Chùa Thầy, Hà Nội

Ở thế hệ tôi, những người lớn lên ở Hà Nội, chắc ai cũng đã từng ít nhất một lần đạp xe đạp đi chùa Thầy khi còn học phổ thông. Tôi cũng đã theo chúng bạn đến chùa Thầy hai lần, khi còn học lớp 7, nhưng lúc đó đích chính của chúng tôi chỉ là hang động trong núi Thầy phía sau chùa, chui xuống đó tối om. Để nhìn được đường đi, chúng tôi đã đốt lốp xe đạp cũ, lúc lên khỏi hang lỗ mũi đứa nào cũng đen xì, tòan mùi khói cao su! Vì thế mà sau hai lần đi tôi vẫn chẳng nhớ trong chùa Thầy có gì, mà cũng có thể thời đó tín ngưỡng còn đang bị “hạn chế”, có khi chùa không mở cửa cũng nên.

IMG_1206

Ngay gần Hà Nội, đi xe máy cũng chỉ mất khoảng 40 phút, nhưng không phải ai cũng nghĩ đến việc đi “vãn cảnh” chùa Thầy khi có thời gian. Hiện tại xung quanh khu vực chùa Thầy đã khá sạch sẽ, hồ nước đã được kè đá, nên quanh cảnh chùa rất đẹp.

IMG_1080

Chùa được xây dựng từ thời nhà Đinh, đã từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ở Hà Nội chùa Láng cũng khá nổi tiếng, đó là nơi tu hành giai đoạn đầu của Từ Đạo Hạnh, còn chùa Thầy là nơi diễn ra quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác. Khi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì thì nơi đây mới chỉ có am nhỏ tên là Hương Hải. Sau đó vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại chùa Cao  – Đỉnh Sơn Tự ở trên núi và chùa Dưới tức là chùa Cả – Thiên Phúc Tự. Đầu thế kỷ XVII gia đình hoàng tộc đã xây dựng thêm điện thờ Phật, gác chuông…

IMG_1125

Phía trước chùa có một hồ nước rộng là hồ Long Trì, ở giữa là Thủy đình, viên ngọc giữa miệng rồng. Đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước. Từ Đạo Hạnh được cho là ông tổ của hình thức biểu diễn dân gian này.

IMG_1184

Hai bên sân rộng trước cửa chùa có hai cây cầu là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều nối sang hai bên bờ, tạo thành hai râu rồng, mà chùa giống như đầu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi và hang phía sau chùa.

IMG_1085

Cầu có mái rất đặc biệt, tôi chưa gặp những cây cầu như thế này ở miền Bắc.

5

Chùa Thầy được coi là một trong những ngôi chùa mang đậm dấu ấn của phái Mật Tông, chủ trương dùng hình tượng cụ thể kết hợp với mật chú, mật ngữ để khai mở trí tuệ và giác ngộ, thường sử dụng các yếu tố: phong thuỷ, nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, sắp đặt điêu khắc, đồ thờ để tạo hiệu quả thị giác, để người Phật tử tự suy ngẫm đi đến giác ngộ.

IMG_1114

Cửa chính của chùa Thầy hướng ra hồ nước, phía trước có một cái sân rộng. Cửa này rất ít khi mở, có lẽ chỉ vào dịp lễ, Tết, nên khách vãng lai sẽ đi vào bằng cửa ngách phía dưới tháp chuông.

IMG_1185

Chùa Thầy cổ gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, nhưng chỉ có thể nhận ra hoặc từ trên cao, hoặc khi bước vào bên trong. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Chùa Thượng được ngăn cách khu riêng. Ảnh dưới là bức tường bên phải chùa, dọc hành lang bên trong có đặt tượng các vị La Hán.

IMG_1188

Chùa Hạ là nhà tiền tế, có bàn thờ Đức Ông và Đức Thánh hiền và một cái khánh lớn.

IMG_1148

IMG_1145

Ban thờ khi bước vào chùa Hạ.

IMG_1146

Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Các pho Kim Cương đứng trong những tư thế võ mạnh mẽ, sống động.

IMG_1169

Chùa Trung đặt bàn thờ Phật, trên cùng là bộ tượng Tam Thế (Quá khứ, hiện tại, tương lai) tượng trưng cho ba ngàn đức Phật trong ba kiếp, cho tính bình đẳng về Phật tính, do đó ba pho tượng hình dáng, kích thước tư thế tọa thiền tương tự nhau chỉ khác thế tay và một vài chi tiết trang trí.

3

Theo chiều dọc gồm tượng Tuyết Sơn – Di Lặc – Thích Ca sơ sinh.

IMG_1166

Hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương.

IMG_1167

IMG_1149

 Tại chùa Trung có hai pho tượng Hộ pháp được cho là lớn nhất trong các ngôi chùa Việt Nam, cao gần 4m. Tượng Hộ pháp được đắp bằng đất thó, giấy bản giã nhỏ trộn với mật, trứng, nên sau hơn ba trăm năm vẫn còn nguyên vẹn.

IMG_1155

Chùa Thượng xây cách chùa Trung và chùa Hạ và nằm ở vị trí cao hơn.

IMG_1143

Trên cao nhất là tượng Di Đà Tam tôn: Bồ Tát Đại Thế Chí – A di đà – Bồ Tát Quan, được tạc vào đời Mạc. Phật A Di Đà ngồi giữa dáng vẻ phúc hậu. Pho tượng Quán Thế Âm bên phải ngồi buông chân trái xuống, chân phải co lên, tay cầm một cây phất trần, dáng vẻ ung dung. Pho Đại Thế Chí ngồi xếp bằng, hai tay bắt ấn mật phùng. Ba pho tượng mỗi pho một vẻ không giống nhau, tạo thành một bộ tượng đẹp đặc biệt.

IMG_1139

Phía dưới, chính giữa là tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật. Tượng được tạc vào thế kỷ XIX, khuôn mặt khắc khổ, nổi rõ mạch máu, ngồi xếp bằng tròn trên một bệ hoa sen. Bệ hoa sen đặt trên một con sư tử cuộn tròn, dưới con sư tử là một bệ bát giác. Hiện nay tượng được đội mũ hoa sen và khoác áo vàng.

IMG_1140

Bên tay trái có bàn thờ Vua Lý Thần Tông, tương truyền Từ Đạo Hạnh sau khi đã hóa, đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và trở thành nhà vua Lý Thần Tông. Tượng Lý Thần Tông đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng phía sau nên tối và bị lấp rất khó chụp hình.

IMG_1137

Trước ban thờ vua Lý thần Tông có một đôi Phượng Hoàng gỗ và hai tượng Phỗng thế kỷ XVIII trông rất sống động.

IMG_1135

Bên tay phải có bàn thờ Từ Đạo Hạnh trong kiếp Thánh, ngồi trong một khám gỗ chạm trổ. Bức tượng này có cốt bằng tre, có thể cử động. Tương truyền xưa kia mỗi khi mở cửa khám thì tượng tự động nhỏm dậy chào. Sau một vị quan triều Nguyễn nói rằng “Thánh thì không phải chào ai cả”, nên tháo hệ thống khớp nối, từ đó tượng ngồi yên. Pho tượng này thể hiện nghệ thuật làm rối nước của dân gian.

IMG_1138

Hai dãy hành lang có đặt các bức tượng La Hán.

IMG_1105

Đầu dãy hành lang là gác chuông, gác trống.

IMG_1130

Phía sau sân chùa là gian thờ Mẫu và Phật Tổ.

IMG_1104

Trong gian điện có bàn thờ Phật Tổ và tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh.

IMG_1119

IMG_1116

Ban thờ Phật Bà Quan Âm Tống Tử.

IMG_1120

Bàn thờ Phật Thích Ca sơ sinhđặt ở bên tay phải gian điện.

IMG_1122

Vì cửa chính của chùa đóng, nên ngày thường mọi người phải đi cửa ngách để vào chùa.

IMG_1195

Khi chúng tôi đến chùa không có khách thập phương, chỉ có mấy bà vãi lo cắm hoa dọn dẹp chùa. Khi chúng tôi ra về có một đoàn khách Pháp đến tham quan. Một ngôi chùa cổ và linh thiêng nếu có nhiều người đến vãn cảnh và đi lễ sẽ càng vượng khí.

IMG_1189

 Khách du lịch có thể đi thăm chùa Thầy, chùa Tây Phương trong một buổi sáng, nếu có ít thời gian ở Hà Nội.

 

You Might Also Like

2 Replies to “Chùa Thầy, Hà Nội”

  1. Chùa Thầy nhiều người đã từng đến, trong đó có tôi. Nhưng hiểu rõ và đầy đủ như thế này không phải ai cũng biết (kể cả tôi ?). Người dẫn chuyện thật sự tâm huyết với nghề, đam mê với những giá trị văn hóa, tinh thần cũng như tự nhiên của các tài nguyên du lịch này. Mình sẽ tìm hiểu ở blog này trước khi đi du lịch, mong tác giả viết thật nhiều, kể thật chi tiết, vẽ nên những bức tranh thật đẹp về ngững tài nguyên du lịch quý giá của mọi vùng miền trong và ngoài nước nhé! Cám ơn bạn rất nhiều ?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *