Cung điện Jaipur, Ấn Độ

Chúng tôi dành một buổi chiều để đi thăm cung điện Jaipur, một công trình kiến trúc độc đáo và rộng lớn. Nếu tính tất cả những gì thuộc về hoàng gia thì có đến 1/7 diện tích của thành phố Jaipur ngày nay thuộc về cố đô cũ (tôi tạm gọi là nội thành), đã được vua Jai Singh II xây dựng từ năm 1726 đến 1732. Toàn bộ nội thành được chia thành 6 khu, hai khu là cung điện của hoàng gia và trụ sở của triều đình, các khu vực còn lại được xây dựng để cho người dân sinh sống và buôn bán (hướng dẫn viên nói là Hoàng gia vẫn thu tiền thuê nhà của người dân, không biết mức độ chính xác đến đâu?).

Một trong 7 cổng thành, ra vào nội đô Jaipur

Một bức tường thành khổng lồ được xây dựng bao quanh nội đô và có bảy cổng thành kiên cố để ra vào nội đô. Tất cả những công trình này vẫn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.

Bức tường thành bao quanh nội đô Jaipur vẫn giữ nguyên vẹn đến hiện tại

Kể sơ qua như vậy để mọi người hình dung, khu vực nội đô và cung điện rất rộng lớn. Rất nhiều công trình bên ngoài cung điện cũng có kiến trúc rất đẹp. Và hàng ngày khi chúng tôi đi tham quan một số điểm khác đều chạy xe ngang qua nội đô, đi vào và ra ở các cổng thành khác nhau.

Một tòa nhà trong khu vực nội đô

Chúng tôi bắt đầu tham quan từ hoàng cung vào đầu giờ chiều. Buổi sáng chúng tôi đã thăm pháo đài Amber (cách trung tâm Jaipur khoảng 11km) được coi là cung điện đầu của vương triều Jaipur, khi còn lo ngại chiến tranh nên xây dựng trên núi để phòng thủ. Nhưng đến đời vua Jai Singh II dân số tăng, nước ngọt không đủ cung cấp, nên vua đã quyết định dời đô về nơi này. Jaipur là kinh đô của vương triều cho đến năm 1949, khi vương quốc trở thành bang Rajasthan của Ấn Độ.

Nhiều tòa nhà trong khu vực nội đô có kiến trúc rất đẹp, giờ là nơi người dân sinh sống và buôn bán

Hiện tại hoàng cung mở cửa như một điểm tham quan và gia đình hoàng gia Jaipur vẫn sống tại một khu vực trong hoàng cung (muốn tham quan phải mua thêm 1 loại vé khác). Gia đình hoàng gia có nhiều thành viên, nhưng người đang giữ chức vua Man Singh II lại là cháu ngoại (có sách nói là con nuôi của vua Madho Singh II). Khi vương quốc trở thành một bang của Ấn Độ, Man Singh II đã trở thành Thống đốc của bang Rajasthan trong một thời gian và sau đó là Đại sứ Ấn Độ tại Tây Ban Nha. Công chúa Diya Kumari là người được ủy quyền quản lý và điều hành nhiều tài sản của hoàng gia như Bảo tàng Trust, hai trường học Palace và Maharaja, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo… Hoàng gia có khoảng 500 người hầu.

Cung điện Chandra Mahal là nơi gia đình Hoàng gia và những người hầu sống, trên nóc cung điện lúc nào cũng treo cờ.

Hoàng cung được xây dựng trên khu đất bằng phẳng vốn là bãi săn bắn của hoàng gia, xung quanh có một dãy đồi đá bao bọc. Vua Jai Singh II (người cai trị vương quốc từ năm 1699 đến năm 1744) khởi xướng việc xây dựng quần thể kinh đô bắt đầu bằng việc xây dựng bức tường thành bao bên ngoài của quần thể trải dài trên nhiều mẫu Anh. Ông đã quy hoạch thành phố Jaipur thành sáu khối nhà cách nhau bởi những con đường rộng lớn.

Sơ đồ bên trong Hoàng cung Jaipur

Năm 1876 Albert Edward, Hoàng tử xứ Wales (sau này trở thành vua Edward VII – vua của Vương quốc Liên hiệp Anh & Ireland và của các lãnh thổ thuộc Anh. Ông là hoàng đế của Ấn Độ từ năm 1901) đã đến thăm Jaipur và để chào đón hoàng tử, vua Ram Singh II đã cho sơn tất cả kinh đô một màu hồng và Jaipur đã có tên là thành phố Hồng kể từ đó. Hiện giờ màu hồng đã bị thời gian làm xuống cấp, nhưng vẫn giữ được tính đặc trưng duy nhất, rất độc đáo.

Cổng thứ hai từ bãi đỗ xe vào bên trong hoàng cung

Qua mấy lượt cổng thành, một cổng để vào khu rộng lớn đỗ xe, sau đó đi bộ qua cổng thành thứ hai, rồi cổng thành thứ ba mới bước vào bên trong cung điện. Bên tay trái khi qua cổng thứ hai là phòng trừng bày nghệ thuật, nhưng chúng tôi không có thời gian để vào xem.

Cổng thứ nhất đi vào một quảng trường rộng có bãi đỗ xe
Cổng thứ ba mới dẫn vào nội cung Hoàng gia
Khẩu pháo nhỏ hai bên cổng vào nội cung

Qua cổng thứ ba ở giữa sân rộng là Hội trường Diwan-I-Kbas, nơi trưng bày một chiếc bình bạc nguyên chất khổng lồ cao 1,6 mét (trước có 2 bình, khi chúng tôi tham quan chỉ còn có 1), có sức chứa 4000 lít và nặng 340 kg. Tất cả có 8 chiếc bình được vua Sawai Madho Singh II đặt làm riêng để mang nước sông Hằng đến Anh vào năm 1902 (vào lễ đăng quang của vua Edward VII). Hội trường Diwan-I-Kbas là nơi tiếp kiến riêng, nơi nhà vua họp với triều đình và các quan chức, quý tộc của vương quốc.

Hội trường Diwan-I-Kbas
Bên trong Hội trường Diwan-I-Kbas
Chiếc bình bạc nguyên chất khổng lồ cao 1,6 mét đựng nước sông Hằng để mang đến Anh quốc

Tại đây chúng tôi nhận vé vào thăm quan cung điện Mubarak Mahal, nằm ở khu vực bên trong thông qua cổng Rajendra Pol, được trạm khắc rất tinh xảo và hai bên có hai con voi đá lớn bằng đá cẩm thạch trắng. Những tòa nhà được xây dựng bao quanh sân rộng, ở giữa là cung điện Mubarak Mahal, có tên là “Cung chào đón”, được xây dựng năm 1900.

Cổng Rajendra Pol có hai con voi đá hai bên
Con voi đá bên Cổng Rajendra Pol

Cung điện Mubarak Mahal được chạm khắc tinh xảo bằng đá cẩm thạch trắng và đá màu be, dùng để tiếp khách nước ngoài. Hiện tại là nơi đặt văn phòng của bảo tàng, thư viện ở tầng hai và Phòng trưng bày sản phẩm Dệt may của bảo tàng ở tầng một. Chúng tôi vào xem những sản phẩm dệt may đặc biệt và những trang phục truyền thống, chủ yếu của hoàng gia Jaipur khoảng 45 phút, vì còn nhiều nơi khác cần đi thăm.

Cung điện Mubarak Mahal
Một bên của cung điện Mubarak Mahal

Tháp đồng hồ là một công trình kiến ​​trúc nằm ở phía nam của Sabha Niwas. Đây là kiến trúc chịu ảnh hưởng của châu Âu tại tòa nhà Tòa án Rajput. Chiếc đồng hồ được lắp đặt trong một tòa tháp từ trước năm 1873. Chiếc đồng hồ được mua của công ty Black & Murray ở Calcutta, nhằm mục đích nhắc nhở việc đúng giờ đối với các phiên tòa.

Tháp đồng hồ nhìn từ trong sân cung điện Mubarak Mahal
Một góc khác của tháp đồng hồ

Cung điện có nhiều tòa nhà hiện nay được sử dụng như bảo tàng hoặc trụ sở làm việc. Ngoài ra những nghi lễ quan trọng vẫn được tổ chức trong khu phức hợp cho đến ngày nay, do vậy mà cung điện Jaipur được coi là “di sản sống”.

Các tòa nhà xung quanh cung điện Mubarak Mahal và cung điện Chandra Mahal, nơi gia đình hoàng gia sống màu vàng phía sau
Phòng trưng bày nghệ thuật bên trong nội cung

Theo truyền thống, nơi đây được sử dụng cho các sự kiện hoàng gia quan trọng như nghi lễ đăng quang của vua ở Jaipur.

Vườn hoa và những tòa nhà trong cung điện

Nếu bạn tự đi du lịch, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tham quan kỹ, khám phá những vẻ đẹp rất đặc trưng của Ấn Độ và cảm nhận sự giàu có của tầng lớp quý tộc trong một quốc gia có số lượng người nghèo nhiều nhất thế giới.

Cung điện nơi Hoàng gia sống màu vàng phía sau

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *