Với vài ngày ngắn ngủi, theo chặng đường chỉ là một “đốt ngón tay” trên bản đồ của tiểu lục địa Ấn Độ, tôi không dám nói gì nhiều về đất nước đông dân nhất thế giới này, chỉ là cảm nhận của riêng tôi về một góc nhỏ phía bắc Ấn Độ.
Ấn Độ là đất nước thứ 30 tôi được đặt chân tới và là đất nước có nhiều điều khác biệt nhất. Ngoại ô các thành phố lớn là những ngôi nhà cũ, khá nhếch nhác, đường phố khói mờ và những chiếc lá cây bên đường phủ một lớp bụi dày, trong nội đô thì nhà cửa và đường phố sạch sẽ hơn. Tương phản với nền cuộc sống không mấy khá giả là những bộ váy đủ màu sắc của những người phụ nữ thuộc mọi tầng lớp. Kể cả những cô gái đi ăn xin cũng vẫn mặc bộ vày màu mè và trên tay vẫn đeo vòng lấp lánh, cho dù là thủy tinh.
Cuộc sống hai bên đường khá nhộn nhịp, tiếng còi xe đua nhau như thể cố gắng làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ hơn. Những chiếc xe túc túc ba bánh mỏng manh, được trang trí thêm những cành hoa, khăn vải đầy màu sắc, trông hơi “rợn” (như nhà mình hay nói Xúy Vân giả dại).
Tuy nhiên, khi đặt chân tới những di tích như pháo đài, cung điện, đền thờ, bảo tàng… thì một Ấn Độ khác hoàn toàn lại hiện ra. Những di sản văn hóa và lịch sử mà tôi được đặt chân tới như pháo đài Amber (Jaipur), pháo đài Đỏ (Agra), đền Taj Mahal (Agra) hay đền Akshardham (New Delhi)…đều là những công trình thật sự vĩ đại, với quy mô rộng lớn, công sức và tiền của nhiều vô kể và hơn cả là trình độ nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tuyệt vời. Cả những di sản có trên 500 năm và những công trình mới xây dựng đầu thế kỷ 21 đều thể hiện trình độ, tay nghề tuyệt tác của những người thợ thủ công và tiền bạc “nhiều như nước” của tầng lớp thượng lưu. Tôi sẽ chia sẻ với mọi người từng điểm di sản đó trong những bài viết và video sau này.
Nhưng, lại có một chữ “nhưng” ở đây. Một điểm đặc biệt, có lẽ cũng có thể thấy ở một số nước khác, nhưng ở Ấn Độ thì đặc biệt hơn, đó là những người bán hàng rong. Tại các điểm tham quan, bên ngoài trước cổng thu vé có một đội quân đông đảo những người đàn ông (vâng, chỉ có đàn ông!) bán hàng rong, họ bám riết lấy khách du lịch chào hàng, chèo kéo, nài nỉ…họ không tha cho bất cứ ai, cho dù bạn nói là không có tiền, thậm chí đi tay không, họ cũng sẽ nhét đồ vào tay bạn. Còn giá cả thì trên trời, không phải là gấp bao nhiêu lần mà giống như lừa đảo khi chào hàng bằng tiền Rupee và thu tiền lại muốn Đô la Mỹ. Chỉ cần bạn đưa mắt nhìn vào một mặt hàng nào đó thì họ sẽ theo bạn cho đến khi bạn mệt mỏi, mất kiên nhẫn hoặc chạy trốn bằng cách lên xe oto, và những người bán hàng sẽ chỉ buông tha khi xe rời bánh.
Còn bên trong điểm tham quan, bất cứ người nào, dù là người gác cổng, người bảo vệ hay người quét rác, chỉ cần bạn giơ máy ảnh về phía họ hay hỏi họ về đường đi thì lập tức họ chìa tay ra xin tiền. Cái cảm giác bất cứ lúc nào cũng có người xin tiền khiến mình cảm thấy bất an, nên nhiều lúc lại muốn tránh xa những người làm việc trong khu di tích.
Tại các điểm tham quan, nhà vệ sinh đều ghi rõ “trả tiền”, mặc dù không nhiều chỉ 5-10 rupee, nhưng như vậy cũng tốt. Còn các điểm dừng chân trên đường đi, vào nhà vệ sinh không ghi trả tiền, nhưng kiểu gì cũng có một phụ nữ ngồi bên trong khu vệ sinh sẽ chìa tay xin tiền khi mình đi ra.
Văn hóa ép mua sắm và ép cho tiền là một nét đặc trưng mà tôi nhìn thấy trên con đường hơn 750 km trên tam giác di sản từ New Delhi đến Agra (230km), rồi đi Jaipur (260km) và trở về New Delhi (280km). Một xã hội với nhiều thái cực trái ngược: người giàu thì giàu khủng khiếp, người nghèo thì bần cùng, đường phố bụi bẩn nhưng phụ nữ lại mặc váy màu sắc lòe loẹt, điểm tham quan mang giá trị văn hóa, lịch sử rất cao nhưng đầy người đeo bám bán hàng và xin tiền…
Đây là chuyến đi đầu tiên trong đời tôi không dám đi chơi buổi tối, thậm trí không dám ra khỏi phạm vi khách sạn vào buổi sáng trước giờ đi tham quan theo đoàn. Lúc đầu, chúng tôi định tự đi du lịch, nhưng do làm visa điện tử không thành công, nên quyết định mua tour và đó là quyết định đúng đắn, bởi vì nếu đi chơi tự do, có thể tôi sẽ không dám đi bất cứ đâu ngoài khách sạn.
Đây cũng là chuyến đi duy nhất chúng tôi ăn “nhất quán”, nghĩa là cả 3 bữa sáng, trưa, tối đều ăn tự chọn trong khách sạn và không chỉ một ngày. Người Ấn Độ theo Hindu giáo không ăn thịt bò, theo Hồi giáo không ăn thịt lợn, nên khách sạn chỉ phục vụ cá hoặc thịt gà với duy nhất một món trong số các món tự chọn. Chúng tôi không dám thử món ăn đường phố (xung quanh điểm tham quan có khá nhiều quầy), nên về ẩm thực Ấn Độ tôi chỉ có thể nói là không dám có nhận xét gì.
Có lẽ vì tôi là một phụ nữ, không còn trẻ nên có thể lo lắng hơi quá chăng? Có thể các bạn trẻ, thanh niên và nhất là nam giới sẽ an toàn và dễ dàng thích nghi với du lịch tự do Ấn Độ? Tôi chỉ chia sẻ cảm nhận của tôi thôi, có thể vì quá ít thời gian chưa đủ để hiểu Ấn Độ, có thể vì tôi chưa từng đến những nơi còn tệ hơn như thế, có thể tôi là người hơi khắt khe…Nhưng tôi vẫn rất thích những điểm tham quan tôi đã đến, rất khâm phục những kiệt tác kiến trúc và điêu khắc của người dân Ấn Độ và rất tôn trọng những di sản văn hóa và lịch sử của nền văn minh sông Hằng.
Cháu có xem vài video du lịch Ấn Độ, cũng nói về việc chèo kéo du khách hay thậm chí còn nhiều ng lừa gạt khách du lịch nữa. Khách du lịch nữ thăm quan Ấn độ cũng rất nguy hiểm vì những nhóm đàn ông Ấn họ sẽ dựa vào số đông mà ăn hiếp mình. Hai bác đi theo tour vậy là rất an toàn! 🙏