Pháo đài Vysehrad, Praha

Lần đầu tiên đến Vysehrad, tôi không hình dung ra đây là một pháo đài và càng không thể nghĩ được đây đã từng là một cung điện huy hoàng, có thể sánh với lâu đài Praha, mà tôi chỉ đơn thuần tham quan nhà thờ Thánh Peter và Thánh Paul. Khi về, tôi thấy thắc mắc, sao một nhà thờ ở nơi có vẻ “hẻo lánh” lại có kiến trúc và trang trí nội thất bên trong sang trọng và cầu kỳ như vậy. Tôi đã tìm kiếm thông tin về Vysehrad và đã quay trở lại nơi này để có thể nhìn ngắm kỹ hơn về một di tích lịch sử đầy thăng trầm.

Đúng là so với lâu đài Praha thì lâu đài Vysehrad gần như không còn gì, ngoài những lớp tường thành, nhà thờ Thánh Peter và khu nghĩa trang Slavin. Nhưng chỉ cần một chút trí tưởng tượng cũng có thể đưa ta trở về quá khứ. Tôi bắt đầu từ chút di tích ít ỏi còn sót lại từ bức tường thành thời trung cổ, mà không dễ gì nhận ra được khi vườn nho đã che mất tầm nhìn. Đó là những dấu vết của pháo đài Vysehrad được xây dựng từ thế kỷ thứ X.

Trong hai thế kỷ XI-XII các vị vua đã lựa chọn và thay đổi địa điểm sống giữa lâu đài Vysehrad và lâu đài Praha. Thời hoàng kim của Vysehrad là nửa sau của thế kỷ XI, khi vua Vratislav chuyển chỗ ở từ Lâu đài Praha đến Vysehrad và pháo đài ban đầu được tu sửa thành một quần thể, gồm cung điện, nhà thờ và trụ sở của triều đình. Như vậy, chắc chắn lâu đài Vysehrad đã từng là cung điện xứng đáng với vị trí hoàng cung. Nhưng số phận của Vysehrad đã thay đổi vào khoảng năm 1140, khi Hoàng tử Sobeslav chuyển chỗ ở trở lại lâu đài Praha, thì Vysehrad bị rơi vào quên lãng.

Một nhà nguyện mái vòm Thánh Martin được xây dựng từ thế kỷ XI vẫn còn nguyên vẹn.

Đầu thế kỷ XIV, khi Hoàng đế La Mã Thần thánh Charles IV bắt đầu xây dựng lại lâu đài Praha, ông đã cho sửa sang và xây dựng lại cung điện hoàng gia tại Vysehrad, đồng thời cũng sửa chữa lại nhà thờ Thánh Peter và Thánh Paul. Hoàng đế Charles IV cho xây dựng thêm bức tường thành và hai cổng vào, cũng là để bảo vệ cho khu phố Mới bắt đầu được hình thành và phát triển. Một lần nữa lâu đài Vysehrad lại được sống lại huy hoàng.

Nhưng rồi năm 1420 lâu đài Vysehrad bị người Hussites chiếm và cướp phá, tiếp theo là năm 1448 lại bị quân đội của Vua George xứ Podebrady chiếm đóng và sau đó thì lâu đài bị bỏ hoang. Điều đó giải thích tại sao một quần thể kiến trúc đã từng là hoàng cung một thời, giờ chẳng còn gì sót lại.

Khi Vua Habsburg tiếp quản vùng đất Séc, năm 1654 Vysehrad được tu sửa thành một pháo đài Baroque và trở thành một trung tâm huấn luyện cho Quân đội Áo.

Giờ đây khi đến pháo đài Vysehrad (tôi nghĩ tên pháo đài hợp hơn, vì dấu tích thành lũy vẫn còn), chỉ còn lại dãy tường thành bằng gạch kiên cố và có hai cổng thành Tabor và Leopold (là dấu tích còn lại từ lần tu sửa Baroque). Cổng gạch là một công trình kiến ​​trúc có từ năm 1841.

Trong khu vườn của lâu đài Vysehrad có một số bức tượng được xây dựng năm 1889-1897.

Đây là tượng hai nhân vật Ctirad and Sarka theo thần thoại Slav và Bohemia về Cuộc chiến Ma nữ, sau cái chết của Libuse đã xây dựng lâu đài Denvi nằm đối diện với Vysehrad.

Bức tượng công chúa Libuse và chồng nàng Premysl là những người cai trị huyền thoại người Séc định cư tại Vysehrad vào thế kỷ thứ VIII. Công chúa Libuse là người đã đứng trên ngọn đồi sau này là pháo đài Vysehrad và chỉ xuống dòng sông Vltava nói rằng, sau ày sẽ có một thành phố phát triển mọc lên ở đó!

Bức tượng Lumir và Pisen, theo thần thoại kể rằng Lumir đã từ chối hát ca ngợi người chiến thắng trong cuộc chiến Ma nữ, thay vào đó anh hát về Vysehrad, rồi phá vỡ nhạc cụ của mình. Đây là biểu tượng lương tâm quốc gia.

Bức tượng Zaboj và Slavoj – hai anh em là thủ lĩnh của cuộc nổi dậy chống lại cuộc xâm lược của quân đội Charlemagne của Đức và đã lãnh đạo trận chiến thắng năm 805.

Từ trên tường thành của pháo đài Vysehrad ngắm nhìn sông Vltava và Praha bên dưới thật đẹp.

You Might Also Like

One Reply to “Pháo đài Vysehrad, Praha”

  1. 素晴らしい!
    観光だけではなく歴史も良く調べて、とても良い記事ですね!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *