Chùa Visounarat, Luang Phrabang

Luang Phrabang có tới hơn 30 ngôi chùa, nên với thời gian ba ngày, chúng tôi phải lựa chọn một số ngôi chùa đặc biệt hơn để đến thăm và chùa (tiếng Lào gọi là wat) Visounarat là một trong số đó.

Ngôi chùa Visunarat đặc biệt có một bảo tháp rất lớn, mới được sơn lại màu trắng, mà khi tôi đi xe máy lướt qua, tôi đã quyết định phải vào thăm bằng được.
Wat Visunarat được xây dựng năm 1513 là ngôi chùa cổ nhất ở Luang Prabang. Chùa từng được trùng tu và xây dựng lại trong khoảng năm 1896-1898, nên những gì chúng tôi nhìn thấy hôm nay có lịch sử hơn một trăm năm.

Bảo tháp trắng uy nghi cao tới 34,5m có tên là Tha Pathum, chính là điều thu hút sự chú ý của tôi khi đi ngang qua đây, được xây dựng từ năm 1503 theo lệnh của hoàng hậu vua Visunarat và được hoàn thành trong 19 tháng (nên chùa được đặt theo tên của nhà vua). Tha Pathum đã từng bị hư hỏng và được khôi phục, trùng tu vào các năm 1895 và 1932 và vừa mới được sơn trắng lại.

Để vào thăm bên trong gian điện chính của chùa, bạn phải mua vé 20.000 kíp. Thật sự tôi cảm thấy không thoải mái lắm khi vào một nơi thờ tự tôn giáo mà phải mua vé, tuy nhiên gian điện thờ không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là một bảo tàng lưu giữ rất nhiều bức tượng cổ.

Đây là ban thờ chính, với bức tượng Phật Thích Ca rất lớn và rất nhiều bức tượng các kích cỡ khách nhau, nhưng đều là tượng Phật Thích Ca.

Đây là điều khác biệt giữa chùa phái Tiểu Thừa và Đại Thừa. Các chùa phái Tiểu Thừa chỉ thờ Phật Thích Ca và trong chùa thường có rất nhiều tượng kích cỡ khác nhau do người dân cung tiến, nhưng đều là tượng Phật Thích Ca.

Đây là những bức tượng được thu thập từ các ngôi chùa, tháp đã bị hư hỏng đổ nát tại Luang Phrabang và các khu vực lân cận. Nhiều bức tượng có niên đại từ thế kỷ XIV được làm từ đá và gỗ, ngoài phủ sơn ta và thiếp vàng bên ngoài, trải qua thời gian vẫn còn giữ được đến giờ.

Các bức tượng cổ chủ yếu có ba tư thế, một là hai tay chỉ xuống đất, đó là lời cầu mưa, đối với một đất nước nông nghiệp thì mưa thuận gió hòa là điều kiện tốt cho tất cả người dân.

Thế thứ hai là hai tay đưa ra trước, với ý nghĩa là ngăn chặn chiến tranh, xung đột, hãy bình tĩnh để giải quyết mọi việc một cách nhẹ nhàng, ôn hòa.

Thế tay thứ ba là một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, với ý nghĩa là có trời, có đất làm chứng, mọi việc trong cuộc sống có thể bất công, nhưng hãy sống trung thực, đúng với lương tâm mình. Tư thế này ít thấy ở các bức tượng đứng, mà chỉ thấy ở bức tượng Phật ngồi tòa sen.

Bên tay trái của bàn thờ chính có bức tượng của một vị sư giống hệt như trong bức ảnh thờ phía trước. Tôi không biết có phải là xác ướp của vị sư đó không.

Trong gian điện có rất nhiều chiêng kích cỡ khác nhau. Trên mỗi chiếc chiêng đều có ghi tiếng Lào, chắc nói về người cung tiến, hoặc lai lịch của nó, nhưng tôi không biết tiếng nên không hiểu mức độ giá trị hay niên đại của từng cái. Chụp ảnh một vài cái lớn nhất thôi.

Đây là một cánh cửa ngách của giân điện chính, được trang trí bằng bức phù điêu rất tinh xảo.

Phía sau chùa chính là nơi ở của các nhà sư sinh sống và học tập tại Wat Visunarat.

Đây là gác trống. Chùa Phật ở Luang Phrabang thường chỉ có gác trống, không có gác chuông, họ sử dụng chiêng thay cho tiếng chuông khi cử hành lễ nghi tôn giáo.

Cổng chùa Visunarat cũng không giống như các cổng chùa khác, có hình như một bảo tháp.

Chùa Visunarat Luang Phrabang là một trong số chùa bạn nên đến thăm khi đặt chân tới cố đô này. Và chỉ một bước chân qua một cái cổng nhỏ thôi là bạn sẽ bước sang ngôi chùa bên cạnh, chùa Aham.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *