Có lẽ rất nhiều người đã nghe đến tên lăng mộ Taj Mahal và trong lòng thầm mong ước một ngày nào đó có thể được chiêm ngưỡng kiệt tác biểu tượng của tình yêu này. Tôi cũng nằm trong số đó.
Chúng tôi đến thăm lăng mộ Taj Mahal sau khi đi thăm Pháo đài Đỏ và đã được ngắm tòa lăng mộ bằng đá trắng từ pháo đài, nơi vị vua Maughai Shah Jahan bị giam 8 năm cho đến khi chết, hàng ngày ông đã ngắm nhìn lăng mộ của người vợ yêu dấu từ đây.
Lăng mộ Taj Mahal (còn được gọi là đền Taj Mahal) được Vua Shah Jahan xây dựng để tưởng nhớ người vợ thứ ba, Hoàng hậu Mumtaz Mahal, đã mất khi sinh đứa con thứ 14 ở tuổi 40. Vì đã dùng nửa ngân khố hoàng gia để xây lăng mộ cho vợ, lại chuẩn bị dùng nốt nửa ngân khố còn lại xây lăng mộ cho mình, nên nhà vua đã bị con trai bắt giam vào pháo đài Đỏ Agra trong 8 năm cuối đời cho đến khi chết.
Trên đường đến đền Taj Mahal (tôi dùng từ đền để sau này không nhầm với khu lăng mộ bằng đá trắng bên trong toàn bộ khu vực), chúng tôi được nhắc nhở rằng, kiểm tra an ninh trước khi vào lăng mộ rất chặt chẽ, do vậy tốt nhất là để lại túi xách và vật dụng không cần thiết (bao gồm các loại đồ ăn) trên xe, tránh mất thời gian của cả đoàn.
Vì phần đá cẩm thạch trắng của lăng mộ Taj Mahal đang chuyển thành màu vàng do độ ô nhiễm không khí cao ở Agra, do vậy chính quyền chỉ cho phép các phương tiện chạy bằng điện tới gần khu vực đền Taj Mahal, nên chúng tôi đã rời xe ô tô của mình đi qua cổng của đền, rồi lên xe điện đi vào bên trong khu vực của đền. Trên đường đi có rất nhiều khỉ chạy nhảy trong khu vườn hai bên đường, nhưng vì xe đi nhanh nên không thấy có hiện tượng khỉ giựt đồ!
Trước khi xếp hàng vào kiểm tra an ninh, chúng tôi được phát mỗi người một đôi bọc giầy và 1 chai nước, sau đó những người có túi sẽ phải bỏ ra để kiểm tra qua một khu vực riêng, còn người sẽ xếp hàng qua máy soi và còn bị “sờ nắn” kỹ càng. Nam riêng, nữ riêng. Túi soi qua máy xong vứt cả đống, mọi người đến chỉ cho nhân viên an ninh túi của mình và được yêu cầu mở ra lần nữa để xem kỹ bên trong… hơn cả lên máy bay.
Khu đền Taj Mahal là một công trình kiến trúc phức hợp rộng lớn với diện tích gần 17 ha, nằm bên bờ sông Yamuna, ba mặt có những bức tường đá đỏ bao quanh và có những lỗ châu mai như tường thành. Bên ngoài bức tường là nhiều công trình phụ trợ khác, gồm cả lăng mộ của những người vợ khác của vua Shah Jahan.
Chúng tôi vào thăm đền Taj Mahal bắt đầu từ cổng phía tây và ngay lập tức đã choáng ngợp trước cổng lớn, như một cung điện, được xây chủ yếu bằng đá cẩm thạch đỏ, trên các vòm cung được trang trí bằng những nét chữ viết, hoa văn tinh tế.
Đền Taj Mahal được xây dựng từ năm 1632- 1648 (và hoàn thiện tất cả các hạng mục công trình vào năm 1653), bao gồm 3 cổng nhỏ phía đông, tây và nam để vào khu vườn có tưởng bao quanh, sau đó là cổng lớn ở giữa, hướng thẳng đến lăng mộ Taj Mahal, bên tay phải lăng mộ là thánh đường Hồi giáo, bên tay trái là nhà khách được xây dựng bằng sa thạch Sikri màu đỏ, tương phản với màu trắng của lăng mộ. Hai tòa cung điện đỏ có kiến trúc giống hệt nhau, chỉ khác là sàn thánh đường Hồi giáo được khảm 596 tấm thảm cho người cầu nguyện bằng đá cẩm thạch đen, còn sàn của nhà khách trang trí bằng các hình khối và có một hốc tường bên trong hướng về thánh địa Mecca.
Để vào khu đền Taj Mahal du khách phải mua 2 loại vé: vé vào cả khu đền rộng lớn và vé để lên tòa lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng. Vua Maughai Shah Jahan sau khi mất được đưa vào chôn cất bên cạnh người vợ, còn những người vợ khác của ông được an táng khu vực bên ngoài, cạnh khu đền Taj Mahal.
Vua Maughai Shah Jahan là một vi vua khá tàn nhẫn, đã giết cha và các anh em ruột để chiếm ngôi, nhưng đối với bà Mumtaz Mahal thì ông lại dành một tình yêu vô hạn. Vì cuộc hôn nhân chính trị, nên ông chỉ có thể lấy bà làm người vợ thứ ba (cũng có truyền thuyết kể là ông gặp bà khi đã có 2 vợ…) và sau khi ông lên ngôi đã phong bà làm hoàng hậu.
Truyền thuyết kể rằng hai người đã sống hạnh phúc và luôn ở bên nhau. Hoàng hậu Mumtaz Mahal theo nhà vua ra chiến trường và khi bà mất vì sinh người con thứ 14 cho nhà vua, cũng là lúc bà đang cùng nhà vua trên chiến trường. Sau khi bà mất, trong một đêm râu của ông đã trở nên bạc trắng.
Vua Mumtaz Mahal muốn xây dựng cho người vợ yêu quý một “thiên đàng” để bà có thể đến sau khi chết. Để xây dựng công trình này, đã có khoảng 20.000 người thợ xây, thợ cắt đá, thợ khảm, thợ chạm khắc giỏi nhất cùng các họa sĩ, nhà thư pháp nghệ nhân từ Ấn Độ, Syria và Ba Tư. Để di chuyển các nguyên vật liệu nặng đến vị trí xây dựng đền Taj Mahal, người Ấn Độ đã sử dụng hơn 1.000 con voi.
Vật liệu xây dựng chính của lăng mộ Taj Mahal là đá cẩm thạch trắng được đưa tới từ Rajasthan và 28 loại đá quý và bán quý khác được dùng để khảm lên đá cẩm thạch tại lăng Taj Mahal. Nhiều nguyên vật liệu, đá quý có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác nhau, như ngọc lam đến từ Tây Tạng, ngọc bích từ Trung Quốc.
Đền Taj Mahal được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của kiến trúc Mogul, một phong cách tổng hợp của các phong cách kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi giáo.
Nằm giữa một bệ đá cao 7 mét, lăng mộ có 4 mặt tiền gần như giống hệt nhau, mỗi mặt có một vòm trung tâm rộng cao tới 33 mét ở đỉnh và các góc nghiêng kết hợp các vòm nhỏ hơn. Mái vòm trung tâm cao 73 mét, tại đỉnh được bao quanh bởi 4 mái vòm nhỏ hơn.
Nằm giữa cổng lớn và khu vực lăng mộ là khu vườn được trồng theo phong cách Mogul cổ điển, chia thành bốn phần và một quảng trường ở giữa có đài phun nước và những con đường đi bộ.
Chúng tôi dành một buổi chiều ngắm nhìn khu đền Taj Mahal cho tới khi mặt trời lặn. Đền Taj Mahal không có giờ đóng cửa cố định. Mặt trời lặn thì đền sẽ đóng cửa. Có lẽ không ai muốn quấy rầy vị vua và người vợ yêu quý của ông khi màn đêm buông xuống.