Khu Phố Mới Praha (New Town of Prague)

Khu Phố Mới – New Town
Nói đến Khu Phố Mới mọi người thường hình dung ra những tòa nhà chọc trời, hiện đại. Nhưng ở Praha, khu Phố Mới mặc dù “mới” hơn khu Phố Cổ khoảng 4 thế kỷ, nhưng nó cũng đã có tuổi đời gần 800 năm rồi đấy. Khu Phố Mới Praha được vua Charles IV thành lập năm 1348 ngay bên ngoài các bức tường của Khu Phố Cổ về phía đông và nam trên diện tích 7,5 km² – nghĩa là gấp khoảng ba lần kích thước của Phố Cổ. Ảnh này chúng tôi chụp khi đứng chờ tàu điện ở quảng trường Charles của khu Phố Mới, phía sau là nhà thờ Ignatius.
10
Tuy nhiên chỉ có một số nhà thờ và tòa nhà hành chính được xây dựng từ TK XIV còn giữ được ở Khu Phố Mới, rất nhiều tòa nhà đã được xây dựng lại. Trung tâm của Phố Mới Praha là Quảng trường Wenceslas, nơi đã từng là Chợ Ngựa, khi người ta tổ chức định kỳ các phiên chợ ngựa ở thời Trung Cổ. Quảng trường Wenceslas, Praha  giống như một đại lộ lớn, nhưng bị giới hạn trong hình chữ nhật dài 750 m, với diện tích khoảng 4,5ha, dốc về phía đông nam, đầu dốc là Bảo tàng Quốc gia Séc cổ kính, còn phía đối diện là khu Phố cổ Praha.
105
Vua Charles IV quyết định xây dựng khu Phố Mới khi ông trở thành Hoàng đế La Mã và đã xác định được chỗ đứng cho triều đình, tách ra khỏi quyền lực của giáo hội. Việc mở rộng Praha là điều rất cần thiết vì diện tích của Khu Phố Cổ quá nhỏ và sự phát triển thương mại và tài chính tại Praha tăng nhanh cùng với dân số ngày càng lớn. Ý định của vua Charles không phải là mở rộng khu Phố Cổ Praha mà thành lập một khu Phố Mới độc lập về pháp lý và trở thành “thành phố của hoàng gia” (vì từ thời Trung cổ quyền lực của Giáo hội lớn hơn cả Hoàng gia). Quảng trường Wenceslas là trung tâm của khu Phố Mới Praha, với những tòa nhà nằm dọc “chiền dốc”, ở giữa là những vườn hoa và lối đi bộ, hai bên là đường dành cho xe cơ giới. Một đám cưới của người Việt đang chụp ảnh trên Quảng trường trong một ngày nắng đẹp đầu đông.
106
Phía trước Bảo tàng Quốc gia Praha, nhìn xuống quảng trường là bức tượng St. Wenceslas và các vị thánh được Josef Václav Myslbek thiết kế năm 1887-1924, trong đó có thánh Ludmila, St. Agnes of Bohemia, St. Prokop và St. Adalbert. Người dân địa phương thường gọi quảng trường này là Quảng trường con Ngựa Praha.
124
Đầu tiên vua Charles IV cho xây dựng ngay bức tường thành để bảo vệ khu Phố Mới Praha, bắt đầu từ Lâu đài Vysedrad – tòa lâu đài đã được xây dựng từ TK X trên một ngọn đồi có vách dốc đứng xuống sông Vltava. Bức tường thành xung quanh Lâu đài giờ vẫn còn. Lâu đài này được coi như Lâu đài hoàng gia thứ hai. Các vị Vua di chuyển chỗ ở giữa hai tòa lâu đài (Lâu đài Praha ở  khu Phố Nhỏ và Vysehrad) trong khoảng 2 thế kỷ X-XI, sau đó Vysehrad bị bỏ hoang cho đến khi vua Charles xây dựng tường thành từ Lâu đài và cho sửa sang lại hai cổng thành Tabor và Leopold và nhà thờ St. Phêro bên trong lâu đài.
120
Lâu đài Vysehrad, Praha đã trải qua nhiều thăng trầm, bị bỏ hoang, bị tàn phá trong chiến tranh, được khôi phục và cũng đã từng là trung tâm đào tạo cho Quân đội Áo năm 1654. Tòa nhà mái vòm Martin là di tích cổ nhất còn giữ lại trong Lâu đài Vltava từ TK XI.
108
Nhà thờ St. Peter và St.Paul được xây dựng trong Lâu đài Vysehrad trên nền nhà thờ La Mã năm 1887 theo phong cách Tân Gothic. Cổng vào nhà thờ được trang trí họa tiết tinh xảo và có hai tháp đôi cao 58 mét.
109

Phía sau nhà thờ là nghĩa trang Vysehrad được xây dựng năm 1869, nơi chôn cất rất nhiều người nổi tiếng của Praha, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ…Rất nhiều ngôi mộ có tượng hoặc tranh đá điêu khắc về người đã khuất. Toàn bộ nghĩa trang như một bộ sưu tập nghệ thuật “âm giới”.
112
Dãy nhà tưởng niệm nằm bao quanh nghĩa trang được trang trí rất đẹp. Trần nhà được trang trí họa tiết hoa văn nhỏ và những hình học lớn. Tường nhà là những lời giới thiệu tiểu sử của những người nổi tiếng, như bài thơ…và tranh vẽ tôn giáo.
113
Một khu vườn rộng với nhiều bức tượng lớn nằm trong tòa lâu đài, bao quanh là những vườn trồng nhỏ, được phân theo từng giống nho khác nhau, nếu đến Lâu đài vào đầu mua thu bạn sẽ nhìn thấy những vườn nho trĩu quả. Giờ đây lâu đài Vysehrad đã trở thành một công viên lớn, nơi mọi người có thể dạo chơi, thư gian hay tìm hiểu quá khứ qua những di sản, hoặc đơn giản chỉ để ngắm nhìn những kiệt tác nghệ thuật.
121
Từ trên tường thành của Lâu đài Vysehrad nhìn xuống thành phố và con sông Vltava bên dưới, bạn sẽ thấy một Praha hiện đại, khác lạ với khung cảnh cổ kính trong Lâu đài, nhưng cũng không hề kém hấp dẫn.
114
Chúng tôi thuê khách sạn ở khu Phố Mới Praha nên đi chơi khá thuận tiện. Ra khỏi khách sạn, chỉ đi chừng 5 phút, chúng tôi đã tới Quảng trường Hòa Bình khu Vinohrady, nơi có nhà thờ St. Ludmila – một nhà thờ Công giáo La Mã tân kỳ, được xây dựng theo kế hoạch của Josef Mocker vào năm 1888-1892. Nhà thờ được đặt tên để tôn vinh Thánh Ludmila của Bohemia.
3
Đây là một nhà thờ ba gian, được xây bằng gạch, mặt tiền nhà thờ là hai tháp chuông cao 60m, trên đỉnh có cửa vào cùng hướng với cổng chính của nhà thờ. Cổng nhà thờ nhìn ra quảng trường, nơi bạn có thể lựa chọn nhiều tuyến tàu điện và cả tàu điện ngầm để đi tới các khu khác của Praha.
6
Bên trong nhà thờ có các cửa sổ được trang trí bằng những bức tranh kinh thánh làm bằng kính màu, những bức tranh vẽ sơn dầu lớn và những bức tượng điêu khắc của các họa sĩ nổi tiếng như Josef Václav Myslbek, Josef Čapek và František Ženíšek, được đặt tại các bàn thờ chính và hai bên. Chúng tôi đã vào dự một buổi cầu kinh tối, cũng chỉ để xem các nghi thức thôi, chứ không hiểu được các lời dạy của linh mục.
4
Nhà thờ đã đóng cửa khi xây dựng metro và sau đó đã được trùng tu lại vào thời gian 1974-1992. Chúng tôi đã đi qua đi lại nhà thờ này rất nhiều lần, mỗi khi ra khỏi khách sạn và trở về. Và lần nào cũng dừng lại để chụp vài bức ảnh. Trước dịp Noel, ở quảng trường phía trước nhà thờ có một hội chợ nhỏ, nhưng cũng bán đầy đủ mọi thứ quà cho Giáng sinh.
5
Xung quanh quảng trường có nhiều tòa nhà rất đẹp, nhưng chúng tôi chưa tìm hiểu được lịch sử của nó. Tòa nhà này mặt tiền được trang trí bằng nhiều bức tượng điêu khắc, giống như một bảo tàng hay nhà hát, đang hướng về phía nhà thờ.
122
Từ quảng trường Hòa Bình, chúng tôi theo phố Pavlova xuôi dốc xuống bờ sông Vtlava, đi qua quảng trường Charles – quảng trường lớn nhất của châu Âu thời Trung cổ, được Hoàng đế Charles IV thành lập năm 1348. Từ TK XV, khu đất này được biết đến như một khu chợ gia súc, sau đó được xây dựng thành quảng trường và được đặt tên theo người sáng lập vào năm 1848. Khu trung tâm của quảng trường trở thành một công viên vào những năm 1860. Phố Jecná chia đôi công viên và quảng trường.
7
Tòa thị chính của New Town Praha được xây dựng ở đó vào giữa TK XIV. Ngày 30/7/1419 cuộc chiến tranh Hussite nổ ra tại quảng trường này, linh mục Jan Želivský dẫn đầu nhóm người Hussites đã ném một số nghị viên Công giáo từ cửa sổ của tòa thị chính này, tạo ra sự kiện “Sự thất thủ đầu tiên của Praha”. Từ trên tòa tháp cao 70 mét của tòa thị chính, bạn có thể ngắm nhìn toàn bộ quảng trường và Khu Phố Mới Praha. Ngày nay trong hội trường của tòa thị chính cổ này vẫn thường tổ chức các sự kiện văn hóa và xã hội.
129
Vào TK XVII các linh mục dòng Tên bắt đầu xây dựng dinh thự xung quanh quảng trường Charles. Họ cũng thành lập một nhà thờ mới dành cho vị thánh bảo trợ họ và là người sáng lập dòng Tên, Dòng Thánh Louis – Ignatius của Loyola. Nhà thờ này được kiến trúc sư Carlo Lurago xây dựng từ năm 1665 đến 1671 theo phong cách Baroque.
11
Ban đầu, nhà thờ Baroque là một phần của ký túc xá Do Thái cũ (được cho là tổ chức Do Thái lớn thứ ba ở Châu Âu), sau đó được xây dựng thành nhà thờ và ngày nay phục vụ như một bệnh viện của trường y. Bên trong nhà thờ được thiết kế và trang trí theo phong cách Baroque và hiệu ứng ánh sáng khoảng năm 1770, với những bức trang và tượng Thánh của nhiều họa sĩ nổi tiếng.
12
Chúng tôi ngạc nhiên trước một tòa nhà cổ có kiến trúc khá khác lạ so với những tòa nhà ở xung quanh. Từ thời cổ xưa, nơi đây đã có một tòa tháp cổ Zderaz được đặt theo tên người chủ Zderaz. Năm 1115, tòa tháp được coi như nhà thờ dành cho St. Peter và St.Paul. Vào những năm 1180 – 1190, tòa tháp thuộc quyền sở hữu của hai vị quý tộc người Séc là Kojat và Svébor, do đó người dân làng đã mất nhà thờ của họ, vì vậy anh em Kojat đã xây dựng một nhà thờ La Mã mới dành cho St. Wenceslas. Nhà thờ Wenceslas tại Zderaz được Đức Cha Valentine của Prague chào mừng ngày 26/11/1181.
13
Nhà thờ này khá đơn giản, có một gian giữa hình chữ nhật nối với một hình bán nguyệt về phía đông và một tháp vuông lớn về phía tây. Một phần của tháp này sau đó được xây dựng lại theo phong cách Gothic và trở thành một phần của mặt tiền phía Tây của nhà thờ từ TKXIV.
14
Cho đến năm 1586, nhà thờ vẫn không thay đổi, sau đó Hoàng đế Rudolph II đã tặng tiền cho nhà thờ để tôn tạo sửa chữa. Trần nhà bằng gỗ được thay thế bằng một vòm Gothic với đường gân trang trí bằng đất nung, các cửa sổ Gothic phải hạ xuống và ngay cả tòa tháp La Mã cũng xây lại. Năm 1623, nhà thờ được Hoàng đế Ferdinand II trao cho người Augustini. Trong TK XVII, một nhà thờ mới được xây dựng trên khu đất cũ. Các họa sĩ Czech Baroque nổi tiếng nhất Škréta đã tặng 32 bức tranh sơn miêu tả truyền thuyết về St. Wenceslas cho nhà thờ. Trong năm 1785, tu viện bị tẩy chay, từ năm 1809 tòa nhà trở thành một nhà tù. Năm 1827, nhà thờ được thánh hiến một lần nữa, tuy nhiên nó vẫn còn một nhà tù cho đến năm 1884 khi nhà tù được chuyển đến Pankrác và toàn bộ  nhà thờ được thành phố mua lại.
15
Trên đường, chúng tôi vào thăm nhà thờ Cyril và Methodius là nhà thờ chính thống Séc và Slovakia, có nguồn gốc là một nhà thờ Công giáo La Mã được xây dựng từ năm 1730 – 1736 do ngài Kilian Ignaz Dientzenhofer dành cho tổng giám mục và hồng y Milan Charles Borromeo TK XVI. Năm 1942, trong Thế chiến II, nhà thờ chính là cảnh tượng đứng cuối của một số người Czech và Slovak yêu nước, những người đã ám sát Reinhard Heydrich – quan chức cao cấp của Đức Quốc xã và là Tổng tư lệnh Cảnh sát. Karl Fischer von Treuenfeld là chỉ huy quân đội Quốc xã đã tấn công nhà thờ vào ngày 18/6/1942, sau một cuộc chiến đọ súng khốc liệt, những người yêu nước đã tự vẫn để tránh bị bắt. Dưới hầm mộ hiện nay có một bảo tàng dành cho họ như những người anh hùng dân tộc.
16
Cuối con phố là tòa nhà “Khiêu vũ” (Dancing house) nổi tiếng ở Praha do kiến ​​trúc sư Croatia Vlado Milunić với sự hợp tác của kiến ​​trúc sư người Mỹ gốc Canada Frank Gehry  xây dựng trên một khu đất trống bên bờ sông vào năm 1992 và hoàn thành vào năm 1996.
19
Thiết kế rất khác lạ với truyền thống đã gây tranh cãi vào thời điểm đó vì ngôi nhà nổi bật giữa các tòa nhà Baroque, Gothic và nghệ thuật đương đại Praha và không phù hợp với những phong cách kiến ​​trúc nơi này. Tổng thống Czech, Václav Havel, người đã sống trong nhiều thập kỷ bên cạnh địa điểm này đã rất háo hức ủng hộ dự án, hy vọng rằng tòa nhà sẽ trở thành trung tâm của hoạt động văn hoá.
17
Nhà thờ Do Thái trong khu Phố Mới được xây dựng năm 1906, trong thời gian Phát xít Đức chiếm đóng, nơi này đã thành kho.
115
Nhà kinh doanh nổi tiếng và ân nhân của khu ổ chuột này, Mordechai Maisel,  đã giành được vị trí cho Giáo đường Do thái này vào năm 1590. Một năm sau, hoàng đế Rudolf II, đã cho ông một đặc ân, được xây dựng Giáo đường cho cộng đồng Do Thái ở đây. Kiến trúc của Giáo đường do Judah Coref de Herz thiết kế, và được Josef Wahl thực hiện vào năm 1592. Trong thế kỷ tiếp theo, nó đã trở thành tòa nhà lớn nhất và ấn tượng nhất trong khu ổ chuột. Maisel đã để lại Giáo đường cho cộng đồng Do Thái, nhưng sau khi ông qua đời năm 1601, tất cả tài sản của ông, kể cả Giáo đường Do Thái, đều bị tịch thu.
116
Nhà ga xe lửa Praha được xây dựng vào năm 1871 và vẫn hoạt động đến hiện nay, trung bình mỗi năm phục vụ khoảng 30 triệu lượt khách. Nhìn từ xa tôi cứ nghĩ tòa nhà này có lẽ là một cung điện, bởi biểu tượng con Ó vàng trên đỉnh tháp đồng hồ, khiến tôi liên tưởng đến quyền lực…
117
Cửa chính vào nhà ga cũng được trang trí bằng nhiều bức tượng và hai tháp tròn với mái ở giữa mang hình quốc huy hay gia huy dòng tộc (tôi không dám chắc). Nội thất bên trong nhà ga đã được xây dựng lại vào năm 1997.
118
Lang thang trên những con phố của Praha bạn sẽ không ít lần phải dừng lại chiêm ngưỡng một tòa nhà chợt hiện ra ở góc phố và suýt xoa…
123
Với cả ba khu Phố Cổ – Old Town, Phố Nhỏ – Mala Strana và Phố Mới – New Town của Praha đều rất tuyệt vời và những đường phố hiện đại cũng rất hấp dẫn. Nhất định tôi sẽ trở lại thành phố này, để xem lại kỹ hơn tất cả và tìm hiểu thêm vô vàn những thứ tôi còn chưa biết đến ở đây.
119
Praha là một cuốn truyện tranh, càng đọc tôi càng thấy hấp dẫn.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *