Suối cá Cẩm Lương, thành nhà Hồ và sự thất vọng

Có lẽ sự thất vọng thứ nhất bắt nguồn từ quyết định sai lầm khi đi đến suối cá Cẩm Lương, Thanh Hóa vào ngày Tết. Tôi rất ngại đến những nơi đông người, nên thường ở nhà mỗi dịp nghỉ lễ và ngày Tết thường đi chơi các vùng miền núi xa. Năm nay, ngày mùng ba Tết, tiện đường đi từ Pù Luông về, chúng tôi quyết định qua suối cá Cẩm Lương, vì nghĩ rằng mọi người còn đang ăn Tết! Nhưng chúng tôi đã nhầm. Con đường bắt đầu tắc từ cây cầu treo. Nhìn xe máy cứ nườm nượp chạy tới, chúng tôi đã cảm thấy sợ.

Cây cầu treo nhỏ hẹp mà chật ních xe, nên vì sự án toàn của mình, chúng tôi cho xe chạy chậm lại, dãn khoảng cách xa với các xe phía trước.

Ra khỏi bãi gửi xe là người với người.

Đây là lần đầu tiên tôi đến suối cá Cẩm Lương nổi tiếng này. Nhưng giờ nước suối thì cạn, đến mức mấy con cá lớn bơi nhô cả vây lên mặt nước. Nước cạn đến mức qua hai gầm cầu (nơi đáy suối cao hơn) chỉ còn lại mấy con cá bé xíu bơi qua được, nên đoạn suối ngoài cùng giống như cái áo sắp bị tát cạn, chỉ có mấy con cá con.

Nhưng nước cạn và cá bé không phải là vấn đề lớn, mà vấn đề là người đông hơn cá. Vào gần cửa hang, nơi đàn cá ra vào, người người đứng chen chân…

Tôi cũng cố len vào để chụp cho được tấm hình, mấy con cá “thần” mà vì nó mình đến đây.

Và đó là tất cả những gì chúng tôi có thể thấy được ở suối cá Cẩm Lương, ngoài “người với người”! Chúng tôi không lên động vì thấy cùng chung tình cảnh, thiếu khi để thở khi vào hang! Chúng tôi quay ra luôn, trong vòng 20 phút.

Đúng là các điểm tham quan “nổi tiếng” sẽ đông khách vào dịp lễ Tết, điều quan trọng là Ban quản lý phải “hiểu được sức chứa của điểm tham quan và quản lý được lưu lượng khách” có như vậy mới không làm khách thất vọng. Tôi không tin là có khách nào trong số khách hôm nay sẽ quay lại suối cá Cẩm Lương một lần nữa. Vé tham quan là 20.000 đồng/ người.

Sau đó chúng tôi đến Thành nhà Hồ. Đây lại là một nỗi thất vọng khác. Vé vào tham quan là 40.000 đồng/ người, nhưng tất cả chỉ là bốn cổng thành nằm ở bốn phía của một cánh đồng rộng 1 km vuông, ở giữa là con đường trải đá trắng bụi mù mỗi khi có xe đi qua.

Chúng tôi chụp ảnh và thế là hết. Không một bảng chỉ dẫn, giới thiệu về lịch sử, không có bất cứ thứ gì giúp cho du khách có thể hiểu được cổng thành và những mảng tường thành đã sụp đổ và sẽ sụp đổ trong tương lai.

Thật quá thất vọng vì hai điểm tham quan (một di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới!) của Thanh Hóa. Như thế này thì làm sao phát triển được du lịch đây?

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *