Pháo đài “Người đánh cá” Budapest

Trong quần thể kiến trúc trên đồi Lâu Đài gồm cung điện Buda, nhà thờ Matthias, thì pháo đài “Người đánh cá” giống như một vòng cung bảo vệ cho nhà thờ Matthias phía bờ sông Danube, Budapest. Đi thăm quần thể kiến trúc này xong là bạn đã có thể hình dung ra một phần lịch sử của một nửa Budapest rồi đấy!

Mô hình công trình pháo đài và nhà thờ bằng đồng này giúp mọi người hình dung dễ dàng hơn.

Một bức tượng bằng đồng Vua Stephen I – Vị vua đầu tiên của Hungary (1000-1038) cưỡi trên con ngựa, được dựng lên vào năm 1906, trên quảng trường nhỏ phía sau nhà thờ Matthias. Bức tượng theo phong cách Tân La Mã, kể về cuộc đời của nhà vua.

Người ta giải thích rằng, tên của pháo đài là “Người đánh cá” vì bức tường lâu đài Buda được hội ngư dân bảo vệ. Nhưng cũng có lý do khác cho rằng, tên “Người đánh cá” bắt nguồn từ một thị trấn bên dưới tòa tháp và hội ngư dân chịu trách nhiệm bảo vệ đoạn tường thành này trong thời trung cổ. Với lý do nào cũng đều hợp lý vì sông Danube từ thuở xa xưa đã là nguồn cung cấp thủy sản cho dân ở đây và nghề đánh cá được coi trọng mà.

Toàn bộ pháo đài có bảy tòa tháp, đại diện cho bảy bộ lạc Magyar định cư ở lưu vực Carpathian vào năm 895.

Mới nhìn tôi cứ ngỡ là một khu vui chơi của trẻ em, giống như Disneyland ấy, vì các tòa tháp có vẻ hơn nhỏ so với chức năng bảo vệ. Nhưng nhìn tổng thể, nhất là đứng từ dưới chân đồi nhìn lên thì đây là một công trình lớn.

Pháo đài “Người đánh cá”  được thiết kế và xây dựng từ năm 1895 đến 1902 theo kế hoạch của kiến trúc sư người Hungary là Frigyes Schulek, là một trong số công trình được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm thành lập nước Hungary. Việc xây dựng pháo đài đã làm sụt nền móng của Nhà thờ Dominican thế kỷ XIII ở gần đó.  Giữa năm 1947 – 1948, chính con trai của kiến trúc sư Frigyes Schulek là János Schulek đã tiến hành dự án phục hồi Pháo đài sau khi nó bị phá hủy trong Thế chiến II.

Từ trên pháo đài bạn có thể ngắm nhìn Budapest bên dưới, cả hai nửa Buda và Pest hai bên bờ sông Danube.

Tôi thấy có một vài nhóm “nghệ sĩ đường phố” biểu diễn tại đây. Tôi không biết họ là ai, những chắc chắn họ là những nhạc công chuyên nghiệp, bởi vì họ biểu diễn rất hay (tôi thích nhưng tôi không phải là người am hiểu về âm nhạc!)

Trong đoạn tường thành của pháo đài có một quán Café dành cho du khách.

Bạn sẽ không lấy làm ngạc nhiên, nếu thấy ai đó vác xe đạp theo các bậc thang để lên pháo đài, bởi vì họ sẽ tiếp tục đạp xe tham quan khá nhiều điểm nữa trên đồi Lâu đài này, sau khi thăm pháo đài, nhà thờ Matthias và cung điện Buda. Có nhiều cách để lên trên đồi Lâu đài, hoặc leo bậc thang, hoặc đi tàu điện cáp hoặc đi xe ôtô lên. Chúng tôi chọn lên bằng xe và xuống đi bộ.

Mọi người có thể lên đồi bằng tàu điện cáp này.

Tôi biết tất cả mọi người đều sẽ đến thăm nơi này khi có cơ hội đến Budapest. Hãy tận hưởng những cảm giác tuyệt vời ở đây, bởi tôi tin rằng đó sẽ là một trong những ấn tượng tuyệt vời nhất.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *