Tôi được nghe kể rằng, khu Phố Cổ (Old Town) trước đây của Praha đã từng có tường, hào bao quanh và có 13 cổng thành, tuy nhiên khi mở rộng thành phố với khu Phố Mới (New Town), các bức tường và hào đã được dỡ bỏ và tôi chỉ đi thăm được có hai “cổng Thành” vừa giống như tháp canh, vừa là cổng ra vào khu Phố Cổ. Một tháp “cổng thành”phân cách khu Phố Cổ với khu Phố Nhỏ (Mala Town) bên kia sông Vltava, nằm ở hai bên đầu cầu Karl.
Tháp còn lại phân cách khu Phố Cổ với khu Phố Mới (New Town), có tên là Tháp “hỏa lực” (Powder Tower) vì vào thế kỷ XVII tháp đã lưu trữ thuốc súng.
Tháp “Cổng Thành” đầu cầu Charles thì tôi cũng như tất cả du khách khi đến Praha đều đi qua và được chiêm ngưỡng nó. Tòa tháp được kiến trúc sư Schwabian Peter Parler – người cũng đã xây dựng cây cầu Charles nổi tiếng và nhà thờ Thánh Vitus tráng lệ trong khu lâu đài Praha, thiết kế xây dựng năm 1370 -1391. Đây được coi là cửa ngõ vào trung tâm thành phố Praha và là con đường mà các vị vua Bohemia đăng quang đi qua đấy.
Tòa tháp cao 64 mét, các tượng điêu khắc ở mặt tiền phía tây của tháp đã bị phá hủy nghiêm trọng trong cuộc bao vây của quân đội Thụy Điển vào năm 1648, sau đó bị loại bỏ, chỉ còn những trang trí trên mặt tiền phía đông được bảo tồn.
Phía trên vòm là quốc huy của tất cả các vùng đất thuộc Đế chế La Mã thần thánh dưới triều đại của Charles IV. Ở hai bên của vòm là bức phù điêu của một con chim bói cá, biểu tượng của Vua Wenceslas IV.
Ba bức tượng phía trên quốc huy là tượng Thánh Vitus – vị thánh bảo trợ của Bohemia – ở giữa với vua Charles IV (người đã ra lệnh xây dựng tòa tháp) bên trái và vua Wenceslas IV (tòa tháp được hoàn thành trong thời gian trị vì của ông) bên phải.
Gần đỉnh tháp là hai bức tượng của các vị thánh Sigismund đội vương miện (ông là vua của người Burgundy, nhưng đã bị chặt đầu và thi thể ném xuống giếng. Năm 1366, Charles IV – Hoàng đế La Mã thần thánh đã chuyển thánh tích của Sigismund về Praha và Sigismund trở thành vị thánh bảo trợ của Vương quốc Bohemia) và Thánh Adalbert đội mũ (Ông là Giám mục của Praha, người đã tử vì đạo trong nỗ lực chuyển đổi người Phổ Baltic sang Kitô giáo. Ông được cho là nhà soạn nhạc bài thánh ca lâu đời nhất của Cộng hòa Séc).
Hai tòa tháp khác nhau về phong cách, được kết nối bởi một cổng, tạo thành lối vào Khu Phố Nhỏ Praha (Mala Town) từ cầu Charles. Tòa tháp nhỏ hơn có tên là tháp Judith có phong cách La Mã từ thế kỷ XII là một phần của pháo đài bên trái, nhưng diện mạo hiện nay có phong cách thời Phục hưng từ năm 1591. Trong thế kỷ XV tòa tháp này đã từng là nhà tù giam giữ những tội phạm nguy hiểm. Bên trong tòa tháp, mà tôi chưa được vào thăm, nghe nói có nhiều tượng điêu khắc có từ thế kỷ XIII.
Tòa tháp Gothic cao hơn, xây muộn hơn (năm 1464) dựa theo kiến trúc của Tháp Cổ bên kia cầu Charles, từ khối sa thạch lớn. Thiết kế ban đầu cũng có nhiều bức tượng điêu khắc được trang trí trên tháp, nhưng đã không thực hiện được. Tòa tháp được sử dụng làm đồn cảnh báo và nhà kho. Tòa tháp cao 45 m, không có tháp chuông và ngọn tháp, nhưng có phòng trưng bày cao 26 m. Cổng nối hai tòa tháp được trang trí bằng các biểu tượng của vùng đất Václav IV (sư tử Luxembourg, sư tử Séc và đại bàng Moravian), được xây dựng vào năm 1411 thay cho tòa nhà La Mã cũ.
Tháp “Cổng thành” “hỏa lực” được bắt đầu xây dựng vào năm 1475 như một cổng ra vào trung tâm đẹp hơn là một tháp phòng thủ. Hội đồng thành phố Praha đã tặng cho vua Vladislav II tòa tháp như một món quà nhân dịp đăng quang và vua Vladislav II đã đặt viên đá nền móng cho tòa tháp, lúc đó nó được gọi là Tháp Mới (có lẽ để phân biệt với tháp Cũ bên đầu cầu Karl). Tuy nhiên vua Vladislav II đã phải chuyển đi khỏi khu Phố Cổ Praha do bạo loạn, nên tòa tháp đang xây dở bị dừng lại. Năm 1485 ông trở lại sống ở Lâu đài Praha đến hết đời, cùng với tất cả các vị vua của Bohemia sau ông sống ở Praha, vì vậy họ không sử dụng đến tòa tháp này. Năm 1592 công trình xây tháp mới được tiếp tục, cùng với cầu thang dẫn sang tòa nhà của Tòa án Hoàng gia. Tháp “hỏa lực” được sử dụng để lưu trữ thuốc súng vào thế kỷ XVII. Tháp đã bị thiệt hại đáng kể trong Trận chiến Praha và các tác phẩm điêu khắc trên tháp đã được thay thế vào năm 1876. Tháp cao 65 mét, phòng trưng bày cao 44 mét, chân tháp được xây dưới đáy của một con hào kiên cố, thấp hơn địa hình hiện nay khoảng 9 mét và vì sau nay con hào đã được lấp đi và tầm quan trọng của tòa tháp bị mất nên cây cầu dẫn đến lối đi cũng bị bỏ đi. Bên trong tháp có cầu thang xoắn ốc được làm bằng 186 bậc đá.
Đến năm 1836 tòa tháp này được coi là điểm xuất phát của con đường tổ chức lễ đăng quang đến nhà thờ Thánh Vitus, Praha.
Hai bên mặt tiền của tòa tháp được trang trí bằng những bức tượng điêu khắc vua Vladislav II ở bên đường Celetna và vua Charles IV ở phía bên kia cùng với quốc huy các vùng lãnh thổ vua trị vì.
Phía trên các bức tượng của những vị vua cai trị, là những thiên thần có cánh và con sư tử với biểu tượng của Phố cổ Praha trên bốn cột trụ góc. Các bức tượng của những vị thánh được đặt ở tầng hai. Tượng Chúa Jesu ở giữa phía đông và Đức Mẹ Maria với một đứa trẻ ở phía tây. Mặt trước về phía đường Celetna có bức tượng Adam và Eva, mặt trước đối diện là bức tượng của Thánh Peter và Thánh Paul. Ngoài ra còn rất nhiều các bức tượng trang trí khác, nhưng vì hơi nhỏ và ở khá cao nên cũng khó nhận ra.
Nếu có thời gian, chắc chắn bạn sẽ dừng lại lâu hơn để ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc của các tháp “Cổng thành” Praha và sẽ thích chúng.