Cảm nhận Shangri La

Tôi đã đến Tây Tạng và thăm thành phố Lasha năm 2019, nhưng sau khi đọc về vùng đất huyền thoại nơi có tu viện Lạt Ma giáo trên dãy Côn Lôn, trong tiểu thuyết hư cấu của James Hilton (nhà văn Anh, viết năm 1933), tôi lại muốn đi Shangri La. Tôi muốn tận mắt nhìn thấy mảnh đất kỳ diệu này và hiểu được vì sao người ta lại đổi tên thành Shangri La cho vùng đất này. Vì vậy tôi đã tham gia một hành trình dài đi tàu cao tốc từ Mông Tự đến Đại Lý, rồi đi ô tô đến Shangri La 2 ngày, sau đó quay về Lệ Giang bằng ô tô và lại đi tàu cao tốc về Hà Khẩu trong 6 ngày.

Phía trước tu viện Tùng Tán Lâm trên cao

Trước khi vào thành phố Shangri La, chúng tôi dừng chân tại tòa Bạch Tháp, một tòa tháp trắng khổng lồ. Thật khó để có thể chụp được một bức ảnh đẹp với toàn cảnh Bạch Tháp.

Tòa Bạch Tháp cao 108 mét là tòa tháp cao nhất ở Shangri La

Bảo tháp bên ngoài Bạch Tháp cao 108 mét, được xây dựng trên khu đất rộng 4.900 mét vuông. Xung quanh Bạch Tháp là dãy nhà tu viện và hành lang treo cờ Lungta, cùng dãy kinh luân (bánh xe Mani – bánh xe cầu nguyện). Người Tạng nói chung, ở Tây Tạng hay ở Shangri La đều treo Lungta ở mọi nơi. Đây là những lá cờ cầu nguyện Tây Tạng với nhiều màu sắc khác nhau.

Dãy tu viện xung quanh Bạch Tháp

Lungta trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ngựa gió”. Người Tây Tạng tin rằng, biểu tượng của “ngựa gió” đại diện cho sự chuyển hóa từ điều ác thành điều thiện, những điều xui xẻo thành cơ hội may mắn. Cờ được làm bằng vải hình vuông hoặc hình chữ nhật, một số nơi tôi thấy có hình tam giác, màu trắng, xanh dương, vàng, xanh lá và đỏ.

Cờ Lungta và Kinh Luân nằm ở hành lang bao quanh chân Bạch Tháp

Bên trong tòa Bạch tháp lớn là một điện thờ trần rất cao và có một bảo tháp trắng nhỏ hơn cao 33 mét.

Tòa Bạch Tháp nhỏ bên trong điện thờ

Toàn bộ trần điện đều được vải màu bao bọc. Trên tường bên trong điện là những bức tranh Phật với những câu chuyện về Phật pháp và có lẽ là những bài kinh (tôi không biết chữ!). Tôi không biết nhiều lắm về Phật giáo nói chung và nhất là Phật giáo Tây Tạng, nên chỉ thấy những bức tranh Phật rất đẹp và cũng rất lạ.

Xung quanh Bạch Tháp nhỏ
Những bức tranh Phật trên tường sát trần
Bức tranh Phật trên tường
Có thể đây là các hiện thân của Phật
Đây là các Lạt Ma Tây Tạng

Chúng tôi gặp một đoàn học sinh đang lắng nghe thầy giảng giải và thực hành lễ trước bảo tháp nhỏ trong điện. Những bạn trẻ lắng nghe một cách thành kính.

Đoàn học sinh cùng thấy giáo đang hành lễ

Chúng tôi đi một vòng xung quanh Bạch Tháp nhỏ trong im lặng, ngắm thật lâu những bức tranh Phật trên tường và cảm nhận sự tĩnh lặng thư thái của bầu không khí bên trong điện. Bên trong điện còn lưu giữ rất nhiều kinh Phật, một số kỷ vật chắc của các vị Lạt Ma và còn có cả xá lị được để trong các tủ kính.

Phía sau của tòa Bạch Tháp

Phía bên ngoài Bạch Tháp, chúng tôi nhìn thấy cách đó không xa có một tu viện mới xây dựng. Có lẽ chính quyền Trung Quốc đã ủng hộ cho việc phát triển Phật giáo Tây Tạng ở những nơi có nhiều người Tạng sinh sống.

Một tu viện nhỏ cách Bạch Tháp không xa

Dọc đường đi chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tòa tháp như thế này, chỉ là rất nhỏ, có thể nằm trên một khu phố hay giữa cánh đồng rộng lớn. Có lẽ, văn hóa Tây Tạng và cuộc sống truyền thống của người Tạng có thể cảm nhận được nhiều hơn trên chặng đường đến gần Shangri La, chứ không phải là tại Shangri La.

Một Bạch Tháp nhỏ giữa đồng và bên cạnh có rất nhiều lá cờ Lungta bay trong gió
Tháp vàng này lại nằm giữa con đường nhỏ
Những bạch tháp như thế này có thể thấy ở khắp nơi
Tòa tháp này lại nằm trên một phố lớn

Shangri La là một thành phố nhỏ nằm ở khu vực Tây Bắc của tỉnh Vân Nam, thuộc châu tự trị Địch Khánh dân tộc Tạng, nằm trên cao nguyên 3.300m so với mực nước biển. Đây cũng là cửa ngõ để đi vào Tây Tạng và được mọi người gọi là Tiểu Tây Tạng. Trước đây nơi này được gọi là Trung Điện, từ năm 2001 đã đổi tên thành Shangri La. Việc đổi tên có lẽ bởi vì nơi này có nhiều nét giống với vùng đất Shangri La trong tác phẩm Chân trời đã mất của James Hilton. Shangri La là nơi sinh sống của rất nhiều người Tạng, nhưng có lẽ vẫn chỉ là thiểu số, vì người Hán đã đến và thay đổi Shangri La rất nhiều rồi.

Những ngôi nhàtrang trí theo truyền thống văn hóa dân tộc Tạng

Shangri La cũng giống như Lasha bây giờ đã rất hiện đại, không thể cho tôi một chút nào cảm giác như mong đợi, một nơi tĩnh lặng, huyền bí và linh thiêng. Nhưng công bằng mà nói, thành phố hiện đại hóa, giao thông đường xá tốt, đi lại thuận tiện, nhà cửa an toàn, sạch sẽ và cuộc sống của người dân tốt hơn là điều tốt cho mọi người. Mặc dù không thể giữ lại được tất cả, nhưng người Tạng vẫn giữ được nhiều giá trị cốt lõi về văn hóa và tôn giáo Tạng.

Đây là bệnh viên y học dân tộc, cũng được trang trí hoa văn như nhà người Tạng
Tòa nhà của cơ quan chính quyền địa phương
Một trụ sở hành chính

Nhiều đường phố rộng mấy làn xe ô tô nhưng khá vắng vẻ. Những tòa nhà cao tầng ở khắp thành phố, tuy nhiên những tầng dưới và mặt tiền vẫn được trang trí theo truyền thống văn hóa Tạng.

Đường phố hiện đại và văn minh
Những tòa nhà mới được xây dựng
Đâu đó vẫn còn có nét văn hóa Tạng

Đây là nhà hàng ăn trưa mà doàn chúng tôi đã dùng bữa ăn đầu tiên ở Shangri La, có kiến trúc truyền thống dân tộc Tạng từ ngoài cổng vào đến trong phòng ăn. Điều này thật tốt, bởi vì chúng tôi đang ở trên mảnh đất của người Tạng nên rất mong muốn được sống trong văn hóa của người Tạng. Tuy nhiên các món ăn phục vụ khách du lịch nên vẫn chủ yếu là món ăn của người Hán.

Cổng vào nhà hàng ăn trưa
Trang trí bên trong nhà hàng mang đậm nét văn hóa Tạng

Chúng tôi có hai ngày tại Shangri La. Ngày đầu buổi sáng là thời gian di chuyển và tham quan chung thành phố, buổi chiều chúng tôi đi thăm Vườn quốc gia Potatso (phiên âm tiếng Trung là Pudacuo – Phổ Đạt thổ), cách thành phố Shangri-La 22 km.

Cổng vào vườn quốc gia Potatso

Vườn quốc gia Potatso có diện tích 1313 km2, nằm trong khoảng độ cao từ 3.200 mét đến 4.159 mét so với mực nước biển. Đây là một khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn và chúng tôi chỉ đi tham quan một khu vực nhỏ thôi và trước đó vẫn phải di chuyển bằng xe điện.

Những con đường có lan can bằng nhựa giả gỗ, để hướng dẫn du khách đi theo lộ trình nhất định, vừa tránh bị lạc, vừa bảo vệ cảnh quan thiên nhiên

Vườn quốc gia Potatso là một phần quan trọng của di sản thiên nhiên thế giới “Ba con sông song song”, bao gồm khu Bảo tồn thiên nhiên Hồ Bita, Tam Giang Tịnh Lưu và làng văn hóa dân gian Xiajia. Công viên này được xây dựng vào năm 2007 với mục đích bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia và là công viên quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thiên nhiên của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Cảnh đẹp trong vườn quốc gia
Vào mùa thu cảnh ở đây sẽ rất khác bây giờ
Trong vườn quốc gia có 3 con sông, nhiều chỗ trông như hồ nước
Những cây hoa lê đang nở rộ

Vườn quốc gia không chỉ có cảnh vật thiên nhiên, mà còn có những khu di tích văn hóa tôn giáo của người dân bản địa. Chúng tôi đi giữa những lá cờ cầu nguyện và những tấm bùa cầu may, cầu hạnh phúc của nhiều người có cả người dân bản địa và khách du lịch. Họ có thể khác nhau về dân tộc, tôn giáo, văn hóa…nhưng họ có chung một niềm tin…

Những lời cầu nguyện được ghi trên những tấm gỗ nhỏ treo chật ở đây
Biết bao người đã cầu nguyện như thế này
Những lá cờ Lungta tồn tại qua năm tháng

Ngày hôm sau, buổi sáng chúng tôi đi thăm quần thể Đại Phật Tự, Đại Kinh Luân và phố Độc Khắc Tông, còn buổi chiều đi thăm tu viện Tùng Tán Lâm. Tôi sẽ viết về tu viện Tùng Tán Lâm trong một bài riêng.

Đại Phật tự là ngôi chùa lớn nằm trên một ngọn núi nhỏ ở giữa trung tâm quảng trường bên cạnh là Đại Kinh Luân. Khi chúng tôi đến, trên quảng trường trung tâm đang diễn ra một buổi lễ ra quân gì đó, rất đông nam nữ thanh niên trong bộ đồng phục và màu cờ đỏ cùng những biểu ngữ sặc sỡ, khiến cho khung cảnh dưới quảng trường không hợp với quần thể kiến trúc tôn giáo phía trên cao.

Đại Phật Tự, Đại Kinh Luân và chùa Độc Khắc Tông nhìn từ phía quảng trường

Đại Phật tự được xây dựng thời vua Khang Hy, nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ. Nhìn từ dưới lên phía chân chùa như một pháo đài kiên cố.

Đại Phật Tự nhìn từ dưới Quảng trường
Đền Độc Khắc Tông
Bức tượng kỷ niệm lễ công nhận Phật giáo Tây Tạng của chính quền đặt tại quảng trường trung tâm, cùng với nhiều bức tượng đồng khác đại diện cho lịch sử Shangri La
Thành phố Shangri La nhìn từ trên Đại Phật Tự. Đây là khu phố cổ còn giữ được khá nguyên vẹn văn hóa truyền thống của người Tạng

Đại Kinh Luân  – Bánh xe cầu nguyện, hay vòng quay Kinh Luân, nằm bên trái của đền thờ Độc Khắc Tông (Dukezong), là một bánh xe hình trụ, được làm từ kim loại, gỗ, đá, da thuộc hoặc sợi bông thô. Ở bên ngoài bánh xe là câu thần chú Om Mani Padme Hum được viết bằng ngôn ngữ Newari của Nepal. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, việc quay một bánh xe như vậy sẽ có nhiều tác dụng tương tự như việc đọc lời cầu nguyện bằng miệng. Tôi và nhiều người phải xếp hàng để có thể tham gia vào quay Bánh xe cầu nguyện.

Mọi người đang cùng nhau quay Đại Kinh Luân

Phía dưới chân Đại Phật tự là phố cổ Độc Khắc Tông (Dukezong) có trên 1.300 năm lịch sử, là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ truyền độc đáo của người Tạng. Tôi cũng sẽ dành một bài viết khác cho khu phố cổ này.

Cổng vào quảng trường trung tâm

Thật sự hai ngày là quá ngắn ngủi để có thể thực sự trải nghiệm Shangri La. Nhưng vì không biết tiếng Trung, nên tôi không thể tự đi tham quan được, mà theo đoàn thì thời gian rất hạn chế, cũng chỉ đủ để có được một “cái nhìn” và cảm nhận của riêng mình về một mảnh đất huyền thoại, nhưng có lẽ chỉ là trong quá khứ mà thôi.

You Might Also Like

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *