Chúng tôi chỉ có một ngày ở Mandalay nên trước chuyến đi đã lên lịch trình các điểm muốn tham quan rất chi tiết (có tính cả thời gian di chuyển), và vào buổi tối hôm trước chúng tôi đã đặt thuê xe máy của lễ tân khách sạn. Để tận dụng thời gian, chúng tôi sẽ sử dụng xe từ 7:30 sáng đến 8:00 tối với giá là 20.000 kyat (300k) và người chủ xe rất cẩn thận đã đổ đầy xăng. Bữa sáng chớp nhoáng tại khách sạn và mấy tấm hình chụp vội từ nhà hàng tầng 7 của khách sạn cho chúng tôi những ấn tượng đầu tiên về cố đô Mandalay – kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng của Myanamar.
Được xây dựng năm 1857 vào đúng kỷ niệm 2400 năm Phật giáo, cố đô Mandalay được xây dựng theo lời tiên tri về sự ra đời của một kinh đô của Phật giáo. Hoàng cung được bảo tồn nguyên vẹn, nằm trong một khuôn viên 413ha, có tường gạch cao, có các vọng lâu lớn ở bốn góc và cứ 69 mét lại có một cổng ra vào, được bảo vệ cẩn thận.
Xung quanh hoàng cung bốn mặt đều có hào rộng 64 mét và sâu tới gần 5 mét bao bọc. Có tất cả 5 cầu bắc qua hào dẫn vào cổng thành, nhưng chỉ có một cổng cho phép người nước ngoài vào tham quan (giá vé là 10.000kyat). Vỉa hè dọc theo hào nước và con đường bao quanh hoàng cung là nơi người dân tập thể dục, đi dạo và chúng tôi đã có gần một giờ ngồi ngắm hoàng hôn ở đây.
Chúng tôi thực hiện lịch trình đi xa về gần, chọn điểm tham quan xa nhất để đi trước. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đi sang làng Mingun bằng phà qua sông Ayeyarwady (chỉ có chuyến duy nhất khởi hành lúc 9:00 sáng về trở về lúc 1:30 chiều, đi mất 1 giờ với giá vé 5.000kyat/ người), sau đó chúng tôi dự định sẽ chạy xe máy dọc bờ sông rồi đi đò sang làng cổ Inwa. Ảnh dưới là con đường dọc sông đến làng Mingun.
Kế hoạch là vậy nên chúng tôi ra bến phà sớm, định mua vé xong cho chắc chắn rồi đi lượn quanh đó chờ tới giờ khởi hành. Nhưng khi ra đến bến phà chúng tôi mới biết không hề có phà qua sông Ayeyarwady, mà chỉ có những con thuyền du lịch lớn, chở khách sang làng Mingun tham quan và chở về và họ không nhận chở xe máy. Muốn sang được đó cùng xe máy, chúng tôi phải thuê thuyền riêng! Giờ tôi mới hiểu tại sao họ lại bán vé khứ hồi, và tại sao lại chỉ có một chuyến mỗi ngày, vì nó phù hợp với thời gian tham quan Mingun. Ảnh dưới chụp tại chùa Trắng Mingun.
Vậy là chúng tôi thay đổi kế hoạch đến Mingun bằng phà, mà sẽ chạy xe máy. Nếu đi phà thì 10:00 du khách mới đến Mingun, chạy xe máy chúng tôi cũng mất gần 1 giờ như vì khởi hành ngay (mới hơn 8:00 thì chỉ hơn 9:00 chúng tôi đã có mặt ở Mingun rồi. Mặc dù Mingun nằm bên kia sông, cách trung tâm Mandalay khoảng 11km (bên kia sông về phía tây), nhưng chỉ có duy nhất một cây cầu bắc qua sông, nằm cách bến phà này gần 30km. Như vậy, chúng tôi phải chạy xe dọc sông ngần ấy quãng đường, rồi lại chạy bờ bên kia theo chiều ngược lại, tổng cộng khoảng 55km. Đây là cây cầu duy nhất bắc qua sông.
Chúng tôi đã có một hành trình thú vị trên đường đến Mingun. Người dân Myanmar ngồi trên nóc xe hay những chuyến xe chật ních người đều là chuyện bình thường.
Hay bắt gặp cả đàn dê đang diễu hành trên đường, chẳng mẳy may quan tâm đến những kẻ cùng sử dụng chung đường.
Những quầy bán dưa hấu, bí đỏ, bí xanh dọc hai bên đường và quả rất to (nếu ở nhà mình mà nhìn thấy chắc chắn là do thuốc tăng trưởng, nhưng ở Myanmar đất rộng mênh mông nên tôi nghĩ do đất tốt, hy vọng là tôi đã đúng!).
Đoạn đường gần đến cầu qua sông, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều bảo tháp vàng, trắng nổi bật trên sườn núi phía bên kia sông. Đất nước của chùa tháp, nên đi đến đâu cũng thấy những ngôi chùa rất lớn.
Dọc đường chúng tôi nhìn thấy rất nhiều người dân sống nghèo khổ trong các ngôi nhà siêu vẹo bằng những phiến liếp (đan từ tre). Nhưng nhìn khuôn mặt họ thì tôi lại không hề thấy họ đau khổ. Thỉnh thoảng giữa những ngôi nhà nghèo lại hiện lên một ngôi chùa tháp to lớn, khang trang. Người ta nói rằng, người Myanmar kiếm được bao nhiêu tiền đều đem cúng cho chùa hết, và tôn tin là đúng như vậy.
Đây là hàng bia công đức phía đối diện một tu viện.
Lâu lâu là nghe thấy loa và tiếng nhạc khá to vang lên, đến gần thì thấy các cô gái hoặc mấy người già đứng hai bên đường, tay bưng âu để nhận tiền công đức của khách qua lại thập phương. Có lẽ ngôi chùa ở vùng đang cần sửa chữa nâng cấp, hoặc chuẩn bị xây chùa mới…
Chúng tôi dành khoảng gần 2 giờ để thăm Mingun (vé tham quan là 5.000kyat/ người) với đền cổ Mingun xây năm 1790 nhưng dở dang vì theo lời thấy bói, đền xây xong thì vua sẽ chết và hai con sư tử khổng lồ đã bị trận động đất năm 1883 làm rụng mất đầu.
Chùa Hsinbyume sơn màu trắng toát, tượng trưng cho núi thiêng Phật giáo Meru, quả chuông Mingu lớn nhất Myanmar… Những chi tiết về những điểm hấp dẫn của Mingun tôi sẽ chia sẻ trong các bài sau nhé.
Sau khi tham quan Mingun xong, chúng tôi trở lại bằng con đường đã đến, cho tới khi vượt qua sông bằng cây cầu duy nhất, thì tiếp tục hành trình để đến làng Inwa cổ, nơi đã là cố đô trong khoảng 400 năm và gắn với nhiều câu truyện lịch sử ly kỳ. Ảnh dưới là một cổng vào thành của cố đô cũ Inwa vẫn còn giữ được.
Chúng tôi phải hỏi đường đến bến đò, khi nó đã ở ngay trước mặt, bởi vì đơn giản là nó rất bé. Và chúng tôi không dám tin tưởng có thể đưa xe máy qua sông trên con đò nhỏ được. Sau khi mua vé đò (5.000 kyat/ người) chúng tôi dè dặt hỏi người bán vé không biết sẽ dựng xe máy ở đâu. Ông ấy bảo dựng đâu cũng được, còn nếu muốn sử dụng để đi trong làng Inwa thì chở cả xe sang.
Chúng tôi rất mừng và trả thêm 5.000 kyat cho chiếc xe máy, rồi tính nhẩm sẽ hết 15.000 kyat nữa khi qua lại. Nhưng lúc về bên bờ kia không thấy ai thu tiền vé cả. Thì ra ở đây người ta cũng bán vé hai chiều, vì khách du lịch chỉ có một con đường đến và về thôi.
Khách du lịch thường tham quan Inwa bằng xe người (10.000-15.000 kyat / xe đi 1-2 giờ), nên ngay khi lên bờ, chúng tôi đã thấy vô số xe ngựa đỗ dọc con đường hẹp, quá nhiều xa và rất ít khách (mới bắt đầu vào mùa du lịch nước ngoài).
Chúng tôi tham quan làng Inwa khoảng 2 giờ, bao gồm cả thời gian ngồi uống nước dừa (2.000 kyat/ quả) và ăn đồ ăn nhanh chúng tôi mang theo. Có rất nhiều quán nước và nhà hàng trong làng, nhưng chúng tôi không tìm thấy chỗ nào có thức ăn phù hợp. Có lẽ vì hơi muộn, lúc này đã gần 2:00 chiều rồi.
Tôi sẽ trở lại với mọi người về Inwa trong bài sau. Giờ thì chúng tôi phải xuống đò để còn đi cầu Ubei và trở về Mandalay cho kịp. Chiều quay lại trên đò chỉ có hai chúng tôi và chiếc xe máy!
Cầu Ubei là cây cầu bằng gỗ tếch dài nhất thế giới với 1,2km, xây dựng năm 1850. Khi chúng tôi đến thì nước dưới sông cạn, nên chụp ảnh không đẹp. Đã có gần 170 năm mà cây cầu vẫn vững chắc. Mọi người thường đến đây chụp ảnh hoàng hôn, nhưng chúng tôi không thể chờ đến lúc có thể ngắm cây cầu này đẹp nhất.
Điều tôi không thích là ở xung quanh khu vực cầu có quá nhiều hàng quán và người ăn xin (đây là nơi duy nhất tôi thấy có người ăn xin ở Myanmar). Khu vực này ngoài cây cầu Ubei nổi tiếng còn có mấy ngôi chùa lớn, do vậy có nhiều khách thập phương đến.
Về đến trung tâm Mandalay chúng tôi vào một quán ăn khá đông đúc. Đã 3:00 chiều, trog quán chủ yếu là đàn ông. Không phải giờ ăn trưa, cũng không phải là bữa tối, nhưng rất đông nam thực khách. Quán này bán món đặc biệt là các loại bánh rán gần giống bánh gối nhà mình (nhưng vỏ dầy hơn và rất mỡ) và các loại quẩy. Chúng tôi gọi thử một đĩa 4 bánh gối và sau đó thì ăn hai bát bún (giống bún riêu cua).
Những người đàn ông tới đây thường đi với bạn, họ vừa ăn bánh vừa nói chuyện tán gẫu, hoặc đọc báo. Giống như ngồi cà phê nhà mình vậy.
Ăn xong bữa giữa chừng, chúng tôi thấy lại sức, đủ để tiếp tục khám phá Mandalay. Điểm đầu tiên chúng tôi chọn là ngọn đồi Mandalay cao 240 mét, nơi có ngôi chùa Sutangpyei rất nổi tiếng.
Chúng tôi chạy xe máy theo con đường rất dốc, với tôi là khá nguy hiểm để lên chùa. Cũng may là đường một chiều nên không phải tránh xe. Khi chúng tôi đi thang máy lên đến chùa thì trời mưa bóng mây, không khí ẩm do hơi nước bốc lên (vé tham quan là 2.000 kyat). Tôi sẽ kể cho mọi người nghe sau về chùa này nhé. Chúng tôi không dành nhiều thời gian ở đây, vì Mandalay còn có rất nhiều điểm tham quan nữa, cần phải đi trước khi trời tối. Điểm tiếp theo là hoàng cung Mandalay, với rất nhiều điểm tham quan bên trong, mà nếu có thời gian, mọi người sẽ đi thăm ít nhất là một buổi. Giá vé vào là 10.000 kyat. Ảnh dưới là một trong 5 cây cầu bắc qua hào dẫn vào hoàng cung.
Trời đã bắt đầu tối. Cho tới lúc phải trả xe máy là 8:00 tối chúng tôi còn gần 3 giờ, nên đủ thời gian đi ăn tối ở khu phố Tàu và ghé thăm mấy ngồi chùa lớn của Mandalay là chùa Khuthodaw ở chân núi Mandalay có kiến trúc giống chùa Shewzigon của Bagan, cũng có bảo tháp lớn mạ vàng. Chúng tôi đên tu viện Shwenandaw lúc trời đã tối, nên chỉ tham quan mà không chụp được hình bên ngoài. Ảnh dưới là các quầy hàng ăn trên đường ở khu phố Tàu.
Chúng tôi đã chạy khoảng 150km và phải đổ thêm 2.500 kyat tiền xăng. 8:00 trở về khách sạn, trả xe và “tắm nhờ” khách sạn, thay quần áo rồi lên taxi để ra bến xe. 9:00 chúng tôi đã bắt đầu hành trình dài 715km đi về Yagon.