Thánh điện Potala

Tôi không biết nói thế nào về cảm xúc của mình khi ngước nhìn Thánh điện Potala sừng sững đầy kiêu hãnh trên ngọn núi nhỏ. Tôi biết sẽ là “phạm Thượng” khi dám “phỏng đoán” về “cảm xúc của Thánh địa”, nhưng rõ ràng tôi cảm thấy có điều gì đó rất ngạo nghễ, nhưng cũng rất buồn. Bởi thánh điện Potala giờ đây chỉ còn là một bảo tàng, khi chủ nhân của cung điện còn đang “phiêu bạt” ngàn dặm nơi xa…

Thánh điện Potala đã đứng ở đây từ thế kỷ thứ VIII, khi vị vua nổi tiếng của Thổ Phồn là Tùng Tán Can Bố cho xây nhà nguyện từ năm 637 trên ngọn núi Potalaka huyền thoại, nơi Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát hiện diện, chính vì vậy đã trở thành “thánh địa” thiêng liêng.

Đến năm 1645 Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 – người đã hợp nhất thần quyền và vương quyền, người đã thống nhất được các dòng, phái tôn giáo của Tây Tạng, người đã trở thành vị lãnh tụ của cả một vùng cao nguyên rộng lớn – đã cho xây dựng mở rộng Potala để trở thành “trụ sở” của chính quyền Tây Tạng. Và kể từ đó, thánh địa Potala uy nghi ngự trị trên đỉnh núi này, mà giám sát mọi sinh linh bên dưới kia.

Nhưng hôm nay khi tôi đến dưới chân thánh địa Potala, ngoài cảm giác thiêng liêng đầy thần bí trên cao kia, tôi còn có một cảm giác ngậm ngùi, đau buồn. Bởi Potala trên cao, tuy vẫn ngạo nghễ đầy kiêu hãnh nhưng rất cô đơn, xa lạ với xung quanh. Bên dưới thánh địa giờ đây là những tòa nhà cao tầng mọc san sát, những đường phố ngang dọc  hiện đại với các loại xe ô tô sang trọng chạy suốt ngày đêm, với những khu phố rộn rã hàng quán, âm thanh nhộn nhạo từ các khu vui chơi khác nhau đan xen…

Tôi cảm thấy bên ngoài sự ngạo nghễ của cung điện hùng vĩ này là những giọt nước mắt đang rơi bên trong sâu thẳm đầy huyền bí của ngọn núi. Tôi cảm thấy rất buồn khi đứng dưới chân cung điện để xếp hàng chờ đến lượt. Đã bao nhiêu năm tôi mơ ước có được ngày hôm nay, được đến chiêm ngưỡng và quỳ lạy tại đây… tôi đã rất hạnh phúc, nhưng không hiểu sao, trong tim tôi lại rất buồn.

Chúng tôi rời khách sạn từ lúc 9 giờ sáng, mặc dù vé tham quan đã được hướng dẫn địa phương mua trước khi đến khách sạn, nhưng chúng tôi chỉ được phép vào thăm Bạch Cung lúc 11 giờ. Vì vậy chúng tôi có khá nhiều thời gian để dạo chơi bên dưới cung điện.

Trước tiên, chúng tôi phải xếp hàng để qua cửa an ninh lần thứ nhất. Cửa này có lẽ chỉ kiểm soát vũ khí, chất nổ thôi và chúng tôi bước vào khuôn viên dưới chân cung điện.

Quay cổng kiểm tra tôi nhìn thấy ở bên đường có một ngôi nhà có kiến trúc Tây Tạng và những vòng xoay kinh luân được người Tạng đi qua quay liên tục.

Và tôi đã được chứng kiến một người Tạng “nhất bộ, nhất bái” nghĩa là đi một bước lại nằm phủ phục xuống đất bái. Có những người đã đi theo cách này cả 10 năm từ nhà để đến bái ở thánh điện Potala này cũng như những nơi linh thiêng khác.

Ở đây có cả một con phố nhỏ bán hàng lưu niệm, những đồ vật để thờ cúng, quần áo và cả bơ, sữa tươi và sữa chua làm từ sữa bò Yak Tây Tạng. Tôi tranh thủ mua được hai dây (không biết gọi tên là gì), trên đó có một vòng bạc nhỏ khắc câu “Om mani bat me hum” để mang lên thánh địa cầu bình an cho hai con gái tôi.

Trong thời gian chờ đợi lần thứ nhất này, tôi đã đứng ngắm nhìn những người dân đến Potala để hành lễ. Có rất nhiều khách du lịch như chúng tôi, nhưng cũng có nhiều người Tây Tạng. Những người Tạng chân chất, trong bộ quần áo truyền thống rất nhiều lớp và khá thô… đã trở thành lạc lõng giữa con phố hai bên đỗ đầy xe ô tô sang trọng. Có lẽ họ còn giống người lạ từ nơi khác đến đây, hơn là chúng tôi. Nơi đây không còn là của người Tạng nữa rồi!

Hết chờ đợi ở lần đầu, chúng tôi đi sâu hơn vào sát chân cung điện. Một vườn hoa hồng rực rỡ các màu đã hấp dẫn tất cả mọi người, trong đó có tôi. Tôi đã thoáng quên đi cảm xúc buồn vui lẫn lộn khi mới bước vào đây, mà mải miết chụp hình cung điện Potala hùng vĩ với vườn hồng tuyệt đẹp dưới chân.

Rồi chúng tôi lại có khoảng thời gian chờ đợi lần thứ hai, cho đến gần giờ được phép vào thăm, nghĩa là 10:30 chúng tôi mới xếp hàng để lên thăm cung điện. Vì đã chụp ảnh vườn hồng thỏa mãn, chúng tôi dành thời gian để vào thăm bảo tàng “báu vật hoàng cung”, nơi giới thiệu và lưu giữ một số hiện vật đại diện của cung điện Potala.

Đây là Bảo tàng báu vật Hoàng cung Potala – ngôi nhà cổ ba tầng, cũng là một phần của cung điện.

Mặc dù đêm hôm trước tôi đã cầu khấn Trời Phật cho tôi đủ sức leo lên cung điện và tham quan hết những nơi nào được đi, thế nhưng chúng tôi cũng không dám cố đi thăm hết bảo tàng, vì thời gian có hạn. Vì vậy chúng tôi đã bỏ qua tầng 3 (vì phải leo cầu thang, một việc mà tôi có thể làm hàng chục lần mỗi ngày, vậy mà ở trên cao nguyên này, tôi lại không dám!). Nếu có thời gian và có người hướng dẫn thì chúng tôi sẽ hiểu sâu hơn về cung điện Potala thông qua những hiện vật được trưng bày ở đây, từ những bức tranh dán tường, đến các bức tượng Phật lớn nhỏ và cả những đồ dùng đã được các vị Đạt Lai Lạt ma sử dụng, như các cuốn kinh, tràng hạt… Nhưng chúng tôi đi trong vội vã, không có người hướng dẫn, không được chụp hình, chỉ đọc lướt qua bảng giới thiệu ở mỗi hiện vật nên chỉ hiểu đại khái, sơ qua.

Cung điện Potala có hai màu Bạch Cung sơn màu trắng, thể hiện sự trinh khiết, Hồng cung sơn màu đỏ sẫm, thể hiện cho quyền lực.

Cung điện Potala có những bức tường dốc lớn với những hàng mái bằng, cao thấp ở các đoạn khác nhau. Có những hàng cửa sổ dài. Con đường đi lên dốc thoai thoải, không quá khó khăn đối với những người từ đồng bằng lên đây như chúng tôi. Thật may mắn!

Đến giờ chúng tôi được bắt đầu đặt chân lên những bậc thang của cung điện… vô cùng hồi hộp. Chúng tôi phải đi qua cửa kiểm tra an ninh rất ngặt nghèo, như lên máy bay và mọi thứ đều bị cấm giống như vậy. Hộ chiếu, vé tham quan có tên đầy đủ, số hộ chiếu kèm theo và giờ được vào thăm.

Bức tường lan can dọc theo đường lên được làm bằng đá xếp, có mái nhỏ làm bằng những cây gỗ rất đặc biệt.

Tôi leo từng bước thận trọng, rất từ tốn và đều đặn để hơi thở không bị gấp, không làm đầu ong lên. Đi đến một nơi linh thiêng thế này mà đau đầu, mệt mỏi thì thật sự quá phí. Tôi vẫn dừng lại chụp ảnh, bởi đối với tôi, một góc cung điện đều là một nơi thiêng liêng, tôi muốn lưu giữ hết… vì tôi biết, tôi sẽ không có cơ hội quay trở lại nơi này một lần nữa.

Trên đường thỉnh thoảng lại có những chiếc ghế dài để cho khách hành hương nghỉ chân.

Đến hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi cũng vừa nói vừa thở hổn hển.

Đây là sân thượng trước khi lên Bạch Cung.

Phía trước là Bạch Cung, với những bậc thềm cao. Thời gian của chúng tôi được tính từ khi bước qua những bậc thềm đó.

Trên mái của Bạch Cung có đặt những vong xoay kinh luân bằng vàng.

Và đây là bậc thang dẫn đến Bạch Cung. Đây là cầu thang cuối cùng có cả hai hướng lên và xuống, để những ai cảm thấy không đủ sức khỏe khi bước vào Bạch Cung có thể quay trở lại, nếu không, họ sẽ phải tiếp tục lên cao cho tới hết hành trình.

Một người Tạng đang làm lễ, những người khách du lịch mải mê chụp ảnh cung điện và cả người dân làm lễ.

Chúng tôi chỉ có một giờ bắt đầu tính từ khi bước chân vào Bạch Cung. Trong đoàn chúng tôi có hai thành viên cảm thấy không chịu được áp lực vừa phải leo cao lại phải đi nhanh không được dừng nghỉ, đã quyết định ở lại dưới chân cung điện để chờ đoàn.

Bắt đầu bước chân vào Bạch Cung thì tất cả các máy ảnh, điện thoại đều phải cất đi hết. Ai cố tình quay phim, chụp ảnh nếu bị phát hiện ra sẽ bị trục xuất ra khỏi Lhasa ngay lập tức và phim ảnh sẽ bị xóa hết. Có rất nhiều camera đặt ở mọi góc trên đường đi. Không có ai dám mạo hiểm cả. Chính vì vậy mà tôi đành mượn mấy bức ảnh trên internet để chia sẻ với mọi người và cũng để cho chính tôi được nhìn ngắm lại.

Bạch Cung là nơi ở, nơi làm việc và đón tiếp khách của Đại Lai Lạt ma vào mùa đông. Những bức tường dầy từ 3 đến 5 mét (phía móng và tầng dưới) đã giúp cho cung điện vững vàng kể cả trong các cuộc động đất, và giữ cho bên trong cung điện được ấm vào mùa đông. Nhiều gian phòng nằm trong núi. Tất cả Bạch cung và Hồng cung có tới 1.000 gian phòng, nhưng khách tham quan chỉ được đi thăm một số gian cho phép, theo một tuyến đi cố định, khá hẹp. Chúng tôi luôn bị nhắc nhở phải tiếp tục đi, nếu ai đó dừng lại lâu một chút để làm lễ hay ngắm nhìn quá kỹ các bức tượng.

Thỉnh thoảng trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy một hai vị Lạt ma ngồi đọc kinh hoặc  trì chú cho một tín đồ trong một góc vô cùng nhỏ hẹp. Trong đoàn cũng có một vài người dừng lại xin các vị Lạt ma đọc kinh, niệm Phật cho họ, nhưng sau đó họ sẽ phải đi nhanh hơn để kịp theo đoàn. Tôi giữ trong tay hai dây dành cho con gái và bức tượng Phật Di Lạc, thành tâm xin Trời Phật ban sự bình an cho gia đình. Tôi tin vào lòng thành và thiện tâm sẽ được thấu.

Các bức tường trong cung điện đều được trang trí bằng những bức tranh và các hoa văn, họa tiết đặc trưng của văn hóa Tây Tạng. Trần hành lang có những khúc gỗ lớn đỡ, được sơn màu xanh da trời sẫm. Có rất nhiều bức tượng Phật, và tôi không biết cụ thể đó là những vị Phật, Bồ Tát nào.

Nếu như Bạch cung là nơi học tập, làm việc của các vị Lạt ma, nên có nhiều phòng nhỏ như thư viện, điện thờ, nhà nguyện, phòng nghỉ của Đạt Lai Lạt Ma và các vị Lạt ma khác, thì Hồng Cung là nơi lưu giữ hài cốt của 13 vị  Đạt Lai Lạt Ma được đặt trong các bảo tháp bằng vàng ròng. Bảo tháp lớn nhất nặng tới 3700 tấn vàng là nơi dành cho vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, người đã cho xây dựng cung điện Potala này (trong suốt 45 năm và Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã không sống được đến ngày khánh thành hoàn toàn).

Vì tuyến tham quan được sắp xếp cẩn thận, hạn chế tối đã sự “tham lam” và tính “tò mò” của du khách, nên một số cầu thang gỗ rất dốc và hẹp được đặt vào để dẫn dắt du khách đi đúng hướng và từng người một phải bám nhau mà đi. Không gian khá chật hẹp, tất cả các nơi đều được thắp sáng bằng các chậu nến mỡ bò, tạo ra một mùi hơi khó chịu. Thỉnh thoảng tôi mới thấy một khoảng sân trời hẹp. Tôi không hiểu cuộc sống bên trong cung điện Potala đã diễn ra như thế nào, nhưng với tôi thì thật sự không thoải mái. Có lẽ sự huyền bí, thiêng liêng của cung điện trong lòng núi chính là ở chỗ này. Tôi cũng không biết được.

Ra khỏi Hồng cung, hướng dẫn Trung Quốc phải thu hết vé tham quan của cả đoàn nộp cho bảo vệ, để báo cáo là đoàn đã hoàn thành chương trình tham quan đúng thời gian quy định. Tôi cảm thấy tiếc nuối, vì thời gian quá nhanh, một giờ để thăm cả một cung điện rộng lớn thế này, không đủ để tôi nhớ được điều gì cụ thể, chỉ là cảm giác…

Từ trên bậc thang của Hồng Cung, chúng tôi đứng nhìn (không phải ngắm) thành phố hiện đại bên dưới… Có cái gì đó sai sai ở đây!

Đối diện với cung điện Potala, bên kia đường là công viên “Kỷ niệm giải phóng Tây Tạng trong Hòa Bình” để ghi lại dấu ấn, ngày Trung Quốc tiến vào Tây Tạng năm 1951.

Chúng tôi chầm chậm đi xuống và không quên ghi lại những hình ảnh cuối cùng về Thánh điện Potala.

Ai cũng muốn đi chậm để níu kéo thời gian ở lại Potala lâu hơn. Những người Tạng này có thể phải vượt qua những chặng đường rất xa và đầy khó khăn để đến được nơi này.

Không chỉ có tôi, mà cả những vị sư có thể có cơ hội quay trở lại Potala cũng cố ghi lại hình ảnh thánh điện linh thiêng này.

Con đường đi xuống có vẻ dễ dàng hơn, đi từ một nơi linh thiêng để trở về với cuộc sống thực tại…

Trên đường đi xuống, tôi thấy những đống đá nhỏ xếp bên đường, những người đi trước đã xếp đá chồng lên nhau để đánh dấu nơi này họ đã đến. Tôi không tìm được cho mình viên đá nào để xếp lên những đống đá đó. Cũng không cần để lại kỷ niệm bằng viên đá làm gì, vì những khoảnh khắc này đã khắc sâu trong tâm trí của tôi mãi mãi.

Tôi ngước nhìn thánh địa Potala lần cuối và đã may mắn chụp được ảnh cầu vồng trên đỉnh Potala.

Ở cửa ra khỏi cung điện, tôi lại thấy những vòng xoay kinh luân. Những người Tạng đi lễ lại tiếp tục xoay chúng, để chúng cứ quay mãi, quay mãi không dừng, cho dù Thánh điện trên cao có bị thay đổi vị thế, thì những vòng xoay kinh luân vẫn sẽ mãi xoay.

You Might Also Like

One Reply to “Thánh điện Potala”

  1. 谢谢你写给了我们一个很特别的故事。你写的文章真有意思。我对你的经过非常感兴趣·。

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *