Chúng tôi đã thấy một làng chài của những người Việt, di cư từ vùng đồng bằng sông Cửu long, sang cư trú không giấy phép trên Biển Hồ Tonlesap – Campuchia.
Những người dân Việt sống quây quần lại với nhau trong các căn nhà tạm bợ, nghèo nàn.
Biển Hồ Tonlesap vừa là nguồn cung cấp thực phẩm hàng ngày, những con cá con tôm đánh bằng lưới nhỏ hoặc các dụng cụ thô sơ, vừa cung cấp nước dùng cho sinh hoạt và cũng là nơi sả rác của các gia đình ở đây.
Cuộc sống của những người dân Việt lưu lạc chủ yếu quẩn quanh bên cạnh một nhà hàng nổi của người Campuchia, chuyên phục vụ khách du lịch.
Cùng với những đứa trẻ lớn nhỏ, bà mẹ này đang cố chèo chiếc thuyền nhỏ của họ để bám vào con thuyền chở khách du lịch.
Họ cố gắng chèo kéo, nài nỉ, thậm trí sai những đứa trẻ van xin để những người khách rủ lòng thương hay không thể kiên nhẫn thêm được nữa, hạ cố mua một thứ gì đó vô giá trị của họ hoặc tệ hơn là chìa tay xin tiền.
Cuộc hỗn chiến xảy ra giữa đám trẻ con nhà hàng nổi Campuchia đang cố đạp xuống nước những đứa trẻ Việt vừa bám lên thuyền du lịch.
Ở một góc khác của nhà hàng nổi, nơi không ai canh giới, những chiếc thuyền con đã neo chặt và lũ trẻ Việt chiếm các vị trí cần thiết để bắt đầu công việc … xin ăn
Những đứa trẻ không được đến trường, chúng nói tiếng Việt và xin tiền bằng tiếng Việt, nhưng chúng không biết chúng đang sống ở đâu và tại sao những đứa trẻ trên nhà hàng nổi lại đuổi và chửi chúng bằng thứ tiếng chúng không hiểu?
Biển Hồ Tonlesap rộng mênh mông, cũng không thể nuôi sống những người Việt tha phương, trôi dạt trên sông nước.
Quế Nga, Biển Hồ Tonlesap, Campuchia 2007