Bữa ăn của những người câm điếc ở Quế lâm

Nói vậy thì quả là hơi ngoa, nhưng chuyện xảy ra với chúng tôi trong mấy bữa ăn tại Quế Lâm thì cũng đáng được gọi như vậy.

Chín người chúng tôi, ai cũng thạo tiếng Anh, thứ tiếng có thể dùng ở rất nhiều nước trên thế giới, nhưng lại không thích hợp ở đây, đất nước Trung Hoa rộng lớn này. Để chúng tôi được tự nhiên nên cô phiên dịch tiếng Anh không bao giờ ngồi ăn chung với chúng tôi cả và việc đó mang đến cho chúng tôi khá nhiều điều bất tiện, nhưng cũng là những kỷ niệm thật khó quên.

Quelam1

Bữa ăn đầu tiên tại Quế Lâm, khi mới ngồi vào bàn chúng tôi đã được cô phục vụ rót cho mỗi người một chén nước trà nóng. Bên cạnh bát ăn mỗi người có đặt một cái cốc thuỷ tinh to dùng để uống bia hay nước ngọt. Trong đoàn chỉ có một anh uống bia còn tất cả chúng tôi đều muốn uống nước suối, thứ nước không có bày sẵn trên bàn. Chúng tôi làm hiệu để nói với cô phục vụ người Quế Lâm này là không muốn uống nước ngọt có trên bàn, mà muốn cô ta lấy hộ nước suối rót vào cốc. Sau một hồi xua tay rồi lại chỉ chỏ, thấy nét mặt cô ta chuyển từ trạng thái căng thẳng sang nụ cười nhẹ nhõm với cái đầu gật gật, miệng luôn  nhắc “hảo, hảo” có nghĩa là “được, được”, nên chúng tôi rất yên tâm. Cô ta quay ra và sau vài giây quay lại với cái khay to trên tay và nhanh nhẹn thu hết cốc trên bàn mang đi. Và thế là bữa ăn đó, chúng tôi chỉ có mỗi chén trà nóng ban đầu để “chiêu” khi cần thiết.

Một bữa khác ở Quế Lâm, sau một vòng xoay bàn, âu cơm đã vơi gần tới đáy. Sợ có ai muốn ăn thêm cơm lại phải chờ nên chúng tôi gọi cô phục vụ, kêu thêm âu cơm khác. Đương nhiên là để lấy được âu cơm mới chúng tôi vẫn phải sử dụng cả mắt, mũi, mồm, đầu, tay và cả chân nữa để thể hiện điều mong muốn. Cũng như mọi khi, cô phục vụ tươi cười cầm âu cơm đi. Mọi người đã ăn xong bát cơm, những ai chưa đủ “đô” đành ăn “vã” thức ăn thay chỗ cơm còn thiếu vì biết chắc cô phục vụ lại hiểu sai chúng tôi rồi. Vài người tiếc rẻ, biết thế này cứ để âu cơm lại cũng vét được 2, 3 bát cơm. Thôi đành vậy, ăn cố tý thịt, tý rau, tý canh là đủ, người nọ động viên người kia ăn cố chỗ thức ăn còn lại để lấp chỗ trống. Và khi chúng tôi ra chuyển sang dùng món “ngọc tăm” thì một âu cơm đầy, nghi ngút khói được đưa tới bàn. Vậy là chúng tôi cũng đã làm cho cô phục vụ Quế Lâm hiểu đấy chứ, chỉ có điều cô ấy nghĩ rằng chúng tôi còn ăn nhiều nữa, nên đã tăng cường nồi cơm mới, mà chúng tôi thì không dám tin vào khả năng sử dụng ngôn ngữ “câm điếc” của mình nên đã phụ tấm lòng nhiệt thành của người ta, đành để lại nguyên âu cơm còn nóng hổi…

Bữa ăn cuối cùng ở Quế Lâm đã đến nửa thời gian mà chẳng thấy ai đem cơm ra, tôi quyết định dùng vốn tiếng Trung “bồi” để nói một câu khá lịch sự: “Làm ơn mang cho chúng tôi cơm”. Cô phục vụ Quế Lâm quay lại hỏi tôi: “Cơm gì?”, tôi ngẩn tò te ra, chẳng biết nói tiếp thế nào, nên đầu lắc lắc, gật gật, miệng lẩm bẩm “cơm gì là thế nào?” (đương nhiên là bằng tiếng Việt). Chẳng biết cô ấy hiểu tôi nói thế nào, chỉ thấy quay ra ngoài và chừng mươi phút sau thì chúng tôi được người ta mang tới cho một âu rất to đựng…cháo và một đĩa lớn… mỳ sào. Bữa đó chúng tôi không thấy bóng dáng một hạt cơm nào cả. Tôi không biết có phải lỗi tại tôi không, hay chỉ là sự vô tình người ta đã chuẩn bị sẵn món ăn như vậy, chỉ biết rằng kết quả của việc gọi cơm bằng tiếng Trung của tôi là thế đấy.

Quế Nga – Quế Lâm, tháng 10/ 2002

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *