Thánh đường Thánh Vitus trong Lâu đài Praha

Lâu đài Praha là một trong những điểm mà tất cả khách du lịch đều đến thăm, kể cả người có ít thời gian nhất và có lẽ nhà thờ Thánh Vitus là công trình ấn tượng nhất trong quần thể phức hợp và phức tạp của Lâu đài. Từ bên kia sông, đứng ở rìa khu Phố Cổ, mọi người đã có thể nhìn thấy những mái nhọn đặc biệt của nhà thờ, mà chính xác là Thánh đường.

Tôi đã đến thăm lâu đài Praha ba lần, nhưng thật sự vẫn chưa hình dung được hết công trình đồ sộ và phức tạp này, bởi nó được xây dựng và mở rộng qua nhiều thời kỳ. Vì vậy tôi sẽ bắt đầu từ điểm nổi bật nhất, đó là nhà thờ Thánh Vitus.

Phải thú thật là tôi thấy nhà thờ có kiến trúc rất phức tạp, với nhiều tháp lớn nhỏ, chưa kể cấu trúc bên trong và tầng ngầm. Nhà thờ rất lớn, nên khó có thể chụp được một bức ảnh đẹp và hoàn chỉnh, nên tôi cứ chạy vòng quanh và tôi nghĩ mình vẫn chưa nhìn thấy hết được bên ngoài nhà thờ, chứ đừng nói gì đến bên trong. Nhiều khu vực của nhà thờ không mở cửa cho công chúng (chẳng hạn như nơi cất giữ vương miện hay Thánh tích.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Thánh Vitus là ai và vì sao vị Thánh này lại được tôn kính đặc biệt ở đây tại Praha và cả nhiều nơi khác nữa. Thánh Vitus là người Sicily- Ý (thế kỷ IV), theo truyền thuyết thì từ nhỏ ông đã phản kháng lại cha vì cấm ông không được theo Kito giáo. Ông đã cùng gia sư chạy trốn để theo đuổi tôn giáo của mình và đã bị Hoàng đế La Mã bắt giam, tra tấn. Ông cùng với gia sư đã chịu nhiều cực hình cho đến khi chết. Những truyền thuyết về phép màu sau khi tử vì đạo của ông đã lan truyền ở miền nam nước Ý và thế kỷ VII Giáo hoàng Gelasius I đã xây dựng nhà thờ dành riêng cho Thánh Vitus ở Rome. Thánh tích của Vitus được chuyển đến Đức năm 836, do vậy sự tôn sùng Thánh Vitus cũng lan truyền sang Đức và đông Âu.

Đặc biệt từ khi vua Henry I của Đức đã tặng xương bàn tay của Thánh Vitus cho Wenceslaus – Công tước xứ Bohemia vào năm 925, Thánh tích này trở thành báu vật thiêng liêng trong nhà thờ Thánh Vitus ở Lâu đài Praha và Thánh Vitus đã trở thành vị Thánh được tôn sùng ở xứ Bohemia. Cũng có người cho rằng, vua Wenceslaus muốn chuyển thần dân của mình sang Kitô giáo được dễ dàng hơn, nên ông đã chọn một vị Thánh có tên (Svatý Vít trong tiếng Séc) nghe rất giống với tên của vị thần mặt trời Slavic Socateevit của người Bohemia. Chính vì vậy, sau khi nhận được Thánh tích, vua Wenceslaus I đã cho xây dựng nhà thờ tròn La mã dành riêng cho Thánh Vitus năm 930. Năm 1060, khi hoàng gia Praha được thành lập, Hoàng tử Spytihnev II bắt tay vào việc xây dựng một nhà thờ rộng rãi hơn, với một nhà nguyện ba tầng, hai dàn hợp xướng và một cặp tháp nối với cổng phía tây. Một khoảng trống ở phía nam của nhà vòm được kết hợp với cánh cổng phía đông của nhà thờ mới, nơi có ngôi mộ của Thánh Wenceslaus, vị Thánh bảo trợ của hoàng tử Czech.

Nhưng nhà thờ ngày nay chúng ta nhìn thấy đã được xây dựng trong một thời gian rất dài…gần 600 năm, từ năm 1344, khi vua John xứ Bohemia đặt viên đá nền tảng cho nhà thờ mới, sau đó vua Charles IV đã tài trợ rất nhiều cho nhà thờ, với mong muốn nhà thờ mới sẽ là nhà thờ đăng quang, hầm mộ Hoàng gia, cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của vị thánh bảo trợ Wenceslaus.

Vì sau mà việc xây dựng nhà thờ lại kéo dài đến 600 năm? Có rất nhiều lý do. Kiến trúc sư Matthias đã thiết kế bố cục tổng thể của nhà thờ với sự ảnh hưởng của kiến ​​trúc Gotich Pháp, nhưng sau khi ông mất (năm 1352), nhà điêu khắc và trạm gỗ trẻ Peter Parler (23 tuổi) đã tiếp tục công trình. Parler chỉ tiếp tục xây dựng nhà thờ ở phía bắc với dàn hợp xướng và nhà nguyện ở phía nam, sau khi hoàn tất phần công việc bị bỏ dở, anh xây dựng theo ý tưởng của riêng mình, với mái vòm và các cột đỡ độc đáo, và những bức tượng trên các cột, cũng như trang trí khác nhau của từng ô cửa sổ…Nhưng vì Peter Parler bị giao làm nhiều việc một lúc (như cầu Charles mới và nhiều nhà thờ khác trên khắc vương quốc) nên công việc xây dựng tiến hành chậm. Đến năm 1397, khi Peter Parler qua đời, chỉ có dàn hợp xướng và các phần của gian nhà chính được hoàn thành. Nơi đặc biệt nhất trong nhà thờ là nhà nguyện Thánh Wenceslas, nơi lưu giữ các Thánh tích của vị thánh. Peter Parler đã xây dựng nhà nguyện này từ năm 1344 đến năm 1364 với một cái hầm. Nhà nguyện không mở cửa cho công chúng, nhưng nghe nói trong nhà nguyện có bức tranh mô tả Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và bức tranh mô tả cuộc đời của Thánh Wenceslas.

Sau khi Parler mất, các con trai của ông, Wenzel Parler và đặc biệt là Julian Parler, tiếp tục công việc và nhà thờ đã hoàn thành. Đầu hồi cũng nối liền tòa tháp với cửa sổ phía nam. Đặc biệt là “Cổng vàng” bên trên trang trí bằng bức tranh khảm vàng “Phán xét cuối cùng” là nơi các vị vua đã vào nhà thờ để làm lễ đăng quang.

Trong cuộc chiến tranh Hussite nửa đầu thế kỷ XV, nhiều bức tượng và tranh quý của nhà thờ đã bị cướp phá và trận hỏa hoạn năm 1541 đã làm nhà thờ hư hỏng nặng.

Trong nhiều thế kỷ, nhà thờ bị đóng cửa vì xây dựng và sửa chữa dở dang. Từ năm 1861-1873 nhà thờ được sửa chữa và xây dựng thêm và tới tận 1929, nhà thờ Thánh Vitus mới được hoàn thành, gần 600 năm sau khi nó được bắt đầu xây dựng.

Hãy thử hình dung một nhà thờ có những số đo như thế này, mà chỉ được đỡ bằng những cột đá lớn và mái vòm: chiều dài 124 mét và rộng 60 mét, tháp chính cao 102,8 mét, tháp trước 82 mét, chiều cao vòm 33,2 mét. Khi bức vào bên trong gian điện, chiều cao của vòm nhà và những cây cột khiến cho mọi người đều cảm thấy nhỏ bé.

Những bức tranh Kinh thánh bằng kính trang trí các ô cửa sổ.

Trang trí mặt tiền của nhà thờ hướng ra quảng trường Lâu đài.

Bức tượng bên ngoài nhà thờ.

Mái vòm cửa ra vào ở “Cổng Vàng”

Tôi vẫn mong muốn có cơ hội quay lại thăm nhà thờ Thánh Vitus Lâu đài Praha, vì còn rất nhiều điều tôi chưa được biết về nhà thờ có lịch sử hơn mười thế kỷ này.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *