Trở lại Đại Lý

Tôi đã đến Đại Lý vào đầu năm 2007 và sau 16 năm tôi mới lại có dịp quay trở lại thăm Đại Lý. Nhưng chuyến đi lần này tôi không đến một số nơi đã từng tham quan như Phim trường Thiên Long Bát Bộ, Tam Tháp…. Chỉ có thành cổ Đại Lý là phải trở lại một lần nữa.

Một trong bốn cổng của thành cổ Đại Lý

Chúng tôi đi đường bộ, qua cửa khẩu Lạng Sơn, đi xe đến Mông Tự, rồi ngồi tàu hỏa cao tốc đến Đại Lý.

Những ngôi nhà trên đường phố của Đại Lý

Đại Lý đón chúng tôi bằng cơn mưa trong gần hết buổi sáng ngày hôm sau. Nên chúng tôi đã đến tham quan Phương Dương Áp Thôn trong mưa.

Con đường chính trong Phương Dương Áp Thôn

Phương Dương Áp Thôn nằm cách thành cổ Đại lý 7km, dưới chân núi Thương Sơn, ở độ cao 1.880 mét so với mực nước biển. Đây là một thôn cổ có con đường trà mã cổ đạo đi qua, hiện vẫn còn rất nhiều ngôi nhà rất cổ, nhưng nhiều nhà đã xuống cấp và không còn có người sống ở đó nữa.

Những ngôi nhà cổ đã xuống cấp
Ngôi nhà này sắp sửa sụp đổ hoàn toàn nếu không được tu sửa kịp thời

Nghe nói, Phương Dương Áp Thôn  đã được hình thành từ thời nhà Hán, tương đương với thời Vương quốc Nam Chiếu của Đại Lý. Tuy chỉ là một thôn làng nhỏ, nhưng nó lại nằm trên Con đường Trà Cổ trong lịch sử Trung Hoa, dài gần 2 km qua thôn, nên thôn này đã được hình thành và phát triển sớm, đồng thời phong tục truyền thống cũng được giữ gìn qua năm tháng.

Phương Dương Áp Thôn có thể sẽ không được mọi người biết đến, nếu như bộ phim “Đi đến nơi có gió” không lấy bối cảnh quay phim ở đây. Sau khi bộ phim công chiếu và nhận được sự tán dương của công chúng, thì Phương Dương Áp Thôn trở nên nổi tiếng và nhiều người Trung Quốc đã đến đây tham quan, còn các bạn trẻ thì đến để check in!

Chúng tôi đi thăm Phương Dương Áp Thôn trong trời mưa, nên đã mất đi cơ hội được nhìn thấy “sự sống động” của thôn. Không có những người dân địa phương bày đặc sản bán ở bên đường trong thôn, không có những bộ trang phục của dân tộc Bạch do khách du lịch thuê chụp hình đi lại trong thôn, thậm trí mưa quá, đến chụp một bức ảnh cũng khó. Đường trong thôn dốc, nước mưa chảy thành dòng… nên chúng tôi chỉ tham quan chớp nhoáng.

Bên cạnh thôn cổ còn giữ lại như một bảo tàng, những khu vực xung quanh đã xây dựng mới, tuy nhiên vẫn giữ được nét kiến trúc đặc trưng của dân tộc Bạch, tường nhà sơn trắng và trang trí bằng những hoa văn hoặc bức tranh màu xám xanh.

Những ngôi nhà mới xây dựng ở xung quanh bên ngoài Phương Dương Áp Thôn cổ

Sau khi đi thăm Phương Dương Áp Thôn, chúng tôi tới hồ Nhĩ Hải, cũng vẫn trong trời mưa, nhưng mưa đã nhỏ hơn.

Một góc trên bờ hồ Nhĩ Hải

Hồ Nhĩ Hải còn được biết đến dưới tên gọi Diệp Du Trạch, Côn Di Xuyên, Tây Nhị Hà trong thời kỳ cổ đại, là một trong số 16 hồ thuộc khu bảo hộ tự nhiên cấp quốc gia của Trung Quốc. Hồ Nhĩ Hải nằm trên độ cao 1.972 m trên mực nước biển, chiều dài theo hướng bắc-nam dài 40 km và chiều rộng theo hướng đông-tây trung bình khoảng 7–8 km, với diện tích khoảng 250 km² có hình như cái tai (nên gọi là Nhĩ hải), là hồ lớn thứ hai trên cao nguyên tại Trung Quốc. Vì hồ rất lớn, nên chúng tôi chỉ đi thăm một góc nhỏ ở phía tây của hồ, nơi giáp thành Đại Lý.

Một con đường đi xuyên qua những hàng cây lá kim màu xanh non (tôi không biết tên loài cây này), dọc theo bờ hồ. Nếu trời không mưa thì có lẽ nhiều khách du lịch sẽ mất cả ngày để “lăn lộn” chụp hình trên con đường này.

Con đường xuyên qua hàng cây xanh mướt

Trong khu vực này cũng có khu nghỉ dưỡng, được xây dựng theo kiến trúc dân tộc Bạch. Nếu thời tiết đẹp, chúng tôi sẽ tham gia một chuyến xe mui trần chạy theo bờ hồ, dạo chơi ngắm hoa, đi xe đạp hay thư dãn, nhưng lần này thì không có nhiều hứng thú.

Một khu nghỉ dưỡng bên bờ hồ Nhĩ Hải

Buổi chiều, chúng tôi dành thời gian cho thành cổ Đại Lý.

Cổng thành cổ luôn đông khách du lịch

Đại Lý là thủ phủ của Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, có diện tích khoảng 1.468 km², với hơn 500.000 dân – là thành phố có lịch sử lâu đời, từng là trung tâm chính trị – văn hóa lịch sử của Trung Quốc cổ đại và của Vương quốc Nam Chiếu, Vương quốc Đại Lý hơn 500 năm.

Một bức tường thành cổ còn sót lại

Thành Đại Lý tựa lưng vào Thương Sơn, hướng ra phía hồ Nhĩ Hải, là kinh đô của dòng họ Đoàn được xây dựng từ năm 937 cho đến năm 1253, với vị vua sáng lập là Đoàn Tư Bình. Vào năm 1253, vương quốc này bị đế quốc Mông Cổ xâm chiếm sau đó trở thành một thị trấn của Vân Nam.

Cổng vào một khu như dinh thự của một dòng họ giàu có trước đây
Sân lát gạch hình đồng tiền, giếng nước có 4 con linh thú chầu

Thành cổ Đại Lý được xây dựng năm 1382 với tường thành cao 7,6 m, rộng 6 m, chu vi 12 dặm. Trong triều đại nhà Minh, nhà Thanh nơi này là đế đô phủ Vân Nam.

Một chỗ thờ phụng bên cạnh cổng thành cổ

Đại Lý là một vùng đất theo Phật giáo Mật tông. Từ vua đến dân đều xuất gia. Trong hai mươi hai đời vua dòng họ Đoàn thì có đến mười vị vua bỏ ngôi đi tu như Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Hưng…Cũng như hầu hết các thành cổ, thành Đại Lý cũng có hình vuông, các trục đường chính vuông góc với bốn cổng thành và từ đó tỏa ra các ngõ nhỏ vuông vức. Kiến trúc nhà ống với những chiếc cổng và những con đường được lát hoàn toàn bằng đá hoa cương xanh là đặc điểm khác biệt của cổ thành này.

Dòng suối chảy dọc theo con đường trong thành cổ

Bên trong thành Đại Lý có những con suối nhỏ nước rất trong, bắt nguồn từ dãy Thương Sơn chảy giữa những con đường, tạo nên hình ảnh rất đặc biệt của Đại Lý. Những con phố này được gọi là Phố Suối Reo.

Mặc dù trời mưa, nhưng những con đường, phố nhỏ của thành cổ Đại Lý vẫn không mất đi vẻ đẹp của nó. Chúng tôi không có nhiều thời gian để đi hết toàn bộ khu vực thành cổ, phải xem bản đồ và chú ý các ngả rẽ, vì sợ đi vào rồi mải mê chụp ảnh sẽ bị lạc.

Một điểm rất đặc biệt ở trong phố cổ là nhà vệ sinh vô cùng văn minh và hiện đại. Cánh cửa nhà vệ sinh được mở ra và đóng vào khi người dùng áp tay vào hình vẽ trên cửa. Nước sả cũng tự động. Nhiều du khách Việt Nam không biết ngoại ngữ, sợ vào rồi không ra được, không dám đóng cửa khi vào nhà vệ sinh (hoặc không biết đóng!).

Nhà vệ sinh hiện đại trong thành cổ Đại Lý

Toàn bộ các ngôi nhà trên mặt phố của thành cổ Đại Lý đã trở thành cửa hàng bán các loại đồ lưu niệm, đặc sản địa phương, cửa hàng cho thuê trang phục dân tộc Bạch và  nhà hàng ăn, cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đồ uống.

Cửa hàng bán các loại trà
Cửa hàng bán các loại bánh kẹo từ sữa bò Tạng

Trong thành cổ cũng có nhiều khách sạn dành cho du khách nghỉ lại đêm tại cổ thành. Chúng tôi rời thành cổ Đại Lý khi trời bắt đầu tối. Chỉ kịp ngắm nhìn cổ thành bắt đầu lên đèn, còn không đủ thời gian để thưởng thức không khí cổ thành vào ban đêm.

Thành cổ Đại Lý về đêm

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *