Pháo đài Đỏ Agra là điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi tại Ấn Độ. Tháng 12 là khoảng thời gian đẹp nhất để đến thăm miền bắc Ấn Độ, nhất là vào đầu giờ chiều, nắng ấm, có thể mặc như mùa thu Hà Nội.
Khi xe đến gần pháo đài, mọi người đều “ồ lên”, trước công trình kiến trúc bằng đá đỏ khổng lồ đã tồn tại ngạo nghễ 500 năm qua, bất chấp thời gian bào mòn và sự tàn phá của các cuộc chiến tranh.
Thật đẹp! Tôi không biết nói gì hơn khi đứng trước cổng pháo đài, giữa dòng người tấp nập. Văn minh sông Hằng và những di sản của đất nước Ấn Độ thật sự đáng để chiêm ngưỡng và bái phục.
Pháo đài Agra còn được gọi với tên Lal Qila, Fort Rouge hay là Pháo đài đỏ Agra được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ vào thế kỷ 16 nằm trên bờ sông Yamuna, một nhánh của sông Hằng.
Pháo đài ban đầu được các vị vua Rajput xây dựng bằng gạch được gọi là Badalgarh, do chiến tranh nên pháo đài đã bị đổ nát và khi vua Akbar, hoàng đế Mughal thứ 3 của Ấn Độ thành lập kinh đô mới ở Agra vào năm 1558 đã cho xây dựng lại pháo đài từ năm 1565 và hoàn thành 8 năm sau đó vào năm 1573.
Pháo đài Agra được coi là pháo đài lớn đầu tiên của người Mughals, được thiết kế chủ yếu để bảo vệ hoàng cung bên trong, với bức tường cao khoảng 70 feet (khoảng 21 mét) với tổng chiều dài hơn 2 km. Vua Shah Jahan (cháu trai của vua Akbar) đã xây dựng thêm các cung điện và nhà thờ Hồi giáo bằng đá cẩm thạch trắng bên trong pháo đài trong triều đại của ông từ năm 1628 – 1658.
Con trai của vua Shah Jahan – vua Aurangzeb tiếp tục mở rộng pháo đài bằng cách xây dựng thêm một bức tường bên ngoài ngăn cách bằng một đường hào sâu. Pháo đài thậm chí còn có một đường hầm bí mật để hoàng gia chạy trốn ra bờ sông Yamuna khi có nguy hiểm. Vua Shah Jahan sau đó đã mô phỏng pháo đài đỏ Agra để xây dựng pháo đài Đỏ tại khi ông tuyên bố kinh đô mới của mình ở Delhi năm 1638.
Pháo đài Agra có 4 cổng, trong đó có 2 cổng được xây dựng sau. Con đường đi ra và vào đặc biệt được xây dựng hẹp để tránh kẻ thù xâm nhập quy mô lớn vào pháo đài và được thiết kế để khuếch đại âm thanh, dễ dàng nhận biết khi có sự xâm nhập từ bên ngoài. Bạn có thể vỗ tay và nghe tiếng vỗ tay truyền âm và vang vọng. Pháo đài này cũng là chiến trường trong cuộc binh biến Ấn Độ năm 1857, chấm dứt sự cai trị của công ty Đông Ấn Anh Quốc ở Ấn Độ và dẫn đến sự cai trị trực tiếp của Vương quốc Anh trực tiếp đối với Ấn Độ trong một thế kỷ. Một phần pháo đài hiện nay vẫn do quân đội quản lý.
Từ đường dốc dẫn vào bên trong pháo đài, bên tay phải là Cung điện Jahangir, là một trong những cung điện lâu đời nhất trong pháo đài, được xây dựng dành cho phụ nữ hoàng gia với nhiều chạm khắc tinh tế và kiến trúc độc đáo.
Một khuôn viên rộng lớn được chia thành nhiều khu, có tường phân cách và những khu vườn đẹp xem giữa. Những cung điện được xây bằng đá đỏ và trắng khác nhau là do các đời vua sau này xây thêm.
Nhiều phần cung điện đã bị bong tróc, do không có người sống và chăm sóc tốt. Có lẽ để bảo tồn một công trình rộng lớn như vậy sẽ cần nhiều kinh phí. Mặc dù hơn nửa diện tích vẫn thuộc về doanh trại quân đôi, phần dành cho khách tham quan vẫn rất rộng lớn. (Vé tham quan cho người nước ngoài tại các điểm tại Ấn Độ cao hơn rất nhiều so với người địa phương).
Với một diện tích rộng như vậy, mà chỗ nào cũng muốn chụp ảnh thì có lẽ cần tới nửa ngày mới đi hết, mà cũng chỉ là lướt qua bên ngoài thôi, vì từng cung điện đều được trang trí hoa văn, khảm, chạm rất tinh tế và đặc sắc, không có thời gian để ngắm kỹ được. Các phòng trong cung điện đều đóng kín, không mở cho khách tham quan và một số cung điện đang sửa chữa không vào thăm được.
Khas Mahal là cung điện của hoàng hậu Mumtaz Mahal, vợ của vua Shah Jahan. Công trình kiến trúc này được xây dựng theo sự kết hợp giữa kiến trúc Ba Tư và Hồi giáo. Các bức tường bên trong được trang trí bằng vàng và đá quý. Cung điện được xây bằng đá cẩm thạch và được chạm khắc để tạo ra các hoa văn nghệ thuật, nhất là các bức tường và vòm trần nhà. Phía trước cung điện là đài phun nước và vườn hoa, vườn nho.
Cung điện Diwan-i-Khas là nơi nhà vua gặp gỡ quần thần và tiếp khách, được vua Akbar được xây dựng và vua Shah Jahan sửa sang lại với nhiều tác phẩm chạm khắc bằng đá cẩm thạch, các họa tiết hoa văn và các tác phẩm trang trí theo phong cách Ba Tư. Tuy nhiên, do việc bảo tồn không được tốt, trên tường và mái đã có nhiều nơi bị rêu bám, trông mất đi vẻ đẹp hào nhoáng vốn có.
Tháp Musamman Burj – một tháp hình bát giác nằm gần cung Diwan-i-Khas, là nơi vua Shah Jahan bị con trai mình giam cầm trong 8 năm cuối đời, một phần là do ông đã dùng quá nửa ngân khố hoàng gia để xây dựng lăng mộ Taj Mahal cho người vợ yêu quý của mình (một phần do cái chết của vợ khiến nhà vua suy sụp, không còn năng lực để cai trị đất nước). Từ đây, hàng ngày vua Shah Jahan có thể ngắm nhìn Taj Mahal đằng xa.
Chúng tôi có khoảng 2 giờ để tham quan pháo đài Đỏ, vì đi theo đoàn nên không thể thoải mái được. Vì tất cả các phòng trong cung điện đều không mở cửa cho khách tham quan, nếu không có lẽ phải mất nhiều ngày mới có thể thăm hết được toàn bộ pháo đài Đỏ này.
Điểm tham quan đầu tiên đầy ấn tượng, đáng để mình vượt qua cả chặng đường dài…