Tôi mượn tên cuốn sách “Tây Tạng Huyền bí” của Lạt Ma Lobsang Lampa, một tác giả mà tôi đã thần tượng từ nhiều năm nay, để bắt đầu câu chuyện của mình về hành trình mơ ước: đặt chân lên cao nguyên Tây Tạng.
Tây Tạng bắt đầu thu hút tôi từ năm 1996, khi tôi xin được những quyển tạp chí “Tibet today” từ Đại sứ quán Trung Quốc. Khi đó, tôi chưa biết rằng những thông tin tôi đọc được từ những tạp chí này không hoàn toàn là cuộc sống thực của Tây Tạng, nhưng câu chuyện về Phật Sống Rinpoche – người đứng đầu một giáo phái Kagyu, một trong 8 nhánh của Mật Tông Tây Tạng (lúc đó báo Trung Quốc không nhắc đến vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nữa), là dòng phái Khẩu truyền do chư đạo sư truyền lại trực tiếp cho đệ tử không qua văn tự…đã hấp dẫn tôi. Tôi đã sưu tầm được rất nhiều báo chí về Tây Tạng và tự làm cho mình một quyển sách về Tây Tạng.
Sau này, tôi đã đọc được nhiều sách, truyện về Tây Tạng, trong đó có hai tác giả mà tôi đã cố gắng tìm đọc tất cả các tác phẩm của họ, đó là Lạt ma Lobsang Lampa (ông có tất cả 27 cuốn sách, dịch ra tiếng Việt chỉ có 4 cuốn, những cuốn khác tôi cố gắng đọc bằng tiếng Anh nhưng chỉ hiểu nội dung cơ bản) và tôi đã đọc 5 cuốn sách của bác sĩ mắt người Nga, một nhà khoa học lớn, Erono Mundasep, viết về Tây Tạng. Tôi cũng đã xem nhiều chương trình khám phá Tây Tạng và những video của nhiều du khách mạo hiểm…Tôi đã say mê Tây Tạng và luôn mong ước, một ngày nào đó tôi sẽ được nhìn thấy một phần nào đó những gì tôi đã đọc.
Nhưng để đến được Tây Tạng đối với tôi không phải dễ dàng. Trước hết, tôi phải có tiền (các tour đi Tây Tạng 8 ngày có giá từ 47 triệu trở lên) và phải có sức khỏe! Mọi người có thể nghĩ rằng vấn đề “phản ứng cao nguyên” hay “không khí loãng” không quá quan trọng, nhưng tôi đã trải nghiệm cái thực tế này rồi và hiểu rằng, tôi chỉ có thể tham gia vào tour đơn giản nhất, đến được Lhasa mà thôi.
Trước hết, bạn hãy hình dung cao nguyên Tây Tạng là một vùng đất rộng lớn ở độ cao trung bình 4.600 mét, có diện tích bằng 1/8 cả đất nước Trung Quốc và phần lớn dãy núi Himalaya – nóc nhà thế giới, là nằm trên đất Tây Tạng. Từ trên máy bay, tôi nhìn thấy trùng điệp những dãy núi trọc. Với độ cao 5.000 – 7.000 mét thì hiếm lắm mới thấy có vài đám cỏ.
Những dãy núi cao chạy dài nối nhau đến bất tận. Nước mưa và tuyết tan từ đỉnh núi chảy xuống tạo thành những khe có màu xanh của cỏ vào mùa hè. Thỉnh thoảng, giữa các khe núi có một mảnh đất bằng phẳng khá rộng… đó có thể trở thành nhà của một nhóm gia đình người Tạng.
Chỉ ở trên cao nhìn xuống bạn mới có thể hình dung được sự cách biệt đương nhiên giữa các dải đất bằng phẳng nhỏ giữa các dãy núi. Để có thể “tìm được để đến với nhau” những người Tạng đã phải vượt qua những ngọn núi cao và hiểm trở như thế nào. Và Lhasa là một vùng đất bằng phẳng rất lớn, có lẽ lớn nhất trên cao nguyên Tây Tạng này và cũng ở độ cao không cao lắm khoảng 3.700 mét, là nơi khả dĩ nhất mà tôi có thể đến được.
Vậy mà khi bay đến Lhasa tôi đã mất 3 ngày mới có thể tạm thích nghi được với khí hậu cao nguyên này, nghĩa là không còn bị đau đầu, chóng mặt nữa, nhưng vẫn phải uống thuốc “chống phản ứng cao nguyên” và hoạt huyết dưỡng não liều cao hàng ngày. Trong đoàn tôi có tới ¼ thành viên phải truyền thuốc ngày đầu tiên (với chi phí khá cao là 800 tệ/ một lần truyền), thậm trí có người phải truyền tới hai lần. Còn thuốc chống phản ứng cao nguyên cũng có giá 100 tệ cho 6 viên/ uống một ngày. Nhưng điều quan trọng nhất là khi bị đau đầu và chỉ mỗi bước chân nhanh hơn hoặc một hai bậc thang đã khiến tim đập thình thịch, chỉ chực nhảy ra khỏi lồng ngực, còn mồm thì há thật to để cố sức lấy thêm được ít không khí… thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng bất lực.
Và tôi phải chấp nhận là mình chỉ đủ sức đến Lhasa, đi thăm những nơi chính bằng xe ô tô đưa đến tận cửa, chỉ cần đi bộ vào bên trong tham quan khoảng 2-3 giờ với tốc độ của người mới ốm dậy… chứ tôi không đủ sức để đi đến những tu viện nằm treo leo trên sườn núi hay những bản làng người Tạng nằm cô độc giữa các hẻm núi.
Chính vì vậy mà những gì tôi được nhìn thấy không còn nhiều bản sắc thật sự của văn hóa Tạng, mà đã bị Hán hóa rất nhiều, nhưng tôi cũng đã cảm thấy rất hạnh phúc rồi. Tôi đã đặt chân lên được Tây Tạng.
Sự lựa chọn cho những ai đi Tây Tạng đơn thuần là khách du lịch có lẽ tốt nhất là mua tour đi theo đoàn trọn gói, vì ngoài visa vào Trung Quốc, bạn sẽ cần cả giấy thông hành vào Tây Tạng. Từ Việt Nam có thể bay đến Trùng Khánh, Côn Minh, Bắc Kinh, Thành Đô, Tây An… để bay tiếp đi Tây Tạng, hoặc đi đường bộ bằng chuyến tàu từ Tây Ninh (Thanh Hải) đến Lhasa (Tây Tạng dài 1956km), có thể nối chuyến tàu từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An, Trùng Khánh, Lan Châu đến Tây Ninh, rồi đi Lhasa. Chúng tôi bay Hà Nội – Trùng Khánh khoảng 2 giờ, sau đó nối chuyến đi Lhasa bay hơn 2 giờ nữa. Lhasa đặc biệt có mây dòng sông lớn chảy qua rất đẹp.
Các món ăn chúng tôi được phục vụ trong tour đều hợp khẩu vị hơn so với thức ăn ở Bắc Kinh, Vân Nam hay Quảng Châu. Khách sạn tại Lhasa chúng tôi ở cũng khá tốt. Mùa hè nhiệt độ ban ngày lên tới 28 độ và buổi tối khoảng 15-16 độ, nhưng ban ngày rất nắng (phải bôi kem chống nắng thật dầy và đội mũ) và chỉ sau 9 giờ tối mới tối. Ảnh này tôi chụp lúc 7:30 tối, nắng vẫn chói chang…
Tôi rất muốn chia sẻ với mọi người cảm xúc của mình trong chuyến đi đầy ấn tượng này, hy vọng các bạn có thời gian để liếc qua.
Thank you for sharing your experience with us! It is definitely mind-opening to read your story and look at Tibet through your lens (literally and figuratively). I hope to hear more about how it FEELS (physically, emotionally, spiritually) in Tibet. Look forward to reading more and more! Please never stop writing 🙂
Thực sự cần có dũng khí mới đến được Tây Tạng kỳ ảo!
Mà sao không thấy em ngao nào nhỉ ?