Chuyến thăm Côn Minh lần này hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng tôi quyết định đi chỉ vì thời gian không nhiều lắm và cũng không mấy tốn kém…
Rời chuyến tàu đêm đến Lào Cai, chúng tôi lên xe ngựa ra cửa khẩu. Vì thủ tục xuất nhập cảnh cả hai phía đều làm khá nhanh nên chúng tôi đặt chân đến thị trấn Hà Khẩu chưa đến 10 giờ sáng (thời gian ở Trung Quốc sớm hơn Việt Nam 1 giờ). Đón chúng tôi ở đầu cầu là một cô hướng dẫn người nhỏ nhắn, tên là Liên nói tiếng Việt khá tốt. Cô dẫn chúng tôi tới một khách sạn trong thị trấn nhận phòng để tạm đồ và nghỉ ngơi vì chúng tôi sẽ khởi hành đi Côn Minh bằng chuyến xe tốc hành đêm.
Hà Khẩu là một thị trấn nhỏ vùng biên như Lào Cai bên mình, nhưng cuộc sống bên này cây cầu có nhiều điểm khác biệt. Hà Khẩu được xây dựng có quy hoạch, đường phố đều có vỉa hè, cây xanh và tương đối sạch sẽ. Trung tâm thị trấn là một quảng trường khá rộng với những bồn hoa, thảm cỏ xanh và một bức phù điêu biểu tượng cho thành phố được đặt ở giữa. Con sông Nậm Thi ngăn cách hai quốc gia phía nước ta thì khi lở khi bồi còn bên Hà Khẩu người ta kè đá cẩn thận và xây dựng một con đường dọc sông sạch sẽ và thơ mộng. Hầu hết những người bán hàng ở Hà Khẩu đều ít nhiều biết tiếng Việt nên chúng tôi không mấy khó khăn đã mua được từ những quả táo xanh đến những chiếc ô xinh xắn mà không cần phải sử dụng vốn tiếng Trung ít ỏi mới cấp tốc học.
Sau bữa ăn tối chúng tôi lên xe giường nằm đi Côn Minh. Xe kiểu này đi đường dài thật thuận tiện. Cứ hai người một giường đôi, hành lý để dưới gầm. Lái xe đưa cho chúng tôi mỗi người một cái túi ni lông, thấy mọi người ngơ ngác cô hướng dẫn giải thích là giầy dép thì phải cất vào túi ni lông treo lên giá nếu không xe chạy nhanh … lạc mất. Xe chạy rất êm tuy đường núi vòng vèo cua liên tục. Trời tối dần hai bên đường chỉ còn lại là những ngọn núi cao và những cánh rừng, không một ngôi nhà. Phải nhìn ra rất xa thi thoảng mới thấy có ánh đèn dưới các thung lũng. Vì ít khi được đi đêm như thế này nên trong lòng chúng tôi không ít người cảm thấy bất an. Xe dừng lại hai lần ở trạm tuần tra an ninh. Vì đây là đường nối với biên giới nên phải kiểm tra giấy tờ không chỉ đối với người nước ngoài mà cả người Trung Quốc. Công việc được tiến hành rất nhanh gọn không hề gây khó chịu đối với hành khách.
Chúng tôi đến Côn Minh khoảng 7 giờ sáng. Còn sớm nên thành phố dường như chưa dậy, vậy mà vẻ đẹp mộc mạc ấy đã khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Phố xá sạch sẽ, rộng rãi, xe cộ được phân luồng, đi lại rất nghiêm túc. Đứng giữa trung tâm thành phố nếu không nhìn thấy các biển quảng cáo viết bằng tiếng Trung ở khắp nơi người ta dễ nhầm là đang ở một thành phố châu Âu nào đó. Côn Minh xây dựng với tốc độ nhanh, nhưng có sự quy hoạch rõ ràng. Tất cả dân cư thành phố đều sống trong các khu trung cư, những ngôi nhà riêng chỉ nhìn thấy ở ngoại ô. Mọi nơi đều sạch sẽ, đi một quãng lại bắt gặp một người đứng tuổi cầm chổi quét những chiếc lá rụng. Người Côn Minh rất có ý thức trong việc giữ vệ sinh chung và tuân thủ luật lệ giao thông. Nếu ai vi phạm luật ngoài việc phạt tiền còn phải đứng cầm cờ đỏ giữ trật tự trong 4 giờ. Trên đường phố hiện đại với nhiều loại xe ôtô, vẫn có một con đường dành riêng cho xe đạp. Được biết cách đây 15 năm chính quyền thành phố Côn Minh đã không cấp giấy phép sử dụng xe máy trong thành phố nên rất ít xe máy trên đường. Người Côn Minh chủ yếu vẫn đi xe đạp mặc dù xe búyt công cộng rất nhiều và giá không cao so với thu nhập.
Côn Minh về đêm lại có vẻ đẹp khác bởi sự sầm uất và rực rỡ muôn ánh đèn màu của các cửa hiệu đầy ắp hàng hóa trong tiếng nhạc và cả những lời mời chào. Nhiều tốp thanh niên đi bộ trên phố chắc không phải để mua hàng mà chỉ đơn giản là dạo chơi thỉnh thoảng dừng chân bình phẩm một vài bộ quần áo mới hay đôi giầy thể thao vừa được trưng bày. Trên dãy phố dọc con kênh chính của thành phố Côn Minh là những quán cà phê giải khát lịch sự luôn thu hút khách du lịch và những đám thanh niên.
Chùa Đồng Kim Điện, nơi là nơi thờ phụng tượng Vàng của vị tướng tài ba Ngô Tam Quế, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, người đã mở biên giới phía nam cho quân Thanh vào đất Hán, là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Côn Minh.
Đây là ngôi chùa lớn tại Trung Quốc. Trong đó, chùa Đồng Kim Điện được đúc bằng hơn 200 tấn đồng xanh với nhiều họa tiết khắc họa tuyệt vời.
Trong vườn chùa có tượng người đẹp Trần Viên Viên, người mà Ngô Tam Quế đã “phụ quốc gia, không phụ mỹ nhân”, làm thay đổi lịch sử Trung Quốc.
Ngôi chùa có kiến trúc hơi khác thường, hành lang và những bậc cầu thang của ngôi chùa đều được làm bằng đá cẩm thạch, còn lại từ những bức tường, cột chùa, mái chùa, đinh ốc, bàn thờ… đều được làm bằng đồng xanh hoặc đồng đỏ, rất đẹp mắt và mang đậm theo văn hóa đồ đồng của người Vân Nam, Trung Quốc.
Tây Sơn Long Môn nằm cách trung tâm thành phố Côn Minh 15km về phía Tây. Đây là một quần thể hang động được đục sâu vào lòng các vách núi đá hiểm trở. Công trình hang động với các pho tượng thờ đạo Giáo Tam Thanh, do thợ đá Ngô Lại Thanh khai tạc từ thế kỷ 17. Với hai bàn tay cùng công cụ thô sơ, sau 72 năm và hai đời người mới hoàn thành Long Môn Nham.
Tại đây có các pho tượng Phật giáo và Đạo giáo, Nho Giáo được tạc từ đá. Đứng trên núi Tây Sơn Long Môn (cao hơn mặt nước biển 2.412m), bạn có thể nhìn thấy hồ Điền Trì rộng lớn, nghe kể nhiều câu chuyện xung quanh hồ nước này.
Xe bus đưa bạn tới chân núi, bạn có thể đi bộ hoặc đi xe điện đến cổng đền. Việc còn lại là leo lên những bậc đá. Ngày xưa, các sĩ tử đến mùa thi thường leo lên đây để cầu nguyện Khôi Tinh, vị thần phù trợ cho việc thi cử. Khi đó, họ sẽ phải leo bộ từ rất xa…
Hoa Đình Tự, tọa lạc trên ngọn núi Hoa Đình của Bích Kê Sơn thuộc Tây Sơn, bên bờ hồ Côn Minh.
Chùa Hoa Đình trước kia là nơi nghỉ mát và là biệt thự của Lương Vương, con cháu của Hốt Tất Liệt người đã thống trị Vân Nam trước khi đến Trung Nguyên 18 năm, sau khi thống trị xong Vân Nam thì cho con cháu mình đến cai trị tỉnh Vân Nam.
Đến cuối đời Nguyên đầu đời Minh dòng họ Lương Vương đã thất thế, thì có một Hòa Thượng từ Tứ Xuyên đến Côn Minh, dừng chân ở khu nhà cũ Hoa Đình và hàng ngày truyền bá Phật giáo.
Nhiều người dân hay đến nghe, sau quyên góp tiền để xây chùa, xây xong vẫn lấy tên là Hoa Đình. Chùa Hoa Đình là một trong những chùa lớn nhất Vân Nam và nổi tiếng với 500 bức tượng La Hán rất sinh động.
Chùa Hoa Đình nhiều lần bị hư hoại vì binh lửa, rồi lại nhiều lần được trùng tu. Năm 1922, Hòa thượng Hư Vân đã trùng tu lại chùa và đào được một tấm bia cổ, tuy nhiên phần lớn chữ ghi trên bia đã bị mờ, chỉ còn hàng chữ đầu có khắc tên chùa là Vân Thê, do vậy đã đặt tên chùa là Tĩnh Quốc Vân Thê thiền tự.
“Xuân thành” hoa nở quanh năm. Nhất định phải mang theo mùa xuân về nhà. Ai cũng muốn đến chợ hoa khô Côn Minh một lần để chiêm ngưỡng màu sắc không phai của những bó hoa khô.
Chúng tôi không chờ đợi nhiều điều bất ngờ trong chuyến đi nhất là khi được nghe lời giới thiệu khiêm tốn của cô hướng dẫn: “Vân Nam là tỉnh nghèo đứng thứ ba ở Trung Quốc”… nhưng những gì đã chứng kiến trong mấy ngày này ở Côn Minh, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và bâng khuâng tự hỏi phải chăng lòng yêu nước và tự hào dân tộc là động lực chính đưa đất nước hơn tỷ dân này “bừng tỉnh dậy”.
Quế Nga – Côn Minh, tháng 9/ 2001.