Chúng tôi đến cung điện Belvedere vào một ngày giữa mùa đông, nên mặc dù mới chỉ hơn ba giờ chiều và bầu trời vẫn còn những khoảng xanh hy vọng, nhưng ánh sáng tắt đi rất nhanh, khiến chúng tôi ân hận đã không đến đây sớm hơn. Chúng tôi vào cung điện bằng cổng phía sau tòa lâu đài của cung điện Belvedere Hạ.
Đây là mặt quay ra đường của cung điện Belvedere Hạ, nơi giờ đây là Bảo tàng nghệ thuật cổ điển và hiện đại của Vienna.
Cung điện Belvedere là một tòa nhà lịch sử phức hợp, nằm ở phía đông nam của trung tâm thành phố Vienna. Công trình có hai cung điện Belvedere Thượng và Belvedere Hạ, nằm đối diện nhau qua một khu vườn rộng lớn, mùa hè hoa rất đẹp (tôi đã xem ảnh), còn giờ đang là mùa đông nên cảnh vật có phần hơi u ám.
Trên mảnh vườn có vẻ dốc lên phía cung điện Belvedere Thượng, có những bức tượng đặt dọc theo đường đi và một số đài phun nước (rất tiếc là khi tôi đến đã ngừng hoạt động!) và những cụm tượng bằng đá trắng rất đẹp.
Và hai con đường dọc theo vườn hoa được cắt tỉa cẩn thận, mùa hè chắc sẽ tuyệt vời lắm.
Cung điện Belvedere được hoàng tử Eugene xứ Savoy xây dựng từ đầu những năm 1700 để làm cung điện mùa hè. Mặc dù khi mua mảnh đất ở ngoài thành Vienna lúc đó còn hoang sơ, nhưng ý định của hoàng tử Eugene lại trùng với quyết định mua đất ngay bên cạnh của Đại nguyên soái hoàng đế Heinrich Mansfeld, nên hoàng tử Eugene phải bỏ ra số tiền nhiều hơn và mua dần để mở rộng khuôn viên của cung điện. Ảnh dưới là một cụm tượng trong đài phun nước, giờ đã ngừng hoạt động vì mùa đông.
Kiến trúc sư trưởng công trình là Johann Lukas Hildebrandt, một kiến trúc sư tài năng đã thiết kế và giám sát thi công nhiều cung điện, tòa nhà nổi tiếng. Cung điện Belvedere Hạ hoàn thành vào năm 1715 và Dominique Girard (người đã thiết kế khu vườn của cung điện Versailles) được thuê để thiết kế các đài phun nước và vườn hoa. Ông đã cho mua một số tác phẩm nghệ thuật của Giovanni Stanetti. Những đài phun nước thật sự là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tuyệt đẹp. Ảnh dưới là một cụm tượng trong một đài phun nước khác.
Cung điện Belvedere Thượng được xây trong hai năm (1717-1719), hoàng tử Eugene ủy thác cho họa sĩ người Ý Francesco Solimena thực hiện việc trang trí nội thất, trong đó có cả bàn thờ cho Nhà nguyện Cung điện và bức bích họa trên trần trong phòng Vàng và họa sĩ Gaetano Fanti đã vẽ bức tranh tứ giác ảo giác trong Hội trường đá cẩm thạch và năm 1720 họa sĩ Carlo Carlone đã vẽ bức bích họa trên trần nhà của Hội trường này. Ảnh dưới là bức tượng Nhân Sư đặt ở đầu khu vườn.
Khi Hoàng tử Eugene qua đời trong Cung điện của mình ở Vienna năm 1736, ông đã không để lại di chúc pháp lý, nên cháu gái của hoàng tử Victoria, thành viên duy nhất còn lại của gia tộc Savoy-Soissons là người thừa kế. Công chúa Victoria chuyển đến Belvedere năm 1736, nhưng ngay lập tức nói rõ rằng cô không quan tâm đến quyền thừa kế của mình và muốn bán đấu giá cung điện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, chỉ đến khi cô quyết định rời Vienna để trở về quê hương của cô ở Turin, Italia sau 8 năm công chúa Maria Theresa, con gái của vua Charles VI mới mua lại cung điện này. Ảnh dưới là bức tượng Nhân Sư đặt ở giữa khu vườn.
Tuy nhiên Maria Theresa và chồng không bao giờ đến đây ở mà chỉ tạo ra một phòng trưng bày của tổ tiên của triều đại Habsburg ở cung điện Belvedere Hạ. Cung điện Belvedere chỉ được thực sự quan tâm vào năm 1770, khi tổ chức dạ hội hóa trang kỷ niệm lễ cưới của Công nương Maria Antonia với hoàng tử, sau là vua Louis XVI Pháp. Ảnh dưới là cung điện Belvedere Hạ.
Năm 1776 Maria Theresa và con trai, Hoàng đế Joseph II quyết định mở phòng trưng bày tranh hoàng gia và trở thành một trong những bảo tàng mở cửa cho công chúng đầu tiên trên thế giới. Cung điện Belvedere Thượng trở thành phòng triển lãm tranh vào cuối thế kỷ XVIII, còn Belvedere Hạ chủ yếu phục vụ cho các thành viên hoàng gia chạy trốn khỏi Cách mạng Pháp, đáng chú ý nhất là Công chúa Marie Thérèse Charlotte, đứa con duy nhất còn sống sót của hoàng hậu Marie Antoinette và vua Louis XVI. Ảnh dưới là cung điện Belvedere Thượng chụp từ hướng cung điện Belvedere Hạ.
Từ cuối thế kỷ XIX, cung điện Belvedere Hạ trở thành bảo tàng và các cổ vật từ Ai Cập được mang đến, còn cung điện Belvedere Thượng lại được sửa chữa để làm nơi ở cho người thừa kế ngai vàng Franz Ferdinand. Ảnh dưới là cung điện Belvedere Hạ chụp từ phía cổng khác của cung điện.
Phía trước cung điện Belvedere Hạ quay mặt ra bên ngoài có một hồ nước tròn lớn.
Xung quanh hồ nước có đặt các bức tượng là đầu các con thú giống như Tý, Sửu, Dần Mão nhà mình vậy. Đấy là tôi võ đoán thế.
Năm 1918 đã đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới cho cung điện Belvedere và sau thế chiến thứ II cung điện đã được sửa chữa và trở thành bảo tàng nghệ thuật của Vienna, nơi lưu giữ rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới. Chúng tôi không thể vào bên trong cung điện để tham quan vì đã quá muộn và để tham quan những bảo tàng lớn như thế này cần phải có nhiều thời gian và phải có sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật. Đây là một cổng ra vào khác của cung điện Belvedere thành Vienna.
Chúng tôi mới chỉ xem lướt qua, thậm trí còn chưa xem hết được những bức tượng trong vườn thì trời đã tắt nắng. Đã đến lúc phải ra về. Cần thêm nhiều thời gian nữa để có thể chiêm ngưỡng được kỹ hơn những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và tượng, chỉ mới là ở bên ngoài cung điện, chứ chưa nói bên trong thì chắc cần cả tuần lễ.