Pháo đài Amber, Jaipur, Ấn Độ

Chúng tôi khởi hành từ đầu giờ sáng để đến pháo đài Amber, nằm cách trung tâm thành phố Jaipur khoảng 11 km. Phải tranh thủ đi sớm vì du khách tham quan pháo đài Amber rất đông, đến sớm sẽ có nhiều thời gian hơn…

Pháo đài Amber soi bóng xuống hồ Maotha vào lúc bình minh

Pháo đài nằm trên đồi cao Aravali, có chiều dài khoảng 3 km và chiều rộng khoảng 1 km, buổi sáng ánh nắng chiếu vào một mặt của bức tường pháo đài phản chiếu xuống hồ Maotha dưới chân núi rất đẹp. Hồ Maotha là nguồn cung cấp nước chính cho cung điện bên trong pháo đài Amer. Nhìn bên ngoài, pháo đài Amber có kiến trúc giống như một thành trì bảo vệ và lại được những dãy núi hỗ trợ tạo ra những thành lũy thiên nhiên.

Với hình nền pháo đài Amber rực rỡ, đành phải chấp nhận mặt tối thôi.

Chúng tôi được xuống xe tại một điểm có thể chụp ảnh check-in pháo đài Amber đẹp nhất, đặc biệt là buổi sáng sớm, khi ánh bình minh chiếu vào pháo đài. Từ đây, có thể nhìn thấy cả pháo đài Jaigarh, nằm trên ngọn núi cao hơn và dãy trường thành trên các sườn núi nối giữa hai pháo đài, kéo dài như sống lưng một con rồng khổng lồ! Rất ấn tượng. Mọi người gọi đây là “Vạn lý trường thành của Ấn Độ”. Chúng tôi chỉ đến thăm pháo đài Amber, không thăm pháo đài Jaigarh vì nó đã bị xuống cấp và đường lên không thuận lợi.

Pháo đài Jaigarh trên cao và bức tường thành như sống lưng con rồng nối với pháo đài Ambet phía dưới
Những bức tường thành của pháo đài Jaigarh

Pháo đài Amber, ban đầu được gọi là Ambikeshwara (Ambikashwara là cách người địa phương gọi thần Shiva, tuy nhiên, văn hoá dân gian lại giải thích rằng tên của pháo đài dùng từ Amba là tên nữ thần Durga, vợ của thần Shiva).  Pháo đài Amber từng là hoàng cung của cố đô Jaipur (Ấn Độ) thời hoàng kim của vương triều Jaipur.

Pháo đài Amber có màu vàng, được nối với pháo đài Jaigarh bằng con đường dọc theo tường thành màu xám

Để lên được pháo đài Amber, du khách có thể đi xe Deep hoặc cưỡi voi. Chúng tôi đã chọn cưỡi voi (2 người đi chung một con), vì lúc xuống sẽ đi xe Deep rồi. Tôi không thể tưởng tượng được cần bao nhiêu con voi để có thể phục vụ số lượng du khách lớn đến thăm pháo đài hàng ngày. Nhưng khi đến điểm tập kết để cưỡi voi thì thấy số lượng voi khá nhiều và giá tiền cưỡi voi là 1.000 Rupee (350k)/ lượt 15 phút/ người), cũng không có nhiều người lựa chọn.

Những con voi đưa khách lên pháo đài theo con đường dốc
Sân tập trung voi để chuẩn bị đưa khách lên pháo đài – bến xe voi

Trải nghiệm cưỡi voi đi lên pháo đài trên một đoạn đường dốc và hẹp, lại ngồi một bên, thật khủng khiếp! Tôi sẽ không bao giờ ngồi trên lưng voi một lần nữa. Tường thành cao, mỗi bước chân voi lại lắc hông một cái khiến cho người tôi cảm thấy như sắp ngã ngửa ra phía sau…cảm giác như sắp rơi xuống chân tường thành. Chưa kể đường dốc lại hẹp, hai con voi tránh nhau ngược chiều, con voi của chúng tôi phải vượt qua một con voi phía trước vì quá “mót” giữa đường dừng lại giải quyết…khiến tôi cảm thấy chiến sự sắp xảy ra, khi 2 con voi đối đầu. Một trải nghiệm nhớ đời!

Ngồi một bên khiến cho tôi cảm thấy chênh vênh, lúc nào cũng có thể bị hất ngã
Con đường hẹp và dốc đủ chỗ cho 2 con voi tránh nhau, dẫn lên pháo đài Amber.

Đó là chưa kể đến nỗi kinh hoàng khi những người bán hàng rong bám riết chúng tôi, họ ném những món quà lưu niệm lên ghế chúng tôi, nài nỉ bán hàng. Tôi còn lo gồng mình để khỏi ngã, không có tâm trí nào ngắm cảnh, lại bị những người bán hàng làm phiền…thật mệt!

Những người bán hàng bám riết lây du khách và quảng lên ghế của họ hàng hóa

Pháo đài Amber được vua Raja Man Singh I xây dựng từ năm 1592, trải qua 3 triều đại vua Ấn Độ và được cải tạo vài lần trong nhiều thế kỷ. Đến thế kỷ XVIII, dưới triều đại của vua Sawai Jai Singh, pháo đài Amber chính thức hoàn thành và tồn tại đến nay đã hơn 400 năm.

Một cổng nhỏ trên con đường dốc hẹp dẫn lên pháo đài Amber

Chúng tôi được chú voi to lớn chở đi trên con đường dốc hẹp, qua một cổng thành nhỏ chỉ đủ chỗ cho hai con voi tránh nhau, sau đó đưa chúng tôi vào bên trong pháo đài Amber và trả chúng tôi về “bến” trên một quảng trường rất rộng lớn.

Cổng lớn có những chú voi đi qua, đưa du khách vào quảng trường đầu tiên của pháo đài

Những người bán hàng rong, chụp ảnh rong… không buông tha du khách mà theo chúng tôi  đến quảng trường lớn này. Sau khi các chuyến “xe voi” cập bến an toàn, chúng tôi bắt đầu chuyến thăm pháo đài Amber và từ đây tạm thoát khỏi những người bán hàng quấy rầy.

Đây là quảng trường rộng lớn tầng 1, góc xa là “bến xe voi” đưa khách tới và đây là nơi cuối cùng những người bán hàng rong và chụp ảnh rong được hành nghề.

Nếu không có bức ảnh chụp toàn bộ pháo đài từ trên cao thì rất khó hình dung, những cung điện bên trong như thế nào. Tổng quan cả pháo đài là những dãy cung điện xây xung quanh, ở giữa là quảng trường và các khu vườn cây. Các dãy cung điện được xây bằng đá sa thạch và cẩm thạch, nối với nhau thông qua các hành lang. Vì pháo đài Amber được xây dựng trên núi, do vậy các khu của pháo đài có độ cao khác nhau, tạm gọi là các tầng. Có 3 tầng như vậy.

Bức ảnh này tôi xin được từ người quen chụp bằng flycam, chỉ chụp được góc bên trái (cổng vào) của quảng trường lớn đầu tiên

Vì không có hướng dẫn viên, nên chúng tôi cứ đi từ khu này đến khu khác. Thỉnh thoảng có những người lao công, cầm chổi, họ sẽ chỉ đường cho những “con bò lạc” và sau đó sẽ xin tiền. Đây cũng là một trải nghiệm không mấy thiện cảm, mặc dù mình chỉ cần cho họ 10 Rupee là được, nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn tiền lẻ, nên nếu tính ra chi phí cho cả quãng đường dài đi khắp pháo đài Amber cũng không phải là nhỏ.

Đền Kali là nơi đầu tiên hấp dẫn du khách

Có lẽ công trình lớn đầu tiên hấp dẫn du khách là đền Kali hay còn gọi là đền Shila Devi, một nữ thần của bộ lạc Chaitanya. Ngôi đền rất ấn tượng với những chạm khắc hoa văn cầu kỳ, tinh tế, trên nền đá hoa cương trắng.

Đền Kali được trang trí hoa văn và trạm khắc tinh tế

Tầng 1 là khu vực công cộng có tên là Diwan-i-Aam, bao gồm nhà khách và các nơi giao tiếp, hoạt động chung, nên có quảng trường rộng lớn.

Đây là hội trường “Công chúng” với rất nhiều hàng cột

Tầng thứ hai được gọi là Diwan-i-Khas là khu vực dành riêng cho hoàng thất.

Khu vườn có đài phun nước ở tầng 2

Tầng 3 là cung điện Gương Sheesh Mahal được thiết kế rất đặc biệt khiến cho không khí khu này luôn mát mẻ với những cung điện trang trí khảm kính đặc biệt sa hoa.

Những hành lang và cung điện được trạm gương trong cung điện Gương của tầng 4
Hoa văn và trạm khắc trên tường
Cổng vào các gian điện
Những gian điện đẹp lộng lẫy
Trang trí tỉ mỉ không chỉ trên tường mà cả trần nhà

Nhiều công trình kiến trúc được trang trí rất đặc trưng của nghệ thuật kết hợp giữa Ấn Độ và Trung Đông, với những cổng vòm, trần nhà là mái vòm chạm khắc tinh tế. Tuy nhiên, nhiều khu vực đã bị rêu bám trông rất tiếc và chim bồ câu nhiều cũng gây hư hại cho các mái nhà và tường thành do phân bám đầy.

Nhiều bức tường bị rêu phủ
Một điểm check-in đẹp mà người lao công đã dẫn chúng tôi tới

Khoảng thời gian 2 giờ tự do tham quan rất ngắn ngủi, chúng tôi chỉ có thể vội vã lướt qua rất nhiều công trình kiến trúc đặc biệt, không thể ngắm kỹ, đành chụp lại ảnh và quay video để về nhà có thời gian xem lại kỹ hơn.

Những bức tương rêu phong bên trong pháo đài Amber

Chúng tôi xuống pháo đài Amber bằng xe Deep và không bỏ qua cơ hội ngắm cảnh bên dưới pháo đài.

Khu nhà bên dưới pháo đài Amber

Pháo đài Amber là một trong những di sản văn hóa nghệ thuật Ấn Độ rất đáng giá để đến thăm một lần trong đời!

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *