Rất ít khách du lịch nước ngoài có thời gian dài ở Venice, nhất là người Việt, để có thể chiêm ngưỡng những đặc sắc có một không hai của thành phố này, do vậy việc lựa chọn khách sạn ở đâu và đi tham quan bằng phương tiện gì là điều mọi người đều rất quan tâm.
Bạn có thể chọn khách sạn ở trong đất liền và đi thăm các đảo của Venice bằng thuyền máy (sẽ dừng lại ở một số điểm chính). Bạn có thể lựa chọn đi 1 chuyến đi tàu qua các đảo Murano, Torcello và Burano trong vòng 4,5-5,5 giờ với giá từ 22, 81$, hay một ngày tour bằng thuyền máy kéo dài 6,5 giờ có giá từ 23$… Bạn cũng có thể sử dụng tàu lớn (như xe bus trên đất liền) với thời gian ít nhất là 75 phút hay mua vé đi theo ngày (1-3 ngày), với giá từ 11,97$.
Gondola là một loại thuyền chèo tay truyền thống ở Venice mà khách du lịch nào cũng muốn được trải nghiệm, tuy nhiên giá dịch vụ hơi cao (so với tôi, một du khách Việt hạng trung), là 80$ cho một giờ ngồi thuyền nếu bạn đi vào ban ngày, nhưng bạn sẽ phải trả 120$ cho nửa giờ nếu muốn ngắm Venice vào ban đêm.
Những người chèo thuyền Gondola phải có thẻ (rất giới hạn, chỉ có khoảng 400 người), họ phải tham gia khóa học trong vòng 6 tháng với 400 giờ học, đối với nhiều lĩnh vực từ văn hóa, lịch sử Venice, đến ngoại ngữ, cách giao tiếp, ứng xử đối với khách du lịch và đương nhiên là kỹ năng chèo thuyền. Họ phải mặc trang phục là áo phông kẻ sọc mang màu đỏ hoặc xanh, quần đen hoặc sẫm màu, đầu đội mũ phớt (nhưng tôi thấy nhiều người không đội, mặc dù trời khá nắng và mũ rất đẹp!)… và họ có thu nhập khoảng 150,000$ mỗi năm!
Đi bằng Gondola bạn sẽ được len lỏi qua những con kênh rất hẹp, như chúng ta đi vào các ngõ hẻm ở Hà Nội hay HCMc vậy và chắc chắn bạn sẽ được rất nhiều người nhìn ngắm và chụp hình!
Nếu thuê khách sạn ở trên đảo Venice (thường sẽ đắt hơn khoảng 20% so với cùng loại trong đất liền) thì phần lớn khách du lịch sẽ chọn đi bộ để tham quan, vì đi bộ có thể nhìn thấy được nhiều và xem được kỹ, nhất là ở Venice có rất nhiều nhà thờ, mà chỉ có đi bộ bạn mới có thể vào tham quan được.
Tuy nhiên, ngắm Venice khi đi thuyền hoặc tàu sẽ đem đến cho bạn ấn tượng khác, vì có khoảng cách rộng và một số tòa nhà có mặt tiền quay ra sông rất đẹp. Còn khi bạn ngắm những công trình kiến trúc ở khoảng cách rất gần, có thể nhìn được chi tiết lại mất đi cái “tổng thể”.
Do vậy, để có thể có cái nhìn toàn diện về Venice, thì nên kết hợp cả hai, vừa đi bộ, vừa đi tàu…tất nhiên là bạn phải có ít nhất 2-3 ngày ở Venice. Nếu đi chơi vào mùa hè, bạn sẽ phải chấp nhận giá dịch vụ (khách sạn) cao hơn và rất đông khách ở tất cả mọi nơi. Đi chơi vào mùa đông thì rủi ro cao về thời tiết có thể không đẹp (Venice không quá lạnh vì ở phía nam châu Âu), nhưng bù lại, khách sạn giá thấp hơn có thể đến 30-35% và không quá đông khách.
Ở Venice, nếu ăn trong nhà hàng thì sẽ đắt (mức trung bình khoảng 35 Euro, chưa kể còn có thêm các khoản phí phục vụ hay thuế nữa) và các món ăn Ý thì có lẽ thanh niên dễ thích nghi hơn người lớn tuổi (như mỳ Ý, Pizza…), nên nhiều người khá tốn kém khi đi chơi mấy ngày ở Venice. Với những người thích đi du lịch nhưng ít tiền như tôi, thì nên chọn cách phù hợp với khẩu vị mà lại chi phí thấp, đó là mua bánh mỳ và thịt nguội, cùng với táo hoặc quýt ở siêu thị và uống cà phê tan trong phích nóng…thì sẽ tiết kiệm được nhiều tiền và mang đi theo thì có thể dừng chân nghỉ, ăn uống bất cứ chỗ nào, lúc nào mình muốn!
Khi không phải lo nghĩ đến việc ăn, ngủ nữa thì bạn sẽ hoàn toàn thảnh thơi để đi ngắm Venice dù “dưới nước, hay trên cạn”. Tôi đã có một bài về Venice cách đây hai năm, chia sẻ với các bạn những hình ảnh của Venice trong hành trình đi bộ. Giờ tôi muốn chia sẻ những hình ảnh của Venice từ tàu chạy dọc các kênh rạch chằng chịt ở Venice.
Venice bao gồm những hòn đảo nhỏ, được nối với nhau bằng 400 cây cầu và rất nhiều tòa nhà được xây dựng ngoài rìa đảo nhỏ, trên những cây cột gỗ đóng xuống đáy đầm lầy (phá). Do vậy mà khi nhìn những ngôi nhà này từ phía tàu tôi cảm thấy “ái ngại” cho những ngôi nhà “dầm mình” trong nước.
Mặc dù người dân Venice đã sử dụng hệ thống “gom nước mưa” thông minh để có những giếng nước sạch cho sinh hoạt, nhưng trước thế kỷ XX việc sử dụng nước giếng khoan khá nhiều cũng là nguyên nhân khiến cho nền đất bị sụt xuống (khi các túi nước trở nên rỗng), và nhiều ngôi nhà ngày nay gần như ngày nào cũng được dịp “cọ rửa” (mỗi khi thủy triều lên).
Có lẽ ngôi nhà xinh đẹp này đã không sử dụng được tầng một từ lâu rồi.
Dinh Tổng trấn của Venice, bên cạnh nhà thờ Thánh Mark, nhìn từ phía kênh. Đây là công trình kiến trúc đặc biệt, được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ IX và được mở rộng, nâng cấp, sửa chữa (sau 3 lần hỏa hoạn thế kỷ XV-XVI) qua rất nhiều thế kỷ. Hiện nay là bảo tàng Vũ khí với nhiều chiến lợi phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Vương cung thánh đường Santa Maria della Salute – được xây dựng từ năm 1961, để tôn vinh Đức Mẹ Maria đã cứu giúp cho Venice khỏi dịch bệnh. Nếu đi bộ, bạn sẽ không bao giờ có thể chụp được bức ảnh nhà thờ, vì ở khoảng cách quá gần, nhưng bạn lại có thể ngồi trên bậc thềm của thánh đường để ngắm những con tàu đi lại trên con kênh lớn nhất đảo này.
Đài tưởng niệm vua Vittorio Emanuele II (1820-1878), vị vua đầu tiên của Vương quốc Ý, được xây dựng vào năm 1887. Đây là ảnh chụp lúc tàu đến Venice vào buổi sáng.
Đây là tượng đài được chụp khi đi bộ tham quan.
Còn đây là ảnh chụp tượng đài lúc tàu rời Venice vào cuối giờ chiều, khi những ngọn đèn trên phố và trong các cửa hàng đã bắt đầu được thắp sáng. Venice rất đẹp vào ban đêm, nhưng tôi mới chỉ ngắm Venice ban đêm trên đường phố, chứ chưa được ngắm về Venice đêm từ thuyền.