Cách đây chín năm tôi đã có dịp đi trekking ở Pù Luông, từ Mai Châu (đoạn đường bên bờ sông Mã, qua bản Lác khoảng 5km) đi bộ qua rừng quốc gia Pu Luông về đến phố Đoàn. Lần đó chúng tôi đã ngủ đêm tại bản Hang, bản Kho Mường. Giờ đã “lớn tuổi” không còn đủ sức đi bộ đường dài nữa, nên chúng tôi chạy xe đến giữa Pù Luông, nghỉ lại ở Pù Luông Holiday, một nhà nghỉ tư nhân của anh Tá, trước đã từng là hướng dẫn viên du lịch.
Nhà nghỉ này có kiến trúc của nhà sàn, nhưng đã cách điệu cho phù hợp với khách du lịch, đó cũng là một sáng kiến hay.
Nhà dựng trên cột nhưng chỉ cao khoảng nửa mét, đủ để nhà cao ráo, sạch sẽ và bên trong thay bằng ngủ đệm trên sàn nhà thì có giường.
Nhà sàn có hai gian, có nhà tắm và vệ sinh ngay bên trong mỗi gian, rất thuận tiện. Nhưng vẫn giống nhà sàn là mỗi bước đi đều gây ra tiếng cót két của sàn nhà bằng tre nứa…
Trước và sau nhà đều có “ban công” đặt bộ bàn ghế, buổi sáng dậy ra đây tập thể dục hay đơn giản chỉ là ngồi ngắm cảnh rừng núi cũng thấy rất tuyệt vời.
Pù Luông Holiday cũng có một nhà sàn truyền thống, nơi du khách có thể ngủ trên đệm riêng (mỗi người một đệm) đặt trên sàn nhà. Nhưng tầng trệt có tường quây ba phía nên mất đi hình ảnh nhà sàn truyền thống.
Và hiện tại ông chủ đang tiếp tục xây dựng thêm một nhà sàn cách tân đôi (có hai gian), rộng hơn nhà chúng tôi thuê và hai nhà sàn đơn bên cạnh nhà ăn hiện nay.
Vì chúng tôi đến vào dịp Tết, có lẽ nhân viên phục vụ đã về nghỉ, nên bữa trưa khi vừa đến, chúng tôi ăn thức ăn mang từ nhà đi, còn bữa tối và bữa sáng hôm sau thì tự do nấu nướng (trong tủ lạnh ở bếp có sẵn rau, thịt lợn và thịt bò) – chúng tôi thích thế và thấy rất thoải mái.
Một điều thú vị mà tôi mới biết khi ở đây, là các gia đình nuôi gà thả tự do để ban ngày lũ gà tự lên đồi vào vườn kiếm ăn, tối mới cho chúng ăn, nên cứ tối đến là chúng tự quay về để được cho ăn, sau đó nhảy lên xà nhà của bếp đậu. Ngay cả những con gà mấy tháng tuổi, mua về chỉ cần nhốt qua đêm, sau đó cho ăn và thả là đến tối cũng biết đường quay về nhà mới. Giờ tôi mới biết lũ gà quen nhà mới nhanh thật. Chỉ có điều, nếu khách du lịch muốn ăn thịt gà thì phải chờ đến tối, gà về ăn rồi tìm chỗ đậu trên xà bếp mới bắt được và làm thịt. Vịt cũng tự do bơi lội dưới suối.
Chúng tôi đã có một chuyến đi bộ ngắn khoảng 6km từ Pu Luông Holiday đi vào bản Hiếu để thăm thác nước, rồi đi vòng qua một quả đồi để trở về. Một hành trình khá thú vị, chỉ tiếc là mới đầu mùa xuân, mặc dù trời nắng nhưng vẫn chưa đủ nóng để tắm suối!
Đấy là do chúng tôi là khách du lịch, chân đi giầy lại cần “áo tắm”, chứ chúng tôi thấy tụi trẻ địa phương đã tắm suối vô tư rồi.
Thác nước bản Hiếu được bắt nguồn từ trong núi, nên mức nước khá ổn định cả mùa khô và mùa mưa, lúc nào cũng có nước chảy, không quá nguy hiểm mùa nước lũ hay cạn nước vào mùa khô. Nhiều đoạn suối chảy tạo thành các bể bơi nhỏ hoặc “bồn sục jacuzzi” rất tuyệt.
Lẽ ra chúng tôi phải đi xuống lòng suối đoạn cách bản Hiếu khoảng 400 mét, sau đó cứ đi ngược dòng suối, nước đến đầu gối thôi, để lên đến thác ba tầng với khoảng cách độ nửa cây số. Nhưng chúng tôi chỉ xuống suối rửa tay (ngại cởi giầy) rồi lại leo lên, đi dọc con suối lên thượng nguồn một đoạn ở bản Hiếu, sau đó theo con đường mòn vòng qua quả đồi.
Dọc đường đi chúng tôi được ngắm nhìn những ngôi nhà truyền thống của người Thái, nằm ở chân núi. Nhiều nhà đã lợp mái tôn thay bằng mái rạ hay mái hipro xi măng nên trông khang trang và sạch sẽ hơn trước. Mới ngày mùng hai Tết mà đã có người ra ruộng làm rồi.
Một cụ già người Thái đang đứng chờ khách trước cửa nhà, cũng là một cửa hàng, nhưng ngày Tết không bán hàng. Chúng tôi chỉ đi qua chúc tết, không dám vào nhà, vì không biết phong tục của họ ngày tết thế nào.
Ở bản Hiếu có một số nhà sàn phục vụ riêng cho khách du lịch khá đẹp, nằm dựa lưng vào núi, nhìn xuống thung lũng bên dưới rất đẹp.
Có cả một khu “Bản Hiếu Lodge” dành riêng cho khách rất đẹp. Tuy nhiên, với hình thức kinh doanh như thế này, tính chất “homestay” hoàn toàn không có, khách du lịch sống biệt lập với người dân, trong các khu nhà sàn khá tiện nghi, nhưng họ sẽ không biết gì nhiều về cuộc sống thật của cộng đồng dân cư bản địa, ngay cả khi đi trekking như chúng tôi bây giờ, bởi vì đơn giản là du khách chỉ có thể nhìn bên ngoài nhà sàn của người dân, chứ không thật sự tiếp xúc và sống cùng người dân.
Chúng tôi đi bộ qua bản Hiếu và vòng qua một quả đồi để về, chứ không đi theo đường cũ. Nói là quả đồi, nhưng độ dốc leo lên có đoạn đến 45 độ, có lẽ nói là chân núi thì đúng hơn.
Chúng tôi đi qua một bản khác (hay vẫn cùng là bản Hiếu mà nằm rải rác, tôi cũng không biết). Ở đây cũng có nhà sàn cho khách du lịch thuê rất sạch sẽ và rộng thoáng. Như vậy là hình thức du lịch trải nghiệm nông thôn và thiên nhiên ở Pù Luông rất phát triển.
Con đường đất dẫn chúng tôi trở về còn lổn nhổn ổ gà ổ vịt. Nếu trời mưa chắc sẽ lầy lội khó đi. Dọc đường từ trên cao xuống là những thửa ruộng bậc thang đã được đổ đầy nước, chờ lúa cấy. Nếu đi sau Tết khoảng một tháng, màu xanh của lúa sẽ khiến cho những bức ảnh ruộng bậc thang này có giá trị hơn, hay mùa lúa chín thì khung cảnh này sẽ rất đẹp.
Chuyến đi trekking ngắn vài cây số đối với người không “chuyên” như thế này là phù hợp. Nếu ở thêm ngày, du khách sẽ phải dùng đến xe máy để đến các bản xa hơn, trước khi có thể để lại xe và bắt đầu đi bộ. Tôi nghe người dân nói đi sâu vào rừng quốc gia thì núi cao nên đi bộ vất vả. Lịch trình ấy chỉ dành cho người đi trekking chuyên nghiệp.
Vì đường đi vòng quanh ngọn đồi nên thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy một xóm nhỏ bên dưới, rất thanh bình và cũng rất đẹp.
Ở vùng này người dân còn dùng guồng nước khá phổ biến. Trên dọc đường đi, một số đoạn suối khuất chúng tôi thấy ba bốn guồng cạnh nhau. Giữ được cách lấy nước từ suối bằng guồng như thế này là một điều rất hay, thậm trí là quý nữa!
Trải nghiệm Pù Luông lần này của tôi khá dễ dàng so với chuyến đi cách đây chín năm, nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Bởi mỗi cách chúng ta được gần gũi với thiên nhiên đều đem đến những cảm giác tuyệt vời cả.
Dcihj vụ tại Pu Luong Holiday: Giá thuê nhà sàn hai phòng (một phòng có một giường to double và một giường nhỏ – single; một phòng có 1 giường to double) ngày Tết là 1.500.000 đồng (bao gồm cả ăn sáng), ngủ đệm trên nhà sàn chung là 100.000 đồng/ người có ăn sáng (mỳ tôm rau và thịt bò), gà 200.000 đồng/ con.
Ở đây không có wifi, 3G, 4G hoạt động không tốt lắm, nhà sàn không có tivi, đài…nói tóm lại là mọi người được sống cách biệt với các “xa lộ thông tin” nên thật sự thanh thản!