Nằm ngay ở trung tâm Luang Phrabang là ngọn núi Phou Si, trên đỉnh núi có bảo tháp màu vàng Wat Chom Si, mà từ xa bạn đã nhìn thấy và luôn có mong muốn được đặt chân lên đỉnh ngọn núi này.
Núi Phou Si là một ngọn đồi cao 100 m, nằm ở giữa bán đảo phố cổ, một bên là sông Mê Kông và bên kia là sông Nam Khan. Vì vô tình mà tôi đã lên và xuống núi Phou Si bằng ba con đường khác nhau. Ngày đầu tiên, khi đi bộ trong phố cổ, tôi nhìn thấy bảo tháp trắng của chùa Siphoutthabat Thippharam, nên đã vào thăm ngôi chùa.
Đây là một ngôi chùa cổ, có kiến trúc ba mái chồng đặc trưng của chùa Lào cổ, có lẽ đã lâu lắm rồi không được trùng tu, sửa chữa.
Bàn thờ Phật bên trong ngôi chùa với bức tượng Phật Thích Ca lớn rất giản dị và hoa văn trang trí trên tường và các cây cột lớn đã phai màu vì thời gian.
Sau đó chúng tôi đi ra phía sau ngôi chùa, nơi ở của các sư tăng và một gian điện thờ có vẻ mới, mái ba tầng khác với chùa cổ.
Và tôi thấy có đường lên núi, nên tôi đã theo con đường này đi lên núi. Đây là một góc khác của núi Phou Si.
Trên đường đi, tôi ra nhìn thấy rất nhiều bức tượng Phật. Có nhiều bức trên vách núi.
Cũng có những bức tượng ngồi trong hang đá nông.
Ở đây tôi đã nhìn thấy một sư tăng nhỏ tuổi có đôi mắt buồn và khuôn mặt nghiêm nghị. Chúng tôi xin phép được chụp ảnh và cậu bé quay lại nhìn sư phụ để chờ ý kiến và khi sư phụ gật đầu thì cậu bé trở lại cảm xúc ban đầu.
Tôi không đi tiếp vì nhìn thấy con đường phía trước có vẻ như đi sâu vào rừng (lúc đó tôi chưa biết đó là đường lên đỉnh núi Phou Si) nên quyết định đi xuống theo con đường cũ. Hai bên đường được trang trí bằng những con rắn (giống rắn naga hơn là rồng!)
Ngày hôm sau, tôi đã lên núi Phou Si bằng con đường từ trung tâm, đối diện với Hoàng cung. Đây là bảo tháp phía trước đường lên núi.
Một ngôi chùa cổ, được giới thiệu là có những bức tranh vẽ trên tường rất cổ, hiện được coi là một bảo tàng.
Những họa tiết trang trí phía trên mặt tiền của chùa rất tinh xảo và có dùng cả kính để khảm.
Bàn thờ bên trong gian điện và những bức tranh cổ trang trí.
Từ đây bạn có thể nhìn ngắm Hoàng cung phía đối diện đang rất đông khách du lịch tham quan.
Và ngôi chùa trong Hoàng cung lộng lẫy, nơi cất giữ bức tượng Phật cổ.
Vé lên núi là 20.000 kíp và con đường dẫn lên đỉnh có hơn 300 bậc thang, có đoạn dốc, nhưng cũng dễ đi, nằm giữa những cây đại già đứng chênh vênh bên sườn núi đã bao thời gian.
Lên cao hơn, tôi nhìn thấy mái của hoàng cung, nằm thấp thoáng giữa tán cây xanh phía xa và những cành đại già trước mặt. Phía sau là sông Mekong.
Gian điện thờ của That Chom Si trên đỉnh núi cao 20m, cũng rất đơn giản.
Tháp That Chom Si được xây dựng từ năm 1804, là biểu tượng văn hoá và tín ngưỡng của cố đô Luang Prabang.
Từ đây bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Luang Phrabang bên dưới. Bạn sẽ thấy một thị trấn rất đẹp, thanh bình giữa màu xanh của những cây cau cao gầy.
Dòng sông Mekong rộng lớn ôm lấy thị trấn và những ngọn núi phía xa.
Đây là cây cầu sắt bắc qua sông Nam Khan và phía xa là ngôi chùa tháp Paphonphao Vacnaram.
Sau đó chúng tôi xuống núi bằng con đường dẫn ra bờ sông Nam Khan.
Con đường đi dẫn chúng tôi qua khu chùa có nhiều tượng bên ngoài trời, đặc biệt có bức tượng Phật Thích Ca Niết Bàn rất lớn, mà tôi chỉ có thể chụp được nửa trên.
Và bức tượng Phật đưa hai tay ra phía trước, với ý nghĩa ngăn chặn mọi tranh cãi, mâu thuẫn, chiến tranh, khuyên nhủ mọi người nên giải quyết mọi chuyện một cách bình tĩnh, ôn hòa.
Và có một bàn thờ Phật lớn trong một cửa hang.
Trên trần hang có vẽ những bức tranh về truyền thuyết về các thiên thần trong cuộc tranh giành nước trường sinh (theo tôi hiểu, gần như sự tích rắn naga quấy biển sữa!)
Khi chúng tôi chui xuống hang thì thấy trong hang có một khu thờ tự lớn, với những bức tượng Phật và tượng một tu sĩ.
Chuyến leo núi Phou Si thật ấn tượng kết thúc, khi chúng tôi đi xuống trong tiếng chuông chiều do một sư tăng nhỏ tuổi đang lấy hết sức đánh chuông. Tôi nghĩ mình thật may mắn!