Bến cảng Nyhavn ở Copenhagen

Có lẽ bức ảnh chụp ở bến cảng Nyhavn sẽ không cần ghi chú thích, vì nó quá nổi tiếng và gần như là biểu tượng của Copenhagen. Và tất nhiên, ai đến Copenhagen cũng phải đến bến cảng này.

Tôi đã có dịp đi đi lại lại ở bến cảng này mấy lần, vì thừa thời gian trong khi đợi bạn. Nhưng dạo chơi ở đây thật sự thú vị, ngay cả khi trong tâm trạng chờ đợi, vì những ngôi nhà hai bên bờ kênh được xây dựng từ thế kỷ XVIII, với những màu sắc đặc biệt tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn. Nhiều ngôi nhà đã khá lâu đời, ngôi nhà cổ nhất là nhà số 9 được xây dựng từ năm 1681.

Phần lớn mọi người ngồi ra vỉa hè để ăn uống, ngay cả khi trời lạnh, mỗi người sẽ được phát một tấm chăn. Chúng tôi đã có một bữa trưa (chỉ có một món chính và một bánh ngọt tráng miệng) tại nhà hàng giữa bến cảng này. Mặc dù món ăn được nấu công phù và giá khá đắt đối với chúng tôi (25 Euro/ người), nhưng tôi lại không hợp khẩu vị.

Con kênh này được vua Christian V ra lệnh cho tù binh chiến tranh người Thụy Điển xây dựng vào năm 1670-1673, bắt đầu từ Quảng trường Nhà Vua (King’s Square) để mở đường ra biển, trở thành đường thủy vận chuyển hàng hóa và ngư dân đánh cá. Bến cảng Nyhavn đã trở nên nổi tiếng đối với giới thủy thủ với bia và gái mại dâm.

Kênh Nyhavn hẹp nên chỉ có thể cho tàu chở hàng hóa nhỏ ra vào, nên khi tàu biển được đóng lớn hơn, những con tàu không thể theo kênh đào vào cảng được nữa, khiến cho bến cảng Nyhavn ngày càng ít tàu đến neo đậu.

Vào những năm 1960, Hội Nyhavn được thành lập với mục đích làm sống lại bến cảng này. Năm 1977 cảng Nyhavn được Egon Weidekamp Thị trưởng Copenhagen khánh thành như một bảo tàng cảng. Giờ đây cảng Nyhavn và con kênh là nơi neo đầu của những chiếc thuyền buồm sang trọng.

Từ năm 1980 bến cảng Nyhavn được dành cho người đi bộ và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Copenhagen. Khách du lịch rất thích ngồi thuyền để ngắm nhìn những tòa nhà đầy màu sắc hai bên bờ kênh.

Khách du lịch có thể đi xe ngựa dọc hai bên bờ kênh. Đây là hai con ngựa lùn rất đặc biệt, kéo theo một chiếc xe vô cùng “thô”, nếu so sánh với các xe ngựa kéo ở Brussels, Vienna hay Praha.

Nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen sống ở nhà số 67, sau chuyển sang nhà số 18 trên bến cảng Nyhavn trong gần 20 năm. Cung điện Charlottenborg nằm ở quảng trường Nhà Vua Kongens Nytorv, nơi bắt đầu con kênh Nyhavn.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *