Những điều về Thánh địa Cao Đài Tây Ninh có thể bạn chưa biết

Tây Ninh có hai địa điểm nổi tiếng là Thánh địa Cao đài và Núi Bà Đen ai đã đến Tây Ninh nhất định sẽ đến thăm hai nơi này, và tôi cũng vậy, không chỉ đến Thánh địa một lần. Nhưng những lần trước tôi đến Thánh địa Cao Đài chỉ đơn giản vì đây là một tôn giáo khác lạ và tòa Thánh địa có kiến trúc đặc biệt, khác với những tôn giáo khác.

IMG_7869

Lần này tôi có nhiều thời gian hơn nên la cà khá lâu ở khu vực Thánh địa và may mắn gặp được một người rất cởi mở, đã giải thích cho tôi cặn kẽ về ý nghĩa của từng chi tiết kiến trúc, họa tiết, tranh, tượng, trang trí của tòa Thánh địa này, giúp tôi có được sự hiểu biết nhiều hơn về một tôn giáo lạ, mà ngay cả với các chùa đạo Phật phía Bắc, mặc dù tôi đã đi thăm và cũng nghe khá nhiều, nhưng chưa có chùa nào tôi lại được biết tường tận như đối với Thánh địa này.

IMG_7857

Toàn bộ tòa Thánh điện có hình “Long Mã bái sư” – Con rồng chầu sư, khối nhà mặt tiền của Thánh địa là đầu Rồng, nhìn thẳng về phía Tây, hai tòa tháp chuông và tháp trống vươn lên như hai sừng nhọn, tầng hai ở giữa hai tháp là miệng Rồng há ra, 2 cửa được coi như hai con mắt, ở giữa là Thiên Nhãn, trên cao có tượng Đức Di Lặc ngồi trên lưng cọp và tòa sen.

Đuôi Rồng là tòa nhà gian điện nơi có Bát Quái Đài hướng về phía Đông. Thân Rồng là phần ở giữa tòa nhà gian điện – Cửu Trùng Đài – chia thành 9 gian cao dần từ phía trước ra sau, nối liền Hiệp Thiên Đài (phần đầu gian điện) với Bát Quái Đài (phần cuối gian điện).

IMG_7860

Tầng hai của tháp chuông có đắp tượng Đức Quyền Giáo Tông mặc Đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay mặt cầm quyền Thiên Thơ. Tầng hai của tháp trống đắp tượng Bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh mặc đạo phục đứng trên quả địa cầu, tay phải cầm nhánh bông, tay trái xách giỏ hoa.

Trên đỉnh tháp chuông, dưới ngọn thu lôi có tạc tượng cái hồ lô, đó là bửu pháp của Đại Tiên Lý Thiết Quả. Trên đỉnh tháp trống có tạc hình giỏ hoa lam là bửu pháp của Long Nữ, thị giả của Đức Quan Thế Âm.

IMG_7865

Ở cửa chính, phía trước có đúc 4 cột trụ, mỗi bên có hai cột song song, một đắp hình Rồng đỏ, một đắp hình hoa sen tượng trưng cho hai vị chức sắc lớn có công khai mở Đạo và xây dựng Đền Thánh.

Phía bên trên cột là hình ảnh của Đại hội Long Hoa, do Đức Di Lặc làm chưởng quản – là một cuộc tuyển chọn từ việc học hỏi và tiến hóa của nhân loại, nơi mà những người được lựa chọn có công đức cao sẽ được nhận phẩm vị là Thần, Thánh, Tiên, Phật. Những người có công đức chưa đủ sẽ tiếp tục luân hồi trở lại là con dân của Thượng Nguồn Thánh Đức. Còn những người không đủ phẩm hạnh phải qua kiếp cầm thú để tiến hóa lên làm người mới, có thể kéo dài cả triệu năm. Trước ngày khai Đại hội Long Hoa sẽ có cuộc phán xét cuối cùng. Sau cuộc biến động dữ dội đó, Địa cầu trở lại bình yên.

IMG_4042

Lá cờ treo phía trước có 3 màu, trên phần màu vàng thêu chữ “Đại đạo tam kỳ phổ độ”, phần màu xanh thêu hình Thiên Nhãn và bên dưới là Cổ Pháp Tam Giáo – gồm cuốn sách Xuân Thu, cây Phất Chủ và bình Bát Vu.

Để vào Đền Thánh, phải bước qua năm bậc thềm, tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và năm bước tiến hóa của nhân loại: Người, Thần, Thánh, Tiên, Phật.

IMG_7858

Bước vào trong gian điện tôi nhìn thấy bức tượng Tam Thánh, đó là ba vị Thánh ở Bạch Vân Động nơi cõi Thiêng liêng. Người bên tay phải là cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm tức Trạng Trình, tay cầm bút lông viết tám chữ Nho: “Thiên thượng, Thiên hạ – Bái ái, Công bình”, bên tay trái đứng bên trong là         Đại văn hào Victor Hugo, đang cầm bút lông ngỗng viết các chữ Pháp và bên ngoài là cụ Tôn Trung Sơn, đã ghi phía trên: “Bác Ái, Công bình”.

untitled

Ở giữa gian điện là chính điện, là nơi các tín đồ cầu nguyện, bên phải dành cho nam quỳ hành lễ, bên trái dành cho nữ.

IMG_7851

Phía sau lưng người lễ, đối diện với các Đài có bức tượng Tam Thánh, đó là Tượng Đức Hộ Pháp ở giữa, tượng của Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư bên tay phải Đức Hộ Pháp và tượng Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang bên trái. Đức Hộ Pháp đạp lên hai đầu rắn có chữ Nộ – hờn giận, Ai -buồn và hai tay kềm hai đầu rắn có chữ Ố – oán ghét, Dục – ham muốn,  tượng trưng cho 4 tính xấu cần chế ngự, và 3 đầu hướng lên tức 3 tính tốt cần nuôi dưỡng là: Hỉ – vui mừng, Ái – thương xót, Lạc – vui vẻ.

IMG_7834

Bên trong gian điện có 28 cột rồng tượng trưng cho Nhị Thập Bát Tú giáng trần giáo đạo đứng chầu Thượng Đế. Các cột rồng sơn màu xanh, đỏ, trắng là để tượng trưng cho ba kỳ phổ độ.

IMG_7846

Cửu Trùng Đài là phần giữa của gian điện có chín bậc, mỗi bậc ngăn cách nhau bằng hai cột rồng xanh, 9 bậc tương ứng với hệ thống 9 bậc giáo phẩm của đạo Cao Đài.

IMG_4043

Trên vòm trần nhà tượng trưng bầu trời có màu xanh biếc với những đám mây trắng, cùng hàng trăm vì tinh tú, ở giữa có chạm hình 6 con rồng. Đức Chí Tôn thường ngự trên sáu con rồng, theo thời vận tuần du khắp vũ trụ.

Hai gian bên có trần nhà phẳng, khắc hình Lân, Quy, Phụng. Các con thú này hợp với Rồng ở hàng cột được gọi là Tứ Linh.

IMG_7833

Hai bên vách Đền Thánh tạc hình hoa sen, gương sen và ngó sen trong khung hình chữ nhật đứng, ở giữa có khung tam giác tạc Thiên Nhãn phản chiếu các tia rẽ quạt – tượng trưng cho Thái cực. Hình tam giác tượng trưng cho Tam giáo đồng nguyên. Bụi sen trên, bụi sen dưới tượng trưng Âm Dương tức Lưỡng Nghi, 4 trái sen hai bên tượng trưng Tứ Tượng, 8 lá sen tượng trưng Bát Quái, 12 ngó sen tượng trưng Thập nhị Khai Thiên.

Cây Sen tượng trưng cho đời sống con người và cũng tượng trưng cho đời sống của Đại vũ trụ.

IMG_4063

Phần tiếp giáp với Bát Quái Đài có đặt bảy cái ngai sơn son thếp vàng chạm trổ tinh vi, được đặt theo thứ tự: Một ngai Giáo Tông chạm rồng, ba ngai Chưởng Pháp chạm phượng, ba ngai Đầu Sư chạm lân.

Bảy chiếc ngai bị bức bình phong trạm rồng mạ vàng chặn trước Bát Quái Đàn. Hai bên ngai thiết trí hai hàng bộ bửu pháp của Bát Tiên.

IMG_4054

Phần cuối của gian điện là Bát Quái Đài – ứng với đuôi rồng.

Bát quái là tám quẻ đơn tượng trưng cho muôn vật, là hệ thống ký hiệu đơn giản cho mọi hiện tượng trong vũ trụ, thiên nhiên và đời sống con người, mà sáu mươi bốn (8×8) quẻ kép là sự triển khai bát quái lập thành hệ thống chi tiết hơn.

Lập Bát Quái Đài để thờ Thượng Đế là thờ Đấng Tạo hoá đã tạo lập ra càn khôn vũ trụ.

IMG_7838

Bậc tiếp giáp với Cửu Trùng Đài được gọi là Cung Đạo. Trên nóc Cung Đạo đúc vòm Trời và một hình bầu dục mây trắng chung quanh 12 tia hào quang dài xen kẻ với 24 tia hào quang ngắn. Bên trong có chạm hình Thiên Nhãn, một người nam tượng trưng cho nhân loại, Đại ngọc cơ, Tiểu ngọc cơ với bảng mẫu tự A,B,C…, một cái bàn ba chân dùng xây bàn, một ống xăm; tất cả là những phương tiện thông công giữa người và cõi vô hình. Trong kỳ lập Đạo lần này, Đức Thượng Đế đã dùng Cơ bút để dạy Đạo ở buổi đầu.

IMG_4051

Một tấm rèm thêu phía trên, có hìn ảnh của tất cả các vị Phật, Chúa, thánh, thần đại diện cho các tôn giáo. Việc xếp vị trí không có nghĩa là phân cao thấp.

Hàng trên là ba vị Giáo chủ: Lão Tử, Phật Thích Ca và Khổng Tử. Hàng giữa là ba vị Tam Trấn: Bồ tát Quan Thế Âm, Lý Bạch (Tiên đạo), Quan Thánh – tượng trưng cho ba tính từ bi, trí tuệ và dũng khí của Tam Giáo. Dưới Lý Bạch là Chúa Jésus Christ và Khương Thượng (Thần đạo).

IMG_4050

Phần sau của Bát Quái Đài là nơi đặt quả Càn Khôn. Phần này nằm về hướng Đông của Tòa thánh. Càn Khôn là hai quẻ trong Kinh Dịch, tượng trưng cho Trời và Đất. Quả Càn Khôn tượng trưng vũ trụ của Đấng Ngọc Hoàng. Quả Càn Khôn có bề kính tâm 3.3m, màu xanh da trời, cẩn 3072 ngôi sao (tinh tú) tượng trưng cho Tam Thiên thế giới và Thất Thập Nhị Địa, trong đó trái đất của chúng ta là địa cầu thứ 68. Trên chòm sao Bắc Đẩu vẽ Thiên Nhãn. Ngọn đèn đặt tại tâm quả địa cầu tượng trưng ngôi Thái Cực của Đức Chí Tôn.

Trước quả Càn Khôn  là bàn thờ. Trên Thiên bàn có đủ 12 phẩm vật: Thiên Nhãn; 1 Thái Cực Đăng – ngọn đèn luôn luôn cháy tượng trưng cho linh hồn vũ trụ, hai cây đèn ở hai bên tượng trưng cho lưỡng nghi – âm, dương, 1 bình hoa và 1 đĩa trái cây – tượng trưng cho TINH, 3 ly rượu – tượng trưng cho KHÍ, 1 tách trà – tượng trưng cho THẦN và 1 tách nước lạnh – nước Âm Dương, 1 lư hương. Khi cúng sẽ đốt 5 cây nhang tượng trưng cho sự vận chuyển của ngũ hành để cho vũ trụ điều hòa, vạn vật sinh trưởng. Trong phép tu luyện, người tu phải qua 5 giai đoạn tu tập: Giới, Định, Huệ, Tri kiến và Giải thoát.

Trời có ba báu vật là Nhật, Nguyệt, Tinh; Đất có ba báu vật là Thủy, Hỏa, Phong thì người có Tinh, Khí, Thần.

DSC00464

Mỗi ngày lễ cúng được tổ chức ở bốn thời điểm vào giờ Tý, Ngọ, Mão, Dậu và các tín đồ sẽ mặc áo dài toàn trắng, còn các chức sắc có đạo phục theo quy định trong Pháp Chánh Truyền. Lễ dâng rượu phải đúng giờ Ngọ  và giờ Tý vì vào thời đó, nguồn khí của Trời Đất hưng vượng. Cúng vào giờ này, trí não ta được sáng suốt.

Lễ dâng trà phải vào thời Mão và giờ Dậu vì đó là thời điểm nguồn thần của Trời Đất hưng vượng. Cúng vào giờ này, thần người cúng dễ an tịnh.

P1020421

Thờ Thiên Nhãn là thờ cái Tâm của con người. Tâm đây là lương tâm, chân tâm, thiên tâm có sẵn trong chúng ta và giúp ta phân biệt phải trái, biết nhân nghĩa đạo đức. Tâm Thánh nhân giữ không để vật dục chi phối. Tâm được trau giồi trong sáng sẽ có trực giác, giao tiếp được với cõi Thiêng Liêng vì Trời, Người đồng một Lý.

Thờ Thiên Nhãn còn có ý nghĩa thờ khối Đại Linh Quang mà con người là một Tiểu Linh quang. Chân linh hay thường được gọi là Linh hồn chính là khối ánh sáng bé nhỏ được chiết ra từ khối ánh sáng vĩ đại của Thượng Đế.

IMG_7835

Bên ngoài gian điện có 6 cửa ra vào. Các bậc thang lên điện hai bên có tượng Kim Mao Hẩu. Nóc của gian Cửu Trùng Đài lợp ngói đỏ, có Nghênh Phong Đài. Trên quả địa cầu có tượng Long Mã mang Hà Đồ chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng Đông.

Dưới mái hiên Đài trang trí các dây trái nho, trên dây nho có vẽ đôi chim hạc bay trên biển vào lúc rạng Đông. Đức Jesus đã giảng: “ Ta là cây nho, các con là cành.”và ngài ban phát sự sống cho các cành là chúng ta.

untitled

Nóc nhà phía trên Bát Quái Đài cao 30m, lợp ngói màu vàng, trên đỉnh đúc tượng Tam Thế Phật: Phật Brahma mặt nhìn về hướng Tây, đứng trên lưng con Thiên Nga, tay mặt bắt ấn, tay trái cầm bửu châu; Phật Chrisna, một hóa thân của Phật Vishnu mặt nhìn về hướng Nam, đứng trên con Giao Long, một tay chống nạnh và một tay chống bửu kiếm, Phật  Silva mặt nhìn về hướng Bắc, đứng trên Thất đầu xà và đang thổi sáo.

Tam Thế Phật tượng trưng ba ngôi của Thượng Đế: sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt. Đó là sự tuần hoàn của vũ trụ theo lẽ biến dịch. Theo Đạo Cao Đài, nhân loại  đang ở vào Hạ nguồn tam chuyển, thời mạt pháp. Đạo Cao Đài được sáng lập nhằm mục đích giác ngộ loài người hướng thiện, mở một kỷ nguyên hòa đồng, hiệp đồng và đại đồng. Thánh giáo gọi đó là trở về đời Thượng nguồn Thánh Đức.

IMG_7853

Những tín đồ đạo Cao Đài thực hành giáo điều sống thiện, ăn chay, giúp đỡ mọi người để có thể thoát khỏi kiếp luân hồi sinh tử. Hiện nay, Thánh địa cung cấp cả bữa trưa chay miễn phí cho các tín đồ và cả khách thập phương, khi đến thăm Thánh địa vào giờ ăn trưa.

Thánh địa Tây Ninh nằm trong khu vực giáo hội khá rộng khoảng 1 km vuông, có tường bao quanh dài 4km và 12 cổng tam quan ra vào để phân định ranh giới. Phía trước Thánh địa là một quảng trường lớn và đường đi xung quanh khá rộng rãi. 

untitled

Phía trên cổng chính có Lưỡng Long tranh Cổ Pháp, cổng này luôn đóng, chỉ mở khi có nguyên thủ quốc gia đến.

IMG_4041

Tòa Thánh địa hiện nay có một lịch sử rất khó khăn. Đạo Cao Đài chính thức làm lễ Khai Đạo vào năm 1926 khi chưa có trụ sở nên phải làm nhờ tại chùa Gò Kén ở Tây Ninh. Nhưng vì lễ khai đạo kéo dài tới 3 tháng đã gây ra nhiều phiền phức cho chùa, vì sự ra nhập của các tín đồ mới, do vậy vị Hòa thượng trụ trì chùa Gò kén đã không cho đạo Cao Đài tiếp tục hoạt động ở chùa nữa.

Các tín đồ đạo Cao Đài phải quyên góp để tìm mua một mảnh đất xây dựng Tòa Thánh và họ đã chọn mua một mảnh đất vào đầu năm 1927, rồi tiếp tục khai hoang để mở rộng đất xây dựng Thánh địa Cao Đài. Khi đó để tránh rắc rối với chính quyền thực dân Pháp, các tín đồ lấy danh nghĩa khai hoang để lấy đất trồng cây cao su, nên một số cây cao su vẫn còn đến nay trong khuôn viên Tòa Thánh.

Việc xây dựng Tòa Thánh đã trải qua rất nhiều khó khăn, kéo dài từ năm này qua năm khác dưới sự chỉ đạo của các vị lãnh đạo khác nhau, nhưng vì thiếu kinh phí và những bất đồng trong nội bộ, nên đến tận năm 1940 tòa Thánh địa này mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, thực dân Pháp lo sợ trước ảnh hưởng của Tòa thánh nên đã cho bắt giam Khai pháp và Hộ pháp cùng một số người đứng đầu Đạo và cho lính Pháp đến ở trong tòa thánh.

Sau đó người Nhật đã đề nghị hợp tác bằng cách can thiệp để thả lãnh tụ của Đạo Cao Đài ra nhưng họ phải hợp tác với Nhật lật đổ Pháp. Tuy nhiên, việc hoàn thành Tòa Thánh vẫn gặp khó khăn vì chiến tranh, thậm trí có lúc Tòa Thánh này phải treo cờ Trung Quốc để Pháp không phá. Năm 1947 tòa Thánh được xây xong, nhưng do chiến tranh nên đến 1955 mới làm lễ khánh thành.

Ảnh chụp phía sau quả cầu Càn Khôn.

IMG_7845

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *