Thủy Động Câu, khu tự trị Ninh Hạ

Khi hướng dẫn viên thông báo đã đến Thủy Động Câu tôi rất ngạc nhiên, bởi vì trước mắt chúng tôi là một vùng đất cằn cỗi, xa gần có những ống khói lớn của một số nhà máy.  Không một bóng cây, chỉ có màu nâu của đất, thỉnh thoảng điểm vào mấy vạt cỏ úa và đám cây gai của vùng hoang mạc. Tôi tự hỏi, họ sẽ cho mình xem gì đây? Chẳng nhẽ đúng là khu vực đang khai quật khảo cổ? Thực ra thì tôi đã đọc trước và biết về những khám phá khảo cổ tại Thủy Động Câu, nhưng vẫn nghĩ là một điểm tham quan thì sẽ phải đẹp!!!

Bãi đỗ xe phía trước cổng vào Khu du lịch Thủy Động Câu
Bên trong cổng vào của khu du lịch Thủy Động Câu

Vượt qua cổng cao là một sân rộng nắng chang chang và một khối nhà có kiến trúc kỳ lạ.

Bảo tàng Thủy Động Câu

Trước tiên, chúng tôi có một chương trình tham quan bảo tàng Thủy Động Câu, nơi trưng bày rất nhiều hiện vật đã tìm được tại đây. Khu di tích Thủy Động Câu được các nhà thám hiểm người Pháp khám phá lần đầu vào năm 1923. Trải qua một thế kỷ, nhiều đợt khai quật đã được thực hiện bởi các nhà khảo cổ học từ Trung Quốc và quốc tế, qua đó phát hiện hơn 30.000 công cụ đá và 67 hóa thạch của các loài động vật đã tuyệt chủng. Với niên đại lên đến 42.000 năm, Thủy Động Câu đánh dấu sự giao thoa giữa hai thời kỳ đồ đá cũ và đồ đá mới, là một trong những di tích đầu tiên của thời kỳ đồ đá được tìm thấy tại Trung Quốc. 

Bức phù điêu tại sảnh chính của bảo tàng mô tả cuộc chiến giữa Hoàng Tế, Hiên Viên và Xiu Vu là những người đứng đầu các bộ lạc thời cổ đại Trung Quốc

Sau 4 đợt khai quật và nghiên cứu có hệ thống, các học giả Trung Quốc và ngoài nước đã nhận định rằng Thủy Động Câu giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Cổ sinh của Trung Quốc, đặc biệt là trong Văn hóa Hậu kỳ Đá cổ và đã có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển văn hóa sau này. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao văn hóa Thủy Đông Câu, coi đó là một trong những nền văn hóa Đá cổ của Đông Á có thể sánh ngang với văn hóa Đá cổ của châu Âu.

Mô hình địa thế của THủy Động Câu hàng nghìn năm trước đây là vùng khí hậu nhiệt đới

Một số bộ xương, sừng của loài trâu, hươu… rất lớn tìm thấy ở đây, cho thấy rằng, đã có thời kỳ nơi này có khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới. Trong bảo tàng có nhiều bức tượng mô phỏng cuộc sống thời kỳ đồ đá tại đây.

Bộ xương động vật tìm thấy tại Thủy Động Câu cho biết rằng nơi đây trước kia là vùng khí hậu nhiệt đới
Cảnh tượng người nguyên thủy đi săn bắn ở nơi này cách đây mấy chục nghìn năm
Hình ảnh những nhà khảo cổ người châu Âu đã đến đây khai quật từ đầu thế kỷ 20

Sau khi đi thăm bảo tàng, chúng tôi đi bộ, vượt qua chặng đường lên dốc đất khô cằn, giữa trời nắng, khiến cho nhiều người cảm thấy hơi thất vọng. Hướng dẫn đã thu thêm của mỗi khách 100 tệ để thuê các phương tiện di chuyển trong Thủy Động Câu, thế mà chúng tôi lại phải đi bộ thế này. Tuy nhiên, cũng chỉ mất 20 phút, chúng tôi đã nhìn thấy một đoạn sông rất đẹp hiện ra phía dưới và mấy con thuyền chở khách.

Chặng đường từ bảo tàng (phía xa) đến khu vực thủy trường thành

Những con thuyền chở du khách khá rộng, có đủ chỗ cho 90 người, nên có 3 đoàn khách được ghép đi cùng nhau. Khoảng 15 -20 phút đi thuyền rất ấn tượng. Chúng tôi đi trên một đoạn sông ngắn và hẹp, chạy dưới chân một đoạn tường thành trong Vạn lý trường thành, goi là thủy trường thành. Trường thành này được xây dựng bằng đất từ thời nhà Tần, để ngăn cách Trung Nguyên với vùng cao nguyên phía tây bắc, ngăn chặn sự xâm lược của quan Hung Nô. Đến thời nhà Minh, tường thành được đắp cao thêm một tầng nữa. Phong cảnh ở đấy thật đặc biệt.

Những con thuyền chờ du khách đưa đi thăm Thủy trường thành
Những bức tường thành được đắp bằng đất nằm bên bờ sông
Lớp tường thành bên dưới được xây đắp từ thời Tần Thủy Hoàng

Như vậy khu vực Thủy Động Câu là một di tích lịch sử chân thật!. Nơi đây đã từng là tuyến phòng thủ lớn ở phương Bắc về mặt quân sự của Trung Quốc thời phong kiến, bao gồm Vạn Lý Trường Thành cổ đại từ thời nhà tân và củng cố thêm vào thời nhà Minh, “Hoành thành đại biên”, tháp đèn hiệu, lâu đài và hang động của binh lính. Đặc biệt tháp đèn hiệu nơi này dùng phân chó sói phơi khô, ban ngày đốt báo hiệu sẽ bốc lên lớp khói đen rất dễ nhận ra từ xa.

Kênh Thủy Động có chiều rộng từ 50 – 200 m và độ sâu từ 6 – 14 m, với hai bên bờ là đất vôi màu nâu. Sự xuất hiện của nhiều hố nhỏ do dòng suối tràn đã tạo nên tên gọi Thủy Động Câu. Đây cũng là nơi ghi dấu sự giao lưu văn hóa phong phú giữa Trung Quốc và các nền văn hóa phương Tây.

Đoạn trường thành nơi đây có dòng sông chảy dưới chân nên được gọi là Thủy trường thành

Sau khi rời thuyền đoạn đường tiếp theo chúng tôi di chuyển bằng xe ngựa. Bác đánh xe người bản địa hỏi xem chúng tôi có muốn nghe hát hay không, hướng dẫn viên bồi dưỡng cho bác 10 tệ, thế là chúng tôi được nghe một bài hát dân tộc Mông Cổ rất thật!

Bác đánh xe ngựa rất nhiệt tình vừa đánh xe vừa hát

Phương tiện di chuyển tiếp theo sau khi chia tay với xe ngựa, đó là xe lạc đà kéo. Những chú lạc đà hai bướu to lớn đang sốt ruột chờ khách, có vẻ vui vẻ khi chúng tôi lên xe và chậm rãi cất bước. Và chuyến xe lạc đà kéo chúng tôi cũng được nghe bác “tài” hát. Tiếng hát khá cao thật phù hợp với khung cảnh tường thành dọc đường với những đám lau sậy xanh đậm.

Những chú lạc đà đang chờ đợi khách
Ngồi trên xe lạc đà kéo ngắm dãy trường thành
Cám ơn chú lạc đà đã đưa chúng tôi đi qua một quãng đường rất đẹp

Vậy là chúng tôi đã đến địa điểm thứ hai của khu tham quan này, đó là khu chợ vùng biên, hang động được đào trong núi và trường thành bằng đất.

Những ngôi nhà bằng vải bạt của người Mông Cổ
Cổng vào khu chợ vùng biên ngày xưa

Ngày xưa, khu vực này thường có phiên chợ dành cho người dân hai bên biên giới của trường thành, đến trao đổi mua bán hàng hóa. Hiện nay, khách du lịch có thể mua một số đồ lưu niệm, đồ cũ, thậm trí là đồ cổ (hướng dẫn viên của đoàn tôi mua được một cái ấm bạc cổ!) mà người dân địa phương có thể may mắn tìm được khi đào bới trong vùng này.

Khu chợ nằm trong khe núi

Đường hầm đào trong núi từ thời nhà Minh là nơi trú ẩn, kho chứa lương thực, vũ khí thậm trí cả những cái bẫy như hầm chông, máy ném đá… để chặn đứng kẻ địch nếu xâm nhập vào.

Hướng dẫn viên đang giới thiệu trong đường hầm xuyên núi

Sau khi ra khỏi hệ thống hầm chúng tôi được đặt chân đến khu vực trường thành bằng đất đã có cả ngàn năm lịch sử, với rất nhiều sự kiện, có thể đẫm máu đã từng xảy ra ở đây.

Cổng thành dưới bức trường thành
Bức trường thành nhìn từ xa
Con đường nối khu chợ vùng biên với những đường hầm trong đất
Con đường dẫn tới cổng vào tường thành
Khu thành cổ được phục dựng lại
Cầu thang dẫn đến các cửa vào hầm đào dưới lòng đất

Và sau cùng, một chiếc xe kéo, khói dầu làm bầu không khí đang rất trong sạch trở nên ô nhiễm, đã đưa chúng tôi trở về xe ô tô của mình.

Xe kéo đưa du khách trở về cổng khu du lịch Thủy Động Câu

Trong hành trình 8 ngày tại Nội Mông và Ninh Hạ, chúng tôi được đưa đến nhiều điểm tham quan (không kể đến những hoạt động vui chơi giải trí), nhưng tất cả đều là những sản phẩm nhân tạo mô phỏng và tái hiện lại văn hóa địa phương, kể cả những buổi biểu diễn trên thảo nguyên hay sa mạc. Thủy Động Câu có lẽ là điểm tham quan có tính chân thực và nguyên bản nhiều nhất.

Dưới chân trường thành

Mọi người có thể xem thêm video về Thủy Động Câu trong YouTube

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *