Phạm Pháo – làng làm kèn đồng Hải Hậu

Chúng tôi vô cùng ấn tượng khi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Cường là nghệ nhân trong gia đình truyền thống có bốn đời làm nghề kèn đồng thủ công.

“Chúng tôi không thể cạnh tranh với những chiếc kèn đồng của Nhật được sản xuất bằng máy móc công nghệ. Những chiếc kèn làm thủ công của chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian, từ công đoạn tán đồng, làm khuôn, đến chỉnh âm thanh… tất cả đều làm bằng tay, nên giá thành rất cao”. Ông Cường tâm sự.

Nhưng thế mạnh của nghề làm kèn đồng thủ công lại chính là ở công việc thủ công này. “Những chiếc kèn đồng sử dụng bị lỗi, có khi còn đến 90-95% giá trị, nhưng người ta đã đưa vào kho hoặc bán đi như đồ phế phẩm, vì công sửa chữa rất cao. Nhưng chúng tôi lại có thể sửa chữa dễ dàng những chiếc kèn đó, để chúng có thể được sử dụng lại một cách hoàn hảo!” Ông Cường tự hào nói chuyện với chúng tôi.

Làng nghề làm kèn đồng Phạm Pháo là một xứ đạo ở Hải Hậu, Nam Định. Nghe nói trong làng có nhiều gia đình mang họ Phạm và họ Phạm cũng là một trong bốn dòng họ có công khai khẩn mảnh đất Hải Hậu, nên chữ Phạm được đặt tên cho làng, còn “Pháo” là địa hình của làng lại giống như hình khẩu pháo…Hải Hậu là nơi các nhà truyền giáo Công giáo đã đặt chân đến sớm nhất và tiếp sau đó, khi nhà thờ Công giáo được xây dựng thì những chiếc kèn đồng (gọi là kèn Tây) được mang từ châu Âu sang để phục vụ nghi lễ nhà thờ.

Rồi những chiếc kèn sử dụng lâu ngày gặp trục trặc, hỏng hóc, mà không phải lúc nào cũng có thể mua được cái mới thay thế, hay tìm thợ Tây thuê sửa lại, vậy là dân làng Phạm Pháo đã lần mò tìm cách sửa chữa. Nhu cầu sử dụng kèn ngày một tăng, khi giáo xứ được mở rộng, những nghi lễ nhà thờ được tiến hành nhiều hơn, và người dân không chỉ sử dụng kèn cho nghi lễ nhà thờ mà cả những hoạt động xã hội khác. Do vậy nhu cầu mua mới những chiếc kèn ngày một lớn. Và nghề làm kèn đồng ở làng Phạm Pháo đã ngày càng phát triển.

Lúc đầu trong làng chỉ có khoảng chục gia đình theo nghề làm kèn đồng, đến những năm gần đây, phong trào thổi kèn ở Nam Định cũng như các tỉnh lân cận phát triển mạnh, thì giờ đã có gần 70% gia đình trong làng làm kèn đồng, trở thành làng nghề làm kèn thủ công nổi tiếng ở Nam Định.

Chúng tôi được nghe ông Cường thổi một cây kèn đồng cổ, không hề có nốt nhạc nào, mà giai điệu ông thổi lên hoàn toàn phụ thuộc vào hơi thổi của ông.

Lúc chúng tôi đến thăm xưởng kèn đồng, cũng là nhà ở của gia đình ông, có nhiều người mang kèn đến chữa. Ông chỉ nhận có 300k khi sửa một chiếc kèn cho khách hàng. Ông bảo: “Chiếc kèn đó tôi sửa hết một ngày, tôi tính tiền công sửa 300k, mà còn tặng cho khách một chiếc mũ trắng của người thổi kèn đội trị giá 50k rồi.” Ảnh dưới, ông Cường đang thử lại chiếc kèn mới sửa chữa để trao lại cho chủ nhân.

Theo ông Cường kể chuyện, trong giáo xứ này có tới 5 nghìn người biết thổi kèn, có gia đình cả bố, mẹ, con đều biết thổi kèn, nên nhà nào cũng tự mua cho mình một hai chiếc kèn. Thông thường gia đình ông đi mua những chiếc kèn cũ với giá không cao, về sửa chữa lại để bán cho bà con.

Hiện nay, con trai của ông Cường đang nối nghiệp cha, tiếp tục gắn bó với những chiếc kèn đồng. Ngồi mải nghe chuyện ông Cường kể, tôi đã quên không chụp ảnh dàn kèn đồng cổ mà ông Cường đã sưu tập được qua mấy thế hệ gia đình. Đây là chiếc kèn đồng lớn được ông Cường sửa lại thành chiếc loa phóng thanh. Một chiếc smart phone đặt lên và mở nhạc, chúng tôi có thể nghe qua chiếc kèn này âm thanh lớn hơn và vang hơn nhiều.

Cũng với một chiếc kèn, nhưng ông Cường có thể dùng thêm một chiếc cốc kim loại để làm thay đổi âm thanh của chiếc kèn.

Người bạn đồng nghiệp của tôi từ Ireland đến rất hứng khởi khi nghe câu chuyện của ông Cường và làng Phạm Pháo làm kèn đồng thủ công. Bạn tôi nói: “Những người đồng hương Ireland của ông và cả những người châu Âu khác sẽ sẵn sàng bay sang Việt Nam, để đến Phạm Pháo xem làm kèn đồng và tham gia lễ hội kèn đồng, nếu địa phương có thể tổ chức được các lễ hội như vậy.”

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *