuồn”. Kết quả là lướt ván qua WC xong tôi đành ngồi lại dưới loby để chờ bữa tiệc kết thúc. Đúng là đội bạn nhiệt tình thật, nhất là khi xe chuyển bánh rồi mà những người đang ngất ngây vẫn giơ tay vẫy mãi…
Tạm biệt Vân Nam, tạm biệt những người bạn đồng nghiệp Trung Quốc rất thân thiện và cởi mở. Hy vọng sẽ có ngày tái ngộ!
Hành trình trở về với quê hương, với những người thân cùng đám hành lý cồng kềnh không có nhiều điều để nói, ngoài chiếc xe kéo phải thuê mất mấy chục đồng để đoàn chúng tôi có thể hiên ngang trở về Tổ quốc (mọi người thử hình dung xem qua cửa khẩu mà phải è lưng ra vác đồ thì làm sao ngẩng cao đầu được nữa!!!)
Cám ơn du lịch Lào Cai, cám ơn sếp Tuyên đã nhiệt tình với đồng đội trên đất Lào Cai. Chúng tôi bịn rịn chụp chung tấm ảnh cuối cùng của chuyến đi. Biết rằng còn một đêm chung phòng… trên tàu với nhau nữa, nhưng không biết có để lại cho nhau được gì không???
Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc. Chia tay nhau vội vã tại sân ga Hà Nội, chúng tôi biết mình sẽ gặp lại nhau rất sớm thôi.
Quế Nga, tháng 1/2006
*TTC: Travel Trainer Club – Chúng tôi là các học viên đã cùng nhau tham dự khóa tập huấn đào tạo viên của Dự án EU về Nguồn nhân lực