Quảng trường Cộng hòa ở Plzen, Cộng Hòa Séc

Chúng tôi đi chơi Plzen vào một ngày gần Noel. Plzen là một trong những thành phố lớn và rất cổ kính của Cộng hòa Séc, chỉ cách Praha gần 100km và chúng tôi đi xe buýt mất khoảng 1 giờ 20 phút. Plzen rất nổi tiếng thế giới với thương hiệu bia Pilsner, đã được sản xuất từ năm 1842.

Tôi đã được đi một vài thành phố của Séc và đặc điểm chung của nhuwgx nơi tôi được đến đều là rất cổ kính và rất đẹp. Đi trong một ngày, với phương tiện duy nhất là “đi bộ”, nên chúng tôi không tham quan được phạm vi rộng, chỉ loanh quanh những khu vực trung tâm thành phố, nhưng đối với chúng tôi, như vậy cũng rất thú vị rồi, bởi mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố đã đầy ắp những câu chuyện.

Tôi sẽ bắt đầu chuyến đi của mình từ quảng trường trung tâm, có tên là Cộng hòa – là một trong những quảng trường trung cổ lớn nhất ở vùng đất Séc. Thị trấn Plzen xuất hiện vào cuối thế kỷ XIII và quảng trường tồn tại kể từ đó. Các nhà khảo cổ đã xác định mặt đường bằng gỗ từ thế kỷ XIII và ba lớp mặt đường khác từ thế kỷ thứ XIV. Quảng trường đã được lát đá vào năm 1859, sau đó vào đầu thế kỷ XX người ta đã phủ nhựa đường lên trên và năm 2005-2007 trong cuộc tái thiết, một lần nữa quản trường lại được lát lại bằng đá.

Điều đặc biệt ở quảng trường này là giữa quảng trường có một nhà thờ lớn, đó là nhà thờ Thánh Bartholomew, nhà thờ được xây dựng khoảng năm 1295, nghĩa là cùng với sự ra đời của quảng trường. Thông thường, nhà thờ được xây dựng gần bức tường thành, nơi yên tĩnh, chứ không xây dựng giữa trung tâm ồn ào, náo nhiệt của một thị trấn như thế này. Khi chúng tôi đến thăm là ngày gần Giáng sinh, nên trên quảng trường, một bên của nhà thờ là khu chợ truyền thống, rất đông vui và cũng rất đặc biệt.

Trước khi vào nhà thờ, chúng tôi đi dạo xem các gian hàng, và điều khiến tôi ngạc nhiên là ở đây tôi nhìn thấy cả khung cửi dệt khăn len từ lông cừu. Ở Việt Nam, thỉnh thoảng đi qua các bản dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, tôi cũng thấy một số nơi còn duy trì việc dệt vải thổ cẩm, nhưng không phải là phổ biến. Vậy mà ở đây, giữa một thành phố phát triển và là trung tâm châu Âu, nghề dệt len cừu truyền thống vẫn được duy trì.

Một xưởng rèn truyền thống đang đỏ lửa. Người thợ rèn ở đây không làm ra kiếm, đao hay công cụ sản xuất như quốc xẻng, dao kéo…mà anh ấy làm đồ trang sức bằng bạc!

Những chiếc rổ, giỏ đựng hoa quả, đĩa đựng bánh mỳ…được đan từ vật liệu tự nhiên (tôi không biết là loài cây gì), rất đa dạng về mẫu mã và sản phẩm cũng được làm rất khéo léo. Lại một lần nữa tôi ngạc nhiên, ở nhà mình bây giờ mọi người thích dùng rổ rá bằng nhựa hoặc inox, rất ít người ở thành phố còn dùng đồ mây tre đan, nhưng ở đây người dân lại rất thích đồ vật làm từ cây cỏ thế này. Tôi đã nhìn thấy em dâu tôi dùng một chiếc giỏ kiểu này để đựng thức ăn và hoa quả mang đi chơi, rất bền, đã mấy năm rồi mà chưa hỏng.

Chúng tôi thử ăn món bánh cổ truyền được nhiều người địa phương mua. Cũng thấy hay hay, nhưng không nói là ngon… có thể vì khác khẩu vị. Có nhiều quầy bán bánh kẹo, xúc xích, pho mát… làm theo cách truyền thống, như một nghề gia truyền, rất thú vị.

Sau khi đi dạo một vòng quanh chợ, ngắm nhìn những sản vật khác lạ và thưởng thức một số món ăn địa phương, chúng tôi mới đến nhà thờ Thánh Bartholomew – một trong mười hai tông đồ của Chúa Jesu. Mặc dù là người Israel, Ông đã được gặp Chúa Giêsu và nhận được những phép thuật. Ông đã đi truyền đạo ở Ấn Độ, Armenia và do có tài ăn nói thuyết phục, đạo đức cao và làm nhiều phép lạ, Ông đã thuyết phục được nhiều người ngoại trở thành tín đồ Kito giáo. Ông đã trừ tà cho nhiều người, đặc biệt là công chúa của vua Polêmon và giúp cả gia đình nhà vua theo Kito giáo. Các quan chức triều đình không thích và âm mưu làm hại ông bằng những vu cáo với vua Attiges, để ra lệnh hành hạ ông và cho xử trảm vào năm 52.

Nhà thờ Thánh Bartholomew là một nhà thờ theo kiến trúc Gotich được xây dựng lần đầu dưới sự bảo trợ của vua Séc và giáo đoàn Công giáo, từ năm 1295. Cũng như số phận của tất cả các nhà thờ được xây dựng cùng thời, trải qua sự thăng trầm của tôn giáo, các cuộc chiên tranh và phụ thuộc vào cả tài chính, nhà thờ đã được mở rộng, rồi lại bị hỏa hoạn thiêu cháy, được xây dựng lại và mở rộng…Sau lần tái thiết cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, toàn bộ nhà thờ đã được bảo vệ đến ngày nay.

Nhà thờ có gian giữa chính và hai hành lang hai bên, mái chia làm bốn khoảng, một khoảng mái vòm của tháp phía trước.  Nhà thờ có chiều dài 58 m, bề ngang 30 m và cao 25 ​​m. Tháp nhà thờ cao 103 m và là tháp nhà thờ cao nhất ở Cộng hòa Séc. Nhà thờ được xây dựng bằng những khối sa thạch đẽo. Cổng chính được đặt các bức tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và Thánh sử Gioan, với Chúa Kitô trên thập tự giá.

Bên trong gian điện hơi lạnh lẽo, vì không tổ chức lễ, nên không thắp đèn, chỉ có ánh sánh ban ngày lọt qua các ô cửa kính dài, màu xám của những cây cột khổng lồ và những bức tường đá khiến cho chúng tôi có cảm giác hơi sờ sợ khi bước vào.

Nhà thờ Thánh Bartholomew có một lịch sử khá dày và những câu chuyện dài. Bên dưới nhà thờ có hầm mộ, lưu giữ nhiều báu vật và cả Thánh tích, nhưng chúng tôi không có thời gian tìm hiểu kỹ hơn.

Trên quảng trường có tượng đài Đức Mẹ Maria, được xây dựng để tôn kính Đức Mẹ Maria đã bảo trợ cho người dân thoát khỏi dịch hạch, từ năm 1681, do nhà điêu khắc Plzeň Kristian Widman.

Xung quanh quảng trường là những tòa nhà chủ yếu mang phong cách kiến ​​trúc Gothic và Phục hưng.

Đây là tòa thị chính đã giữ vai trò “tòa thị chính” từ năm 1496.

Những chiếc xe ngựa kéo, đưa du khách đi tham quan trung tâm Plzen cũng khác với những xe ngựa thanh lịch, mảnh mai ở Praha hay Karoly Vary, có vẻ hơi “nông dân” một chút.

Chỉ đi vòng quanh quảng trường này, ngắm nhìn những tòa nhà ở đây cũng đã mất gần hết buổi sáng. Chúng tôi mua đồ ăn tại một quầy bán hàng trong chợ cho bữa trưa, để còn có sức đi tiếp vào buổi chiều khám phá Plzen xinh đẹp.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *