Đồng hồ thiên văn Praha (đồng hồ Con Gà), CH Séc

Tất cả khách du lịch đến Praha đều đặt chân tới quảng trường Con Gà và ai cũng mong muốn mình sẽ may mắn đến vào lúc chuông ngân và nhìn thấy các Vị Thánh hiện ra trên cửa sổ. Và tôi cũng vậy, đã ba lần đứng ngửa cổ chờ đợi rồi.

Đồng hồ thiên văn Praha – Orloj, là một chiếc đồng hồ thiên văn thời trung cổ được đặt tại bức tường phía nam của Tòa thị chính Thành Cổ ở Quảng trường Thành Cổ, Praha mà người Việt quen gọi là quảng trường Con Gà. Đồng hồ được lắp đặt lần đầu tiên vào năm 1410, là chiếc đồng hồ thiên văn lâu đời thứ ba trên thế giới và là chiếc đồng hồ cổ nhất còn hoạt động.

Đồng hồ Orloj có ba bộ phận chính. Đó là mặt đồng hồ thiên văn, tượng trưng cho vị trí của Mặt Trời và Mặt Trăng trên bầu trời và hiển thị các chi tiết thiên văn khác nhau. Thứ hai là “Bước chân của các vị Thánh” – sự xuất hiện của các vị Thánh và các tượng điêu khắc khác vào mỗi giờ và một mặt đồng hồ lịch với các hình ảnh đại diện cho các tháng.

Bộ phận cổ nhất của Orloj là đồng hồ cơ và mặt số thiên văn, bắt đầu hoạt động từ năm 1410 khi nó được người thợ đồng hồ Mikuláš của Kadaň và Jan Šindel chế tạo, với sự giúp đỡ của giáo sư toán học và thiên văn học tại Đại học Charles. Sau đó, có lẽ khoảng năm 1490, mặt số lịch được thêm vào và mặt tiền đồng hồ được trang trí với các tác phẩm điêu khắc.

Một truyền thuyết kể lại rằng, thợ sửa đồng hồ Hanuš đã bị chọc mù mắt theo lệnh của các Ủy viên Hội đồng Praha, để ông không thể lặp lại công việc của mình. Nhưng chính ông đã vô hiệu hóa đồng hồ và không ai có thể sửa chữa được nó trong cả trăm năm tiếp theo. Năm 1552, nó đã được Jan Taborský, thợ sửa đồng hồ bậc thầy của Klokotská Hora, sửa chữa. Đồng hồ đã ngừng hoạt động nhiều lần trong các thế kỷ sau năm 1552 và được sửa chữa nhiều lần.

Những bức tượng điêu khắc, tượng các vị Thánh, con gà trống Vàng gáy, tượng trưng cho cuộc sống, đã lần lượt được đặt thêm vào trong các năm 1787 và 1865. Đồng hồ Orloj bị thiệt hại nặng nề vào năm 1945, trong cuộc nổi dậy ở Praha và xe tăng của phát xít Đức đã bắn vào phía tây nam của Quảng trường thành cổ. Các tòa nhà gần đó bị đốt cháy cùng với các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ trên đồng hồ và mặt quay số của lịch. Sau những nỗ lực lớn, máy móc của đồng hồ đã được sửa chữa, các vị Thánh bằng gỗ được Vojtěch phục hồi và đồng hồ Orloj bắt đầu hoạt động trở lại vào năm 1948.

Lần cải tạo cuối cùng của đồng hồ thiên văn được thực hiện năm 2018, sau khi xây dựng lại Tháp cổ. Trong thời kỳ đổi mới, cơ chế đồng hồ điện hoạt động từ năm 1948 đã được thay thế bằng một cơ chế hoạt động ban đầu từ những năm 1860.

Có 12 vị Thánh là những người bảo hộ cho những người dân thuộc các ngành nghề lao động khác nhau. Nếu ai muốn tìm hiểu kỹ về các vị Thánh có thể đọc bài “Các vị Thánh trên đồng hồ Orloj, Praha”.

Bức tượng bán thân bằng đá của một thiên thần là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ nhất trên đồng hồ thiên văn. Bức tượng gốc đã bị hư hại năm 1945 và được thay thế bằng một bản sao.

Mặt đồng hồ thiên văn có nền đại diện cho Trái đất và bầu trời, vòng hoàng đạo, vòng xoay ngoài, biểu tượng tượng trưng cho Mặt trời và Mặt trăng. Vòng tròn màu xanh trực tiếp ở trung tâm đại diện cho Trái đất và màu xanh lam phía trên là phần của bầu trời nằm phía trên đường chân trời. Các khu vực màu đỏ và đen chỉ ra các phần của bầu trời bên dưới đường chân trời. Vào ban ngày, Mặt trời nằm trên phần màu xanh của nền và vào ban đêm, nó nằm trên màu đen. Trong buổi bình minh hoặc hoàng hôn, mặt trời cơ học được đặt trên phần màu đỏ của nền.

Các chữ số La Mã vàng ở rìa ngoài của vòng tròn màu xanh là thời gian của một ngày 24 giờ bình thường và biểu thị thời gian theo giờ địa phương Praha, hoặc giờ Trung Âu. Các đường vàng cong chia phần màu xanh của mặt số thành 12 phần là dấu hiệu cho “giờ” không đồng đều. Những giờ này được định nghĩa là 1/12 thời gian giữa mặt trời mọc và mặt trời lặn và thay đổi khi ngày dài hơn hoặc ngắn hơn trong năm.

Bốn bức tượng đặt hai bên đồng hồ chuyển động theo giờ và đại diện cho bốn đức tính bị coi thường tại thời điểm chế tạo đồng hồ. Từ trái sang phải đầu tiên là bức tượng gỗ người đàn ông luôn lắc đầu khi nhìn vào gương, biểu tượng cho sự phù phiếm của con người. Tiếp theo là một kẻ khốn khổ cầm một túi vàng, tượng trưng cho lòng tham hoặc cho vay nặng lãi. Bên kia đồng hồ là Tử thần có một chiếc đồng hồ cát, như một biểu tượng đo lường tuổi thọ, rung chuông và nhắc nhở rằng tất cả số phận đều không thể tránh khỏi. Đây là bức tượng cổ nhất trong trong số 4 bức, vì không bị cháy, đã có từ cuối thế kỷ XV. Cuối cùng, là bức tượng một người Thổ ôm đàn, đại diện cho dục vọng và thú vui trần thế. Ba bức tượng được làm lại sau Thế chiến II, vì bức tượng gốc đã bị thiêu cháy năm 1945.

Bức tượng Thiên thần Michael và ngọn giáo của ông được tạo ra năm 1787. Bên cạnh là bức tượng nhà triết học. Phía bên kia là tượng nhà thiên văn, một người gốc Praha, bên cạnh là người ghi chép sử với cây bút lông và giấy da. Ba bức tượng này mới làm sau Thế chiến II. Tấm lịch bên dưới đồng hồ đã được thay thế bằng một bản sao vào năm 1880. Bản gốc được lưu trữ trong Bảo tàng thành phố Prague.

Theo truyền thuyết địa phương, thành phố sẽ đau khổ nếu đồng hồ bị bỏ quên và hoạt động của nó bị đe dọa nguy hiểm; một con ma, được gắn trên đồng hồ sẽ gật đầu xác nhận và hy vọng duy nhất là có một cậu bé được sinh ra vào đêm giao thừa bước sang năm mới.

Có người biết, có người không biết, nhưng tất cả mọi người đến Praha đều háo hức có mặt tại quảng trường Con Gà và mong muốn một lần được nhìn mặt các vị Thánh!

You Might Also Like

One Reply to “Đồng hồ thiên văn Praha (đồng hồ Con Gà), CH Séc”

  1. Câu chuyện hay ? mình cũng muốn mọit lần được chiêm ngưỡng các vị thánh!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *