Chùa That Luang ở Luang Phrabang

Những ai đã từng đến Vienchan, thủ đô của Lào chắc chắn đều vào thăm That Luang – biểu tượng của nước Lào. Ở Luang Phrabang cũng có chùa (vat) That Luang, tuy không được xếp đứng đầu điểm đến, nhưng tôi thấy chùa có nhiều điểm đặc biệt.

Từ cổng chùa vào đã thấy bóng mát của cây bồ đề lớn, bên dưới là những bức tượng Phật Thích Ca trong các tư thế khác nhau. Chùa không nằm trên trục đường phố chính của Luang Phrabang nên có diện tích rộng rãi và nhiều cây lớn.

Hai bên bậc thang dẫn lên sân chùa là hai con rắn thần Nagas xanh trắng bảy đầu trấn giữ. Có vẻ như đạo Phật ở đây chịu ảnh hưởng của Phật giáo Khmer rất nhiều. Các chùa Luang Phrabang thường có tượng rắn thần Naga, gắn với truyền thuyết quấy biển sữa để tranh thuốc trường sinh mà tôi được nghe kể khi đi thăm Angkor Wat.

Truyền thuyết nói rằng địa điểm dựng chùa có liên quan đến một tu viện cổ xưa từ trước công nguyên khi vị sư từ Ấn Độ đến truyền giáo, nhưng không có di tích bằng chứng. Một số di tích có thể từ thế kỷ XII, chứng minh địa điểm này là một dấu tích Phật giáo lâu đời. Vat That Luang hiện nay được vua Manthatourath xây dựng năm 1818, có kiến trúc khác với các chùa Phật tại Luang Phrabang. Chùa chỉ có một mái giữa và một mái thấp hơn khác bao quanh toàn bộ tòa nhà, không có mái hiên và cũng không có mái dốc truyền thống các chùa ở Luang Phrabang.

Có ba cửa ra vào ở phía trước và hai cửa vào từ bên cạnh. Các cánh cửa đều được trạm khắc rất tinh xảo về câu chuyện Phật giáo nhưng gắn với các truyền thuyết thần tiên.

Bên trong gian điện lớn cũng được chia thành ba phần do hai hàng cột hình vuông lớn trang trí bằng các bông sen mạ vàng ngăn cách. Bức tượng Phật Thích Ca lớn ở chính giữa ban thờ bằng đồng và mạ vàng nặng khoảng 600 kg, được đưa từ Wat Aham Mungkhun về (ngôi chùa này giờ không còn vì đã bị hư hỏng nặng).

Khi chúng tôi đến, bên trong gian điện có một vị sư đang làm lễ cho một người dân thường, nhưng trong lịch sử Vat That Luang từ lâu đã là một trong những địa điểm tổ chức các nghi lễ Phật giáo quan trọng có sự tham gia của hoàng gia. Trong quá khứ, lễ hội Tat tháng 12 được chính nhà vua chủ trì. Như vậy là ngày nay Vat That Luang là nơi thực hành nghi lễ Phật giáo cho tất cả mọi người dân.

Vat That Luang cũng là địa điểm đầu tiên sử dụng công nghệ mới (sử dụng điện) cho việc hỏa táng thành viên của hoàng gia, đó là lễ hỏa táng Vua Oun Kham vào năm 1896. Trước kia, việc thiêu xác nhà Vua theo truyền thống là hỏa táng trên giàn thiêu đốt bằng củi lớn, lửa cháy rực sáng cả Luang Phrabang, nhưng người Pháp đã đưa công nghệ hỏa thiêu bằng điện vào Luang Phrabang và áp dụng đầu tiên tại đây.

Bảo tháp tang lễ vàng trước gian điện chứa tro cốt của vị vua Lào nổi tiếng và cuối cùng, Sisivang Vong (mất năm 1959). Đây là nơi kỷ niệm tưởng niệm Vua hàng năm, người dân Luang Phrabang vẫn đến đây để làm lễ vua.

Bảo tháp lớn phía sau có từ năm 1818 được cho là lưu giữ xá lị của Đức Phật. Một số bảo tháp nhỏ hơn lưu giữ tro cốt của các vị vua, các thành viên khác của hoàng gia và một loạt các chức sắc khác.

Gác trống và các gian nhà dành cho các sư tăng sống và tu học.

Một gian điện mở có lẽ mới được xây đặt rất nhiều bức tượng của Phật Thích Ca ở các tư thế khác nhau.

Ngoài sân chùa có một dãy tượng Phật Thích Ca và hai vị thần, ngồi trầm tư dưới bóng cây, lặng lẽ chứng kiến vạn vật trôi qua theo thời gian.

Hai chiếc thuyền rất dài, nhưng lại hẹp, có lẽ chỉ ngồi được một người theo chiều dọc, được sử dụng trong các nghi lễ trên sông Mekong.  

Tượng trang trí trong sân chùa.

Chùa nằm trên một khu đất cao, nhìn xuống quảng trường rộng bên dưới, trước đây là sâ vận động, giờ tổ chức thành công viên vui chơi giải trí và mua sắm của Luang Phrabang.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *